Nhìn học trò vượt rừng, vượt suối gần nửa ngày đến trường trong khó nhọc, thầy Đặng Văn Cương (Hiệu trưởng trường Tiểu học Sơn Ba, huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi) thương cảm trước sự khó khăn, thiếu thốn của các em nên đã vận động phụ huynh cho các em đến trường ở nội trú.

Rồi, không chỉ đi vận động các tổ chức, cá nhân ủng hộ vật chất để cho các em được cơm no, áo ấm, thầy Cương còn tự bỏ tiền ra lo cho các em. Đặc biệt, thầy còn tận tay chăm sóc miếng ăn, giấc ngủ cho một học sinh được xem là tí hon nhất Việt Nam. Chuyện về thầy Cương giống như một câu chuyện cổ tích đẹp giữa đời thường…

1. Câu chuyện về những việc làm tốt đẹp của thầy giáo Đặng Văn Cương đã thôi thúc chúng tôi vượt rừng núi đến với Trường Tiểu học Sơn Ba.

Khi chúng tôi đến, thầy Cương đang hướng dẫn cậu học trò tí hon Đinh Văn K'Rể, người dân tộc Hrê, học sinh lớp 1B viết chữ. Thầy Cương dạy K'Rể tập viết Như hiểu được ánh mắt dò hỏi của chúng tôi, thầy cười hiền, nói:

"Đây là học trò tí hon nhất của trường, tuy đã 9 tuổi nhưng chỉ cao 56cm và nặng chưa tới 4kg. Cháu ở nội trú tại trường và ở cùng với tôi, mọi sinh hoạt hằng ngày của cháu đều do tôi lo liệu. Tôi xem cháu như con của mình vậy".

Hướng dẫn học trò Đinh Văn K'Rể

Thật vậy, con đường để cậu học sinh đặc biệt này đến với trường lớp ghi đậm dấu ấn của thầy Cương.

Năm 2016, trong một lần đi vận động học sinh đến trường lớp ở thôn Gò Da, thầy Cương phát hiện ra trường hợp K'Rể. Nhìn thân hình bé tẹo teo, những bước đi khó nhọc của cậu bé tí hon đã đến tuổi đi học nhưng không được đến trường, thầy Cương thương cảm và dành cả ngày thuyết phục gia đình để được đưa cậu bé về trường, với lời hứa sẽ tận tay chăm sóc, dạy dỗ cháu. Sự kiên trì đưa học trò đến lớp của thầy Cương cuối cùng cũng được gia đình đồng ý. Sáng hôm sau, một mình thầy vượt đường rừng suối trong 5 giờ đồng hồ để đưa K'Rể về trường.

Từ ngày đi học, mọi sinh hoạt của K'Rể từ ăn, uống, tắm, đi vệ sinh... đều do một tay thầy Cương cáng đáng. Sau một năm học, từ đứa trẻ nhút nhát khi còn ở với bố mẹ, bây giờ K'Rể rất hiếu động. Cậu học trò này bắt đầu nói được những tiếng ghép đơn giản, cầm bút viết nguệch ngoạc được những chữ cái. Ngoài giờ học, K'Rể vui đùa cùng các bạn, biết đá bóng, biết nhổ cỏ rau…

Từ ngày nhận K'Rể về trường đến nay, thầy Cương vừa làm quản lý chỉ đạo chuyên môn, tổ chức đời sống nội trú cho các em học sinh xa nhà, lại vừa phải chăm sóc một "đứa con" không cùng máu mủ.

Đứa con đó không may mắc hội chứng Seckel hay còn gọi là "người lùn, đầu chim" - một hội chứng cực kỳ hiếm gặp trên thế giới, mà theo các chuyên gia, ở Việt Nam mới chỉ phát hiện 8 trường hợp và hiện chưa có thuốc chữa. Đây được coi là bệnh di truyền gen lặn trên nhiễm sắc thể số 3 và số 18.

