- Ông Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng việc lấy kỳ thi tốt nghiệp phổ thông để áp vào xét tuyển ĐH "sẽ rất khó".

Giữ nguyên phương án, cải tiến kỹ thuật

Tại hội nghị tổng kết năm học 2016-2017, ý kiến từ nhiều địa phương và trường ĐH cho rằng, kỳ thi THPT quốc gia vẫn còn nhiều điểm cần cải tiến về mặt kỹ thuật song nên giữ nguyên phương thức này cho các năm sau.

Đại diện tỉnh Nam Định đề nghị, "từ thành công của kỳ thi THPT quốc gia năm nay", tỉnh đề nghị giữ ổn định phương thức thi, chỉ điều chỉnh khâu kỹ thuật để tránh những thay đổi lớn, gây khó khăn cho địa phương.

{keywords}
Hội nghị tổng kết năm học 2016 - 2017 diễn ra tại Hà Nội sáng 21/8. Ảnh: Thanh Hùng

Bà Nguyễn Thị Kim Chi, Giám đốc Sở GD-ĐT Nghệ An cũng khẳng định, kỳ thi THPT quốc gia vừa qua "là một nỗ lực lớn của ngành giáo dục".

"Chúng ta nên duy trì phương án của năm nay nhưng có một số điểm kỹ thuật nên lắng nghe, tiếp thu, cầu thị để chỉnh sửa. Các địa phương sẽ góp ý để phương án thi năm sau hoàn chỉnh hơn".

Bà Nguyễn Thị Minh Giang, GĐ Sở GD-ĐT tỉnh Kiên Giang nói:

"Trước đây, chúng ta cố gắng thực hiện "2 không" nhưng gặp khó khăn thì lần này, với sự hỗ trợ của công nghệ, kỳ thi đã diễn ra nghiêm túc, an toàn, chính xác và kịp thời".

Tuy nhiên, nữ giám đốc Sở GD-ĐT Kiên Giang cũng cho rằng, vẫn còn những hạn chế về chuyên môn từ kỳ thi. Do đó, đề nghị Bộ GD-ĐT chỉ đạo rút kinh nghiệm, phân tích những hạn chế còn tại tại để khắc phục.

"Cần làm sớm để ngay từ đầu năm học triển khai kế hoạch thi THPT quốc gia 2018 giúp các địa phương, học sinh và phụ huynh có thời gian chuẩn bị, kỳ thi năm tới sẽ thành công và hiệu quả hơn".

Ông Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cũng cho rằng, phương thức thi THPT quốc gia 2017 là đổi mới thành công dù vẫn còn một số bất cập kỹ thuật. "Chẳng hạn như bài thi tổ hợp năm nay vẫn còn bất cập, năm sau kiến nghị Bộ GD-ĐT để bài thi tổ hợp là 1 bài, không chia thành các môn như năm nay nữa".

Lấy kết quả thi phổ thông để xét tuyển đại học "sẽ rất khó"

Phát biểu tại hội nghị, ông Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội đánh giá cao việc tự chủ trong giáo dục đại học. 

"Nhưng tôi vẫn muốn rằng lớn hơn hết của việc tự chủ là trao cho trường một năng lực đúng với trí tuệ và sự tập trung trình độ ở đại học, chứ không phải chỉ là vấn đề trách nhiệm.

Do đó, cần nhìn đúng vào bản chất của tự chủ đại học và tạo điều kiện cho đại học phát huy được và đó trở thành một trong những động lực phát triển của đất nước, tạo nguồn nhân lực chất lượng cao".

Theo ông Bình, kỳ thi THPT quốc gia là để công nhận tốt nghiệp cho học sinh sau 12 năm học phổ thông; còn việc tuyển sinh là việc của các trường. Tùy yêu cầu đặc thù của từng trường mà có cách tuyển phù hợp.

"Chúng ta lấy kỳ thi công nhận phổ thông để áp vào xét tuyển đại học thì khó".

{keywords}
Ông Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm UB Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội. Ảnh: Lê Văn.

Về vấn đề này, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho rằng, kỳ thi năm nay đã được đánh giá là nhẹ nhàng hơn. "Bộ Giáo dục ngày xưa được mệnh danh là "Bộ Thi" thì đến năm nay đã bớt được cái tên này đi".

Trên cơ sở thành công của kỳ thi năm nay, năm tới sẽ tiến hành cải tiến về kỹ thuật. Tập trung vào khâu đề thi cho tốt hơn. "Kho đề năm sau theo thời gian sẽ được bồi đắp, phong phú hơn".

Còn chuyện tuyển sinh đại học, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, đó là việc của các trường ĐH. Kỳ thi THPT quốc gia chỉ cung cấp dữ liệu để các trường tham khảo tuyển sinh chứ không phải là căn cứ duy nhất.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GD-ĐT làm việc lại với các trường xem xét lại việc tổ chức các bài thi tổ hợp KHTN và KHXH với 3 môn thi riêng lẻ mà thực chất là để phục vụ cho các trường tuyển sinh - cách làm này gây phức tạp cho công tác tổ chức cũng như sự mệt mỏi cho thí sinh.

Ông cũng đề nghị các trường ĐH nâng cao trách nhiệm vì xã hội và vì học sinh. "Các trường suốt ngày cứ kêu thí sinh ảo nhưng tuyển sinh là tự chủ, chuyện đó là của các trường. Cứ khó một tí lại kêu là không được".

"Các thầy có lý của mình nhưng cái lý chung nhất là chúng ta phải có trách nhiệm với nền giáo dục này. Tất cả phải vì học sinh, vì đổi mới" - Phó Thủ tướng nói.

Lê Văn - Thanh Hùng