- Dù không thể nghe, song các học sinh khiếm thính vẫn cùng nhau trình diễn những tiết mục văn nghệ đúng theo điệu nhạc trong ngày kỷ niệm thành lập Trường Phổ thông cơ sở Xã Đàn (Hà Nội).
Kém may mắn hơn bạn bè đồng trang lứa nhưng các em học sinh vẫn cùng nhau cố gắng luyện tập những tiết mục văn nghệ để chào mừng kỷ niệm 40 năm thành lập trường.
Trong tiết mục đầu tiên, 40 em học sinh thể hiện sự ăn ý với tiết mục hát ngôn ngữ ký hiệu.
Tiết mục thứ hai là múa theo điệu nhạc dù không thể nghe thấy. Nếu không nói, hẳn không nhiều người có thể nhận ra sự khác biệt, bởi xuyên suốt tiết mục, các em thay đổi động tác chuẩn theo từng đoạn nhạc.
Nữ sinh khiếm thính thể hiện tiết mục văn nghệ rất tự tin. Ảnh: Thanh Hùng. |
Tiết mục này các em thực hiện được nhờ sự hướng dẫn bằng ngôn ngữ ký hiệu của giáo viên dưới khán đài.
Ảnh: Thanh Hùng |
Trong không khí tụ hội hân hoan, ông Phạm Văn Hoan, Hiệu trưởng Trường Phổ thông cơ sở Xã Đàn cũng nhắc lại những cột mốc quan trọng của nhà trường. Năm 1998, trường bắt đầu mô hình giáo dục hòa nhập và thực hiện thành công mô hình giáo dục trẻ khiếm thính học hào nhập đầu tiên ở Việt Nam.
Các học sinh hân hoan trong ngày hội trường. |
Đến nay, trường có 27 lớp ở cả 3 cấp học Mầm non, Tiểu học và THCS với gần 500 học sinh, trong đó có 330 học sinh khiếm thính.
Học sinh khiếm thính của nhà trường đã giành được nhiều huy chương trong các cuộc thi vẽ tranh trong nước và quốc tế, cuộc thi văn nghệ, thể dục thể thao toàn quốc. Đã có hơn 1500 học sinh trưởng thành và trở nên những công dân có ích cho xã hội.
Cũng từ ngôi trường này, nhiều thầy cô giáo đã trở thành lực lượng nòng cốt của Bộ GD-ĐT trong công tác chăm sóc trẻ khuyết tật ở Việt Nam.
Ông Phạm Văn Hoan đón nhận bằng khen của Bộ GD-ĐT. Ảnh: Thanh Hùng. |
Chúc mừng 40 năm ngày thành lập trường Xã Đàn, ông Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT ghi nhận những nỗ lực, cố gắng vượt khó của tập thể giáo viên nhà trường.
“Các thầy cô dạy học sinh bình thường đã vất vả nhưng ở đây đa số các em là trẻ khiếm thính. Nói các em không nghe được, thậm chí những lúc các thầy cô có bực, có gắt to các em cũng đâu nghe được. Không nói được, các em cũng khó chia sẻ được tâm tư tình cảm hay những điều băn khoăn với các giáo viên. Vì vậy việc dạy được, hiểu tâm lý, chia sẻ được và giáo dục các em trở thành những người có ích cho xã hội là điều đáng ghi nhận các thầy cô về công lao, sức lực, trí tuệ và cả sự tâm huyết”, ông Tiến nói.
Thanh Hùng
Tiết mục múa theo nhạc đặc biệt của học sinh khiếm thính
Nhạc ca khúc "Nơi đảo xa" chỉ dành cho khán giả còn các em thì không hề nghe thấy và chỉ múa trong yên lặng.