Bây giờ, ở xã Sơn Ba, nhắc tới cậu học trò tí hon thì người dân biết đến thầy Cương và nhắc về thầy hiệu trưởng này thì họ cũng nghĩ ngay đến K'Rể. Bởi, hai thầy trò đã quá nổi tiếng ở rẻo cao Sơn Ba này.

2. Vậy nhưng, không phải từ ngày nhận cậu học trò đặc biệt này về trường lớp, thầy Cương mới được người dân biết đến, mà từ lâu chuyện về người thầy này đã được người dân nơi đây ví như một câu chuyện cổ tích đẹp giữa đời thường.

Với bản tính của một anh bộ đội xuất ngũ, thầy Cương luôn nói đi đôi với làm, nêu cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu nhà trường. Chân chất, mộc mạc, cởi mở, thầy được tập thể giáo viên, học sinh và cả phụ huynh ủng hộ bằng chính sự khâm phục, tự giác. Vì thế trước những khó khăn thì cả đơn vị đều đồng lòng vượt qua, xây dựng môi trường học tập kỷ cương, tình thương, trách nhiệm.

Là hiệu trưởng nhà trường, ngày ngày chứng kiến học trò của mình ở thôn Gò Da phải đi 5 giờ đồng hồ qua 1 con sông Re mênh mông nước, 11 ngọn núi, 9 con suối nhỏ đến lớp với tấm áo mỏng manh, chân trần lấm bẩn đã thôi thúc thầy phải làm một điều gì đó để bù đắp cho các em.

Thầy Cương xác định phải đưa các em xuống núi học nội trú tại trường, nếu cứ để các em đi học mỗi ngày thì các em sẽ bỏ học giữa chừng. Nghĩ là làm, đầu năm học 2009, thầy Cương đề xuất với lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện Sơn Hà đưa các em về ở nội trú tại trường.

Tuy nhiên, lãnh đạo Phòng GD&ĐT lo ngại việc đưa các em về trường mà không có chỗ ở, không có chế độ gì thì làm sao nuôi nổi.

Nhưng thầy Cương và các thầy cô trong trường quyết tâm nên cũng được chấp thuận. Sau đó, thầy Cương trực tiếp đến thôn Gò Da để đưa học sinh ra lớp, cho các em ở nội trú tại trường. Để thuyết phục phụ huynh, thầy hứa với họ sẽ nuôi các em với điều kiện bằng hoặc hơn ở nhà. Ban đầu còn nghi ngại, nhưng nhờ sự nhiệt thành của các thầy giáo, cô giáo, cuối cùng cha mẹ các em cũng đồng ý để các em theo thầy ra lớp.

Vận động được học sinh ra lớp đã khó, nhưng đứng trước việc phải lo chỗ ăn, chỗ ở cho gần 40 học sinh đối với một trường tiểu học vùng cao là điều không tưởng. Ngay sau khi đưa học sinh Gò Da về trường ở nội trú, các thầy cô xếp dọn 3 phòng ở, vốn là phòng giáo viên cho các em tá túc. Cũng từ ngày đó, sau giờ dạy trên lớp, các thầy đến các thôn xin cây gỗ về đục đẽo làm nhà ăn, rồi cùng nhau đóng bàn ghế. Bàn tay thầy giáo quen cầm phấn, cầm bút giờ lại cầm cưa, cầm đục,…

Trường có 32 giáo viên, trong đó 12 thầy cô ở miền xuôi lên công tác không thể đi về trong ngày cho nên phải ở nội trú. Những thầy cô này cáng đáng luôn phần việc nấu ăn, chăm sóc các học sinh nội trú.

Nhớ lại những ngày đầu đưa các em về trường, thầy Cương bảo:

"Khi các em mới về trường, chúng tôi không nhận được khoản trợ cấp nào nên tôi lấy tiền lương của mình lo cho các em. Tôi động viên các thầy cô giáo trong trường cùng tôi nuôi học trò, bằng mọi giá không để học trò về lại làng. Nếu lúc đó chúng tôi bỏ cuộc, các em về lại bản thì sẽ không bao giờ phụ huynh tin chúng tôi nữa. Như vậy đồng nghĩa với việc các em sẽ xa trường, xa lớp mãi mãi. Nghĩ tới điều đó, chúng tôi càng quyết tâm hơn".

