- Bộ GD-ĐT sắp quy định tiêu chuẩn, điều kiện, nội dung, hình thức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông công lập.

Muốn thăng hạng phải có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học

{keywords}
Ảnh minh hoạ (Ảnh: Tuệ Minh)

Theo một dự thảo được giới thiệu hồi giữa tháng 4, để thăng hạng  giáo viên phải dự thi 4 môn, gồm kiến thức chung, chuyên môn nghiệp vụ, ngoại ngữ, tin học. 

Trong đó, môn ngoại ngữ sẽ kiểm tra các kỹ năng đọc hiểu, viết ở trình độ ngoại ngữ tương đương với khung 6 bậc của Bộ GD-ĐT ban hành. 

Giáo viên muốn thi thăng từ hạng IV lên hạng III, hoặc từ hạng III lên hạng II phải thi môn ngoại ngữ trình độ bậc 2 (A2), thi thăng hạng II lên hạng I phải môn ngoại ngữ trình độ bậc 3 (B1).

Một số trường hợp đang làm việc ở vùng dân tộc thiểu số, đã có bằng đại học ngoại ngữ, có văn bằng chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế,v..v.. thì sẽ được miễn thi ngoại ngữ.

Cô Nguyễn Thị Mỹ Dung, giáo viên Toán ở Nghệ An cho biết, để được thăng hạng II lên hạng I đòi hỏi giáo viên phải làm bài thi tương đương trình độ ngoại ngữ bậc 3 (B1) tức là tương đương với yêu cầu tốt nghiệp thạc sĩ. Trong khi đó, chỉ những giáo viên học thạc sĩ trong ba năm trở lại đây mới có chứng chỉ ngoại ngữ còn những giáo viên đã học trước đó không có chứng chỉ, nay muốn được dự thi thăng hạng lại phải đi học ngoại ngữ.  

Mặt khác, quy định về ngoại ngữ cũng làm khó những giáo viên lớn tuổi. Tức là dù có chuyên môn tốt, nhưng muốn thi thăng hạng thì phải đi học ngoại ngữ, kể cả giáo viên dạy những môn không có nhu cầu sử dụng ngoại ngữ. 

“Chỉ riêng quy định ngoại ngữ đã làm “khó” giáo viên, nhưng cũng là kẽ hở trong việc quản lý chứng chỉ. Hiện nay, việc thi lấy chứng chỉ ngoại ngữ không khó.Nếu có chứng chỉ, chỉ để có là không nên, còn thi thật học thật thì rất khó” – cô Dung bày tỏ.

{keywords}
Ảnh minh hoạ (Ảnh: Tuệ Minh)

Cô Đặng Thị Thuỷ, giáo viên tiểu học ở Đồng Nai cho rằng, hiện tại cô đã ở hạng I nên không cần phải thi thăng hạng nữa nhưng theo quy định này nhiều giáo viên để được thăng hạng không dễ. 

“Chắc chắn nhiều giáo viên hiện nay sẽ không biết mình đang ở hạng nào để đăng ký thi thăng hạng nữa. Mỗi môn học sẽ có đặc thù riêng, nếu quy đồng tất cả giáo viên phải có thi ngoại ngữ, tin học rất khó. Đặc biệt ở một số môn những chứng chỉ này đó gần như không có tác dụng đối với công việc giảng dạy về chuyên môn - cô Thuỷ cho biết.

Thầy Phạm Thái Sơn, Trường THPT Việt Nhật, TP.HCM, cho rằng việc thăng hạng gắn liền với lương và thu nhập của giáo viên nên khá quan trọng với giáo viên. Tuy nhiên hiện nay nên để chất lượng giảng dạy và sự hài lòng của người học quyết định lương giáo viên hơn là một vài cuộc thi để hợp thức hoá chứng chỉ, bằng cấp.

“Nếu quy định này là tiêu chuẩn để sắp xếp vị trí việc làm thì rất khó khăn cho một số giáo viên lớn tuổi ở môn ngoại ngữ và tin học. Hơn nữa, vấn đề hiệu quả công việc và kinh nghiệm làm việc ở một số vị trí quan trọng hơn là bằng cấp”.

Thầy Sơn cho rằng, với chương trình phổ thông mới sắp tới, điều quan trọng là định danh vai trò của nhà giáo sẽ như thế nào? Xã hội cần gì ở các nhà giáo trong thời kỳ mới và việc đánh giá như thế này có phù hợp với yêu cầu của nội dung mới không?

“Hiện vẫn còn nhiều lăn tăn trong khâu giáo viên khi áp dụng chương trình mới nên cần có nghiên cứu kỹ lưỡng. Nếu giáo viên mới được đào tạo để giảng dạy chương trình mới thì sẽ xếp hạng như thế nào so với giáo viên cũ?".

Không có cơ hội cho giáo viên bình thường

Trước đó, Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phối hợp cùng Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức hội thảo lấy ý kiến đóng góp về quy định này. 

Theo một giáo viên tiểu học, muốn được xét thăng từ hạng III lên hạng II giáo viên phải thực hiện một trong những nhiệm vụ như tham gia biên soạn chương trình nhưng với một giáo viên dạy học thông thường thì cơ hội này rất hiếm. Còn việc tham gia ban giám khảo hội đồng thi giáo viên dạy giỏi thường là giáo viên chủ nhiệm hoặc giaó viên giỏi cấp huyện trở lên nên không đến lượt thầy cô. Riêng phần tiêu chuẩn năng lực chuyên môn nghiệp vụ, mỗi năm trường chỉ được mấy người nên giáo viên cũng khó có “suất”.

{keywords}
Ảnh minh hoạ (Ảnh: Tuệ Minh)

Một giáo viên mầm non ở huyện Bình Chánh cho rằng, các tiêu chuẩn, nhiệm vụ để được xét từ hạng III lên hạng II quá cao. Với đặc thù giáo viên mầm non để tham gia biên tập hoặc biên soạn nội dung tài liệu bồi dưỡng giáo viên từ cấp huyện trở lên hay làm ban giám khảo các hội thi mầm non cấp huyện trở lên chỉ có những thành viên cốt cán như ban giám mới được xét tham gia còn giáo viên bình thường rất khó.

Ông Trần Duy Tự, Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục cho biết, dự thảo quy định điều kiện, tiêu chuẩn, nội dung, hình thức thi/xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông công lập sẽ tác động  tới hơn 1,1 triệu giáo viên các trường công lập. Việc thăng hạng này không chỉ tạo điều kiện cho giáo viên nâng bậc lương mà còn là để khẳng định vị thế, thương hiệu của giáo viên và của nhà trường.

Lê Huyền