- Không hài lòng với quy định thứ 2 và thứ 6 phải mặc đồng phục, sinh viên Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM đã có phàn nàn.

{keywords}

Đồng phục ngày thứ hai của sinh viên Trường ĐH Ngân Hàng TP.HCM

Gửi phàn nàn đến báo VietNamNet, một sinh viên đang học năm 3 Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM bày tỏ, gần đây nhà trường quy định tất cả sinh viên phải mặc đồng phục vào ngày thứ 2 và thứ 6 hàng tuần.

Theo sinh viên này, hiện tại Bộ GD-ĐT đã có văn bản yêu cầu các trường ĐH, CĐ và TCCN không được bắt buộc sinh viên, học sinh phải mặc đồng phục khi đến trường - nên việc Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM bắt sinh viên mặc đồng phục là không đúng với quy định của Bộ.

Được biết, ngày 22/12/2014 Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM có văn bản quy định thực hiện nghiêm túc trang phục của sinh viên.

Cụ thể, ngày thứ 2 hàng tuần sinh viên nữ mặc áo dài xanh (có thêu logo trường), quần trắng; Sinh viên nam mặc áo sơ mi trắng dài tay (có in logo trường), quần sẫm màu, áo bỏ trong quần.

Ngày thứ 6 sinh viên nữ mặc áo sơ mi vàng tay lửng,có nơ (có in logo trường), chân đầm màu đen, áo bỏ trong quần; Sinh viên nam mặc áo sơ mi vàng lửng (có in logo trường), quần sẫm màu, áo bỏ trong quần.

Các ngày còn lại trong tuần sinh viên ăn mặc lịch sự, kín đáo, phù hợp với thuần phong mỹ tục và văn hóa học đường; không mặc quần cạp trễ, quần lửng, áo hở lưng, trang phục vải quá mỏng, quá bó sát, không đi dép lê, đầu tóc gọn gàng, sạch sẽ…

Cũng theo quy định này, nếu sinh viên không tuân thủ sẽ xử lý vi phạm nội quy sinh viên, Tùy vào số lần vi phạm sinh viên có thể không được giảng viên cho phép vào học, bị cán bộ lớp nhắc nhở và ghi lại số lần vi phạm để chấm điểm rèn luyện…

Ngày 11/3/2015 Trường ĐH Ngân hàng tiếp tục ban hành văn bản kiểm tra thực hiện quy định trang phục của sinh viên. Theo đó, bắt đầu từ ngày 16/3 đại diện phòng Công tác sinh viên, Văn phòng, phòng Thanh Tra, BCH đoàn thanh niên- hội sinh viên thực hiện kiểm tra từng lớp học trên giảng đường vào các ngày thứ 2, thứ 6 và một số ngày trong tuần.

Nếu sinh viên vi phạm sẽ lập biên bản vi phạm có sự xác nhận của giảng viên đứng lớp, chuyển kết quả kiểm tra về phòng Công tác sinh viên để xử lý; Thông báo tới giảng viên cố vấn nắm thông tin làm cơ sở đánh giá sinh viên…

Về quy định này, một sinh viên bày tỏ, việc nhà trường thực hiện kiểm tra trang phục trong buổi học khiến cả lớp nhốn nháo lên, mất tập trung. Hơn nữa việc kiểm tra gây mất thời gian học tập, chưa kể đến nhiều bất tiện khác…

Trường ĐH Ngân hàng nói gì?

{keywords}

Sáng 7/4, trao đổi với VietNamNet về phản ánh của sinh viên, thạc sĩ Lâm Thị Kim Liên, Trưởng phòng Công tác sinh viên cho biết, dữ liệu khảo sát cho thấy sinh viên Trường ĐH Ngân hàng ra trường luôn làm đúng đặc thù ngành nghề (làm tại ngân hàng hoặc liên quan đến tài chính). Khi đi làm luật bất thành văn tất cả đều phải mặc đồng phục. Xuất phát từ thực tiễn đa số sinh viên ra trường đi làm phải mặc đồng phục, Trường ĐH Ngân Hàng muốn xây dựng kỷ cương học đường, hướng các em đến quy chuẩn khi ra xã hội, hội nhập công sở.

