- Trong khoảng thời gian hơn 1 giờ chiều ngày 4/9, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đã trả lời hơn 20 câu hỏi của các phóng viên tại buổi họp báo về khai giảng năm học mới 2016 - 2017...

"Đầu vào chỉ là một khâu đảm bảo chất lượng"

Phóng viên: Xin Bộ trưởng cho biết trong năm học 2016 - 2017 có những thay đổi gì ở kỳ thi THPT quốc gia?

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Bộ GD-ĐT đã thành lập tổ công tác, tham khảo ý kiến dư luận, các Sở GD-ĐT và đi đến thống nhất nhanh. Tại thời điểm này, chúng tôi chưa "chốt" phương án chính thức.  Tuy nhiên, có một số điểm cần nói rõ như sau. Phương án cho kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 không phải đổi mới mà là tiếp tục phương án 2016 - đây là năm mà thi và tuyển đương đối thành công, được xã hội đồng tình.

{keywords}

Tuy nhiên, kỳ thi năm 2016 vẫn có những điểm cần cải thiện. Ví dụ, vấn đề về tổ chức thi; có tới 2 loại cụm thi là cụm địa phương và cụm đại học; trong khi thực tế là cụm địa phương có thể tổ chức thi được. Như vậy, thay đổi cho năm 2017 là để gọn nhẹ, thiết thực hơn.

Thứ hai, về đề thi. Mặc dù được đánh giá tốt, nhưng ở khía cạnh nào đó, đề thi vẫn chưa hoàn toàn giúp cho việc thoát chuyện học tủ, học lệch. Trong khi đó, mục tiêu của giáo dục phổ thông là toàn diện. 

Bởi vậy, phương án của năm 2017 là khắc phục tình trạng học lệch, học tủ bằng cách áp dụng công nghệ thông tin  với các bài thi trắc nghiệp khách quan, thuận tiện. Đó là các bài thi tổng hợp, trắc nghiệm (bao gồm thi trên máy và trên giấy), khắc phục những điều phụ huynh còn băn khoăn.

Còn khâu xét tuyển vẫn theo tinh thần như năm 2016.

Như vậy, phương án thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển ĐH không phải là thí điểm hay hoàn toàn mới mà là kết quả của 3 năm thực hiện bài thi đánh giá năng lực; đồng thời khắc phục bất cập trong xét tuyển như thí sinh có 2 trường - 2 nguyện vọng; thông tin chưa được cập nhật thường xuyên trong quá trình xét tuyển.

Năm nay, Bộ và các trường sẽ nghiêm túc xem xét lại về "chỉ tiêu tuyển sinh". Có khả năng xảy ra hiện tượng là chỉ tiêu được xác định cao hơn năng lực đào tạo hiện có; nên hiện tượng "ảo" trong xét tuyển bắt đầu từ cái "ảo" về chỉ tiêu.

Bộ sẽ tăng cường đảm bảo chất lượng; tránh tình trạng chỉ tiêu - chất lượng không khớp với nhau.Chúng tôi cũng xác định, tuyển sinh đầu vào chỉ là một khâu của quá trình đảm bảo chất lượng.

"Giáo dục đại học không được lạc điệu"

Phóng viên: Một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà ngành giáo dục được giao, và cũng tự xác định đó là tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao. Trong thực tế chất lượng chưa xứng với kỳ vọng. Thêm vào đó, tỷ lệ thất nghiệp của các cử nhân ngày càng nhiều. Bộ GD-ĐT có giải pháp gì cho vấn đề này?

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Trước hết phải nhìn nhân rằng, sau 30 năm đổi mới, chất lượng giáo dục có "đi lên" chứ không phải "đi xuống", nhưng so với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội thì chưa đạt.

Ở đây, tôi đề cập tới những nguyên nhân từ phía ngành giáo dục.

Cứ hình dung như thế này, để sửa chữa một căn nhà, vừa chữa móng, vừa làm nhà thì vô cùng khó khăn. Việc đổi mới vẫn cứ phải tiến hành nên xảy ra va chạm hay ý kiến đa chiều là điều không tránh khỏi. Chúng tôi đã lắng nghe, và không chỉ có nghe, mà còn tìm tòi, trải nghiệm.

Nhìn tổng thể trong hệ thống giáo dục quốc dân, có lẽ đáng báo động nhất là giáo dục nghề nghiệp, mà ở đây là giáo dục đại học.

Để có được chất lượng đào tạo đáp ứng yêu cầu phát triển, Bộ GD-ĐT xác định áp dụng thúc đẩy mạnh mẽ tự chủ. Trong đó, có các giải pháp về kiểm định chất lượng. Bộ GD-ĐT sẽ áp dụng các tiêu chí kiểm định chất lượng của hệ thống giáo dục đại học ASEAN (AUN) cho phù hợp với Việt Nam.

Chất lượng giáo dục đại học có thể thấp, có thể thiếu, nhưng không được lạc điệu.

Trong các trường, sẽ phải thay đổi cách giảng dạy theo hướng thực học, thực nghiệp. Các trường không chỉ dạy những gì mình có, mà phải dạy thị trường cần.

Cần xác định rõ, một số trường ĐH lớn đi theo định hướng nghiên cứu, phần lớn sẽ đi theo hướng ứng dụng thực hành.

{keywords}

Bộ GD-ĐT sẽ củng cố trung tâm dự báo nhu cầu nghề nghiệp thị trường lao động để các trường là cơ sở tham khảo khi định hướng chuyển đổi ngành nghề.

Có nhiều ngành chưa từng có thì cần phải đào tạo, từ đó mạnh dạn hội nhập quốc tế, Bộ cho phép nhập thẳng các chương trình quốc tế; có cả giáo viên, phòng thí nghiệm kèm theo.

