Điểm chuẩn sư phạm năm nay thấp không chỉ khiến “người người, nhà nhà” lo ngại, mà cũng làm cho những người trong nghề cảm thấy nặng lòng. VietNamNet nhận được bài viết của thầy giáo Nguyễn Thanh Truyền, Phòng GD-ĐT Đức Thọ, Hà Tĩnh, xin được giới thiệu với độc giả.
Mấy ngày qua, thỉnh thoảng thấy lướt qua màn hình lại thấy một dòng tin ai đó chia sẻ về nghề giáo, về điểm tuyển sinh ba môn mỗi khối vào các trường Sư phạm trên cả nước. Bao nhiêu sự "quan ngại" của biết bao người về cái ngành nghề mà dù ít dù nhiều ai cũng có dự phần...
Trong những lớp sóng tâm trạng ngược xuôi kia, lòng tôi cũng không khỏi suy tư.
Hôm trước, ngồi bên một chị đồng nghiệp, nhân nhắc đến cơn bão họp lớp hội khóa rôm rả nhộn nhịp hè vừa rồi, chị ấy thao thao kể về việc họp lớp sau 20 năm của "nhà chị". Giọng kể, ánh mắt sáng ngập niềm vui, dù sự kiệm họp lớp trôi qua cả tháng rồi. Định sớm chấm dứt câu chuyện dài trước khi người nói kịp "tuôn trào" cảm xúc không ngắt được, nhưng rồi mình lặng người nghe chị ấy nói về thầy chủ nhiệm, về lớp chị.
Ảnh minh họa (Nhân vật trong ảnh không phải nhân vật trong bài viết. Ảnh: Đinh Quang Tuấn) |
Chị nói thầy chủ nhiệm của chị rất giỏi, những giờ phút học thầy rất sướng, rất say. Thầy với học trò như là bè bạn trong sự sẻ chia hiểu biết. Thầy hăng say cởi mở luôn cùng học trò dắt nhau đi khám phá những chân trời trí tuệ và cảm xúc trong những áng văn chương, trong những câu chuyện lịch sử, nơi những vùng miền văn hóa kim cổ đông tây... Thầy trẻ trung lãng tử và luôn tỏa ngời thứ ánh sáng của sự uyên bác tài hoa. Thầy nắm rất rõ hoàn cảnh từng đứa học sinh trong lớp, cho đến tận bây giờ. Thầy sẵn sàng giúp đỡ, cưu mang bất cứ học sinh nào khi biết nó gặp khó khăn…
Chị kể với niềm cảm phục, tự hào. Tôi nghe, tôi hiểu cảm giác ấy. Và tôi tin, vì tôi cũng biết rõ về thầy của chị. Tôi hình dung được con người ấy của cái thời quá khứ hào hùng và hào hoa!
Chị đưa tôi xem những hình ảnh bạn bè lưu trong máy, hỏi xem có biết người này người kia không. tôi không biết. Chị nói, những người bạn ấy dạy Văn, xưa học giỏi lắm, giờ dạy ở nơi này nơi kia... Chợt thấy tiếc vì tôi biết chưa nhiều, có bao điều và bao người cần biết và nên biết.
Tôi hỏi chắc giờ họ dạy cũng tốt, vì họ từng là học trò thầy? Chị đồng nghiệp gật đầu. Lại kể về lớp. Cả cái lớp cấp 3 của chị ngày ấy có 43 bạn thì giờ có đến 40 bạn là giáo viên. Hầu hết các bạn dạy các môn Văn hoặc Sử, và đều dạy rất giỏi. Có người là giáo viên Mỹ thuật – cũng là một môn nghệ thuật đặc thù. Có 3 bạn làm báo ở Hà Nội, rất xông xáo, và tài.
Tôi nghe, từ ngỡ ngàng này đến ngạc nhiên khác. Một lớp học thú vị! Rồi tôi nghĩ đến người truyền cảm hứng. Tôi cũng từng học lớp Văn. Lớp Văn của tôi ngày trước cũng hội tụ nhiều bạn thích Văn nhưng cũng là chỗ trú ngụ của rất nhiều bạn không theo được các khối khác, giờ các bạn làm nhiều nghề khác nhau.
