“Đại gia” chỉ là từ mượn, chưa nói gì về bản chất và tính cách của một con người. Việc đánh giá một đại gia trước hết phải căn cứ vào cách thức kiếm tiền và cách thức tiêu tiền.

Giáo sư Odon Vallet trao học bổng mang tên mình cho học sinh Việt Nam. Ảnh: TL

Đại gia là ai?

Những năm gần đây, từ “đại gia” đã trở nên phổ cập không chỉ trong câu chuyện thường nhật, mà cả trên các phương tiện thông tin đại chúng. Lướt qua các trang mạng lớn như VietNamNet hay Dân Trí, ngày nào cũng có vài ba tiêu đề, kiểu như đại gia mua máy bay, đại gia lấy vợ trẻ, đại gia nợ ngân hàng, hay đại gia vừa bị quản thúc. Thực ra thì “đại gia” là ai? Đại từ điển tiếng Việt (NXB Đại học Quốc Gia TP.HCM, 2011) định nghĩa: “Đại gia – nhà quyền quý, cũng chỉ dòng họ có tiếng tăm thời phong kiến”. Rõ ràng là, định nghĩa này không phù hợp với đối tượng mà chúng ta đang bàn, vì ở ta bây giờ làm gì có “gia” nào vừa “quyền” lại vừa “quý”, mà thời phong kiến thì đã qua lâu rồi. Cứ bằng vào ngữ cảnh khi dùng hai từ này, thì đại gia thời nay có thể hiểu đơn giản là những người nhiều tiền, bất kể tiền sạch hay bẩn. Đồng tiền sạch có “chứng minh thư” đàng hoàng, nên ai cũng biết nó đi đâu về đâu. Người ta có thể biết chính xác một doanh nhân ở Mỹ hay Pháp hôm qua có bao nhiêu tiền, hôm nay có bao nhiêu, tăng lên hay giảm đi là do đâu. Còn với các đại gia xứ ta thì chịu, tiền của họ khi thực khi ảo, thoắt ẩn thoắt hiện, chẳng biết đâu mà lường. Ở ta, từ đất ở đến rừng núi, sông biển, hay khoáng sản, tất thảy đều là của chung toàn dân, vấn đề là ai được quyền sử dụng các tài nguyên này và sử dụng như thế nào. Chỉ cần trúng một “dự án” đất là không phải một, mà cả một nhóm người (lợi ích) có thể bỗng chốc từ tay không biến thành đại gia. Khoảng hai thập niên nay, đại gia mọc ra như nấm sau mưa. Thường nhiều đại gia là đáng mừng, vì điều đó đồng nghĩa sản xuất gia tăng, kinh tế phát triển. Cái đau ở chỗ đại gia thì nhiều, mà dân lại không có việc làm, giá cả ngày càng đắt đỏ, trẻ em thiếu trường học, ốm đau thiếu bệnh viện, còn phố phường thì tràn ngập hàng tiểu ngạch Trung Quốc. Đại gia mọc ra quá nhanh và quá dễ, đến nỗi nhiều người trong họ chưa kịp hiểu giá trị đồng tiền thì đã thành nô lệ của nó. Họ càng không kịp học văn hoá ứng xử của người nhiều tiền, mà trước tiên là văn hoá kiếm tiền và văn hoá tiêu tiền.

Văn hoá tiêu tiền

Năm 1895, ông Alfred Nobel (Thuỵ Điển, 1833 – 1896) đã quyết định hiến 94% tài sản của mình để tạo ra một giải thưởng khoa học, từ bấy đến nay vẫn là giải thưởng danh giá nhất hành tinh. Sinh thời vua thép và nhà tài phiệt John Pierpont Morgan sở hữu một hệ thống thư viện và bảo tàng cực quý, và ông đã hiến toàn bộ hệ thống ấy, để mọi người dân Mỹ đều có thể sử dụng. Tỉ phú Bill Gates tuyên bố sẽ cho con không quá 5% tài sản. Thế còn 95% kia để làm gì? Tính đến hôm nay, riêng Bill & Melinda Gates Foundation – quỹ trợ giúp giáo dục, sức khoẻ và xoá đói giảm nghèo ở các nước đang phát triển - của vợ chồng nhà Gates đã lên tới hơn 30 tỉ đôla Mỹ! Trong bức thư mang tính tuyên ngôn về quỹ này, hai ông bà viết: “Chúng tôi có thể giúp mọi người có cơ hội sống một cuộc sống khoẻ mạnh và hiệu quả”. Giáo sư Odon Vallet của đại học Sorbonne (Paris, Pháp) được thừa hưởng một tài sản kha khá trong ngân hàng. Ông đã làm nhiều việc thiện, trong đó có việc liên tục trao học bổng hàng năm cho học sinh – sinh viên giỏi của ta (ở Việt Nam và ở Pháp). Từ năm 2001, tôi đã nhiều lần chứng kiến giáo sư Odon Vallet đi suốt từ Nam đến Bắc tự tay trao học bổng cho các cháu, đã chứng kiến ông rưng rưng nước mắt ở một trường nội trú vùng sâu. Năm 2012 là năm thứ 12 của học bổng Odon Vallet và tổng số tiền được trao năm nay sẽ là 18 tỉ đồng.

