- Tại hội nghị triển khai công tác chuẩn bị các điều kiện để áp dụng chương trình, SGK mới do Sở GD-ĐT Hà Nội tổ chức đầu tiên trên cả nước ngày 20/1, nhiều lo ngại về đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất đã được các đại biểu chỉ ra.
TS Chử Xuân Dũng, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội chủ trì hội nghị. Ảnh: Thanh Hùng. |
Lúng túng dạy tích hợp liên môn
Hầu hết các đại biểu nhìn nhận vai trò của giáo viên và cơ sở vật chất là yếu tố then chốt cho việc triển khai áp dụng chương trình phổ thông mới được thành công. Song các đại biểu cho hay còn rất nhiều vấn đề nội tại ở 2 thành tố này, ngay cả với Thủ đô Hà Nội.
Ông Lê Hồng Vũ, Trưởng phòng GD-ĐT quận Tây Hồ nêu lên băn khoăn về việc dạy học tích hợp liên môn: “Để chuẩn bị, chúng tôi đã tổ chức những tiết dạy mẫu, tìm ra những thầy cô dạy tiết mẫu, nhưng quả thật vẫn rất lúng túng. Khái niệm thế nào là tích hợp liên môn, chúng tôi rất băn khoăn”.
Đồng quan điểm, ông Đoàn Công Thạo, Hiệu trưởng Trường THCS Giảng Võ (quận Ba Đình) cho hay điều ông lo ngại là nguồn nhân lực liệu đã đáp ứng được yêu cầu thực sự. “Để dạy được tích hợp, quận Ba Đình cũng đã chuẩn bị, tổ chức ở nhiều trường. Trường tôi cũng tham gia các hoạt động tích hợp như các câu lạc bộ STEM,…
Nhưng băn khoăn của chúng tôi là về nguồn nhân lực. Chúng ta muốn giáo viên không phải “dạy trái tay” nhưng với dạy học tích hợp với thực tế đội ngũ giáo viên hiện nay thì thử hỏi đã đáp ứng được thật chưa?
Tôi nghĩ thật không đơn giản. Như bản thân tôi là giáo viên dạy Vật lý nhưng không đơn giản là vào dạy được cả kiến thức Hóa học và Sinh học", ông Thạo nói.
Hiệu trưởng các THPT Đan Phượng, Trường THCS An Khánh (huyện Hoài Đức) cho hay điều nhà trường quan tâm nhất là chất lượng đội ngũ giáo viên. Cùng đó là điều kiện hiện tại vẫn chưa đảm bảo để có thể đáp ứng đòi hỏi cho triển khai chương trình mới.
Qua đó, kiến nghị các cấp cần đẩy nhanh quá trình đào tạo đội ngũ giáo viên, quản lý để đáp ứng được chương trình một cách nhanh nhất.
Ngay hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức ở quận nội thành như Hoàn Kiếm cũng chia sẻ: “Về cơ sở vật chất, chúng tôi rất mong sự đầu tư của TP và Sở GD-ĐT phải có kế hoạch để đáp ứng các phương tiện cho các môn học, có tính đồng bộ hơn,
Những lần triển khai trước, chúng ta cũng thấy, khi bước vào dạy rồi chúng ta mới làm và có các thiết bị dạy học, như vậy vừa không đồng bộ dẫn đến ảnh hưởng chất lượng dạy học”.
Ngoài ra, vị này cũng nhấn mạnh cần có kế hoạch, dự trù định hướng đào tạo, bồi dưỡng để khi chương trình triển khai thì giáo viên có thể bắt nhịp được.
Các đại biểu tham dự Hội nghị triển khai công tác chuẩn bị các điều kiện để áp dụng chương trình, SGK mới do Sở GD-ĐT Hà Nội tổ chức ngày 20/1. Ảnh: Thanh Hùng. |
Sĩ số lớp học trở ngại đổi mới giáo dục
Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hải Bối (huyện Đông Anh) cho rằng sĩ số lớp học là trở ngại của việc thực hiện đổi mới chương trình và cần có biện pháp giải quyết.
“Để thực hiện được chương trình phổ thông mới, thì quy mô lớp tiểu học cao nhất 35 học sinh, nhưng huyện Đông Anh nói riêng và nhiều quận, huyện của Hà Nội nói chung hiện đang quá tải. Đó thực sự là khó khăn để chúng tôi có thể đổi mới giáo dục".
Đồng quan điểm, bà Phan Kim Anh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nam Thành Công: “Cơ sở vật chất và thiết bị dạy học hiện nhà trường phải rất cố gắng để đáp ứng bởi sĩ số chung của các lớp học ở Hà Nội hiện nay đang rất đông”.
Vị này cho rằng, trong chương trình tập huấn, bồi dưỡng giáo viên cũng cần bám sâu về vấn đề trải nghiệm thực hành của học sinh. “Bởi đây là việc liên quan đến kinh phí hoạt động”.
