- Hiện tượng điểm thi đầu vào các trường sư phạm giảm sút khiến nhiều người lo lắng. Có những trường phải “vơ bèo vạt tép” để tuyển sinh. Thực tế có phải chúng ta đang thừa giáo viên?
Lời toà soạn: VietNamNet vừa nhận được bài viết của độc giả Diệp Phương Chi, giảng viên Trường ĐH Sư phạm kĩ thuật TP.HCM, nghiên cứu sinh chuyên ngành Sư phạm nghề kĩ thuật, ĐH Kĩ thuật Dresden - CHLB Đức - phân tích xung quanh vấn đề thừa, thiếu giáo viên. Đồng thời, giới thiệu cách tuyển dụng và sử dung giáo viên ở Đức, như một tham chiếu cho Việt Nam. Toà soạn trân trọng giới thiệu bài viết.
Học sinh TP.HCM trong một giờ sinh hoạt tập thể. Ảnh: Đinh Quang Tuấn |
Nhà nước cần đảm bảo mỗi lớp học 20 học sinh
Hãy nhìn vào sĩ số học sinh của mỗi lớp học ở các trường phổ thông của Việt Nam nói chung: thường là từ 40 đến 50 học sinh.
Tỷ lệ giáo viên/học sinh (tính cho một lớp học thôi) đã là quá ít: 1/40 - 50. Chưa kể trong thực tế, mỗi giáo viên phổ thông phải dạy nhiều lớp.
Nguyên nhân cốt lõi khiến cho hiện tượng “thừa thầy” xảy ra chính là thiếu trường.
Chúng ta còn thiếu trường, thiếu cơ sở vật chất, thiếu lớp học để đảm bảo cho mỗi lớp học chỉ khoảng tối đa 20 học sinh.
Khi đó, sẽ cần ít nhất gấp đôi số lượng giáo viên.Và yêu cầu vô cùng bức thiết đặt ra là nếu Nhà nước thật sự thực hiện “giáo dục là quốc sách” thì việc đầu tiên là cần phải tập trung thêm ngân sách cho việc xây dựng thêm trường học, lớp học hướng đến mục tiêu “mỗi lớp học không quá 20 học sinh”.
Nói về chất lượng dạy học của giáo viên, làm sao chúng ta có thể đòi hỏi thầy cô Việt Nam phải áp dụng các phương pháp dạy học mới, tiên tiến của các nước phát triển trong bối cảnh lớp học của các nước đó sĩ số học sinh chỉ bằng phân nửa?
Bản chất của việc bỏ chấm điểm thường xuyên ở bậc tiểu học, thay vào đó là nhận xét, vốn là một đổi mới tiến bộ. Nhưng giáo viên làm sao có thể thực hiện tốt điều đó khi sĩ số lớp học quá đông, nhiều hồ sơ sổ sách “hình thức” khác bị yêu cầu thực hiện.
Tương tự, một khi sĩ số đông thì mô hình trường học mới VNEN vẫn sẽ tiếp tục không khả thi trong thực tế và còn gặp vô số những khó khăn, phản ứng. Tinh thần của mô hình VNEN là hướng tới học tập chủ động, giáo viên rút khỏi vai trò truyền giảng một chiều mà đóng vai trò là người tổ chức các hoạt động học tập, tư vấn, giúp đỡ để người học thông qua việc chủ động thực hiện các nhiệm vụ học tập (theo cá nhân hoặc theo nhóm, ưu tiên hình thức theo nhóm) mà tự chiếm lĩnh được kiến thức, kĩ năng cũng như phát triển các thái độ tích cực cần thiết.
Ảnh minh hoạ: Một lớp học ở Đức |
Con trai của tôi đang học tiểu học tại Đức, lớp của cháu chỉ có 20 học sinh, và giáo viên thậm chí hằng ngày còn viết thư trao đổi với phụ huynh về những gì cần chuẩn bị hoặc cần theo dõi theo tiến trình học để có thể hỗ trợ cháu tốt nhất trong quá trình học.
Các thư này thường xuyên được bỏ vào “Mappe” (là một dạng hồ sơ) được cháu mang về hằng ngày. Tôi chắc chắn nếu lớp học của các cô giáo Đức cũng từ 40 đến 50 học sinh, và cô phải đứng rất nhiều lớp, thì cô cũng không thể nào làm tốt việc gửi thư cho phụ huynh thường xuyên như vậy.
Do đó, việc xây dựng thêm trường học hướng tới chuẩn mỗi lớp học không quá 20 học sinh nên được xem là “điều kiện nền” để từng bước cải thiện phương pháp dạy học phổ thông.
Nhưng chắc chắn đó chưa phải là “điều kiện đủ”. Điều kiện đủ ở đây là cần phải nâng cao chất lượng của giáo viên phổ thông.
Nước Đức: Giảng viên ngắn hạn, giáo viên dài hạn
Trong quá trình học tập và nghiên cứu tại nước Đức, tôi thấy ở Đức, chỉ có giảng viên đại học là kí hợp đồng có thời hạn.
