- Tổ chức Simons Foundation vừa thông báo danh sách 13 nhà khoa học được nhận tài trợ Simons Investigators năm 2013 trong các lĩnh vực Toán học, Vật lý lý thuyết và Khoa học máy tính lý thuyết.

Các nhà khoa học được chọn trao tài trợ đều đến từ các trường đại học lớn và có uy tín, trong đó có 2 nhà khoa học người Việt là GS. Ngô Bảo Châu và GS. Đàm Thanh Sơn, tới từ Trường ĐH Chicago.

{keywords}
GS. Ngô Bảo Châu

Trong thông báo trao giải của mình, Simons Foudation cho biết GS. Ngô Bảo Châu được chọn vì những thành tích trong việc chứng minh “Bổ đề cơ bản cho các dạng tự đẳng cấu” do Robert Langlands và Diana Shelstad phỏng đoán. “Việc chứng minh Bổ đề cơ bản đã đưa ra một cách tiếp cận hình học mới trong các vấn đề về phân tích họa âm dựa trên hình học số học. Những ý tưởng trong công trình của ông rất hữu ích cho các lĩnh vực khác như Vật lý toán học và Lý thuyết biểu diễn hình học”.

{keywords}
GS. Đàm Thanh Sơn

Trong hạng mục Vật lý, GS. Đàm Thanh Sơn được Simons Foudation đánh giá là một trong số những nhà lý thuyết hiếm có, các công trình khoa học của ông có ảnh hưởng sâu tới một số nhánh phụ trong ngành Vật lý.

“Ông đã viết nhiều tài liệu quan trọng về thuyết sắc động lực học lượng tử, vật lý hạt nhân lý thuyết, vật lý chất rắn và vật lý nguyên tử. Có lẽ thành tựu quan trọng nhất trong những đóng góp của Đàm Thanh Sơn là tính nhị nguyên giữa lỗ đen trong không gian anti-de Sitter và các chất lỏng tương tác mạnh.

Công trình đầu tiên của ông với các cộng sự Policastro và Starinets về tính siêu chảy của plasma uark-gluon đã mở ra những hướng nghiên cứu mới trong lĩnh vực vật lý ion nặng và lý thuyết dây. Công trình tiếp theo của ông cùng với Sachdev, Herzog và một số cộng sự khác đã xác nhận tính nhị nguyên AdS/CFT là một công cụ lý thuyết quan trọng của vật lý chất rắn” – Simons Foudation nhìn nhận.

Được biết, năm nay lĩnh vực Toán học có 4 người được chọn trao giải, Khoa học máy tính 3 người và Vật lý 6 người. Tất cả đều đến từ những ngôi trường danh giá như ĐH Harvard, Viện Công nghệ Massachusetts, ĐH California, ĐH Pennsyvania, ĐH Maryland, ĐH Stanford và ĐH Chicago.

Các nhà khoa học đoạt giải Simons Investigators sẽ nhận được 100.000 USD mỗi năm để phục vụ nghiên cứu, thời gian nhận hỗ trợ là 5 năm và có thể sẽ được tài trợ tiếp trong 5 năm sau đó.

Mục tiêu của chương trình này là hỗ trợ các nhà khoa học xuất sắc trong giai đoạn làm việc hiệu quả nhất của họ, tạo điều kiện để họ tiến hành những nghiên cứu lâu dài về những vấn đề cơ bản.

Để được là một “Investigator”, một nhà khoa học phải đảm bảo các điều kiện sau: nghiên cứu về lĩnh vực Toán học, Vật lý hoặc Khoa học máy tính, là giảng viên chính thức của một trường đại học Mỹ hoặc Canada và chưa từng được trao giải Simons Investigator trước đó.

Ngoài những hỗ trợ về kinh phí nghiên cứu khoa học, các nhà khoa học đoạt giải còn được tham gia các cuộc họp thường niên tại Simons Foundation (chi phí do tổ chức này chi trả) để thảo luận về các hoạt động khoa học.

Simons Foundation là một tổ chức tư nhân có trụ sở tại New York,do hai vợ chồng Jim và Marilyn Simons thành lập vào năm 1994.

Sứ mệnh của Simons là thúc đẩy phạm vi nghiên cứu trong lĩnh vực Toán học và Khoa học cơ bản. Qũy này tài trợ cho một loạt chương trình nhằm thúc đẩy sự hiểu biết sâu hơn về thế giới. 2013 là năm thứ hai Simons Foundation trao giải Simons Investigators.

Danh sách 13 nhà khoa học được trao giải Simons Investigators 2013:

Toán học:

Ngô Bảo Châu - ĐH Chicago

Maryam Mirzakhani - ĐH Stanford

Kannan Soundararajan - ĐH Stanford

Daniel Tataru - ĐH California, Berkeley

Khoa học máy tính:

Rajeev Alur - ĐH Pennsylvania

Piotr Indyk - Viện Công nghệ Massachusetts

Salil P. Vadhan - ĐH Harvard

Vật lý:

Victor Galitski - ĐH Maryland

Randall Kamien - ĐH Pennsylvania

Joel Moore - ĐH California, Berkeley

Đàm Thanh Sơn  - ĐH Chicago

Senthil Todadri - Viện Công nghệ Massachusetts

Xi Yin - ĐH Harvard

  • Nguyễn Thảo