- Bí thư Thành uỷ Hà Nội - ông Hoàng Trung Hải - nói như vậy trong buổi làm việc với ĐHQG Hà Nội sáng nay, ngày 1/2.
“Cơ sở đại học có nhiều cái nhất”
Tại buổi làm việc diễn ra khẩn trương trong 3 giờ, ĐHQG Hà Nội đã nêu nhiều kiến nghị nhằm thúc đẩy sự hợp tác giữa cơ sở giáo dục đại học với chính quyền Thủ đô, đặc biệt là các giải pháp để nhanh chóng xây dựng khu đô thị đại học Hoà Lạc.
Bí thư Hoàng Trung Hải, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung thăm phòng lưu niệm ĐHQG Hà Nội. Ảnh: Vũ Toàn |
Giới thiệu những hoạt động nổi bật, Giám đốc ĐHQG Hà Nội - ông Nguyễn Kim Sơn - dẫn ra những con số đến năm 2017: Quy mô đào tạo các hệ đặc biệt tăng, với xấp xỉ 15% so với quy mô hệ chính quy; tỷ lệ sinh viên học tập/nghiên cứu làm việc trong môi trường quốc tế đạt 18%; hệ vừa học vừa làm vừa học giảm còn 10%; đào tạo sau đại học đạt 25%.
ĐHQG Hà Nội đứng đầu về công bố quốc tế với 560 bài báo khoa học trên hệ thống ISI/Scopus, chỉ số cao nhất từ trước đến nay.
Đây cũng là nơi có đội ngũ cán bộ mạnh nhất cả nước với tỷ lệ cán bộ khoa học có trình độ TS, TSKH đạt 50,5%, riêng các lĩnh vực khoa học tự nhiên, công nghệ và kinh tế thì đạt trên 70%...
Đề cập tới khu đô thị Hoà Lạc, PGS Nguyễn Kim Sơn cho hay việc thúc đẩy dự án đã có "tuổi đời" 20 năm này thành hiện thực có ý nghĩa quan trọng.
Tại buổi làm việc, ĐHQG Hà Nội đã nêu 3 kiến nghị với Chính phủ, Nhà nước và 8 nội dung với thành phố các giải pháp cụ thể để xây dựng khu đô thị Hoà Lạc.
Đó là: Tạo điều kiện và cơ chế đầu tư đặc biệt, ban hành quy chế đặc thù và tập trung nguồn vốn để ĐHQG Hà Nội triển khai xây dựng cơ sở mới tại Hoà Lạc, đẩy nhanh tiến độ xây dựng giải phóng mặt bằng và tái định cư, xây dựng đường vành đai khu đô thị Hoà Lạc, đầu tư xây dựng ký túc xá sinh viên, cấp quỹ đất xây dựng nhà ở cho cán bộ, tham gia đào tạo nhân lực cho Hà Nội...
“Đô thị đại học” Hoà Lạc: Khó nhất là giải phóng mặt bằng
Theo ông Trần Đức Nguyên, Phó Bí thư huyện uỷ huyện Thạch Thất, thì nhiệm vụ quan trọng hiện nay là giải phóng mặt bằng cho khu đô thị cần tới 717 tỷ đồng. Cùng với chi phí xây dựng tái định cư và các hạng mục khác, hiện cần khoảng 1.200 tỷ đồng để thực hiện.
Buổi làm việc sáng ngày 1/2. |
Ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội đã “chia nhỏ” các kiến nghị từ phía ĐHQG Hà Nội thành 19 vấn đề và giải đáp cụ thể.
Về nguyện vọng đào tạo cho cán bộ Hà Nội, ông Chung nói sẽ phối hợp 3 bên: Bộ Nội vụ, Học viện Hành chính quốc gia và ĐHQG Hà Nội.
Đề cập tới “vấn đề khó khăn khất” là giải phóng mặt bằng cho khu đô thị, ông Chung nói thành phố có quỹ đầu tư có thể ứng ra cho nhu cầu 1.200 tỷ đồng. Ông Chung cũng ủng hộ chủ trương cấp đất xây nhà cho cán bộ ĐHQG Hà Nội. Còn những công việc liên quan đến hạ tầng, xây dựng... cần có thêm các cuộc họp giải quyết từng vấn đề.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội dành nhiều thời gian đề cập tới chuyện “thương mại hoá các sản phẩm nghiên cứu khoa học”, bởi đây không chỉ là chuyện riêng của ĐHQG Hà Nội mà còn là của các “start-up” và trường đại học khác.
