- Hội tụ cùng nhau sau hàng loạt sự cố bạo hành học đường, các thầy cô giáo, các nhà quản lý ngành giáo dục....đã có dịp bày tỏ, mổ xẻ và thẳng thắn "bắt" bệnh để xác định đường hướng cho giải pháp căn cơ. Đó là tinh thần của buổi tọa đàm về áp lực giáo viên được Bộ trưởng Giáo dục ví như "hội nghị Bình Than" diễn ra tại Trường ĐH Sư phạm Hà Nội ngày 14/12. 

>> Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Sẽ đẩy mạnh dân chủ trong trường học

>> 5 điều phụ huynh phải tự soi lại mình

"Giáo viên chúng tôi cũng còn gia đình, chồng con"

Cô Đỗ Thị Mai, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Dịch Vọng B (Hà Nội) cho hay, một giáo viên tiểu học, một ngày đến trường 7 tiết và soạn 7 giáo án.

Ngoài dạy học, giáo viên còn phải chăm sóc học sinh kể cả bữa ăn bán trú. Tính ra, thời gian phải ở trường từ 7h30 và rời trường muộn nhất cũng phải 17h.

Mỗi gia đình hiện nay chỉ có 2 con nên 1 học sinh khi đến trường sẽ có 6 người để ý là bố mẹ và ông bà nội ngoại 2 bên.

{keywords}
Cô Đỗ Thị Mai, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Dịch Vọng B (Hà Nội). Ảnh:Thanh Hùng

“Chúng tôi rất hạnh phúc khi chứng kiến ngày đầu cả gia đình cùng đưa trẻ đến trường. Nhưng khi có việc gì, chúng tôi cũng phải chịu áp lực gấp 6 lần. Tôi đã nhiều lần trực tiếp giải quyết các vụ việc. Ví dụ học sinh nghịch quá mức, cô chỉ véo tai, không may cháu bị viêm tai giữa đọng lại một chút ráy tai ở trong, gia đình đi chụp chiếu và tôi đã phải giải quyết cả với ông bà nội và bố mẹ bé. Ông bà cũng là những vị làm trong tòa án tối cao", cô Mai kể.

Theo cô Mai, có những sự việc "rất nhỏ" nhưng phụ huynh ngay lập tức  đã chia sẻ lên mạng, tạo thêm áp lực cho giáo viên.

“Có những học sinh được nuông chiều và quá bao bọc, khi có vấn đề gì ở lớp ngay lập tức về mách bố mẹ. Từ thông tin một chiều, phụ huynh đã phản ứng và có thể phản ánh thẳng lên các cấp lãnh đạo”.

Bà Mai còn kể "trăm thứ bà rằn" khác của nghề giáo như: Phải soạn, chấm bài và thậm chí đón sớm, trông muộn học sinh. 

"Có những phụ huynh đi làm sớm lại mang con đến cổng trường từ 6h30. Và nếu không may học sinh có xảy ra chuyện gì thì trách nhiệm đó lại thuộc về nhà trường. Họ không nghĩ giáo viên chúng tôi cũng còn gia đình, chồng con. Đó cũng là áp lực lớn với chúng tôi”.

Cô Nguyễn Thị Thu Anh - Hiệu trưởng Trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành nói rằng áp lực còn đến từ việc phụ huynh  đưa ra rất nhiều yêu cầu.

"Nhưng chúng tôi cảm nhận được là phụ huynh luôn mong con ngày càng tiến bộ. Vì thế chúng tôi có rất nhiều giải pháp để biến áp lực thành động lực".

{keywords}
 

Bà Thu Anh cho rằng, áp lực của giáo viên không đến từ lương hay phúc lợi mà từ câu chuyện trong lớp học, giáo viên có chủ động được không, với đối tượng là các học trò.

 

Ông Trần Bá Trình, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nghiệp vụ sư phạm (Trường ĐHSP HN):

 

Không có áp lực thì dễ dẫn đến tự bằng lòng, ngại thay đổi, nhất là ở những nghề nghiệp như giáo dục. Áp lực vừa đủ là động lực phấn đấu hoàn thiện bản thân và phát triển nghề nghiệp; còn nếu quá lớn sẽ dẫn đến ức chế, làm việc kém hiệu quả. Ức chế tích lũy, dồn nén dễ dẫn đến hành vi bột phát, tiêu cực. 

 

“Để lôi kéo học sinh không nói tục, chửi bậy, chúng tôi không hô hào mà tổ chức những hoạt động vì cộng đồng, được thể hiện tình yêu thương qua những dự án thú vị”. 

Bà Thu Anh cho hay, nhà trường đang cố gắng xây dựng môi trường giúp sinh viên sư phạm đến thực tập sẽ có trải nghiệm tốt nhất.

