- Ra đời năm 1978 và nhận được nhiều phản hồi tích cực của hàng loạt địa phương rồi dừng lại đột ngột vào năm 2000; từ 2006 và đến nay, bộ sách dạy tiếng Việt 1 của GS Hồ Ngọc Đại đang hồi sinh mạnh mẽ.

{keywords}

Học sinh dân tộc Khơ-Me tại Trường TH Dương Hòa (Kiên Lương, Kiên Giang) hứng thú với tiết học tiếng Việt 1 theo tài liệu công nghệ giáo dục. (Ảnh: Văn Chung).

Chết đi sống lại...

GS Hồ Ngọc Đại "cha đẻ" chương trình công nghệ chia sẻ: Tôi sang Nga cuối năm 1968 để nghiên cứu về tâm lý học bằng thực nghiệm. Về nước năm 1977 thì năm 1978 tôi mở trường Thực nghiệm ở Hà Nội. Suy nghĩ của tôi lúc ấy là phải làm sao để trẻ con Việt Nam tiếp cận với thành tựu cuối cùng đã được xác lập, đã được công nhận của khoa học.

Năm 1986, một cơ duyên khiến chương trình công nghệ giáo dục (viết tắt là CGD) vượt ra khỏi phạm vi thực nghiệm.

Phản hồi từ các giám đốc sở với bộ sách khá tích cực, nhưng nhiều người còn ngại vì phải chờ ý kiến chỉ đạo của địa phương. Ban đầu 12 tỉnh tham gia. Hơn chục năm sau số tỉnh tham gia chương trình CGD là 43.

Năm 2000, Bộ GD-ĐT bắt đầu đổi mới chương trình - SGK, gọi là chương trình năm 2000. Theo lý lẽ của Bộ GD-ĐT thì cả nước bắt buộc phải học một bộ SGK. Đồng nghĩa với việc chương trình giáo dục công nghệ "chết lâm sàng" từ đó.

"Nhưng tôi “tương kế tựu kế”, được rảnh rỗi thì rút lui về một chỗ tập trung để hoàn thiện hai bộ sách Tiếng Việt và Toán cấp tiểu học. Tôi tin rằng bộ sách của mình “thất thế” không phải về mặt khoa học mà là do những toan tính vụ lợi, mà đã vụ lợi thì một lúc nào sẽ hết lợi, bộ sách của tôi sẽ được ghi nhận" - lời GS Đại.

Một chương trình nhân văn

Năm học 2013-2014 là năm đầu tiên tỉnh Vĩnh Phúc triển khai dạy tiếng Việt lớp 1 theo CGD của GS Hồ Ngọc Đại, thí điểm tại thị xã Phúc Yên, thành phố Vĩnh Yên và huyện Yên Lạc.

“Nói là mới cũng đúng mà không mới cũng không sai. Từ năm 1995 khi Vĩnh Phúc chưa tách tỉnh (Vĩnh Phú), thì chương trình cũng đã triển khai trên diện rộng.

Đến năm 2000, chủ trương “thống nhất chương trình và SGK” nên phải dừng lại dù chúng tôi nhận thấy phương pháp của GS Đại là tốt” - Trưởng phòng GD Tiểu học, Sở GD-ĐT Vĩnh Phúc Dương Văn Bổ cho biết.

Cái tốt được nhiều nhà quản lí và giáo viên nhìn nhận là “rất nhân văn".

Cô Vũ Thị Thắm, phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hồ Tùng Mậu (Nam Định) phấn khởi nhớ lại những năm 1993-1994 khi tham gia dạy chương trình thực.

Dù đã qua gần 20 năm, nhưng cô Thắm vẫn nhớ như in khi trò học chương trình công nghệ Tiếng Việt rất hứng thú vì vừa được học vừa được chơi tạo cảm giác thoải mái trong tiếp thu bài.

"Nguyên tắc khác biệt ở chương trình này giúp phát triển tư duy cho trẻ rất tốt. Học đến đâu chắc đến đó, không bị nhầm lẫn viết sai chính tả" - lời cô Thắm.

Ai cứu sống công nghệ giáo dục?

{keywords}

GS Hồ Ngọc Đại cho biết, người cho phép quyết định mở rộng phạm vi áp dụng Tiếng Việt CGD này là Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận.

Năm học 2012 – 2013, 19 tỉnh đã lựa chọn triển khai dạy tiếng Việt theo tài liệu CGD gồm Lào Cai, Hà Giang, Lai Châu, Cao Bằng, Sơn La, Quảng Bình, Kon Tum, Bình Phước, Ninh Thuận, Tây Ninh, Kiên Giang, Cà Mau, Lạng Sơn, Hòa Bình, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lâm Đồng, Hải Dương và Nam Định.

