- Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa cho biết, thời gian tới, Bộ sẽ chỉ đạo các địa phương thực hiện chuyển đổi các trường tiểu học từ dạy học 1 buổi/ngày sang dạy học cả ngày.

Đây là thông tin được đưa ra tại hội nghị Tổng kết Chương trình đảm bảo chất lượng giáo dục trường học (SEQAP) giai đoạn 2010-2016.

SEQAP nhằm mục tiêu cải thiện chất lượng giáo dục tiểu học ở Việt Nam, góp phần nâng cao hiệu quả học tập của học sinh, tạo cơ hội học tập bình đẳng trong các nhóm đối tượng có điều kiện kinh tế- xã hội khác nhau thông qua việc chuyển đổi các trường tiểu học sang dạy học cả ngày.

Chương trình được thực hiện trong 7 năm (từ 21/2/2010-31/12/2016) và triển khai tại 36 tỉnh có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn với 284 huyện và hơn 1.600 trường tiểu học khó khăn được chuyển sang dạy học cả ngày.

TS Trần Đình Thuận, Giám đốc ban quản lý chương trình này đưa ra những con số khả quan: 

Đến cuối năm học 2015 - 2016, toàn SEQAP có 1395 trường tổ chức cho 100% học sinh được học cả ngày tại trường (chiếm 87,5%). Số trường còn lại, do vẫn còn một vài điểm trường lẻ khó khăn, xa điểm trường chính, ít học sinh nên chưa tổ chức được học cả ngày. Tuy nhiên, đầu năm học 2016-2017, là năm học không còn sự hỗ trợ của SEQAP, có 100% các trường tham gia SEQAP vẫn triển khai dạy học cả ngày với các phương án phù hợp. Đồng thời các địa phương đã mở rộng mô hình cho các trường ngoài SEQAP.

“Theo số liệu báo cáo của 36 tỉnh cho thấy có hơn 5000 trường ngoài SEQAP thực hiện dạy học cả ngày và tổng số học sinh được thụ hưởng SEQAP trong 7 năm là hơn 1 triệu em. Trong đó, khoảng 49% là học sinh nữ và trên 45% là học sinh dân tộc thiêu số”, ông Thuận nói.

Theo ông Thuận, để thực hiện dạy học cả ngày, các trường cần có giáo viên các môn học đạt tỷ lệ tối thiểu 1,3 giáo viên/lớp và đạt chuẩn trình độ đào tạo, chuẩn nghề nghiệp giáo viên tiểu học (trong đó có đủ giáo viên các môn Âm nhạc, Mỹ thuật, Thể dục). Cán bộ quản lý và giáo viên phải được bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực tổ chức, quản lý dạy học cả ngày.

Ngoài ra, các trường cần có số phòng học đạt tối thiểu 0,8-1 phòng/lớp; có phòng học đa năng, phòng học nghệ thuật và điều kiện phục vụ hoạt động buổi trưa của học sinh tại trường.

Theo ông Thuận, để đảm bảo tính bền vững của chương trình này, Bộ GD-ĐT cần xem xét và cho thực hiện chuyển đổi các trường tiểu học sang dạy học cả ngày theo lộ trình do SEQAP xây dựng, nhằm đạt được chỉ tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2011-2020 là đến năm 2020 sẽ có 90% các trường tiểu học dạy học 2 buổi/ngày.

Về điều này, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa đánh giá, một lộ trình chuyển đổi các trường tiểu học trên toàn quốc chuyển sang dạy học cả ngày giai đoạn 2016-2020 đã được xây dựng với các phương án có tính khả thi là tín hiệu tích cực cho đổi mới, sáng tạo. Do đó, Bộ GD-ĐT sẽ tiếp nhận, chỉ đạo các địa phương thực hiện trong thời gian tới.

“Để những kết quả của chương trình được duy trì và phát triển, đảm bảo tính bền vững mục tiêu đề ra, tôi đề nghị UBND các tỉnh quan tâm, chỉ đạo và tạo điều kiện để các trường tiểu học trong và ngoài SEQAP tiếp tục thực hiện mô hình dạy học cả ngày trong giai đoạn tới. Đồng thời có lộ trình, kế hoạch chuyển đổi các trường tiểu học dạy học 1 buổi/ngày còn lại ở địa phương sang dạy học cả ngày”, bà Nghĩa nhấn mạnh.

Dạy học cả ngày là gì?

Dạy học cả ngày là phương án bổ sung thêm thời gian cho việc dạy học và giáo dục trong trường tiểu học để tổ chức các hoạt động giáo dục tiểu học theo một chương trình, kế hoạch được điều chỉnh, mở rộng nhằm giúp tất cả học sinh đạt chuẩn kiến thức, kỹ năng các môn Tiếng Việt và Toán, hình thành và rèn luyện các phẩm chất, năng lực phù hợp lứa tuổi. Học sinh tham gia học cả ngày sẽ được học tập, hoạt động cả buổi sáng, buổi trưa và buổi chiều tại trường vào một số ngày hoặc tất cả các ngày học trong tuần. Học sinh học cả ngày tại trường có nhiều thời gian học tập và tham gia các hoạt động giáo dục nhiều hơn, có điều kiện được giao lưu, chia sẻ, góp phần phát triển mối quan hệ xã hội, kỹ năng sống, tính độc lập, tự chủ. Dạy học cả ngày mang cơ hội được học tập trong môi trường thuận lợi cho trẻ em, đặc biệt là các em có hoàn cảnh khó khăn, dân tộc thiểu số, trẻ em gái. Đồng thời góp phần tạo sự bình đẳng về quyền lợi học tập cho trẻ em ở những vùng miền có điều kiện khác nhau.

  • Thanh Hùng