- “Đề thi khá dài và khó. Môn Sinh có 12 câu hỏi khó, còn môn Hóa mặt cuối đề thi là những câu hỏi không dễ”- thí sinh Ngọc Ngoan, tại TP.HCM nói khi vừa kết thúc bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên sáng nay.
Thí sinh Lê Minh Quốc Anh dự thi 2 môn Lý, Hóa tại điểm thi Trường THCS Lê Qúy Đôn, Thủ Đức (TP.HCM) từng thi năm ngoái nhận thấy đề thi năm nay có độ phân hóa rõ hơn.
"Trong đó môn Lý và Hóa mỗi đề thi có 20 câu hỏi khó, 20 câu hỏi ở mức trung bình. Em nhắm chắc được khoảng 5 điểm. 5 điểm sau không chắc lắm. Riêng 10 câu cuối em không có khả năng để làm”.
Còn thí sinh Ngọc Ngoan, Trường THPT Nguyễn Hữu Huân thì thấy đề quá dài “một đề thi quá nhiều chữ. Em không làm được hết nhưng chắc sẽ ổn".
Tương tự, thí sinh Nguyễn Thị Xuân Kiều, Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM cũng cho rằng, đề thi Hóa và Sinh khó hơn năm ngoái, trong đó có nhiều câu hỏi kiến thức lớp 11 và nhiều câu hỏi rất khó.
“Mỗi môn có 20 câu hỏi đầu dễ còn 20 câu sau thì khó. Đặc biệt 5 câu hỏi cuối trong mỗi môn thi tổ hợp thực sự khó. Không những môn Sinh có quá nhiều đáp án đúng trong một câu hỏi gây khó khăn cho học sinh”.
Tại điểm thi ở quận 12, thí sinh Xuân An, Trường THPT Viễn Đỗng cùng chung nhận định này và cho rằng đề thi có sự phân chia rõ nét cho học sinh giỏi, khá, trung bình với yếu.
“Hơn 20 câu đầu khá dễ lấy điểm. Từ câu 26 bắt đầu khó rồi, phải tính toán, suy nghĩ rất nhiều mới ra được đáp án”- Xuân An nhận xét.
Còn thí sinh Thùy Linh, Trường THPT Trường Chinh thì cho rằng, “lấy 5 điểm môn Lý hơi khó nhưng 5 điểm môn Hóa và Sinh tương đối dễ”.
Đề môn Hóa không hợp thời gian 50 phút
Nhận xét về đề thi môn Hóa học, thạc sĩ Trần Thị Phương Thảo, Trường THPT Gia Định, TP.HCM, cho rằng đề thi khó hơn so với năm 2017.
Về cấu trúc, đề thi có 60% lý thuyết, 40% là các câu hỏi bài toán. Số lượng câu hỏi thuộc chương trình 11 khoảng 20% nhưng không khó. Theo cô Thảo, với lượng câu hỏi này học sinh không đủ thời gian để giải trong 50 phút. Do đó, phần lớn học sinh chỉ làm được 32 câu, 8 câu còn lại thì chỉ làm được 4 câu nên sẽ có tình trạng đánh bừa và có điểm may mắn.
Vũ Thị Phương Quế, Trường THPT chuyên Nguyễn Huệ (Hà Nội) thì kiến thức đề thi được phủ đều, cân đối giữa câu hỏi lý thuyết và bài tập, có một số câu liên hệ thực tế và thực hành hóa học. So với đề năm ngoái, độ khó tăng hơn.
“Đề năm nay có một số điểm mới nằm ở phần bài tập phân loại cao (thường là hỗn hợp nhiều phần, nhất là phần hưu cơ). Ví dụ, câu 73 là kiến thức tổng hợp 2 phần peptit và este; câu 74 là giữa aminoaxit và axit”- cô Quế đưa ra quan điểm.
