-Việt Nam đang xây dựng hồ sơ khoa học để vận động UNESCO phối hợp tổ chức lễ tưởng niệm 650 năm ngày mất của thầy giáo Chu Văn An (1292-1370) vào năm 2020.
Theo PGS Đặng Văn Bài (Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam), việc một đại diện của Việt Nam được thế giới vinh danh sẽ vừa là vinh dự, vừa giúp hình ảnh quốc gia tốt đẹp hơn trong mắt bạn bè quốc tế.
Ông Bài cho biết thêm, tiêu chí UNESCO đưa ra khi phê duyệt hồ sơ và tổ chức lễ kỷ niệm là người đó phải có tầm ảnh hưởng trong khu vực quốc gia và quốc tế, năm kỷ niệm chia hết cho 50. Họ phải là những người có tư tưởng mà thế giới hướng đến như tư tưởng hòa bình, tư tưởng nhân đạo,…
Các lĩnh vực được đưa ra để xem xét mức độ ảnh hưởng của danh nhân bao gồm văn hóa, giáo dục, khoa học tự nhiên - xã hội và thông tin (trừ liên quan đến chiến tranh).
Ông Bài nhận định, danh nhân Chu Văn An là biểu tượng về đạo học của Việt Nam.
Người dân Hà Nội xin chữ đầu năm tại đền thờ nhà giáo Chu Văn An (huyện Thanh Trì). Ảnh: Thanh Hùng |
Ông được tôn là “Vạn thế sư biểu” tức người thầy chuẩn mực muôn đời. Tư tưởng nổi bật của thầy giáo Chu Văn An là "học tập suốt đời" và "tôn sư trọng đạo". Những điều này hoàn toàn phù hợp với tư tưởng mà thế giới hướng tới.
Tuy nhiên, cần phải chờ thời gian để hồ sơ được Đại hội đồng UNESCO xét duyệt. Nếu hồ sơ được thông qua, UNESCO sẽ phối hợp với Việt Nam tổ chức lễ tưởng niệm 650 năm ngày mất của thầy giáo Chu Văn An vào năm 2020.
Nhắc đến thầy giáo Chu Văn An không thể không nhớ tới một người liêm khiết, ngay thẳng, cả đời phấn đấu cho sự nghiệp giáo dục.
Ông về ở ẩn và mở trường để dạy đạo, dạy chữ tại quê nhà. Học trò theo ông rất đông. Có những người đỗ đạt và làm quan lớn trong triều đình như Phạm Sư Mạnh, Lê Quát. Ông được học trò kính trọng và nhớ đến bởi đức tính thanh liêm, cương nghị, thẳng thắn, sửa mình trong sạch, không cầu lợi lộc. Sau khi ông qua đời, triều đình đã đưa ông vào thờ ở Văn Miếu, xem ông ngang hàng với những bậc Thánh hiền ngày xưa.
Thầy giáo Chu Văn An là người làng Văn Thôn, xã Quang Liệt, huyện Thanh Đàm (nay thuộc xóm Văn, xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội). Ông từng đỗ Thái học sinh nhưng không ra làm quan mà mở trường dạy học ở làng Huỳnh Cung, bên kia sông Tô Lịch. Ông được nhìn nhận là người góp phần tích cực trong việc truyền bá Khổng giáo vào Việt Nam.
Ông được vua Trần Minh Tông mời ông dạy thái tử học. Khi Dụ Tông ham chơi bời lười chính sự, quyền thần nhiều kẻ làm trái phép nước, Chu Văn An khuyên can nhưng Thái tử không nghe, bèn dâng sớ xin chém bảy tên nịnh thần, đều là những kẻ quyền thế được vua yêu.
Người bấy giờ gọi là "Thất trảm sớ". Sớ dâng lên nhưng không được trả lời, ông liền treo mũ về về ở ẩn ở núi Phượng Hoàng, xã Kiệt Đặc, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Kể từ đó, ông chỉ dạy học và viết sách cho tới khi mất.
Thúy Nga
Vị đại quan nào dâng sớ xin chém 7 kẻ nịnh thần?
Triều Trần có nhiều vị đại thần được lưu danh sử sách như Trần Hưng Đạo, Chu Văn An, Trần Nhật Duật, Phạm Ngũ Lão...