- Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thị Thu yêu cầu Sở GD-ĐT, Trường THPT Long thới giải quyết nhanh việc chuyển trường cho nữ sinh Phạm Song Toàn. Trong buổi đối thoại với lãnh đạo Sở GD-ĐT trước đó học sinh này đã phản ánh một giáo viên lên lớp không nói gì.
Ý kiến này của bà Thu được đưa ra trong cuộc họp khẩn giữa UBND TP.HCM với lãnh đạo Sở GD-ĐT TP và ban giám hiệu Trường THPT Long Thới.
Bà Thu cho biết đã nghe thông tin phụ huynh của em Toàn đang có ý định chuyển trường. Vì vậy việc đẩy nhanh tiến độ, chấp thuận chuyển trường cho học sinh này là cần thiết và cần giải quyết nhanh.
Theo bà Thu, việc chuyển trường bây giờ sẽ thiệt thòi cho Toàn nhưng không còn cách nào khác, vì để Toàn học ở trường cũ sẽ bất an hơn.
"Sau khi sự việc xảy ra, có thể nhiều bạn trong lớp sẽ cô lập em. Trên mạng xã hội, nhiều học sinh trong trường đã đả kích Toàn. Chưa kể, khi Trường THPT Long Thới năm nay không thể có thành tích thi đua tốt, thầy cô, phụ huynh, học sinh sẽ coi đó là lỗi của Toàn. Nếu Toàn tiếp tục học thì áp lực rất lớn trong cách cư xử với thầy cô bạn bè, không an tâm học hành. Vì thế, cần đẩy nhanh việc chuyển trường, tạo môi trường tốt hơn về mặt tinh thần cho cháu an tâm học tập" - bà Thu nói.
Bà Thu đề nghị Sở GD-ĐT xúc tiến làm việc với hai trường, đẩy nhanh tiến độ chuyển trường cho Toàn, để tuần sau em có thể đi học ở trường mới.
Phải làm rõ trách nhiệm của mình
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thị Thu cũng đặt ra một số một số câu hỏi cho lãnh đạo sở GD-ĐT TP.HCM và Hiệu trưởng Trường THPT Long Thới khi để xảy ra sự việc cô giáo không nói suốt ba tháng.
Theo bà Thu hiện tại đã nhận được báo cáo của Sở GD-ĐT nhưng trong những vấn đề đặt ra cần phải làm rõ vì vậy bà muốn lắng nghe ý kiến của lãnh đạo Sở GD-ĐT và Hiệu trưởng Trường THPT Long Thới.
“Đó là, có thật cô giáo không nói lời nào khi lên lớp hay không? Hiệu trưởng trường có biết không và đã làm gì? Hành động này của cô giáo là sai hay đúng và nguyên nhân ra sao? Trong chương trình giảng dạy các cấp học này, Sở GD-ĐT có quy định việc dự giờ hay không? – Bà thu đặt câu hỏi.
Bà Thu nhấn mạnh “khi tôi còn đi học lâu lâu sẽ có tiết dự giờ của ban giám hiệu, giáo viên bộ môn. Nếu có, tại sao trường không biết điều này, không biết giáo viên đã câm lặng ba tháng để học sinh chịu đựng”.
Bà Thu cũng yêu cầu làm rõ trách nhiệm của Sở GD-ĐT TP.HCM khi sự việc xảy ra nhưng chỉ có một vài phát biểu.
"Sở có biết điều này hay không hay chỉ vài câu phát biểu trong cuộc hội nghị này sau đó lại rất im. Trước khi làm việc ngày hôm nay thì tới ngày hôm qua tôi mới nhận được báo cáo của Sở. Vậy Sở giáo dục xử lý như thế nào với cô giáo trong sự việc này. Ý kiến của Sở như thế nào vì trong đó quyền xử lý là của hiệu trưởng, nhà trường, tôi chưa thấy chứng kiến của ban giám đốc sở GD-ĐT” – bà Thu đặt câu hỏi.
Phản hồi ý kiến của bà Thu, ông Lê Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết sẽ đẩy nhanh tiến độ giải quyết nguyện vọng chuyển trường của Toàn và gia đình. Ông khẳng định, thứ Hai tuần tới Toàn sẽ được học ở trường mới. Ông Nam cũng cho biết sẽ xử lý nghiêm hiệu trưởng và cô giáo Trần Thị Minh Châu.
