- Dù đã bị phạt quỳ gối nhưng việc đùa nghịch tai quái không chỉ diễn ra một lần, đến tuần sau lại tiếp tục diễn ra với cách thức khó chịu hơn nữa.
Cô Phạm Yến, công tác tại trung tâm giáo dục phổ thông ở một trường ĐH tại TP.HCM kể lại câu chuyện mà mình đã trải qua.
Cô cho biết, dạy và quản lý các lớp học sinh hệ giáo dục thường xuyên rất vất vả vì phần lớn các em không trúng tuyển vào các trường THPT công lập mới chọn học hệ này.
Một lần, nhóm học sinh nam nghịch ngợm lấy nước pha nước tiểu để tạt qua phòng vệ sinh khác làm náo loạn cả khu. Khi được hỏi thì em nào cũng chối bay chối biến. Không kìm chế được sự nóng nảy, cô Yến đã bắt các em phải quỳ gối với răn đe nếu không chỉ ra ai thì cả nhóm cứ phải quỳ. 10 phút, rồi 20 phút trôi qua, không ai có bất cứ động thái ăn năn nào. Hết tiết học, cô buộc phải cho các em đứng dậy và nghỉ.
Dù đã bị phạt như vậy, nhưng việc đùa nghịch kia không chỉ diễn ra một lần, đến tuần sau lại tiếp tục diễn ra với cách thức khó chịu hơn nữa.
"Tôi vẫn phải tiếp tục xử lý như vậy và nặng nề hơn, đó là bắt các em giang hai tay ra. Tụi nhỏ nhìn tôi với ánh mắt có vẻ thách thức. Tôi chia sẻ với cô chủ nhiệm và giám thị của lớp để tìm hiểu thì được biết là trong lớp chỉ có 2 em lớn tuổi cầm trịch, còn tụi nhỏ còn lại ăn theo”.
Lúc đó, cô Yến mới chuyển biện pháp, sang nói chuyện nhẹ nhàng và làm thân với 2 em học trò đó.
“Quả thật có hiệu quả hơn. Các em vẫn nghịch ngợm, lười học nhưng tới giờ của tôi thì không còn nghịch ngược nữa”.
Cô Yến vẫn biết rằng các phương pháp giáo dục hiện đại không được phép như thế nhưng do tâm lý nóng nảy, áp lực công việc và áp lực kinh tế, không phải giáo viên nào cũng dành được nhiều thời gian để mềm mỏng với học trò.
Cô Trần Hương, giáo viên dạy Hóa ở một trường THPT, Thủ Đức, TP.HCM đã từng gặp nhiều cảnh bị học sinh làm rơi nước mắt. Mỗi lần như vậy, cô đều nén giận để xem xét tình tình hoặc cố gắng bỏ qua.
"Cách đây mấy năm, khi đang lúi húi viết trên bảng thì tôi nghe “vù”. Một quyển sách đập vào bảng rơi xuống. Có em nào đang cố tình ném mình. Tôi cố trấn tĩnh, hỏi sách của bạn nào thì lên nhận lại, sẽ không trách phạt. Cả lớp im lặng, không có em nào hồi đáp nên tôi phải chuyển cách khác”- cô Hương kể.
Cô Hương cho biết, nếu làm căng thì không thể truy được tận tay do cách em bao che nhau vì vậy cô đã chọn cách xem như không có chuyện gì xảy ra.
Cô Hương nói cảm ơn các em đã cho mình quyển sách mới, “bạn nào tặng sách cho tôi thì nên công khai. Chúng ta là người văn minh, cho tặng gì cũng không nên giấu giếm thế này”. Sau đó, cô cho cả lớp học tiếp.
Hối hận vì từng “giở chứng” với thầy
Đang là viên chức tại TP.HCM, anh Nguyễn Văn Hải đã từng trải qua những năm tháng học trò những năm cuối thập kỷ 90. Nhiều năm trôi qua anh Hải vẫn không quên được thầy giáo Sinh học, vì cách ứng xử nhẹ nhàng của thầy khi trò giở "ngựa chứng".