Lớp Văn của chị đồng nghiệp có thể có duyên hội tụ nhiều người có năng lực học Văn, nhưng có lẽ quan trọng hơn, họ được đánh thức, họ được chỉ dạy, được dẫn dắt, được truyền lửa bởi một người thầy luôn cháy bừng ngọt lửa của niềm đam mê văn chương, niềm hứng thú khám phá các giá trị văn hóa dễ bị lẩn khuất mà người thường ít thấy.
Đó là lớp học may mắn, may mắn gặp nhau và may mắn gặp thầy. Hay còn lý do nào khác? Có lẽ cái Tài và cái Tâm cùng nguồn nhiệt năng hiếm có của thầy đã trở thành thần tượng, thành trái tim Đan-kô, thành ngọn đuốc dẫn đường cho không chỉ một thế hệ học trò.
Thầy đã đánh thức ở học trò khát vọng dấn thân trên hành trình đi về phía cái Đẹp, biết thụ hưởng và khao khát góp phần tạo dựng cái Đẹp cho cuộc sống bằng lao động nghề nghiệp của mình.
Ảnh: Đinh Quang Tuấn |
Tôi cảm phục, và ao ước được nếm trải cảm giác hạnh phúc của người thầy ấy.
Tôi từng không ít lần có cảm giác hạnh phúc, nho nhỏ thôi. Hạnh phúc vì ánh mắt học trò sáng lên đồng cảm, sáng lên vì những khám phá thú vị khi thầy vừa dắt dẫn xa xa. Hạnh phúc vì những lời khích lệ của mình giúp các em hứng thú “nâng tầm” một bài kiểm tra đạt điểm cao trở thành một cái truyện đăng báo. Hạnh phúc khi nhận thấy trong những cư xử của những em học trò nhỏ với đời sống có vẻ đẹp nhân văn. Hạnh phúc khi học trò đã đi xa vẫn gửi về sẻ chia với thầy những cảm xúc vui buồn, những nhìn nhận chín chắn về cuộc đời muôn mặt…
Có khi tôi cũng đã có cảm giác hạnh phúc khi lứa học trò đầu tiên học mình ở cái trường cấp hai vùng đồi núi nghèo khó xa xôi, tìm được email rồi facebook thầy, nhắc mãi những kỷ niệm bạn bè rủ nhau đến bên cửa sổ lớp rình xem thầy dạy hay thi đậu học sinh giỏi được thầy tặng sách báo, rồi báo cho thầy biết em đang theo học nghề thầy.
Tôi đi Huế, thầy trò gặp nhau, mời học trò cùng gặp gỡ bạn bè nơi quán nhỏ trên đường Trịnh Công Sơn, nghe các em kể về những ngày kiến tập. Vui lắm thầy ạ, bọn em thấy yêu bọn trẻ và yêu nghề. Tôi hiểu những niềm vui trong sáng thần tiên ấy. Thế nên, tôi nén nỗi ái ngại để chia sẻ cảm xúc cùng học trò.
Rồi học trò cũng tốt nghiệp sư phạm… Em thì lấy chồng. Em lại vào xa tít miền Nam tìm cơ hội. Có em học sư phạm tiểu học nhưng nhìn facebook lại thấy đang quây quần với các bé mầm non. Rồi trên trang cá nhân của các em dần xuất hiện mỹ phẩm, thực phẩm, thời trang,… đủ loại. Các em năng động, điều ấy giúp các em cân bằng trong cuộc sống lắm nỗi chống chênh… Nhưng tôi buồn, nỗi buồn của người từng dạy các em, của người đang làm nghề giáo.
Có những dòng tin không đọc cũng hình dung được, như những tin tức về điểm vào sư phạm thấp kỷ lục, không hạ điểm thì trường sư phạm thiếu sinh viên…
Dù muốn hay không, trong lòng những người đã và đang làm nghề giáo cũng cứ như trào lên những lớp sóng.
Trong ngổn ngang thông tin, chợt thấy bài viết về một học sinh giỏi bỏ qua cơ hội vào những trường “hot” để theo sư phạm, nối nghiệp thầy mình… Nó như một niềm an ủi, một làn gió ấm giữa biết bao suy tư về nghề nghiệp thầm lặng ươm mầm, nâng niu những giá trị sống của con người. Bởi còn đó, niềm hạnh phúc và hy vọng…
Nguyễn Thanh Truyền (Phòng GD-ĐT Đức Thọ, Hà Tĩnh)