Mới đây, trên mạng xã hội có lan truyền “phép tính” ra kết quả “chỉ 1 ngày 1 tiếng 15 phút ra một tiến sĩ”.

Theo thông tin được công bố trên website chính thức của Học viện Khoa học Xã hội thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, từ ngày 1/1 đến 11/4, cơ sở này đã tổ chức bảo vệ luận án tiến sĩ cho hơn 50 học viên các ngành Tâm lý học, Ngôn ngữ học, Nhân học, Khảo cổ học...

{keywords}

Thông tin này đang được nhiều người chia sẻ trên mạng xã hội. Có người làm phép tính cơ học để đưa ra kết quả như “Trung bình 1 tháng được gần 20 tiến sĩ, chính xác hơn là 1,76 ngày một tiến sĩ, còn nếu chỉ tính ngày làm việc, thì cứ 1 ngày 1 tiếng 15 phút có một tiến sĩ ra lò”…

Được biết, trong năm 2016, Học viện Khoa học Xã hội được phân chỉ tiêu đào tạo 1.600 thạc sỹ và 250 tiến sĩ (đợt đầu).

Trao đổi với VietNamNet, GS.TS Nguyễn Xuân Thắng – Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho biết: “Đây là đợt bảo vệ của 44 mã ngành, sau 3 năm làm luận án các nghiên cứu sinh đến hạn bảo vệ”.

GS.TS Nguyễn Xuân Thắng nói: “Thường thì thời gian đào tạo tiến sĩ là 3 năm. Đây là đợt bảo vệ luận án tiến sĩ thường kỳ. Và đợt này có 44 mã ngành, nên Viện tổ chức bảo vệ cùng một thời điểm. Trong đợt này mỗi mã ngành chỉ có 1, 2 luận án được bảo vệ. Có ngành còn không có người nào”.

Nói về quy trình đào tạo tiến sĩ, ông Thắng cho biết theo quy định thời gian đào tạo từ 3 – 4 năm.

Trước hết phải thông qua đề cương, học viên học các môn học bổ trợ để hoàn chỉnh khung chương trình. Tiếp đó phải bảo vệ 3 chuyên đề cấp cơ sở, hoàn thành luận án, bảo vệ cấp cơ sở. Sau khi nhận được ý kiến từ hội đồng sẽ phải sửa chữa, hoàn chỉnh theo yêu cầu của hội đồng rồi mới bảo vệ chính thức. “Cứ hỏi nghiên cứu sinh làm tiến sĩ vất vả, gian khổ hay không thì biết”.  

Về một số đề tài tiến sĩ “lạ tai” được bảo vệ trong thời gian qua như “Đặc điểm giao tiếp với dân của Chủ tịch UBND xã”, “Hành vi nịnh trong Tiếng Việt”, “Câu bị động trong Tiếng Anh và các phương thức dịch sang Tiếng Việt”... GS.TS Nguyễn Xuân Thắng chia sẻ “Đó là do quan niệm của mọi người lâu nay vẫn cho rằng luận án tiến sĩ làm về những thứ cao siêu, trên trời chứ không mang hơi thở cuộc sống. Hiện nay, luận án tiến sĩ đã đi vào với những đề thiết thực với cuộc sống như vậy, thì lại có ý kiến này khác…”.

Năm 2011, Bộ GD-ĐT đã rà soát điều kiện đảm bảo chất lượng và đã dừng tuyển sinh của 101 chuyên ngành của 35 cơ sở đào tạo trình độ tiến sĩ và cảnh báo 38 chuyên ngành của 18 cơ sở đào tạo khác do thiếu giảng viên cơ hữu.

Năm 2012, Bộ GD-ĐT chính thức thu hồi quyết định đào tạo tiến sĩ 57 chuyên ngành thuộc 27 cơ sở đào tạo không khắc phụ được tình trạng thiếu giảng viên.

Từ năm 2012, Bộ GDĐT đã sửa đổi, bổ sung Quy chế đào tạo trình độ Tiến sĩ, quy định việc thẩm định hồ sơ, luận án để đảm bảo và thúc đẩy việc nâng cao chất lượng đào tạo tại các cơ sở.

VietNamNet sẽ tiếp tục thông tin về vấn đề này.

  • Ngân Anh