Đang học năm lớp 12 thì thầy giáo Nam chuyển tới. “Thầy mới, trò cũ” nên trò không sợ, dù thầy rất nghiêm khắc. Thầy yêu cầu cả lớp phải học bài cũ đầy đủ, tiết nào thầy cũng hỏi bài. Trong lớp bạn nào nói chuyện đều bị thầy hỏi bài ngay.
Sự nghiêm khắc của thầy khiến nhiều học trò ghét môn Sinh, trừ một vài bạn có thiên hướng học khối B thi đại học.
“Chúng tôi chống đối thầy bằng cách “đánh hội đồng”. Tới tiết học là ngồi chơi hoặc làm việc riêng, nếu có thì đem môn khác ra học. Tiết dự giờ, thầy hỏi cả lớp ai xung phong phát biểu cũng không một cánh tay nào. Chúng tôi tìm và biết gia đình thầy buôn bán thức ăn chăm nuôi gia súc nên gọi “thầy Nam heo”. Một lần, chuẩn bị tới tiết thầy, một số bạn nam đã viết lên bảng hai chữ "N.heo". Vào lớp, thấy dòng chữ thật to, thầy coi như không có gì, cũng không nói mà âm thầm lau bảng rồi yêu cầu cả lớp giở bài mới ra học. Đám học sinh chúng tôi vừa khúc khích cười, vừa cảm thấy đắc chí" - anh Hải kể.
Trong lớp có một chiếc ghế giáo viên thừa nhưng gãy chân, nhà trường đã thay ghế mới nhưng vẫn còn để ghế cũ lại. Tới tiết của thầy Nam, học trò giấu chiếc ghế mới và thay vào chiếc ghế có nguy cơ bị gãy. Thầy biết ý nên có tiết không ngồi vào chiếc ghế lần nào mà đi đi lại lại giữa lớp.
Anh Hải cho biết, sau này khi gần ra trường, nhiều bạn mới thấy thương thầy vì những trò tác quai tác quái.
"Cuối năm đó lớp ra trường, thầy ghé lớp nói lời cảm ơn cả lớp vì đã giúp thầy hoàn thành công việc, đã giúp thầy có những buổi lên lớp rất ý nghĩa. Khi chúng tôi hỏi về những việc đã qua và xin lỗi, thầy bảo biết nhưng không phạt vì ngày xưa cũng từng nghịch như các em. Điều thầy quan tâm nhất là kết quả học tập. Chúng tôi vừa thương, vừa ân hận vì những việc đã gây ra”.
Anh Hải kể câu chuyện này để thấy ứng xử của thầy giáo rất đặc biệt:
"Nếu lúc đó, thầy ghi sổ đầu bài vì bảng bẩn, hoặc truy tìm bạn nào gác chân ghế lên bảng để phạt, truy tìm bạn nào đổi ghế giáo viên thì chắc chúng tôi còn ghét thầy nữa. Nhưng thầy không như vậy mà có ứng xử rất nhẹ nhàng. Vì vậy đọng lại trong chúng tôi là sự kính mến và ân hận vì những gì đã gây ra”- anh Hải nuối tiếc.
Tuệ Minh
Cô giáo quỳ gối xin lỗi phụ huynh: "Tất cả học sinh đều tốt"
Dù sân trường luôn có nhiều ngựa chứng, người thầy phải biết cho học sinh thấy được những điều tốt đẹp của chính các em và của nhà trường.
"Nhà giáo đang nhầm lẫn vai trò của mình"
"Việc gì mà phải than vãn về sự khó khăn vất vả và kêu gọi xã hội phải cảm thông, tôn trọng".
"Quan tâm tới hoàn cảnh của học sinh bóp cổ cô giáo"
Trong thông báo về vụ việc học sinh lớp 8 bột phát "bóp cổ" cô giáo, Bộ GD-ĐT lưu ý cần quan tâm hoàn cảnh gia đình, cuộc sống, sinh hoạt của em học sinh vi phạm.