Bà Phan Hồ Điệp (giảng viên khoa Giáo dục đặc biệt, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) quan sát thấy phụ huynh rất áp lực về điểm số và thành tích.

"Nhà gần nhiều trường, có cả tiểu học và trung học, những đợt thi học kỳ hay cuối năm, đi qua tôi thường bắt gặp những cảnh tượng phụ huynh hỏi con ngay sau khi ra khỏi cổng trường bao nhiêu điểm. Nếu con nói ra số điểm không như mong muốn thì nhiều phụ huynh lập tức đánh, mắng con, thậm chí có người xé bài kiểm tra ngay trước mặt rất nhiều bạn bè con. Chứng kiến những cảnh đó tôi rất đau lòng. Khi mà phụ huynh quá áp lực như vậy thì sẽ khiến cho đứa trẻ nghĩ về học đường chỉ với việc học, học và học".

Ở trạng thái khác lại là phụ huynh quá ỷ lại vào nhà trường, “trăm sự nhờ thầy cô” hoặc lại can thiệp quá sâu vào đời sống học đường.

Bà Điệp kiến nghị trong mỗi trường nên có một tổ tư vấn hoặc một nơi để có thể tiếp nhận các ý kiến của phụ huynh, có thể coi đó là cầu nối để chuyển tải những mong muốn, đề nghị tới giáo viên, ban giám hiệu.

"Giáo viên của chúng ta bảo thủ lắm, nghĩ không ai hơn mình"

Ông Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hệ thống giáo dục chất lượng cao Nguyễn Bỉnh Khiêm - Cầu Giấy (Hà Nội) khá thẳng thắn khi nhìn vào những điểm yếu của người thầy.

Trước hết phải nhìn thấy cái lỗi của giáo viên như vi phạm đạo đức, phản giáo dục, ai cũng nhìn thấy. Tuy nhiên đấy mới chỉ là bề nổi, thực chất 70% giáo viên của chúng ta hiện nay được đào tạo theo cách cũ, nên cổ hủ, bảo thủ lắm, nghĩ không ai hơn mình, mình sinh ra để dạy bảo mọi người”.

Đó là vấn đề ông Hòa cho là rất nghiêm trọng và cần tìm cách giải quyết.

{keywords}
Ông Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hệ thống giáo dục chất lượng cao Nguyễn Bỉnh Khiêm - Cầu Giấy (Hà Nội)

Nguyên nhân thứ hai xuất phát từ mục tiêu. Lâu nay, chúng ta dạy học sinh ngoan vâng lời, chấp hành kỷ luật và thầy cô giáo cũng là sản phẩm của lối dạy đó. Thầy cô không thể chấp nhận học sinh hư, bức xúc và xử lý học sinh khi không vào khuôn phép kỷ luật. Tự mình gây bức xúc và việc đánh học sinh, bạo lực vì các cô nghĩ đó là trách nhiệm của mình khi phải đưa các em vào khuôn khổ. Lúc bức xúc thì thì mất kiểm soát”.

Do đó, theo ông Hòa, bản thân chính giáo viên phải thay đổi mục tiêu, học sinh phải biết phản biện và khả năng sáng tạo.

“Lối dạy của chúng ta hiện nay chủ yếu cung cấp kiến thức, tạo ra việc chạy theo điểm số, thi cử, thành tích, các chỉ tiêu thi đua. Việc này tạo nên áp lực. Nhà trường, cấp trên và học sinh, phụ huynh tạo áp lực cho giáo viên và thậm chí bản thân các thầy cô giáo tạo áp lực cho chính mình”.

Nguyên nhân nữa theo ông Hòa là các nhà trường không tạo ra được môi trường giáo dục thân thiện, chưa phải là nơi hỗ trợ, tháo gỡ và chỗ dựa, là niềm tin cho các thầy cô.

Nâng hiệu trưởng lên sẽ tháo gỡ được "bài toán giáo viên"

Theo ông Hòa, việc đào tạo 80.000 giáo viên rất khó. Do đó Bộ nên đào tạo các hiệu trưởng.

“Hiệu trưởng sẽ là người giúp cho Bộ trưởng, giám đốc sở làm chuyển biến học sinh của mình và chỉ có những người ở cơ sở mới làm được. Hiệu trưởng sẽ làm chuyển biến giáo viên. Nếu vậy, sẽ chỉ cần đào tạo 8-10 nghìn người, thay vì 80.000 người. Khi hiệu trưởng được nâng mình lên thì bài toán về giáo viên sẽ được tháo gỡ”, ông Hòa nói.

