Nhân kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, ca sĩ Tùng Dương đã chia sẻ với VietNamNet về những người thầy vĩ đại đã đồng hành và truyền cảm hứng cho anh qua từng giai đoạn, dấu mốc trong cuộc đời.

{keywords}

Ca sĩ Tùng Dương. Ảnh: Hòa Nguyễn

Người thầy đầu tiên anh luôn cảm thấy trân trọng và biết ơn chính là bố. Bố anh từng là giảng viên môn Nga văn. Chính ông cũng đã dạy cho con trai những kiến thức đầu tiên kể từ khi anh còn bé xíu. Sau này, đến năm lớp 3, khi bố mẹ phải đi ra nước ngoài, những người nuôi dưỡng Tùng Dương là hai bác ruột ở Bắc Giang.

“Hai bác là những giáo viên Ngữ văn và Vật lý. Do đó, cả tuổi thơ của Tùng Dương đều được sống trong môi trường giáo dục tích cực. Bên cạnh việc truyền dạy tri thức, cả bố và hai bác vẫn luôn tạo điều kiện cho Tùng Dương nuôi dưỡng ước mơ trở thành ca sĩ chuyên nghiệp sau này”, ca sĩ Tùng Dương chia sẻ.

Đến năm tháng phổ thông, những người anh luôn cảm thấy biết ơn chính là các thầy cô giáo đã dạy anh qua mỗi cấp học.

“Các thầy cô chính là những người đã vun đắp cho mình chân trời kiến thức rộng lớn và cũng là những người có đủ tình yêu thương để sâu sát, nuôi dưỡng khát vọng cho học trò”.

Nam ca sĩ nhớ lại, thời tiểu học, vì hay hát và là cây văn nghệ của trường, do đó anh thường được giao nhiệm vụ đứng lên bục bắt nhịp cho toàn trường hát Quốc ca trước mỗi giờ chào cờ. Đây cũng chính là những ký ức thân thương và là nguồn cảm hứng khiến Tùng Dương quyết định ra MV Quốc ca sau này.

“Vì các thầy cô giáo biết Tùng Dương có năng khiếu âm nhạc, do đó luôn khuyến khích và tạo điều kiện để mình sinh hoạt văn hóa, văn nghệ hay tham gia các kỳ thi trong trường. Phần thưởng khi ấy dù chỉ là những gói kẹo, gói bánh, nhưng cũng khiến mình cảm thấy rất vui và có thêm động lực để ca hát.

Còn một kỷ niệm nữa, Tùng Dương rất nhớ, đó là sự ân cần của các thầy cô. Hồi bé, đôi lần Tùng Dương mải miết đi diễn, lơ là việc học hành, các thầy cô chủ nhiệm cũng đều quan tâm hỏi han, nhắc nhở”, Tùng Dương chia sẻ.

Nam ca sĩ cũng thừa nhận, cá tính âm nhạc của bản thân được bộc lộ ngay từ khi còn rất nhỏ. Vì thế, ngồi trong lớp, bất chợt âm nhạc cũng có thể nổi lên trong đầu anh. Những khi nhìn thấy học trò mất tập trung, thầy cô lại nhắc nhở rất nhẹ nhàng: “Tùng Dương, không hát trong lớp nữa” hay “Quay lại bài học, không để tâm trí mình treo ngược cành cây như thế, Tùng Dương”. Sự nghiêm khắc nhưng nhẹ nhàng của các thầy cô, theo Tùng Dương, luôn là điều khiến anh rất nhớ.

Đến khi ra làm nghề, có rất nhiều người thầy đã truyền cảm hứng cho anh. Có thể kể tới như Bộ tứ sông Hồng gồm các nhạc sĩ: Trần Tiến, Nguyễn Cường, Dương Thụ, Phó Đức Phương. Đó đều là những người thầy và là những vị tinh hoa trong âm nhạc.

Những người thầy ấy, Tùng Dương đã gắn bó từ suốt quãng thời gian còn chưa đi hát. Đó là khi anh đang là sinh viên ở Nhạc viện. Vì yêu quý, ngưỡng mộ các bậc tiền bối, anh đã chọn những khúc ca ấy để hát. Sau này, Tùng Dương đã tri ân 4 vị nhạc sĩ này thông qua một đêm nhạc.

“Họ giống như những người thầy đầu tiên của mình - những người thầy uyên thâm nhất trong âm nhạc và dạy mình cả trong phong cách sống. Với Tùng Dương, đó đều là những người thầy tầm vóc”.

“Tùng Dương luôn tâm niệm, những người thầy vĩ đại luôn là những người truyền cảm hứng cho chúng ta. Những người thầy vĩ đại ấy, dù dạy trực tiếp hay gián tiếp, nhưng họ đều đã truyền cảm hứng và vun đắp cho Tùng Dương những giá trị tốt đẹp. Tùng Dương luôn biết ơn họ vì đã ở bên, dìu dắt để bản thân trở thành một người nghệ sĩ hết lòng với nghệ thuật”, ca sĩ Tùng Dương bày tỏ.

Thời Vũ

Ca khúc ‘Bụi phấn’ khác lạ qua tiếng hát nữ Tùy viên sứ quán Mỹ

Ca khúc ‘Bụi phấn’ khác lạ qua tiếng hát nữ Tùy viên sứ quán Mỹ

Kate Bartlett hiện là Tuỳ viên Văn hoá tại Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội. Cô đến từ bang Florida. Kate mới sang Việt Nam hơn 2 tháng và học Tiếng Việt trong vòng 6 tháng.