Lần đầu tiên giữ vai trò là giáo viên chủ nhiệm lớp có nhiều học sinh cá biệt, cô Lộc Thị Huyền - giáo viên trường THCS Lãng Ngâm, Ngân Sơn, Bắc Kạn - đã phải bật khóc ngay giữa lớp học.

Luôn coi trò là bạn

Năm 2007, sau khi tốt nghiệp khoa Toán – Tin, Trường CĐ Sư phạm Bắc Kạn, cô Huyền về nhận công tác tại Trường THCS Lãng Ngâm. Ngày đầu tiên đứng lớp truyền dạy kiến thức, cô Huyền đã phải bật khóc vì học sinh quá nghịch ngợm. Dù cô đã áp dụng nhiều cách từ các giáo viên đi trước truyền lại, như tỏ ra nghiêm khắc phê bình hay tảng lờ những tiếng trêu đùa, nhưng vẫn không đem lại kết quả. 

{keywords}

Bằng những cách thức nhẹ nhàng, cô giáo Huyền đã “cảm hóa” học trò trở thành những người bạn nhỏ của mình

Đó là “cú sốc” đầu tiên khi cô giáo trẻ sinh năm 1986 mới bước chân vào nghề. Cô Huyền chia sẻ: “Xác định đứng trên bục giảng thì sẽ có nhiều trường hợp giáo viên không lường trước được. Đôi khi, người thầy không thể áp đặt học sinh theo ý của mình. Nhưng đã theo nghề thì phải học cách nhẫn nhịn, không được đánh, không được quát mắng mà phải tìm cách làm bạn với học trò”.

Với những học sinh cá biệt, cô luôn thể hiện quan điểm “lạt mềm buộc chặt”, gần gũi để hiểu và để uốn nắn các em. Bằng những cách thức nhẹ nhàng như trò chuyện, nhắn tin, lắng nghe…, cô giáo Huyền đã “cảm hóa” những học sinh nghịch ngợm trở thành những người bạn nhỏ của mình.

Là một giáo viên trẻ, ngoài giờ lên lớp, cô Huyền còn tận dụng mạng xã hội để thầy trò gần gũi, thân thiện với nhau hơn. Cô cho rằng “Học sinh ít chia sẻ với bố mẹ và thầy cô nhưng lại dễ dàng bộc bạch suy nghĩ trên Facebook. Vì vậy, việc coi Facebook như một công cụ giáo dục sẽ giúp giáo viên nắm bắt kịp thời suy nghĩ, tâm lý học trò, từ đó khiến các em cởi mở, thân thiện hơn trong giao tiếp”.

Cô cũng nói thêm rằng giáo viên không nên cấm đoán học sinh hay để những sự việc đáng tiếc xảy ra rồi mới tìm cách xử lý, mà cần phải gần gũi để nắm bắt suy nghĩ và cùng các em tháo gỡ khúc mắc.

Nhờ phương pháp “tiếp cận” nhẹ nhàng mà hiệu quả, cô Huyền khiến học trò luôn “tâm phục, khẩu phục”. Cô Huyền đã rơi nước mắt cảm động vì trong giờ viết văn tả về cô giáo, các em đã viết về mình với những lời lẽ đầy yêu thương hay đơn giản là những lời chúc có phần nhí nhố nhưng dạt dào cảm xúc. 

“Món quà của học sinh nghèo cũng giản dị lắm! Đôi khi chỉ là một bông hoa mào gà hay đôi tất nhưng lại khiến tôi cảm thấy ấm áp vô cùng” – Cô Huyền bày tỏ.

Là ngôi trường thuộc vùng 135 vỏn vẹn 151 học sinh, với cô Huyền, để tất cả các em cởi mở trong giao tiếp là một bài toán khó. Học sinh của cô có những em dân tộc Mông, Dao rất ngại tiếp xúc, thậm chí không chịu làm bài khi cô giáo giao. 

“Với những học sinh này, tôi không áp đặt quá về điểm số để giúp các em có giờ học thoải mái. Tôi luôn để cho học sinh được nói và trao đổi với cô giáo như những người bạn. Tôi nghĩ khi giáo viên đặt trong vai trò là một người bạn sẽ khiến các em sẽ tin tưởng và chia sẻ với mình nhiều hơn” – cô Huyền chia sẻ.

