Dù được công nhận là một giáo viên giỏi, nhưng thầy Phan Thành Tâm chia sẻ bản thân đã rất khó khăn mới tìm được phương thức dạy học hiệu quả cho học sinh tham gia các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia.

"Tôi từng mất phương hướng"

Thầy Phan Thành Tâm là Tổ trưởng chuyên môn Tổ Tin học - Trường THPT chuyên Thoại Ngọc Hầu (TP Long Xuyên, tỉnh An Giang) – người có thâm niên nhiều năm bồi dưỡng học sinh giỏi quốc gia cho trường và địa phương.

{keywords}
Thầy Phan Thành Tâm, Tổ trưởng chuyên môn Tổ Tin học - Trường THPT chuyên Thoại Ngọc Hầu (TP Long Xuyên, tỉnh An Giang), đã bồi dưỡng, đào tạo nhiều học sinh đạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia

Thầy Tâm kể rằng mình đến với nghề dạy học như một cái duyên, bởi từ thời còn là học sinh cấp 2, người thầy này lại chỉ đau đáu với mơ ước được trở thành một kỹ sư công nghệ. 

Ước muốn đó cứ vậy đeo đuổi, nên sau khi tốt nghiệp THPT, cậu học trò ngày nào quyết định đăng ký thi vào Trường ĐH Cần Thơ, chuyên ngành Công nghệ thông tin chứ không hề nghĩ đến việc mình sẽ làm giáo viên. 

Dù vậy, khi tốt nghiệp đại học, chàng thanh niên Phan Thành Tâm đã phải qua một thời gian “lông bông” do không tìm được công việc đúng chuyên ngành, sở thích.

“Hầu hết bạn bè chung lớp đại học sau khi tốt nghiệp đều chuyển lên TP.HCM làm việc, số ít thì xin vào các đài truyền hình ở địa phương. Bản thân tôi khi đó do không tìm được việc phù hợp, quan hệ lại ít nên cảm giác như mình bị mất phương hướng” – thầy Tâm kể lại.

Rồi duyên với nghề thầy giáo bỗng đến khi một ngày, Tâm được người quen ở tỉnh An Giang khuyên nên thi tuyển công chức vào Trường THPT Chuyên Thoại Ngọc Hầu, bởi đây là ngôi trường được đánh giá hàng đầu của tỉnh, có môi trường tốt để rèn luyện, học hỏi. 

“Chính vì ngôi trường là mơ ước của nhiều người nên tôi không tin được mình lại thi đậu trong kỳ thi tuyển công chức năm đó, có lẽ là do may mắn” - thầy Tâm chia sẻ tâm trạng của mình khi đó.

Bỡ ngỡ với công việc mới mất một thời gian, nhưng do cố gắng học hỏi, thích nghi, thầy Tâm được Ban Giám hiệu Trường THPT chuyên Thoại Ngọc Hầu tin tưởng và phân công việc bồi dưỡng học sinh tham gia các kỳ thi học sinh giỏi cấp quốc gia. Hào hứng, nhiệt huyết trong từng buổi dạy, bồi dưỡng cho các em, nhưng 3 năm đầu, không học sinh nào có giải khiến người thầy này không khỏi trăn trở...

Bí quyết riêng

Thầy Tâm chia sẻ mình đã rất khổ tâm vì khi đó chưa tìm được phương pháp giảng dạy hiệu quả, giúp các học sinh nắm được kiến thức. Vì vậy, thầy tự mày mò, sưu tầm sách, tài liệu và cố gắng học hỏi thêm từ những đồng nghiệp có kinh nghiệm với hy vọng sẽ hiệu quả hơn trong việc bồi dưỡng các em học sinh.

{keywords}
Trường THPT Chuyên Thoại Ngọc Hầu (An Giang) 

Tuy nhiên, phải đến năm 2010, trong một lần được đi tập huấn chuyên môn chuyên sâu cùng giáo viên các tỉnh khác, được tiếp xúc với nhiều phương pháp dạy học mới cùng kinh nghiệm trong bồi dưỡng học sinh giỏi, thầy Tâm mới có được “bí quyết” của riêng mình.

Trở về trường, thầy Tâm đã áp dụng nhiều biện pháp như nâng cao tư duy của học sinh thông qua các bài tập về Toán học, từ đó giúp các em bộc lộ tố chất, sở thích... 

Với việc lựa chọn học sinh giỏi vào lớp luyện thi, thầy cũng khắt khe hơn và thậm chí có sự tiếp cận, sàng lọc từ nhóm đối tượng là học sinh cấp 2. Sau đó, khi các em lên THPT, thầy Tâm trực tiếp định hướng cho các em phát huy đúng sở trường, nhu cầu... và tuyển chọn vào đội tuyển đi thi học sinh giỏi.

“Học sinh muốn giỏi tin học phải có tư duy toán tốt, vì theo kinh nghiệm của tôi, việc này sẽ phát huy được sự nhanh nhạy, logic... mà ngành tin học yêu cầu. Khi phát hiện những em tố chất như trên, giáo viên sẽ rèn luyện cho các em làm bài tập từ đơn giản đến khó, từ đó sẽ nâng cao dần về mức độ tư duy”.

Thầy giáo miền Tây này luôn giữ nguyên tắc truyền sự nhiệt huyết, đam mê cho trò và đặt mình vào vị trí của trò để hiểu được tâm lý. Thầy Tâm nói: “Tôi luôn áp dụng phương pháp dạy học mới như tận dụng tối đa ưu thế của công nghệ thông tin, thường lên các diễn đàn Tin học tìm những cách giải, bài toán hay về truyền đạt lại. Ngoài ra, tôi cũng “chỉ điểm” cho học sinh lên các trang mạng của các đàn anh, đàn chị từng thi Olympic Quốc tế để làm bài tập, cọ sát để biết kiến thức thực tế của mình thế nào”.

Một trong những học trò xuất sắc mà thầy Tâm đào tạo thành công là Lê Yên Thanh. Chàng trai này chính là người từng gây sốc khi quyết định bỏ lương 6.000 USD/ tháng của Google để về Việt Nam làm startup. Mới nhất là em Lưu Chí Tâm đạt giải nhì học sinh giỏi cấp Quốc gia môn Tin học.

Tuy nhiên, theo thầy Tâm, kinh phí cấp cho việc đào tạo học sinh giỏi hiện nay rất ít, điều này khiến nhiều giáo viên nản. Đồng thời, bây giờ không nhiều phụ huynh chịu cho con mình học Tin học, vì cho rằng đây là môn học không trong các khối thi đại học. 

“Một số phụ huynh cho rằng khả năng đạt giải quốc gia là rất thấp, trong khi đó con đường đậu đại học thì cao hơn nên họ muốn con mình đầu tư, dành thời gian cho các môn Toán, Lý, Hoá...” – thầy Tâm trăn trở. 

Nhờ những cố gắng của mình, thầy Tâm được Bộ GD-ĐT, UBND tỉnh tặng nhiều giấy khen, bằng khen trong công tác dạy học.

“Thầy Tâm có năng lực chuyên môn rất vững vàng, có nhiều học sinh đạt giải Quốc gia. Thầy được mọi người quý ở sự gần gũi, thân thiện, đặc biệt là hay giúp đỡ giáo viên trẻ nâng cao trình độ chuyên môn” - Thầy Trịnh Hà Long, Phó hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Thoại Ngọc Hầu, chia sẻ.

Hoài Thanh