Lời nhắc nhở “bá đạo” nhưng không kém hài hước, dí dỏm, này của thầy giáo trẻ ở Đà Nẵng khi thấy các sinh viên nhắn tin mà không chú ý trong giờ học đang được chia sẻ nhiều trên các trang mạng xã hội.

Mới đây, bức ảnh một thầy giáo với vẻ mặt nghiêm nghị cùng lời nhắc nhở được chiếu lên màn hình đang gây sốt dân mạng. 

Lời nhắc có nội dung: “Các bạn thân mến! Tôi biết các bạn thường xuyên nhắn tin trong lớp. Nghiêm túc mà nói, chẳng ai nhìn xuống bẹn mình mà cười cả”.

{keywords}
Thầy giáo Nguyễn Ngọc Ánh và lời nhắc tới sinh viên khi các em không tập trung trong giờ học

Sau khi được đăng tải lên mạng xã hội, bức ảnh nhanh chóng được nhiều bạn trẻ chia sẻ và bày tỏ sự thích thú với lời nhắc dí dỏm nhưng lại vô cùng “thâm thúy như đánh trúng tim đen”.

Qua tìm hiểu, người viết ra những dòng nhắc nhở nói trên là thầy giáo Nguyễn Ngọc Ánh, sinh năm 1986, hiện đang công tác, giảng dạy tại Khoa Môi trường và Công nghệ Hóa ,Trường ĐH Duy Tân (Đà Nẵng).

Chia sẻ với VietNamNet, anh Ánh cho biết bức ảnh được chụp trong một giờ dạy của ở môn 'Đồ án CDIO'. Tuy nhiên, bức ảnh này được chụp từ năm ngoái và bản thân anh cũng rất bất ngờ khi đến nay lại được mọi người chia sẻ nhiều như vậy.

“Hiện tại, tôi đã công tác tại trường được 2 năm, và thời điểm có bức ảnh đó là lúc tôi vừa về trường được vài tháng. Tôi rất bất ngờ nhưng cũng thấy thú vị vì chỉ bằng một bức hình mà bây giờ đi đâu ai cũng nhận ra mình là thầy giáo có lời nhắc nhở đó”.

{keywords}
Anh Nguyễn Ngọc Ánh, giảng viên khoa Môi trường và Công nghệ hóa Trường ĐH Duy Tân (Đà Nẵng)

Anh Ánh kể, thời điểm sinh viên chụp bức ảnh là những buổi học đầu về lý thuyết của môn học theo phương pháp mới - dự án CDIO.

Nhưng thay vì thảo luận, bàn bạc cùng nhau để dàn dựng, lên ý tưởng cho dự án, nhiều sinh viên cúi mặt lén lút sử dụng điện thoại trong giờ và nhắn tin, chat chit. Anh Ánh đã yêu cầu tất cả sinh viên nhìn lên bảng và chiếu dòng chữ trên slide máy chiếu.

Khi đọc được lời nhắc “có lý có tình” này, nhiều sinh viên không khỏi bật cười. Sau khi được anh giải thích, sinh viên bắt đầu nghiêm túc trở lại và buổi học diễn ra hiệu quả hơn.

Anh Ánh cho biết quan điểm của anh là không cấm sinh viên sử dụng điện thoại trong giờ học, tuy nhiên, cần sử dụng đúng mục đích và bối cảnh.

“Điện thoại không chỉ là phương tiện liên lạc mà còn là thiết bị đa phương tiện có nhiều tính năng, nếu sinh viên biết cách khai thác sẽ phục vụ học tập hiệu quả. Đặc biệt, với chương trình đạo tạo bằng phương pháp CDIO, chúng tôi cũng khuyến khích sinh viên sử dụng điện thoại để chụp hình, quay phim lại quá trình thực hiện dự án hay trình bày; dùng điện thoại để kết nối máy chiếu, đa phuong tiện phục vụ cho dạy học, thuyết trình, bảo vệ ý tưởng… Những điều đó là rất hữu ích” - anh Ánh nói.

{keywords}
Anh Ánh luôn gần gũi và thân thiện với các sinh viên sau những giờ học nghiêm túc

Ngoài những giờ học nghiêm túc, anh Ánh cũng là người thân thiện và cởi mở với các học trò.

Thầy giáo trẻ còn phụ giúp vợ bán hàng online và kiêm luôn giao hàng. Nhiều khách hàng của anh là sinh viên, và các bạn đều nhận được ưu đãi miễn phí chuyển hàng.

“Có những sinh viên nhà khá giả nhưng lại hay trốn học, chểnh mảng, ý thức học tập chưa cao… Nhưng sau khi thấy thầy giáo mình vất vả làm thêm kiếm tiền, nhiều em đã thay đổi quan điểm, chịu khó lắng nghe hơn và không còn bướng bỉnh như trước” - anh Ánh vui vẻ cho biết.

Thanh Hùng