"Ngành giáo dục đã rất nhân văn nhưng cô rất khó thay đổi"
Trước ý kiến của bà Thu, ông Bùi Minh Bình, Hiệu trưởng Trường THPT Long Thới, khẳng định tất cả những việc này ông đã nói trên báo chí rất nhiều. Việc cô Châu sai phạm là có nhưng nhà trường không hay biết.
“Trước đó, trường đã tổ chức một buổi lắng nghe ý kiến học trò nhưng không có ý kiến nào liên quan đến cô Châu. Khi trường lấy em Toàn là học sinh đi dự đối thoại và có nghe ý kiến trước khi đi nhưng trợ lý thanh niên cũng báo lại không nghe ý kiến này của Toàn mà chỉ nghe khi Toàn nói trên Sở. Với vai trò là người đứng đầu trường tôi phải nhận trách nhiệm nhưng sự thực là như thế”, ông Bình nói.
Về hướng xử lý cô Châu, ông Bình cho biết trường đã họp xử lý kỷ luật theo Nghị định 27, nhưng sẽ phải nghiên cứu thật kỹ, hơn nữa đây là thời điểm ôn thi nên phải làm từng bước.
“Tất cả các quy trình cũng phải tham khảo và làm đúng theo Nghị Nghị định 27. Dự kiến cuối tuần sau sẽ họp hội đồng kỷ luật và thông báo kết quả kỷ luật để Sở nắm tình hình”- ông Bình nói.
Trước ý kiến này của ông Bình, bà Thu đặt câu hỏi: “Với trách nhiệm của thầy, với đạo đức, trách nhiệm của ngành việc việc cô Châu không đúng vậy trường sẽ tính như thế nào. Tôi rất e ngại và muốn lưu ý với Sở GD- ĐT phải chặt chẽ vì đưa ra Hội đồng kỷ luật nếu tỷ lệ bỏ phiếu không cao để kỷ luật thì sao?”
Bà Thu cho rằng, trước đây cô Châu từng bị xử lý ở trường PTTH Nguyễn Hữu Thọ (Q.4), nhưng lúc đó cách xử lý rất êm đẹp, nhẹ nhàng là chuyển qua Trường Long Thới. Cho nên việc chịu trách nhiệm rất êm xuôi.
“Trường đừng nghĩ lấy lá phiếu số đông của Hội đồng để báo cáo, rồi xem việc cô Châu làm không bị kỷ luật là không chấp nhận được”- bà Thu nhấn mạnh.
Theo bà Thu đây là sự việc nghiêm trọng nhưng vì xử lý chậm nên đến giờ này cô giáo vẫn đứng lớp. Nếu cô giáo chỉ làm vài tuần đã “rất lố” còn đằng này 3 tháng lên lớp cô giáo “câm lặng”. Tnh thần trách nhiệm của nhà giáo ở đâu, đạo đức trong nghề nghiệp ở đâu. Nếu học kỳ này nếu 80% rớt môn toán thì ra sao khi chỉ vì cô câm lặng thì sao?.
“Tôi dùng từ nghiêm trọng là đúng vì các em đang bị bạo hành về mặt tinh thần. Bởi vì ngay như mình về nhà người thân của mình không nói với mình lời nào chỉ vài ngày thôi thì mình cũng cảm thấy bứt rứt, khó chịu còn hơn là bị la một chập, đánh cho vài cây. Riêng tôi chỉ vài ngày người thân của tôi không nói lời nào tôi đã khó chịu còn đằng này suốt 3 tháng trời học trò không biết cô nghĩ gì ”- bà Thu nói.
Bà Thu đề nghị phải kiên quyết xử lý nghiêm trường hợp này. Trong quá trình xử lý phải căn cứ vào các Luật đã ban hành liên quan đến đạo đức, trách nhiệm của giáo viên. Việc xử lý làm đúng quy trình để không bị khiếu nại sau này.
“Trước đây cô đã vi phạm nhưng ngành giáo dục rất nhân văn, nhưng cô vẫn không thay đổi vì vậy rất khó để hi vọng cô thay đổi một lần nữa”- bà Thu nhấn mạnh.
Tuệ Minh
Cô không giảng bài: Ai và kinh phí ở đâu sẽ bù đắp kiến thức cho các em?
Với tư cách là người đứng đầu cơ quan giám sát nhiệm vụ tiếp dân, bà Hải đã nêu ý kiến riêng của mình xung quanh cách thức đối thoại giữa các bên, cũng như việc thực thi tính dân chủ trong nhà trường.