Do đó, đại diện các phòng giáo dục, nhà trường Mong triển khai sớm và tích cực việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên để đáp ứng, thực hiện được chương trình đổi mới giáo dục.
GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình phổ thông mới cho rằng, các giáo viên không quá lo ngại bởi những năm gần đây, nắm bắt xu hướng thế giới nên Bộ GD-ĐT đã giới thiệu những chương trình đến với các thầy cô, do đó phần nào đã được làm quen.
“Tôi đi dự giờ các cấp ở phổ thông thì thấy tiểu học đổi mới phương pháp tốt nhất, thậm chí bây giờ vào không còn nhận ra các trường tiểu học trước đây. Đến THCS, lớp 6, 7 đổi mới phương pháp tương đối tốt nhưng đến lớp 8,9 không nhiều đổi mới nữa rồi. Còn cấp THPT thì gần như không đổi mới. Nguyên nhân không phải các thầy cô ở cấp trên kém hơn ở cấp dưới mà vì áp lực của kỳ thi. Thi như giờ đây chỉ hỏi về kiến thức, kỹ năng giải bài tập thì thầy cô phải tranh thủ thời gian để cung cấp cho học sinh mình càng nhiều kiến thức, càng nhiều kỹ năng giải bài tập càng tốt. Học sinh cũng phải tranh thủ rèn luyện. Mình phải đối phó kỳ thi nên thầy cô khó đổi mới”.
GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình phổ thông mới. Ảnh: Thanh Hùng. |
Lớp học sẽ bố trí theo hình thức làm việc nhóm
GS Thuyết bày tỏ lo ngại: “Hà Nội lo nhất là thiếu đất, thiếu kinh phí để xây dựng, nên có những trường chỉ dạy được 5 buổi/tuần. Tôi mong lãnh đạo các cấp quan tâm để chấm dứt việc học sinh học 5 buổi/tuần, dạy học 6 buổi/tuần thì sẽ thực hiện được đầy đủ chương trình trừ những môn tự chọn,
Thứ hai là cần làm sao để sĩ số lớp đúng quy định của Bộ GD-ĐT với tiểu học là 35 em/lớp trở xuống, THCS và THPT 45 em trở xuống. Còn mỗi lớp 50 học sinh, thậm chí là 60 thì thầy cô làm sao đổi mới phương pháp được. Khó bố trí cho học sinh ra ngoài hay tham quan bảo tàng,… bởi mắt trước mắt sau chỉ lo quản học sinh va vào xe cộ,… đã hết”.
Theo GS Thuyết, với chương trình mới, lớp học cũng cần được bố trí theo hình thức làm việc nhóm chứ không bố trí kiểu dàn hàng ngang như hiện nay.
Bồi dưỡng giáo viên theo lộ trình cụ thể
Ông Hoàng Đức Minh, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD-ĐT) cho hay Bộ GD-ĐT đã có kế hoạch chi tiết để bồi dưỡng giáo viên.
Thứ nhất sẽ thực hiện bồi dưỡng giáo viên theo chương trình phổ thông mới, dự kiến thời lượng khoảng 8 ngày, đều cho các môn và các cấp.
Đầu tiên, bồi dưỡng giáo viên cốt cán theo hình thức tập trung để làm nòng cốt trong quá trình bồi dưỡng đại trà giáo viên.
Bồi dưỡng giáo viên cốt cán theo lộ trình mỗi môn ở mỗi cấp là 2 giáo viên cho một tỉnh, nhân lên với 63 tỉnh/thành phố: (2 giáo viên/môn) x (tổng số môn/cấp) x 63 tỉnh/thành phố.
Các giáo viên cốt cán này phải chọn để đi hết các cấp học và được bồi dưỡng trước khi bồi dưỡng giáo viên đại trà và dự kiến bồi dưỡng vào quý 2 năm học 2019- 2020.
Bồi dưỡng đại trà chủ yếu qua mạng, kết hợp bồi dưỡng tại chỗ thông qua các bài giảng trên mạng.
Các giáo viên sẽ được bồi dưỡng để đảm bảo dạy đầy đủ chương trình các môn học tích hợp.
Thứ ba là bồi dưỡng chuẩn nghề nghiệp, đối với giáo viên cốt cán tập trung 8 ngày.
Việc bồi dưỡng đại trà giáo viên và cán bộ quản lý về chuẩn nghề nghiệp theo phương thức tập trung kết hợp với qua mạng (sử dụng 120 tiết bồi dưỡng thường xuyên hằng năm).
Về kinh phí, Bộ GD-ĐT sẽ hỗ trợ bồi dưỡng vòng đại trà lớp đầu tiên. Các lớp bồi dưỡng khác sau đó, địa phương phải lo kể cả vòng 1 hoặc vòng sau, hoặc chính các giáo viên cốt cán quay trở lại hỗ trợ bồi dưỡng vòng sau về mặt công nghệ hoặc bài giảng.
Thanh Hùng