Theo các giáo viên tổ Hóa học – Hệ thống giáo dục Hocmai, đây là năm đầu tiên có sự xuất hiện nội dung của chương trình hóa học 11 trong đề thi THPT quốc gia. Tỉ lệ câu hỏi thuộc chương trình hóa học 11 chỉ là 17,5 %, chủ yếu ở cấp độ nhận biết; thông hiểu và vận dụng. Đề thi vẫn sắp xếp theo thứ tự từ dễ đến khó nhưng ở mức tương đối. Các câu hỏi cực khó bắt đầu từ câu 73 đến 80 trong đó có sự móc nối kiến thức lớp 11 và 12. Điểm mới của câu hỏi sơ đồ thí nghiệm năm nay là học sinh phải vận dụng kiến thức để trả lời thay vì chỉ ghi nhớ kiến thức như mọi năm. Ví dụ: (câu 55 – mã 209; câu 57 – mã 202, yêu cầu học sinh phải hiểu bản chất hóa học suy ra hiện tượng sau phản ứng. Số câu hỏi đếm có xu hướng tăng (đếm số phát biểu đúng; đếm số thí nghiệm đúng). Đây là những câu hỏi yêu cầu học sinh nắm được đa dạng kiến thức mới có thể làm được. So với đề thi năm 2017, đề thi không xuất hiện thêm các dạng câu hỏi mới, lạ và tương tự đề thi tham khảo Bộ đã công bố.
Đối với môn Vật lý, thầy Nguyễn Văn Thắng, giáo viên Trường THPT Trần Phú, Hà Nội nhìn nhận đề thi cơ bản đã bám sát nội dung chương trình, trong đó có 9 câu thuộc chương trình lớp 11, còn lại là nội dung chương trình lớp 12.
Theo thầy Thắng, trong tổng thể 40 câu hỏi có 12 câu học sinh chỉ cần nhận biết không phải tính toán, còn lại 25 câu học sinh phải thực hiện từ một vài phép tính để có được đáp số và 4 câu nâng cao nhằm đánh giá học sinh giỏi. Thầy Thắng cho rằng đề thi năm nay có đưa phần thực nghiệm ở kiến thức lớp 11, như câu 28.
Nhận định về đề thi môn Sinh học, thầy Nguyễn Thành Công, Trường THPT Chuyên Sư phạm, ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng mức độ phân hóa của đề thi năm nay tốt hơn so với đề năm 2017.
“Lượng kiến thức phần lớn tập trung trong chương trình lớp 12, lớp 11 chỉ có 8 câu, khá đơn giản và tương đương với các câu trong đề minh họa. Các câu hỏi trong chương trình lớp 11 nằm ở chương I, chuyển hóa vật chất và năng lượng. Các câu từ 81 đến 100 khá cơ bản, phù hợp với mục tiêu xét tốt nghiệp dù có một số câu ở mức độ hiểu cũng sẽ làm khó học sinh. Tuy nhiên, các học sinh học kỹ sách giáo khoa là có thể đạt được mục tiêu này”.
Theo thầy Công, "có tới 20 câu hỏi ở mã đề 214, dẫn đến việc nén kiến thức vào trong một câu hỏi hay một đề ở mức độ cao khiến áp lực thời gian đè nặng lên thí sinh, thí sinh phải thật bản lĩnh mới có thể vượt qua đề thi”. Thầy Công cho rằng, với đề thi này, đỉnh của phổ điểm sẽ nằm ở khoảng điểm 5 điểm, điểm 10 sẽ ít hơn năm trước.
Còn thầy Đặng Hùng Dũng, giáo viên Sinh học Trường THPT Phúc Thọ, Hà Nội phân tích, trong 40 câu đề thi năm nay có 20 câu mệnh đề. Điều này đánh giá được năng lực học sinh khá tốt. Nhìn chung, đề thi môn Sinh học không mang tính hàn lâm, có cả kiến thức về lý thuyết, thực hành và vận dụng trong cuộc sống.
Lê Huyền- Như Sỹ - Thanh Hùng