Việc triển khai dạy Toán và các môn khoa học bằng tiếng Anh trong trường phổ thông đang gặp nhiều trở ngại, đặc biệt do trình độ tiếng Anh của giáo viên còn hạn chế, thậm chí với áp lực đến ngay từ phía học sinh.

Đó là những vấn đề được đưa ra tại hội thảo “Đào tạo giáo viên dạy chuyên ngành bằng tiếng Anh trong xu thế hội nhập” do Trường ĐH Sư phạm Hà Nội tổ chức ngày 19/5.

{keywords}
Các đại biểu dự hội thảo

Theo ông Nguyễn Tô Chung, Phó Trưởng ban quản lý Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020, từ năm học 2011-2012, Bộ GD-ĐT và Ban quản lý Đề án đã chỉ đạo các trường THPT trong cả nước triển khai thí điểm dạy các môn Toán, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Tin học bằng tiếng Anh.

Đến nay, việc tổ chức dạy học thí điểm một số môn học bằng tiếng Anh đã bước đầu thực hiện tại một số trường THPT chuyên, trường THPT chất lượng. Bộ GD-ĐT cũng đã triển khai đào tạo đội ngũ giáo viên phổ thông dạy môn Toán và các môn khoa học tự nhiên bằng tiếng Anh.

Tuy nhiên, ông Chung cho hay, thực tế vẫn còn nhiều bất cập như từ phía năng lực của giảng viên, sinh viên, chính sách đối với giảng viên, giáo viên và môi trường dạy và học để áp dụng hình thức này.

Nhu cầu nhiều nhưng nhân lực không đáp ứng

PGS. TS Nguyễn Văn Trào (Phó hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) nêu thực trạng hầu hết giáo viên phổ thông, đặc biệt là giáo viên chuyên ngành thì việc sử dụng tiếng Anh hết sức khó khăn.

“Đội ngũ giáo viên phổ thông hầu hết không có khả năng giảng dạy cho học sinh chương trình bộ môn đó bằng tiếng Anh. Một lượng lớn giáo viên phổ thông không có khả năng sử dụng tiếng Anh trong việc đọc và tham khảo các tài liệu chuyên môn nê không nâng cao chất lượng giảng dạy” - ông Trào nói.

Trong những năm gần đây, đã có nhiều trường quốc tế được lập ra ở Việt Nam. Vì thế nhu cầu tuyển dụng giáo viên dạy các môn chuyên môn bằng tiếng Anh ngày càng lớn. Tuy nhiên, thực tế là hệ thống các trường ĐH sư phạm lại không đào tạo được nguồn nhân lực đáp ứng được nhu cầu đó.

Ông Chử Xuân Dũng, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết thực trạng đó hiện hữu ngay ở Thủ đô. Giáo viên đạt trình độ B2 về tiếng Anh nhưng còn lúng túng, chưa đủ các từ chuyên ngành để trình bày bài giảng môn Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học bằng tiếng Anh. 

{keywords}

Ông Nguyễn Văn Trào

“Trong khi đó, tại các trường chuyên hay các trường chất lượng cao, đặc biệt ở Hà Nội thì khả năng của học sinh rất khá. Đây là áp lực lớn nhưng sẽ là động lực giúp các giáo viên phải tự hoàn thiện, nâng cao mình hơn” - ông Dũng nói.

Ông Vũ Xuân Hòa, (Trưởng phòng Giáo dục trung học, Sở GD-ĐT Lạng Sơn) nêu thực tế “Thầy cô dạy được tiếng Anh thì không có chuyên môn các môn khoa học tự nhiên. Và ngược lại, các thầy cô có chuyên môn thì hạn chế về ngoại ngữ. Cách giải quyết chúng tôi đưa ra là hai giáo viên sẽ kết hợp để dạy một giờ”.

Còn ở Khánh Hòa, theo một trưởng phòng giáo dục, tỉnh chỉ mới bắt đầu triển khai môn Toán và bắt đầu thí điểm cho các lớp chuyên khác ở trường THPT chuyên Lê Quý Đôn với thời lượng 1 tiết/ tuần, nhưng giáo viên nguồn gần như không có.

“Chúng tôi đã lấy giáo viên dạy chuyên toán cho đi học bồi dưỡng rồi về dạy. Nhưng để đứng trên lớp mà nói giảng nhuẫn nhuyễn thì rất khó”.