Theo ông Hòa, các trường sư phạm nên thay đổi mục tiêu. “Chúng tôi tiếp nhận những sinh viên không đào tạo lại thì không dạy được. Các em chỉ biết dạy theo sách giáo khoa, không phản ứng được".

PGS.TS. Nguyễn Đức Sơn (Trưởng khoa Tâm lí Giáo dục, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) nói tuyển sinh vào sư phạm hiện tại căn bản dựa trên kiến thức của môn học. Còn phần nữa là đánh giá tư chất của họ thế nào, định hướng giá trị nghề nghiệp của họ có đúng không?”

Do đó, theo ông Sơn, trong đề án tuyển sinh trường sư phạm nên có công cụ nào đó để xác định thêm được những người có tư chất và định hướng giá trị phù hợp với nghề.

{keywords}
PGS.TS. Nguyễn Đức Sơn (Trưởng khoa Tâm lí Giáo dục, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội)

Theo PGS Nguyễn Đức Sơn (Trưởng khoa Tâm lý Giáo dục, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội), giáo viên muốn vượt qua áp lực cần phải có “khả năng đề kháng”. Tuy nhiên, hiện nay điều này còn thiếu ở người giáo viên và cả trong chương trình đào tạo.

“Trong các trường sư phạm hiện nay có đào tạo kỹ năng mềm nhưng còn khá lẻ tẻ. Cần có một chương trình trong đó có những kỹ năng giúp người giáo viên có thể kiểm soát và chuyển hóa cảm xúc nhằm giải quyết vấn đề”.

Thầy cô hạnh phúc thì học trò mới hạnh phúc

Tiếp thu các chia sẻ, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ nhìn nhận thu nhập đủ sống và có được hạnh phúc thì giáo viên mới có thể yêu nghề, cống hiến.

"Tâm trạng của các thầy cô hiện nay là cảm giác cô đơn. Đội ngũ rất thông thạo và có thể nói là chủ lực mà cô đơn rồi thì chúng ta càng phải có trách nhiệm để các thầy cô bớt vất vả, hạnh phúc. Các thầy cô hạnh phúc thì học trò mới hạnh phúc, học trò hạnh phúc thì gia đình, bố mẹ cũng vậy và xã hội cũng thế”, Bộ trưởng Nhạ nói.

{keywords}
 

Bộ trưởng cũng cho rằng vai trò của các hiệu trưởng các trường phổ thông là hết sức quan trọng. “Họ là những người có thể nói là dẫn dắt toàn trường, tất cả các giáo viên tốt lên hoặc ngược lại”.  

Về tuyển sinh sư phạm, Bộ trưởng cho rằng các trường sư phạm phải có những phương thức tuyển sinh để xác định phẩm chất, năng khiếu nghề nghiệp của thí sinh, hạn chế việc thi vào sư phạm mà không biết mình có phẩm chất hay không hoặc không hình dung được đặc điểm của nghề.

Về bồi dưỡng, Bộ trưởng cho rằng mỗi thầy cô một hoàn cảnh, độ tuổi, được đào tạo từ nhiều nguồn, nhiều trường, giai đoạn và trình độ khác nhau. Do đó, cần có sự chia sẻ chứ không phải có một chuẩn chung và "tất cả mọi người đều khớp như một cái máy". Vì thế phải có chương trình bồi dưỡng với khung chuẩn chung phù hợp với từng đối tượng.

Bộ trưởng cũng đề nghị các vụ, cục liên quan chỉ đạo theo tuyến quản lý, các hiệu trưởng cho rà soát các hoạt động của giáo viên, trước hết những hoạt động hành chính nào không cần thiết, sổ sách gây phiền hà cắt giảm. Cùng với đó là tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để giảm bớt thời gian của các thầy cô, không bị những áp lực không đáng có.

“Kiên quyết không đưa ra những chỉ tiêu thi đua, giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm dạy giỏi,… Cái giỏi thể hiện ở hiệu quả cuối cùng. Thà làm một giáo viên tốt còn hơn là giỏi hình thức”, Bộ trưởng nói.

Thanh Hùng - Thúy Nga

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Sẽ đẩy mạnh dân chủ trong trường học

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Sẽ đẩy mạnh dân chủ trong trường học

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói giáo viên phải kiên nhẫn, yêu nghề, mến trẻ; không thể đổ lỗi cho áp lực nghề nghiệp tạo ra các hành vi lệch chuẩn.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: “Tôi rất buồn khi có hiện tượng giáo viên vi phạm”

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: “Tôi rất buồn khi có hiện tượng giáo viên vi phạm”

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ chia sẻ quan điểm về vụ việc cô giáo bảo học sinh tát bạn tại buổi tiếp xúc cử tri tại huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định sáng nay, 28/11.