- Số liệu khảo sát của Bộ GD-ĐT tại Hà Nội và Hải Dương cho thấy học sinh đang có nhiều vấn đề về sức khoẻ tâm thần.
Hội thảo quốc tế về “Đào tạo chuyên gia tham vấn học đường trong Cách mạng công nghiệp 4.0” do Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội) tổ chức ngày 23/4 dẫn các số liệu khảo sát mẫu tại 2 địa phương trên: Khoảng 80% học sinh có những vướng mắc cần chia sẻ và mong muốn có một khoảng không gian riêng tư ở trong trường để nói ra và tìm giải pháp cho những vấn đề của bản thân.
Nghiên cứu dịch tễ trên 7 tỉnh phía Bắc của cán bộ Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội) cũng cho thấy khoảng 20% các em học sinh có tổn thương sức khỏe tâm thần tới mức phải can thiệp trị liệu.
Thực trạng xã hội cho thấy, cần phải tập trung chăm sóc đời sống và sức khỏe tâm thần cho học sinh, sinh viên để giảm thiểu những khó khăn tâm lý, phát huy tối đa tiềm năng của người học.
Chính vì vậy, hơn bao giờ hết, các dịch vụ Tham vấn hướng nghiệp, Tham vấn khủng hoảng học đường, Tham vấn sức khỏe tâm thần trường học đang trở thành nhu cầu cấp bách của xã hội.
Ông Bùi Văn Linh, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên (Bộ GD-ĐT). Ảnh: Thanh Hùng. |
TS Bùi Văn Linh, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên (Bộ GD-ĐT) cho biết, về quy mô, tính sơ bộ có khoảng 14.000 trường THCS, THPT trên cả nước, mỗi trường khoảng 5 người, thì khoảng 70.000 giáo viên tư vấn tâm lý cần được bồi dưỡng trong 2-3 năm tới.
Ông Linh cho biết quan điểm của Bộ về công tác tư vấn tâm lý là yêu cầu ít nhất 90% các trường trung học, trung cấp, cao đẳng, đại học thành lập bộ phận tư vấn để hỗ trợ học sinh-sinh viên.
“Theo quy định tại Thông tư 31 hướng dẫn thực hiện công tác tư vấn tâm lý cho học sinh trong trường phổ thông, mỗi nhà trường sẽ có một tổ tư vấn tâm lý cho học sinh, do hiệu trưởng hoặc ít nhất là một hiệu phó làm tổ trưởng, các thành viên tùy theo điều kiện, khả năng, năng lực có số lượng khoảng từ 3-7 người; và tất cả giáo viên tham gia đều phải có chứng chỉ bồi dưỡng về công tác tư vấn tâm lý. Trong thời gian còn lại của năm 2018 có thể linh động tạo điều kiện cho các thầy cô còn sau này thì tất cả những thầy cô tham gia đều phải được đào tạo chuẩn hóa theo chương trình bồi dưỡng và cấp chứng chỉ”.
Ông Linh cho rằng, sức khỏe thể chất, tinh thần của học sinh, sinh viên cần phải đặc biệt được quan tâm, bởi trước sức ép cuộc sống, giới trẻ hiện nay đang đối mặt với rất nhiều thách thức. Nếu không được tư vấn, xử lý kịp thời có thể gây ra hậu quả, nhẹ thì buồn chán, học kém, có thể có hành vi bạo lực học đường, nặng thì trầm cảm, nghĩ đến tự tử…
“Chúng ta phải rút kinh nghiệm và cố gắng không rơi vào “vết xe đổ” của Hàn Quốc và Nhật Bản khi giới trẻ bị trầm cảm nhiều, có tỷ lệ tự tử rất cao. Học sinh, sinh viên đang phải chịu sức ép thành tích do bố mẹ mang lại, từ các tác động từ xã hội, trong khi kỹ năng sống, kỹ năng xử lý vấn đề còn yếu,…”, ông Linh nói.
Tuy nhiên, một hạn chế lớn trong thực tiễn triển khai công tác tham vấn, tư vấn học đường hiện nay chính là nguồn nhân lực có đủ trình độ và kỹ năng. Hiện, hầu hết các nhà trường chưa có cán bộ chuyên trách làm công tác tham vấn tâm lý.
Ông Nguyễn Đức Huy, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho biết, đội ngũ làm công tác tham vấn tâm lý trong nhà trường chủ yếu là giảng viên một số chuyên ngành như Luật, Tâm lý, Ngữ văn, Giáo dục công dân; một số khác là giáo viên dạy Lịch sử và Địa lí hay cán bộ chuyên trách tại các phòng ban như phòng Công tác học sinh sinh viên, Đoàn thanh niên, Hội sinh viên.
“Mặc dù hàng năm, đội ngũ cán bộ kiêm nhiệm công tác tham vấn tâm lý đều được tập huấn nâng cao trình độ nhưng nội dung tài liệu tập huấn còn chưa chuẩn hóa, cán bộ tập huấn không phải là chuyên gia tham vấn học đường có nhiều kinh nghiệm thực tế, làm hạn chế năng lực tư vấn của đội ngũ này”, ông Huy nói.
TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa các khoa học giáo dục, Trường ĐH Giáo dục - ĐHQG Hà Nội thì cho rằng cần phải cân nhắc cẩn thận khi lựa chọn giáo viên đảm nhận vị trí tham vấn tại các trường phổ thông. “Tôi cho rằng không thể chọn giáo viên ở bất cứ môn học nào vào làm công tác tham vấn tâm lí học đường. Vì ở vị trí chuyên viên tâm lí học đường ngoài cần phải có những kĩ năng, làm việc theo những nguyên tắc đặc biệt, họ còn phải có vị trí hơi độc lập hơn so với đội ngũ giáo viên và lãnh đạo của trường. Bởi như vậy mới có thể bảo vệ được quyền lợi cũng như tạo sự tin tưởng cho các bên liên quan như học sinh hay giáo viên có thể chia sẻ những câu chuyện thực sự đằng sau đó”, ông Nam chia sẻ.
TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa các khoa học giáo dục, Trường ĐH Giáo dục- ĐHQG Hà Nội. Ảnh: Thanh Hùng. |
Theo ông Nam, trước tác động thời đại của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 buộc chúng ta phải nghĩ đến những mô hình tham vấn tâm lí sử dụng những tiến bộ công nghệ kĩ thuật, ứng dụng công nghệ cao.
“Ví dụ như việc tham vấn trực tuyến, khóa học dạy kĩ năng trực tuyến, sử dụng các phần mềm để kết nối tham vấn trên mạng xã hội... Một chuyên gia có thể ngồi ở bất cứ đâu để có thể tư vấn và xử lí khủng hoảng cho một trường hợp ở bất cứ nơi nào”, ông Nam nói.
Tuy nhiên, cùng với đó, các chuyên viên tham vấn sẽ phải suy nghĩ nhiều hơn đến cơ chế bảo mật thông tin hoặc đảm bảo quyền lợi của người tham gia công tác tham vấn.
Ông Bùi Văn Linh cho biết, hiện Bộ GD-ĐT đã giao cho Viện Khoa học giáo dục Việt Nam xây dựng chương trình bồi dưỡng giáo viên tư vấn tâm lý. Sau khi Bộ trưởng phê duyệt chương trình bồi dưỡng tư vấn tâm lý thì (như Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, Trường ĐH Sư phạm TP HCM, Trường ĐH Giáo dục,…) sẽ nộp hồ sơ để được thẩm định và giao thẩm quyền được phép đào tạo.
Theo đó, 100% giáo viên tham gia tham vấn học đường sẽ được bồi dưỡng chương trình chuẩn do Bộ GD-ĐT qui định. các cơ sở giáo dục đào tạo được giao trách nhiệm đào tạo, bồi dưỡng giáo viên tư vấn tâm lý đăng ký hồ sơ để tham gia bồi dưỡng, cấp chứng chỉ theo chương trình do Bộ qui định thì mới được phép đào tạo.
Cùng đó, Bộ GD-ĐT cũng đang xây dựng Thông tư quy định bộ quy tắc ứng xử trong nhà trường, một trong những giải pháp hỗ trợ tâm lý giáo viên và học sinh.
Thanh Hùng
Áp lực học hành, nam sinh nhảy lầu tự tử để lại thư tuyệt mệnh
Theo cơ quan chức năng, trước khi tự tử, nam sinh có để lại bức thử tuyệt mệnh với nội dung áp lực về học tập từ gia đình.
Nữ sinh lớp 11 tự tử vì bị phát tán clip hôn bạn trai
Trước khi tìm đến cái chết, nữ sinh lớp 11 viết thư để lại với lời nhắn nhủ xin lỗi bố mẹ.
Hiệu trưởng Trường Nguyễn Khuyến: "Học sinh tự tử đạt 8,9 điểm"
Hiệu trưởng Trường THCS - THPT Nguyễn Khuyến, TP.HCM lên tiếng việc học sinh nhảy lầu tự tử vì áp lực học tập.
Trường dọa đưa đến công an, nữ sinh uống thuốc diệt cỏ tự tử?
Nữ sinh lớp 8 ở Bà Rịa - Vũng Tàu được đánh giá ngoan hiền, chăm chỉ đột nhiên uống thuốc diệt cỏ tự tử khiến gia đình và người thân bất ngờ.
Nam sinh lớp 11 tự tử vì bị giữ xe vi phạm an toàn giao thông
Nam sinh đã uống thuốc chuột tự tử vì cho bạn mượn xe, sau đó bạn bị CSGT giữ xe do vi phạm an toàn giao thông
Học sinh lớp 9 tự tử: Sao lại phủ nhận sạch trơn điểm số?
Từ thông tin một cháu bé nhảy lầu tự tử vì bị điểm 3 môn Anh văn, quan niệm phủ nhận yếu tố điểm số trong học tập lại dấy lên, thậm chí còn cho rằng "điểm số đã làm chúng ta tiến hóa ngược"?