Đồng quan điểm, đại diện sở GDĐT Quảng Ninh thẳng thắn: “Cần phải nhìn nhận sinh viên sư phạm vốn được đào tạo chuyên môn bằng tiếng Anh, nhưng tiếng Anh lại không bằng những người khác. Học sinh chúng tôi học cũng thấy băn khoăn”.

Nhiều đại diện các khoa của Trường ĐH Sư phạm cũng thừa nhận những khó khăn chung trong quá trình đào tạo. Bên cạnh đó, hầu hết các bài giảng là do giảng viên tự chuẩn bị, biên soạn, tham khảo từ các sách, giáo trình nước ngoài nên mất khá nhiều công sức, thời gian trong khi kinh phí cho việc này là không đủ.

Về phía sinh viên, trình độ tiếng Anh chưa đồng đều, dẫn đến hiện tượng một số sinh viên không bắt kịp bài giảng, không tự tin và chủ động trong giờ học.

Cần cơ chế hỗ trợ cả giáo viên và sinh viên sư phạm

Hầu hết các đại biểu đều cho rằng cần có cơ chế hỗ trợ giáo viên dạy chuyên ngành bằng tiếng Anh bởi khối lượng công việc không nhỏ, cùng với đó là quy định chuẩn tiếng Anh đầu vào của sinh viên.

{keywords}

Ông Chử Xuân Dũng

GS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng “Cần phải xem xét kinh phí cho các thầy cô bởi để chuẩn bị một giờ lên lớp rất vất vả. Với sinh viên thì môi trường để thực tập là rất khó khăn, bởi chỉ có một số ít trường sử dụng hình thức giảng dạy tiếng Anh trực tiếp là các trường quốc tế hoặc có hệ thống quốc tế”.

Ông Chử Xuân Dũng cho biết, hiện nhu cầu giáo viên dạy chuyên ngành bằng tiếng Anh rất lớn, không chỉ ở trường công lập mà cả các trường tư thục. Phần lớn các nhà trường đều có hợp đồng, mời giáo viên từ các nước bạn.

“Hiện nay để mời một giáo viên nước ngoài để dạy chương trình quốc tế Tú tài Anh A-Level của Cambridge thì mức phí phải trả khoảng 8.000 USD/tháng. Do đó, nếu sinh viên chúng ta được đào tạo kỹ lưỡng, bài bản thì sẽ là một hướng mở ra rất tốt”.

Ông Nguyễn Văn Trào, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, đề xuất: “Chuẩn đầu vào các sinh viên phải thông thạo ở mức A2 để có thể nghe được, học được những chương trình tiếng Anh. Sau 1,2 năm sẽ hoán đổi, những em ở lớp cử nhân sư phạm dạy bằng tiếng Anh không đáp ứng được chuyên môn hoặc tiếng Anh thì bị đào thải. Ngược lại, sinh viên của hệ khác nếu chuyên môn và trình độ tiếng Anh có thể đáp ứng được có thể theo học giai đoạn 2.

Chuẩn tiếng Anh đầu ra tối thiểu sẽ là B2. Khi vào các em phải cam kết hết học kỳ đầu tiên phải đạt được một chuẩn tiếng Anh nào đầy thì mới có quyền học tiếp kỳ 2. Nếu không các em phải tự giải quyết bài toán tiếng Anh đó hoặc phải chuyển sang các lớp không sử dụng tiếng Anh.

Ngoài việc thực tập trong nước, hướng tới việc tạo điều kiện cho các em thực tập ở nước ngoài, sàng lọc những đối tượng khá giỏi để có những ưu tiên”.

Bắt đầu từ năm 2013, chương trình đào tạo giáo viên dạy Toán bằng tiếng Anh đã chính thức được Trường ĐH Sư phạm Hà Nội vận hành. Sau đó một năm, chương trình đào tạo giáo viên dạy Vật lí, Hóa học, Sinh học, Công nghệ Thông tin bằng tiếng Anh cũng được triển khai. Đến nay, lứa sinh viên đầu tiên của chương trình đào tạo dạy Toán học bằng tiếng Anh đã chuẩn bị ra trường. Kết quả thực tập ban đầu của các em khá tích cực từ những phản hồi của các trường phổ thông.

Thanh Hùng