Biết các em không thể có bữa cơm đầy đủ từ đồng lương của mình nên thầy Cương ra Huyện ủy, UBND huyện Sơn Hà xin hỗ trợ tiền; đồng thời vận động khắp nơi xin gạo, dầu ăn, mắm, muối nuôi các em.

Ròng rã nhiều tháng trời vận động, rồi những thùng mỳ tôm, những bao gạo, những thùng quần áo cũ từ miền xuôi lần lượt được chuyển lên cho các em.

Đầu năm học 2011, qua nhịp cầu nối của những người có tấm lòng với học sinh Trường Tiểu học Sơn Ba, một doanh nhân ở Hà Nội đã xây tặng các em 3 căn phòng ở có công trình phụ khép kín, nhà ăn để các em có chỗ ăn ở tươm tất hơn.

Sau đó, Phòng GD&ĐT Sơn Hà đã trang bị cho mỗi em một chiếc giường tầng tươm tất. "Hiện nay trường có 430 học sinh, trong đó 279 em được hưởng chế độ bán trú; 37 học sinh nội trú ở thôn Gò Da. Chúng tôi cắt cử, phân công giáo viên nấu ăn cho học sinh. Bản thân tôi cũng ở nội trú nên việc chăm sóc cho các em thuận tiện hơn", thầy Cương cho biết.

Thầy Cương dạy học cho học sinh thôn Gò Da ở nội trú :

Năm 2013, thầy Cương thiết kế mô hình vườn rau trong trường học để cung cấp thực phẩm sạch tại chỗ cho các em. Vườn rau của trường rộng chừng 500m2 nằm ngay sau dãy nhà ở, xanh um đủ loại rau cải, rau muống, xà lách, đậu ve... Phía bên hông dãy nhà nội trú còn có đến gần trăm con gà, vịt.

"Bữa ăn bán trú của các em không ngày nào thiếu rau sạch. Mỗi suất ăn của các em đều cố định nhưng thay vì mua rau, chúng tôi lại dùng số tiền đó để mua thêm thịt cá", thầy Cương chia sẻ.

3. Suốt mấy mươi năm cống hiến cho giáo dục vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, thầy Cương vẫn không nguôi ngọn lửa yêu nghề, nhiệt tâm cống hiến cho giáo dục vùng khó. Bởi vậy mà thầy nghẹn lòng khi nói về những kỷ niệm buồn vui với học trò vùng cao, về những tâm sự sâu kín với đồng nghiệp, về những nỗi niềm cuộc sống gia đình, riêng tư.

Ở đời, thật hạnh phúc khi bản thân làm được những điều mà trái tim mình mách bảo. Bởi vậy khi nói về nghề của mình, thầy Cương tâm sự: "Nghề giáo đã cho tôi niềm vui, cho tôi lẽ sống và các em học sinh là động lực, là cảm hứng cho tôi trong công việc mỗi ngày".

Ông Đinh Xuân Dũng - Chủ tịch UBND xã Sơn Ba, cho biết: "Những hình ảnh về các thầy cô giáo ở Trường Tiểu học Sơn Ba, đặc biệt là thầy Hiệu trưởng Đặng Văn Cương đã tình nguyện nuôi nấng, dạy dỗ các em học sinh thôn Gò Da, trong đó có cậu học trò tí hon Đinh Văn K'Rể đã khiến tôi thực sự xúc động. Đó mới là lòng tốt không vụ lợi, đó mới thực sự là tấm lòng đáng trân trọng. Thầy Cương đã trở thành một câu chuyện đẹp về một nhà giáo tận tụy, một người thầy hết lòng vì học trò vùng cao nơi này mỗi khi được nhắc tới".

Theo Phan Nhuận Phin An ninh Thế giới