- Nghị định 88/2017 ban hành ngày 27/7 sửa đổi điều 26, 27 của Nghị định 56/2015 để giảm quy định về sáng kiến trong đánh giá viên chức hàng năm khiến nhiều người tưởng rằng từ trước tới nay, giáo viên phải viết nhiều sáng kiến là tại Nghị định số 56. 

Thực ra, với giáo viên, năm nào cũng phải nộp sáng kiến không phải tại quy định ở Nghị định 56 mà chính là do bệnh thành tích với phong trào 100% giáo viên viết sáng kiến từ xưa để lại.

Chưa có Nghị định 56, toàn bộ giáo viên đã phải viết sáng kiến kinh nghiệm

Không biết từ bao giờ, câu nói “100% giáo viên viết và áp dụng sáng kiến kinh nghiệm” luôn có trong sổ kế hoạch của các hiệu trưởng. 

Rồi câu khẩu hiệu đó tràn sang có mặt ở khắp các loại sổ sách của tổ chuyên môn, Đoàn Thanh niên, Công đoàn… 

Chỉ tiêu 100% giáo viên viết sáng kiến đã thành quen thuộc để rồi ngay từ đầu năm học, các thầy cô giáo đã phải đăng kí ngay một tên đề tài. 

Cái tên đề tài đó các thầy cô phải suy nghĩ sao cho có tính thực tế. 

{keywords}
Ảnh minh họa

Tính thực tế ở đây là nếu không viết được thì liên hệ huyện nọ tỉnh kia để xin cho có. 

Vậy là khẩu hiệu 100% giáo viên viết và áp dụng sáng kiến kinh nghiệm đã tạo ra một sự đối phó từ bao năm nay, chứ không phải do quy định hoàn thành nhiệm vụ đã phải có sáng kiến của Nghị định 56/2015. 

Nói cách khác, bao năm nay, các thầy cô giáo khốn khổ vì sáng kiến là do bệnh thành tích trong giáo dục.

Từ năm 2015, Nghị định 56 ra đời thì sao?

Nghị định 56/2015/CP-NĐ ra đời ngày 9/6/2015 quy định về đánh giá công chức, viên chức hàng năm. 

Theo Nghị định này, viên chức thiếu sáng kiến sẽ không hoàn thành nhiệm vụ. 

Tuy nhiên, chỉ có người lao động các ngành nghề khác quan tâm chứ lực lượng giáo viên không mấy để ý tới nghị định này vì bao năm nay họ vẫn phải viết (hoặc xin) sáng kiến để nộp. 

Cuối năm học, các nhà giáo chỉ biết viết phiếu viên chức tự đánh giá để nộp là long. 

Nhiều giáo viên không hề biết tờ phiếu tự đánh giá viên chức kia rất cần tiêu chí sáng kiến và họ cứ nghĩ rằng việc họ phải bắt buộc có một sáng kiến là do phong trào viết và áp dụng sáng kiến của ngành giáo dục. 

Nói chung, tiêu chí sáng kiến trong quy định đánh giá viên chức không làm các thầy cô khổ tâm vì nghĩa vụ của họ là mỗi năm có một sáng kiến để hưởng ứng phong trào viết sáng kiến đơn vị đề ra.

Nghị định 88/2017 ra đời, sáng kiến với nhà giáo sẽ ra sao?

Nghị định số 88 của Chính phủ ban hành ngày 27/7 quy định chỉ có viên chức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mới cần đáp ứng tiêu chí sáng kiến. 

Từ ngày Nghị định 88 ra đời, nhiều người vui mừng giáo viên được gỡ vòng kim cô sáng kiến. 

Thực ra, đây chỉ là hành lang pháp lí để các nhà trường không ép tất cả giáo viên viết sáng kiến. 

Việc này tương đối khó vì tất cả phụ thuộc vào nhận thức của hiệu trưởng.

Nếu khẩu hiệu “100% giáo viên viết và áp dụng sáng kiến kinh nghiệm” vẫn còn nguyên giá trị trong tư duy của hiệu trưởng và lãnh đạo ngành thì giáo viên không thể không có sáng kiến.

Mặt khác, trong lĩnh vực thi đua khen thưởng, ngày 31/7 vừa qua, chính phủ đã ban hành Nghị định 91/2017/CP-NĐ với Điều 9 quy định danh hiệu Chiến sĩ thi đua các cấp đều phải đáp ứng tiêu chí sáng kiến. Vậy là về lĩnh vực thi đua của nhà giáo, sáng kiến vẫn là vô giá.

Áp lực sáng kiến nặng hay nhẹ phụ thuộc tư duy của lãnh đạo ngành và hiệu trưởng

Như trên đã phân tích, vấn đề sáng kiến đặt ra thành gánh nặng với nhà giáo không phải tại quy định về đánh giá viên chức của Nghị định 56 trong hơn 2 năm qua mà từ xưa tới nay, áp lực sáng kiến là tại phong trào và bệnh thành tích trong giáo dục. 

Nghị định số 88 của Chính phủ ra đời ngày 31/7 vừa qua đã bớt nỗi lo sáng kiến cho viên chức nói chung nhưng chắc chưa thể gỡ đi gánh nặng sáng kiến cho nhà giáo vì tư duy của chúng ta vẫn rất nặng về thành tích, trong đó có thành tích về số lượng sáng kiến được công nhận hàng năm của các nhà trường.

Mặt khác, số lượng sáng kiến được công nhận trong năm học của một nhà trường lại ảnh hưởng đến việc bình xét danh hiệu thi đua của tập thể nhà trường và chính cá nhân lãnh đạo trường học. 

Không dễ gì các hiệu trưởng bỏ qua phong trào “100% giáo viên viết và áp dụng sáng kiến kinh nghiệm”.

Do vậy, áp lực sáng kiến giảm hay không, giáo viên có thoát sáng kiến hay không lại còn phụ thuộc tư duy cứng hay mềm của các lãnh đạo giáo dục địa phương và nhất là hiệu trưởng. 

Nếu hiệu trưởng nào có tư duy mềm, họ sẽ chỉ yêu cầu giáo viên nào đăng kí danh hiệu chiến sĩ thi đua viết sáng kiến. 

Nếu lãnh đạo nào bệnh thành tích chưa hết, họ vẫn hô hào “100% giáo viên viết và áp dụng sáng kiến”. Khi đó, áp lực sáng kiến với giáo viên không giảm.

Nhà giáo Tùng Sơn