Ông Chung cho biết đang giao Sở Khoa học – Công nghệ xây dựng trung tâm ý tưởng, thành lập hội đồng là những nhà khoa học để xem xét, tuyển chọn ý tưởng và đầu tư bằng quỹ mạo hiểm, rồi hỗ trợ nghiên cứu, đưa sản phẩm ra thị trường.
Hà Nội cũng đang triển khai trung tâm phân tích dữ liệu và sẽ mời các nhà khoa học ĐHQG Hà Nội tham gia.
Ông Chung cũng đề cập tới một số nghiên cứu mà ĐHQG Hà Nội giới thiệu và lưu ý “không cẩn thận khi ra thị trường sẽ bị thất bại”, bởi trong thực tế đã có những sản phẩm cạnh tranh với giá thành tốt hơn.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư Thành uỷ Hoàng Trung Hải đánh giá cao bề dày lịch sử, chất lượng đội ngũ giảng viên của ĐHQG Hà Nội.
Nhắc tới con số 560 bài báo quốc tế, ông Hải nói rằng những công bố quốc tế này là lao động trí tuệ sáng tạo của các nhà khoa học, cho thấy không phải lúc nào "nhà khoa học Việt Nam cũng đông mà không mạnh".
Ông cũng nói rằng con số 258 sinh viên của ĐHQG Hà Nội kết nạp Đảng năm 2017, bổ sung vào đội ngũ 13.000 Đảng viên mới của Hà Nội cũng là kết quả phát triển tích cực.
Về dự án khu đô thị Hoà Lạc – “đã quyết tâm đầu tư 20 năm vẫn chưa xong” – ĐHQG Hà Nội cần chú ý tư tới sự đồng bộ.
Bí thư Thành uỷ nhận định "“Vỏ” khoa học công nghệ đóng vai trò quan trọng, nhưng không thể thay thế con người".
Ông Hải cũng lưu ý "Có những chiến lược khoa học công nghệ “đi tắt, đón đầu” nhưng đối với con người có “đi tắt” được không? Bởi, đào tạo không bài bản thì khi ra ngoài thị trường “không chiến đấu được”".
"Năm 2017, Hà Nội có 354 phản biện về các vấn đề chính sách, đều là chất xám từ các nhà khoa học" - ông Hải cho biết thêm và nhấn mạnh “Bây giờ làm chính sách mà không có sự tham gia của nhà khoa học, người dân là thất bại, chứ không giống như trước là ra mệnh lệnh”.
Bí thư Hoàng Trung Hải nói ĐHQG Hà Nội và lãnh đạo huyện Thạch Thất cùng các sở ngành có liên quan xây dựng cơ chế phối hợp, huy động các nguồn lực nhanh chóng triển khai hoạt động giải phóng mặt bằng để kịp tiến độ khởi công xây dựng các dự án thành phần thuộc Dự án đầu tư xây dựng ĐHQGHN tại Hòa Lạc.
Bên cạnh đó, Hà Nội sẽ xây dựng các phương án kết nối giao thông từ trung tâm tới Hòa Lạc để tạo thuận lợi cho việc di chuyển của cán bộ và sinh viên; hỗ trợ ĐHQG Hà Nội trong việc cấp giấy chứng nhận sử dụng đất tại những khu đất đã hoàn thành giải phóng mặt bằng để thúc đẩy việc đa dạng hóa các nguồn vốn để xây dựng cơ sở hạ tầng.
Hạ Anh
ĐHQG Hà Nội tuyển hơn 8.500 chỉ tiêu đại học chính quy năm 2018
ĐHQG Hà Nội vừa công bố thông tin tuyển sinh đại học chính quy năm 2018 với trên 8.500 chỉ tiêu.
Chuyển giao dự án Hòa Lạc từ Bộ Xây dựng sang ĐHQG Hà Nội
Thủ tướng Chỉnh phủ vừa ban hành quyết định về việc chuyển giao Dự án đầu tư xây dựng ĐH Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc từ Bộ Xây dựng sang ĐH Quốc gia Hà Nội.
ĐHQG Hà Nội ban hành quy chế siết đào tạo tiến sĩ
ĐHQG Hà Nội vừa ban hành quy chế đào tạo tiến sĩ với nhiều nội dung chi tiết, chặt chẽ hơn trên cơ sở quy chế mà Bộ GD-ĐT ban hành hồi tháng 4 vừa qua