Nếu đào tạo không chất lượng thì không sống được trong môi trường hiện nay.

"Chậm mà chắc"

Phóng viên: Trước năm học mới, TP.HCM cấm dạy thêm, học thêm trong nhà trường. Môt bộ phận giáo viên phản ứng với lý lẽ: Chương trình hiện đang bất cập, và thi cử thì hay thay đổi nên không thể cấm được. Ông suy nghĩ thế nào về ý kiến như vậy?

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Học thêm là một nhu cầu có thật của  một bộ phận học sinh, phụ huynh. Còn chuyện "cấm dạy thêm" phải hiểu là cấm dạy thêm tràn lan, hay những hành vi dạy thêm trái quy định; chẳng hạn như giáo viên cố ý đưa nội dung chính khoá vào giờ dạy thêm.

Muốn giảm tình trạng dạy thêm, học thêm sai quy định như hiện nay, cần phải có lộ trình, trong đó,  việc quan trọng là chỉnh sửa nội dung chương trình, sách giáo khoa.

Cần nhìn học thêm, dạy thêm trong cả một quá trình chứ không phải chỉ với một lát cắt.

Phóng viên: Bộ trưởng có thể cho biết khi nào sẽ hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông tổng thể?

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Bộ GD-ĐT sẽ xem xét công việc này thận trọng, với tinh thần "chậm mà chắc".

Sau Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông năm 2014 (Nghị quyết 88), cách làm chương trình và sách giáo khoa của ngành giáo dục có những điểm khác biệt so với trước đây.

Nếu như trước đây, chỉ có một nhóm chuyên gia tập trung làm sách giáo khoa thì hiện nay, việc đổi mới chương trình và sách giáo khoa là kết hợp cả đổi mới sư phạm; việc làm sách giáo khoa cũng phải công khai, minh bạch, huy động nhiều nguồn lực, chất xám trong xã hội.

Tại thời điểm này, chúng tôi chưa đặt vấn đề hoãn tiến độ thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới. Sẽ phải đẩy nhanh hơn so với trước, nhưng chúng tôi sẽ làm chắc chắn với phương châm vì mục tiêu phát triển giáo dục bền vững.

Lắng nghe nhưng không để thành "đẽo cày giữa đường"

Phóng viên: Thưa Bộ trưởng, liệu đến khi nào ngành giáo dục sẽ dừng cụm từ "đổi mới" để phụ huynh và học sinh yên tâm?

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục nước nhà là một nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước đã giao cho ngành giáo dục.

Trong giáo dục, không nên yêu cầu đổi mới hôm nay ngày mai có kết quả mà cần có lộ trình phù hợp.

Trong ngành giáo dục, việc lắng nghe các ý kiến trao đổi, các bức xúc của xã hội là cần thiết. Nhưng lắng nghe cũng phải có lựa chọn, có bản lĩnh; nếu không sẽ  thành đẽo cày giữa đường.

Thông tư 30 về đánh giá học sinh tiểu học là một chủ trương tốt, nhưng trong quá trình triển khai khi phát sinh bất cập, Bộ đã nghiêm túc rút kinh nghiệm và sửa.

Lần chỉnh sửa này không phải "bình mới rượu cũ", hay tạo ra một thông tư mới.

Hay như mô hình "trường học mới Việt Nam" (VNEN), cũng như thông tư 30, có nhiều điểm tích cực.

Là mô hình mới nên cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng khi triển khai VNEN. Không phải nơi nào cũng áp dụng được. Tuy nhiên, thời gian qua xu hướng đua nhau thực hiện trong khi một số địa phương, cơ sở giáo dục chưa chuẩn bị kịp hoặc áp dụng máy móc nên đã gây ra những hiểu lầm.

Bộ GD-ĐT đã rút kinh nghiệm trong vấn đề hướng dẫn, tổ chức và kiểm tra. Mức độ nhân rộng ít đi, phổ biến dần dần, không nhất thiết địa phương nào cũng phải áp dụng mô hình này và mỗi nơi áp dụng phải có điều kiện kèm theo.

Trong giáo dục phải rất thận trọng, ngay cả cách sử dụng từ ngữ. Những cụm từ như “nhồi nhét", "chuột bạch”, “thí nghiệm”... rất xa lạ với giáo dục. Những phản ánh ấy không đúng tinh thần của đổi mới. Dùng không đúng cụm từ dẫn đến cách hiểu khác nhau.

Phóng viên: Năm nay, Đà Nẵng đã cho học sinh nghỉ 3 tháng hè, tựu trường vào tháng 9. Sở GD-ĐT Đà Nẵng cho biết với lịch này, học sinh đảm bảo chương trình của Bộ. Trong khi các địa phương khác lại cho rằng phải tựu trường sớm hơn mới đảm bảo chương trình của bộ? Nên chăng, Bộ có quyết định trong toàn quốc về chuyện đi học sớm trước ngày khai giảng?

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Về chuyện khai giảng và nghỉ hè, trong thời gian qua, Bộ GD-ĐT đã chấn chỉnh một bước, năm sau sẽ cải thiện tiếp.

Hướng cải thiện là trong khung năm học, sẽ không quy định máy móc tuần này làm gì, học gì; mà để các cơ sở sắp xếp cho hợp lý.

Làm sao cho các cháu có thời gian nghỉ hè đúng.

Cũng phải cân nhắc thời gian nghỉ không nhất thiết là 3 tháng hè, mà có thể tăng thời gian nghỉ đông.

Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục cải tiến để ngày khai giảng là ngày vui của học sinh, chứ không chỉ học sinh Đà Nẵng mới có niềm vui.

Xin cảm ơn ông!

  • Hạ Anh (Ghi)