Hai thập niên nay đại gia mọc ra như nấm sau mưa. Thường nhiều đại gia là đáng mừng, vì điều đó đồng nghĩa sản xuất gia tăng, kinh tế phát triển. Cái đau ở chỗ đại gia thì nhiều, mà dân lại không có việc làm, giá cả ngày càng đắt đỏ, trẻ em thiếu trường học, ốm đau thiếu bệnh viện, còn phố phường thì tràn ngập hàng tiểu ngạch Trung Quốc.

Ở ta, trong hai cuộc kháng chiến gần đây, đã có nhiều gia đình hiến một phần hay toàn bộ tài sản cho sự nghiệp cứu nước và dựng nước. Hẳn là, trong số các đại gia thời hiện tại cũng có người có những nghĩa cử mà người viết bài này chưa được chứng kiến. Đáng tiếc là, những chuyện trưởng giả học làm sang, khoe tiền, phá tiền, lừa đảo, sa đoạ, thì ngày nào cũng nghe thấy. Ai đó ở một vùng quê nghèo chi hàng triệu đô làm đám cưới chỉ để biểu lộ “tình yêu đối với con”. Ai đó ném cả đống tiền của dân vào trò cá độ. Ai đó vung tiền khoe mẽ giàu sang bằng những thị hiếu tầm thường và vô học. Ai đó bỏ cục tiền bằng mấy con trâu để một đêm bao cô gái gọi. Ai đó mua đấu giá từ thiện ở Nha Trang lấy tiếng, rồi chạy làng. Ai đó lừa bạn, phản khách hàng, để đến nỗi phá sản, ngồi tù. Một khi đã kiếm tiền bất chính, thì cũng khó mà biết tiêu tiền một cách có văn hoá.

Thế còn bạn và tôi?


Mỗi hiện trạng đời sống đều có nguyên do văn hoá – xã hội của mình. Ngày xưa, tháng 3 ngày 8 hay gặp đận không may, dân quê phải lạy lục, thậm chí gán con, gán chó, mới được nhà giàu cho vay đồng tiền bát gạo. Cái nghèo, cái dốt làm cho người ta luỵ kẻ lắm tiền. Thêm vào đó là tư duy “con gà tức nhau tiếng gáy”, là văn hoá “ra đường võng giá nghênh ngang”, cộng với thái độ của cộng đồng, trong đó có bạn và tôi, tất cả trộn lại, góp phần làm nên tính cách đại gia thời hiện tại. Người ta đánh giá lẫn nhau bằng miếng ăn, manh áo, điếu thuốc, cái xe, hay mảnh đất, ngôi nhà. Bây giờ quen rồi, chứ mươi năm trước, thời sốt xe máy, gặp tôi, thay vì hỏi thăm sức khoẻ hay công việc, ai cũng hỏi “Anh đi xe đạp à!”, cứ như cái xe còn quan trọng hơn chính bản thân tôi vậy. Một người leo lên hàng đại gia nhờ kiếm được “dự án” thâu tóm toàn bộ cánh đồng màu mỡ của một làng quê vùng châu thổ sông Hồng, nghĩa là anh ta đã ăn không của dân làng ấy hàng trăm tỉ đồng. Vài năm sau đại gia này “hiến” cho việc tu bổ chùa làng 100 triệu đồng, thế là anh ta được vinh danh với những từ đẹp nhất, như “mạnh thường quân”, hay “nhà hảo tâm”, và đứng tên đầu trong bia đá ghi nhận công đức của chùa. Dân ta (trong đó có bạn và tôi) là vậy, và đại gia của ta là vậy. Muốn có các đại gia với tính cách khác, thì trước hết bạn và tôi phải thay đổi tư duy và thái độ của chính mình.

Làm giàu trung thực rất khó. Giàu rồi, biết sử dụng đồng tiền một cách có văn hoá lại càng khó hơn. Chính thái độ thường ngày của chúng ta đang góp phần tạo nên nhân cách của người giàu.

(Theo Sài gòn Tiếp thị)