Bước sang năm học 2013-2014, đã có 37 tỉnh thành thực hiện dạy tiếng Việt 1 theo tài liệu CGD.

Và Công nghệ giáo dục cũng được Bộ GD-ĐT đồng ý cho thí điểm triển khai ở lớp 2 với các môn Toán 1, Văn 2, Giáo dục lối sống 1, Tiếng Việt 2. Có 6 tỉnh thành với 10 trường sẽ tham gia hoạt động này, gồm Hải Dương, Lào Cai, Lạng Sơn, Nam Định, Tây Ninh và Hà Nội.

"Tuy nhiên, Nam Định chưa chọn triển khai môn Tiếng Việt lớp 2 bởi lẽ - muốn toàn tỉnh thực hiện nhuần nhuyễn chương trình công nghệ lớp 1 và có thời gian phát triển đội ngũ giáo viên" - Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học (Sở GD-ĐT Nam Định) Bùi Anh Tuấn cho biết.

Trò tự tin, thầy cô bớt khổ

Cô giáo Trần Thị Ngọc Huệ, Trường Tiểu học Dương Hòa (huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang) phấn khởi:

“Lớp học chủ yếu học sinh người Khơ - me nhưng các em tiếp thu bài vở rất nhanh, dễ hơn so với chương trình cải cách. Nếu trước đây phải cuối năm trò mới hoàn thành được bài tập đọc thì với CGD chỉ cần sau học kỳ I các em đã có thể làm được điều tương tự”.

Bản chất của CGD là tổ chức và kiểm soát quá trình dạy học bằng một quy trình kỹ thuật được xử lý bằng giải pháp nghiệp vụ hay nghiệp vụ sư phạm để trò lớp 1 chiếm lĩnh được ngữ âm ngay từ đầu, biết cách phân tích ngữ âm, đọc thông viết thạo, nắm chắc các quy tắc chính tả, không tái mù chữ…

Cách học này đã tạo ra sự chuyển biến tích cực đối với học sinh và giáo viên. Không chỉ đọc thông, viết thạo, các em còn tự tin trả bài cũng như giao tiếp với thầy cô và bạn bè.

Cô Nguyễn Thanh Huyền, giáo viên Trường Tiểu học Trịnh Tường số 1 cho biết: “Dạy học sinh tiếng Việt theo tài liệu CGD giúp chúng tôi không phải soạn bài nên có nhiều thời gian để quan tâm đến trò, nghiên cứu tài liệu, hiểu tâm sinh lý lứa tuổi, cách thực hiện lên lớp.

Còn học sinh thì rất hứng thú. Các em nghe hiểu được hiệu lệnh cũng như lời nói của cô. Nhiều em trả lời khá tốt, nói đủ câu rõ ràng. Học sinh không có sự nhầm lẫn âm vần, quy tắc chính tả”.

Đối với những người như ông Nguyễn Đức Tùng, nguyên hiệu trưởng Trường Tiểu học Trưng Nhị (thị xã Phúc Yên, Vĩnh Phúc) sự hồi sinh này là một việc làm có ý nghĩa.

“Điều quan trọng nhất của CGD là đổi mới phương pháp giảng dạy. Trước kia, ta dạy theo kiểu thầy giảng, trò ghi nhớ. Nay thầy sẽ đóng vai trò thiết kế và trò là người thi công. Người thầy chuyển từ vị trí trung tâm sang người hướng dẫn” – trưởng Phòng GD Tiểu học, Sở GD-ĐT Vĩnh Phúc Dương Văn Bổ bổ sung.

Phó Vụ trưởng Vụ Gíáo dục Tiểu học (Bộ GD-ĐT) Trần Thị Thắm cho rằng: “Việc dạy tiếng Việt theo tài liệu CGD không chỉ giúp trò nắm chắc tiếng Việt và hình thành đồng thời các kĩ năng nghe - nói - đọc - viết một cách vững chắc mà trò luôn được tham gia các hoạt động học tập một cách chủ động, tự tin. Từ đó, các em được được phát huy khả năng tư duy và năng lực tối ưu của mình.

Đối với giáo viên sẽ giúp các thầy cô nâng cao trình độ và năng lực nghiệp vụ sư phạm mà cách tổ chức dạy học theo quy trình công nghệ giúp giáo viên đổi mới phương pháp một cách triệt để.

• Văn Chung - Kiều Oanh

Bài 2: Công nghệ giáo dục thổi bùng đất học Nam Định

100% các trường tiểu học trên địa bàn Nam Định đã triển khai thí điểm chương trình công nghệ của GS Hồ Ngọc Đại. Lý do chỉ sau hai năm chương trình được triển khai trên diện rộng - theo các nhà quản lí trên địa bàn vì họ tâm đắc, trò theo học chương trình này vui...cho nên các cô giáo trẻ dù mới tiếp cận cũng rất hào hứng.