9h sáng, lớp 3I bắt đầu giờ học Tiếng Anh. Sĩ số lớp là 16, nhưng hôm ấy vắng 2 em, còn 14.
Cô giáo chủ nhiệm lớp nói tiếng Anh rất chuẩn, nhưng môn English thì do một giáo viên khác phụ trách.
Giáo viên Tiếng Anh vào lớp, học sinh chào "Good morning". Cô chào lại, rồi viết lên bảng những câu hỏi thăm trong bài cũ.
- How are you?
- I'm fine.
I'm OK.
Not so good.
(Những biểu tượng cảm xúc được cô giáo vẽ kèm theo câu nói).
Cô và trò trong một trò chơi học tiếng Anh. |
Giáo viên cho học sinh hỏi nhau tên tiếng Anh "What's your name?", sau đó là "How are you?". Có bé quên tên tiếng Anh của mình, cô hỏi cả lớp xem bạn nào biết, rồi nhắc cho bé lặp lại. Học sinh nào phát âm chưa đúng hay không nhớ bài, cô sửa từng chữ, luôn vui vẻ, kiên nhẫn và dịu dàng.
Một bé trai nghịch thước nhiều lần, giáo viên chủ nhiệm khi ấy xuất hiện, nhắc nó cất thước vào hộc bàn. À, nhân nói về bàn học sinh, cần tả một chút. Mỗi bé ngồi một bàn cá nhân, có thể dễ dàng di chuyển. Thỉnh thoảng giáo viên muốn xếp chỗ theo ý mình, thì vào sớm, đặt mảnh giấy ghi tên từng học sinh lên bàn. Các giáo viên dạy ngoại ngữ thường thích đổi chỗ học sinh mỗi ngày, để các em thực hành với cả lớp. Mặt bàn đóng vai trò như nắp của hộc tủ, có thể lật lên được. Măt dưới "nắp tủ" dán thời khóa biểu.
Sau khi ôn bài cũ, cả lớp học bài mới: màu sắc. Giáo viên dùng máy chiếu lần lượt cho hiện những từ chỉ màu sắc tiếng Anh và nghĩa bằng tiếng Phần Lan. Cô đọc mẫu, học sinh đọc theo, mỗi từ vài lần.
Học sinh chỉ đọc thôi, không ghi chép gì cả. Tiết học hôm ấy, các bé học 10 từ chỉ màu sắc là: black, yellow, pink, white, purple, brown, red, blue, orange và green.
Cô hỏi: What is your favourite colour? (Em thích màu gì?)
Mỗi học sinh lần lượt trả lời.
Cô cho cả lớp chơi trò chơi: cô gọi tên một màu sắc bằng tiếng Anh, mỗi học sinh phải tìm ra màu ấy trong lớp và chạm tay vào đó. Trò chơi khiến cả lớp chạy vòng vòng, náo động và vui vẻ.
Tiếp theo là một trò chơi nữa, lần này do giáo viên chủ nhiệm điều khiển. Cả lớp ngồi thành vòng tròn, cô bày ở giữa những vật có màu sắc khác nhau. Những "đạo cụ" ấy rất đơn giản, có sẵn trong lớp như: viết màu, phấn, thước, kẹp giấy... Lần lượt từng em đi ra khỏi lớp khoảng 1 phút, những em còn lại sẽ chọn một màu là "thuốc độc" (poison). Khi trở vào, em đó sẽ nhặt từng vật trong vòng tròn, cho đến khi trúng màu được chọn thì mọi người sẽ hô "poison". Mỗi lần học sinh nhặt một vật dụng lên, cả lớp sẽ cùng đọc tên màu sắc tương ứng bằng tiếng Anh.
Các em chơi khoảng 15 phút, ai cũng có cơ hội đoán và "trúng độc" rồi thì giáo viên cho ngưng.
Học sinh về chỗ ngồi của mình, cô giáo phát cho mỗi em một con voi bằng giấy có in từ chỉ màu sắc bằng tiếng Anh. Các em sẽ theo từ đó mà tô màu cho con voi của mình. Chẳng bao lâu đã có một bầy voi sặc sỡ, voi xanh lá, voi cam, voi đỏ đọ vòi cùng voi nâu voi tím...
Cô giáo chủ nhiệm quay lại dặn dò đôi điều rồi cho các em ra chơi. Nhưng tiết này cô không cho ra đồng loạt mà gọi tên màu sắc. Ví dụ cô đọc "Black" thì học sinh nào có mặc màu đen trên người mới được ra chơi. Chỉ là một thay đổi nhỏ nhưng không khí sôi động hẳn, bé nào cũng hồi hộp và thấy mình đặc biệt vì cô chú ý quần áo của mình.
Vậy là hết một tiết Tiếng Anh, học sinh chỉ học 10 từ chỉ màu sắc và ôn bài cũ. Tuyệt đối không ghi chép một chữ, các em đều nhớ bài ngay tại lớp. Và trò chơi chiếm 2/3 thời lượng tiết học.
Tuệ Nhật (Du học sinh Phần Lan, trích từ "Phần Lan 100 - Lửa trời đuôi cáo")