- Ủng hộ cách xưng hô phổ biến “cô/thầy-em” nhưng từ những người làm ngôn ngữ đến nhà quản lí, lãnh đạo hay giáo viên đều cho rằng không thể cứng nhắc chỉ dùng một kiểu xưng hô trong nhà trường.
Trong ảnh: Cô trò Trường THCS Trưng Vương, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội trong lễ khai giảng năm học 2012-2013 (Ảnh: Văn Chung). |
Nhiều cách
Hiện nay, trong hệ thống trường học tại VN đang tồn tại những cách xưng hô giữa cô/thầy với trò như: cô-trò, thầy-/em, cô-con, tôi-anh/chị, mình/tôi-bạn/các bạn.
Sau bài viết “Trò chuyện với cô giáo dạy sử gây sốt trên Facebook” của VietNamNet đã có những ý kiến tranh luận thậm chí gay gắt về ngôn ngữ xưng hô giữa cô/thầy với học trò.
Độc giả Lê Văn Nhung và một số bạn góp ý với cô Lê Thị Mỹ Dung, GV dạy sử Trường THPT Phan Đình Phùng: “Học sinh THPT mà xưng hô là "con" thì nên thôi, hãy gọi "em" với học sinh phù hợp hơn”.
Song, theo độc giả Trần Quốc Việt: “Tôi không hiểu vì sao bạn thấy gọi bằng con lại thấy chối và mất vui? Bạn không thấy gọi là các anh các chị nghe rất chối? Văn hóa của chúng tôi là vậy, thân mật thì các xưng con, lạnh nhạt quen biết qua loa, không thích cô nào thì xưng em nhiều hơn. Xưng với bố mẹ mình cũng xưng con, ông bà cô chú bác, thầy cô giáo đều xưng con hết, thể hiện tình cảm vô cùng gắn bó”.
Hiệu trưởng Trường THCS Trưng Vương, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội Trần Thanh Thảo ủng hộ cách gọi “thầy/cô-em” nhưng theo bà:
“Vẫn có khi cô gọi trò bằng con để thể hiện tình cảm thân mật. Còn dùng phổ biến lại khiến cho trò nhõng nhẽo, ý thức về bổn phận, trách nhiệm của mình ít hơn”.
Theo hiệu trưởng Thảo: “Với học sinh cấp 3 không nên xưng “tôi”, gọi trò bằng “anh/chị” vì nghe quá khoảng cách”.
Đồng quan điểm, hiệu trưởng Trường THPT DL Đinh Tiên Hoàng Nguyễn Tùng Lâm bổ sung:
“Nhiều sinh viên cũng không thích cách xưng hô “tôi-anh/chị” của giảng viên vì thiếu thân thiện. Với trò bé ở bậc MN, tiểu học, THCS có thể gọi trò bằng “con” cho phù hợp. Trò lớp lớn có thể xưng “con” khi gọi thầy cô đã lớn tuổi. Còn phổ biến nên là “thầy/cô-em”.
GV Nguyễn Hoàng Sa, Trường THPT Anh-xtanh (Hà Nội) bày tỏ ý kiến: “Không nên cứng nhắc cách xưng hô giữa thầy và trò. Nhiều khi mình quý trò có thể xưng “mình/bạn” gọi trò theo tên riêng hoặc gọi “bạn/các bạn”. Tuy nhiên, khi khoảng cách tuổi tác giữa cô trò không lớn ví như trò 18 tuổi, cô 25 tuổi thì không nên xưng “cô-con”.
Nhiều khó khăn, chưa thể ngã ngũ
Một vị lãnh đạo ngành giáo dục nước nhà khi được hỏi về vấn đề này không khỏi bối rối. Bản thân ông cho rằng “chỉ cần giáo viên làm đúng những điều được làm trong quy định là được và không nên quá cứng nhắc trong cách xưng hô”.
Theo GS.TS Nguyễn Văn Hiệp, Phó Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học VN: “Việc gọi “thầy”, xưng “con” đã có từ trước những năm 1945 và được dùng nhiều ở miền Nam trước 1975. Sau đó, với sự tiếp xúc mạnh mẽ với phương Tây, xuất hiện những cách gọi như “tôi-anh/chị/các bạn” bên cạnh cách xưng hô phổ biến “thầy/cô-em”.
“Không riêng giáo dục mà ở nhiều lĩnh vực, lựa chọn cách xưng hô như thế nào cho phù hợp không hề đơn giản và chưa thể ngã ngũ. “Thầy-con” là cách xưng hộ mang đậm tư tưởng truyền thống, rất tình cảm nhưng lại phân chia vị thế cao thấp rõ ràng”. Cách gọi “tôi-anh/chị” hay “tôi-ông/ngài” mang đến sự tộn trọng, bình đẳng nhưng với người Việt đôi khi nó trở thành xa lạ” - GS Hiệp phân tích. Với học sinh THPT mà gọi bằng “con”, xưng “thầy/cô” theo ông thì “nghe vô lí”
Ông phân tích: Muốn can thiệp hay áp đặt một chuẩn mực là “rất khó” bởi có người chấp nhận, người phản đối. “Ngôn ngữ không ngừng vận động. Hôm qua từ này là tốt nay lại có thể mang nghĩa khác. Ví dụ, từ “đồng chí” trong giai đoạn cách mạng là thân mật, nhưng nay phải gọi nhau như vậy tức là căng thẳng rồi đây”.
Bản thân ông cũng mong hệ thống đại từ nhân xưng ở VN sẽ sớm có một chuẩn để vừa đảm bảo sự bình đẳng, nhưng lại không mất đi tình cảm thầy trò thiêng liêng.
- Văn Chung