- Dưới góc độ chuyên môn, thầy Đặng Ngọc Khương, giáo viên môn văn, Trường THPT chuyên Ngoại ngữ (Hà Nội) cho rằng, đề thi vào chuyên văn của Trường THPT chuyên Lam Sơn (Thanh Hóa) rất hay.

 Đề thi có tính gợi mở và yêu cầu năng lực sáng tạo của học sinh.

Câu 1 và câu 3 của đề thi có khả năng phân loại năng lực cảm thụ, phân tích văn học của học sinh rất cao, vừa ,mang tính giáo dục vừa mang tính thẩm mỹ.

Đặc biệt, với câu 2, được xem là một đề bài lạ với đa số học sinh thì thầy Đặng Ngọc Khương cho biết, ở một số kỳ thi chuyên, cách ra đề thi này không hề mới. 

Thầy Khương nhận xét, đây là cách ra đề có tính gợi mở rất cao. Bằng trải nghiệm của bản thân, học sinh có thể tự chọn lựa vấn đề để bàn luận. Đối với cách ra đề như thế này, đáp án cũng sẽ rất mở và người chấm bài cũng là những giáo viên có trình độ chuyên môn tốt.

Cách ra đề này khá giống với cách đề văn ở Trung Quốc ở những năm gần đây, đặc biệt ở các kỳ thi đại học. Họ thường hay ra những đề mở ngắn gọn như “Sự công bằng kiểu Trung Quốc” hay thậm chí chỉ là hình ảnh một đôi bàn tay nắm chặt để học sinh tự khai thác theo cách riêng.

Với đề thi vào lớp 10 chuyên Văn của trường THPT năng khiếu – ĐH quốc gia TP.Hồ Chí Minh, thầy Khương cho rằng đây không phải là một đề thi tệ. Câu 1 trong đề yêu cầu hoc sinh bàn luận về chủ đề công dân môi trường toàn cầu. Môi trường là câu chuyện nóng bỏng hiện nay nên việc đưa vào đề thi sẽ làm học sinh cảm thấy hứng thú. Có ý kiến cho rằng, đề thi như vậy quá khó đối với học sinh lớp 9. Tuy nhiên, thấy Khương lại bày tỏ, đây là đề thi chuyên, cần phải như vậy.

Có một sự đáng tiếc ở đề thi văn của trường phổ thông năng khiếu, theo thầy Đặng Ngọc Khương, đó là ngữ liệu trích dẫn của câu 1 chưa thật sự hay do cách diễn đạt ở bản dịch. Hơn thế nữa, giữa phần ngữ liệu và tên của tài liệu được trích dẫn dễ khiến học sinh hiểu lầm và khó xác định đúng vấn đề cần nghị luận trong bài. Theo thầy Khương, đề sẽ hay hơn nếu sử dụng một nguồn ngữ liệu khác sáng rõ hơn.

  • Nguyễn Hường (Ghi)