Họ quan niệm giảng viên đại học là những người phải đi đầu trong việc truyền bá kiến thức bậc cao, do đó phải thường xuyên học nâng cao trình độ, nâng cao học vị, và khi có học vị rồi thì cần tiếp tục vận dụng kiến thức và làm các công tác nghiên cứu để tiếp tục cải thiện năng lực, để đất nước không bị tụt hậu về tri thức và công nghệ.
Do đó, giảng viên là nghề có tính cạnh tranh và đào thải.
Còn giáo viên phổ thông và giáo viên dạy nghề tại Đức thì luôn luôn có hợp đồng dài hạn hoặc vô thời hạn. Vì họ quan niệm rằng những giáo viên này cần có sự gắn bó lâu dài với nhà trường, cần có thời gian để trau dồi kinh nghiệm, và khi đã có kinh nghiệm thì thành vốn quý để cống hiến.
Bên cạnh việc giữ ổn định cho giáo viên, cần kiểm soát chất lượng giáo viên phổ thông cũng như giáo viên dạy nghề bằng cách kiểm soát thật tốt đầu vào, đầu ra lẫn quá trình đào tạo giáo viên phổ thông và giáo viên dạy nghề.
Nước Đức đào tạo giáo viên như thế nào?
Người Đức xem giáo dục là công tác công ích mang tính “quốc sách”, thể hiện rất rõ qua các chính sách: đầu tư xây dựng trường học, mỗi khu vực địa phương đều có đầy đủ trường học đảm bảo mỗi lớp học không quá 20 học sinh, miễn phí giáo dục tất cả các cấp, đầu tư vào quá trình đào tạo giáo viên phổ thông và giáo viên dạy nghề, chế độ lương bổng tốt, nhà giáo sống được bằng nghề.
Quá trình đào tạo giáo viên phổ thông và giáo viên dạy nghề diễn ra rất khắt khe. Thí sinh nào muốn đăng kí vào đại học để sau này trở thành giáo viên dạy nghề, thì ở đầu vào, ngoài xét hồ sơ học bạ phổ thông, còn phải có chứng nhận một năm kinh nghiệm thực tế làm trong lĩnh vực nghề đó tại một công ty/ nhà máy.
Sau thời gian đào tạo từ 8 đến 10 học kì tại trường đại học (với rất nhiều block thực tập sư phạm tại các trường phổ thông và trường nghề và cả một học kì thực tập sư phạm tại trường phổ thông hoặc trường nghề), người học được tốt nghiệp đại học.
Tuy nhiên, để có thể chính thức được nhận vào làm giáo viên tại trường nghề hoặc các trường phổ thông tại Đức, người đã tốt nghiệp đại học còn phải tiếp tục học (thông thường là từ 3 đến 4 học kì) để lấy các “chứng chỉ quốc gia” (Stattsexamen), tương tự như bên nghề bác sĩ hoặc luật sư.
Khi đã trở thành giáo viên, họ lại tiếp tục thường xuyên phải tham gia vào các khoá bồi dưỡng đào tạo tiếp tục (Fortbildung).
Tôi có người bạn gái Đức tên là Julia quen từ thời học chương trình thạc sĩ giáo dục nghề quốc tế TVET tại Magdeburg, nay là giáo viên trường nghề tại Kiel – miền Bắc nước Đức.
Cô tỏ ra rất vừa ý và hài lòng về sự ổn định, đãi ngộ của nghề nghiệp (mức lương khởi điểm trung bình 3.000Euro/ tháng).
Trong khi đó, một anh bạn khác làm giảng viên đại học tại một thành phố bên Tây Đức, lại buồn phiền chia sẻ trên Facebook bài báo Đức viết về việc giảng viên đại học Đức than phiền về tính bấp bênh của nghề nghiệp giảng viên khi hợp đồng làm việc ngắn hạn và quá phụ thuộc vào quyền lực của giáo sư.
Hẳn nhiên, hệ thống giáo dục của nước Đức chắc sẽ còn phải tiếp tục có sự điều chỉnh để ngày càng trở nên hoàn thiện hơn với chính họ.
Trong bối cảnh nước ta còn đang có quá nhiều những bước đi thăm dò để gỡ rối các “vấn nạn giáo dục”, thì việc tham chiếu những kinh nghiệm đã thành công của Đức không bao giờ là việc thừa thãi.
Tất nhiên, trong điều kiện và bối cảnh của Việt Nam, chúng ta không thể học hỏi bắt chước rập khuôn các kinh nghiệm. Cái chúng ta cần học hỏi ở đây là tư duy và phương pháp. Họ không nâng cao chất lượng giáo viên phổ thông và giáo viên dạy nghề bằng cách “doạ mưu sinh” của người giáo viên, mà họ chú trọng kiếm soát đầu vào, đầu ra và quá trình đào tạo giáo viên, cũng như chú trọng việc bồi dưỡng tiếp tục cho giáo viên đang hành nghề. Bên cạnh đó, đảm bảo thu nhập để sống được bằng nghề cũng là một đòi hỏi xác đáng và bức thiết.
• Diệp Phương Chi