Để những tiết học Tin trở nên gần gũi

Là giáo viên duy nhất giảng dạy môn Tin của trường, cô giáo Huyền nhớ lại những ngày đầu con em địa phương được tiếp cận với máy tính, internet. Đó đều là những cụm từ còn xa lạ lắm! Đối với đồng bào dân tộc, việc lo cái ăn đã khó nói gì đến những môn “xa hoa” như Tin học.

{keywords}

Để việc học trở nên gần gũi, một tuần có 2 tiết dạy, phần lớn thời gian cô Huyền để học sinh tự nghiên cứu lý thuyết và tìm hiểu ngay trên máy tính

Trong giờ thực hành, có những em học sinh không biết cách bật tắt máy. Nhiều khi cô hướng dẫn nhưng chỉ đến tiết học sau các em lại quên ngay. Cũng có nhiều em nhút nhát tới mức… không dám cầm con chuột. Vì vậy trong giờ thực hành, ngoài việc hướng dẫn, giảng dạy cho các trò thì cô phải tổ chức cho học sinh khá giỏi hỗ trợ các bạn còn nhút nhát để trao đổi, giúp đỡ lẫn nhau. 

Trường THCS Lãng Ngâm là một trong hai trường học đầu tiên của huyện Ngân Sơn được chọn để giảng dạy môn Tin học nên học sinh của cô Huyền vô cùng háo hức khám phá môn học mới lạ. Một mình phụ trách giảng dạy cả bốn khối lớp nên lịch làm việc của cô giáo trẻ luôn trải kín tuần. 

“Vai trò của tôi là người dẫn dắt để giúp các em tìm hiểu về thế giới kì diệu của môn học này, giúp các em khám phá và thấy được tác dụng của việc nâng cao trí tuệ, phát huy tính sáng tạo và giá trị của sự kết nối trong phạm vi toàn cầu. Tuy nhiên, đối với một huyện vùng cao, học sinh chủ yếu là con em đồng bào dân tộc thiểu số, chưa từng được tiếp cận với công nghệ thông tin nên việc tiếp thu môn học này cũng rất hạn chế” – cô Huyền chia sẻ.

Vì vậy, để việc học trở nên gần gũi, phần lớn thời gian cô Huyền để học sinh tự nghiên cứu lý thuyết và tìm hiểu ngay trên máy tính. Cô giáo sẽ là người quan sát và hỗ trợ. 

Trong năm học trước, số lượng máy tính của trường còn khá ít. Hầu hết máy có cấu hình thấp, nhiều máy hỏng nên các giờ thực hành cả cô và trò gặp không ít khó khăn. Mỗi lớp có hơn 30 em thì 4, 5 em phải dùng chung một máy khiến việc tiếp nhận không thực sự hiệu quả.

Nhờ có dự án Childfund, các nhà tài trợ đã đầu tư thêm 10 bộ máy tính cho trường nên giờ thực hành Tin học đã bớt đi phần nào khó khăn. 

Nhận xét về đồng nghiệp, cô Chu Thị Huệ, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Cô Huyền là một giáo viên trẻ, có năng lực chuyên môn tốt và luôn có trách nhiệm trong công việc. Trong công tác bồi dưỡng học sinh “Giải toán bằng máy tính cầm tay”, nhiều năm liền luôn thu về thành tích tốt với 20 giải cấp Huyện và 10 giải cấp Tỉnh. Đầu năm học 2016 – 2017, cô Huyền đã đạt giải nhất cuộc thi thiết kế bài giảng điện tử E - learning cấp huyện, cấp tỉnh. Những thành tích trên phần nào thể hiện sự đóng góp và nỗ lực của cô trong suốt những năm công tác tại trường”.

Tuy nhiên, với cô Huyền, chuyện “đem Tin học về bản” vẫn còn là một hành trình dài và đầy khó khăn. “Nếu giáo viên không ngừng nâng cao trình độ, người thiệt thòi nhất vẫn là các em học sinh” – cô Huyền chia sẻ.

Thúy Nga