Mặt khác Bộ GD-ĐT quy định, các trường không bắt sinh mặc đồng phục nhưng quy định các trường có quy định riêng về trang phục của sinh viên. Vì vậy Trường ĐH Ngân hàng có quy định về trang phục sinh viên.

“Chúng tôi đủ nhận thức tôn trọng quy định của Bộ, và đủ ý chí để xây dựng trường học có kỉ cương, tự do trong khuôn khổ” – bà Liên nhấn mạnh.

Theo bà Liên, quy định về trang phục của Trường ĐH Ngân hàng nhằm thực hiện 3 mục đích:

Để xây dựng mỹ quan học đường, vì có nhiều sinh viên vào trường ăn mặc rất hở hang, phản cảm, mặc áo hở rốn, quần lửng, đi dép xỏ ngón…ngồi trong lớp không có dáng vẻ học đường.

Quy định này nhằm tạo thói quen chấp hành nề nếp, kỉ cương của cơ quan công sở sau này bắt đầu từ nề nếp kỉ cương trường học. Vì đặc thù của nghề nghiệp là mặc đồng phục.

Việc mặc đồng phục sinh viên sẽ có ý thức hơn với thương hiệu của trường và thương hiệu của bản thân.

“Quan điểm của nhà trường trong thời đại mới là hình thức chuyển tải nội dung. Bắt đầu từ cách ăn mặc, xây dựng phong cách, cử chỉ, lời nói, hành xử…để chuyển tải nội hàm bên trong – đây là mục tiêu chiến lược lâu dài" – bà Liên cho biết.

Trưởng phòng Công tác sinh viên cũng cho biết: “Qua một cuộc khảo sát sinh viên, chúng tôi đưa ra ý kiến nên bỏ hay giữ lại đồng phục, đa số sinh viên đều cho rằng nên giữ lại đồng phục để giữ thương hiệu, nhiều sinh viên còn cho rằng ngoài thứ 2 và thứ 6, sinh viên còn có 3 ngày để thể hiện cá tính, mặc trang phục phù hợp lứa tuổi.”

Trong khi đó, về việc đồng phục áo dài của sinh viên, bà Liên cho biết tất cả đều do sinh viên tự trực tiếp liên hệ tập đoàn Thái Tuấn để đặt may. Trường chỉ đề nghị phía đơn vị cung cấp vải có chất lượng, có ưu đãi với sinh viên, giá thấp hơn thị trường, đảm bảo trang phục thoáng mát, hợp túi tiền sinh viên…

Nhiều sinh viên ăn mặc không đúng thuần phong mỹ tục

Về việc kiểm tra trang phục của sinh viên, bà Liên cho biết trước đó có nhiều sinh viên đến trường ăn mặc không đúng thuần phong mỹ tục. Nhân tháng thanh niên (tháng 3) đoàn trường phát động tháng văn minh học đường nên các phòng kết hợp với đoàn trưởng đi kiểm tra và nhắc nhở nề nếp học đường trong đó có thực hiện trang phục học đường.

“Việc kiểm tra này không ảnh hưởng đến điểm rèn luyện của sinh viên, vì điểm rèn luyện tích lũy trong cả quá trình. Hiện tại chưa có sinh viên nào bị xử phạt mà chỉ đừng lại ở việc bị nhắc nhở và đôn đốc, đề nghị thực hiện nghiêm túc quy định” - bà Liên khẳng định.

Trong khi đó bà Nguyễn Thị Thu Lài, phó Trưởng phòng Công tác sinh viên cho hay, chúng tôi thực hiện kiểm tra trang phục sinh viên trên cơ sở vào lớp học nói chuyện với sinh viên với thái độ nhã nhặn, nhắc nhở để sinh viên thực hiện tự giác và tự nguyện để sinh viên thấy thoải mái chứ không ép buộc. Ngoài ra trong quá trình kiểm tra trang phục của sinh viên, đoàn kiểm tra cũng thực hiện kiểm tra trang phục của giảng viên và nhận được sự ủng hộ của sinh viên và giảng viên…

  • Lê Huyền