- Đại diện Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội cho biết "bất ngờ" khi hay tin Bộ GD-ĐT thông báo trường này không hợp tác để thẩm định và xác nhận các điều kiện đảm bảo chất lượng.

Theo thông tin mới đây từ Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT), đến ngày 30/6/2017, Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội là 1 trong 2 cơ sở giáo dục đại học không hợp tác để thẩm định và xác nhận các điều kiện đảm bảo chất lượng.

{keywords}
Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội. Nguồn: hubt.edu.vn

Trao đổi với VietNamNet, GS Đinh Văn Tiến, phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội khẳng định không hề có chuyện trường từ chối hay “không hợp tác” để các trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục thực hiện việc thẩm định và xác nhận các điều kiện đảm bảo chất lượng".

“"Chúng tôi cũng đã gửi Bộ các văn bản liên quan".

Ông Tiến cho hay trường mình tiến hành thẩm định chất lượng qua 2 bước.

Thứ nhất là thẩm định trong nội bộ theo đúng hướng dẫn của Bộ GD-ĐT, sau đó sẽ tiến hành mời thẩm định từ các cơ quan bên ngoài. “Dự kiến tháng 3/2018 sẽ xong, chúng tôi sẽ mời Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục - ĐHQG Hà Nội thẩm định, thậm chí có thể mời thêm các tổ chức nước ngoài thẩm định nữa”.

Theo ông Tiến, từ tháng 3/2017, trường đã thành lập hội đồng tự đánh giá và đảm bảo chất lượng thực hiện đánh giá nội bộ, chuẩn bị các bước cho thực hiện đánh giá bởi các tổ chức bên ngoài.

Trước đó, ngày 27/6, Cục Quản lý chất lượng Bộ GD-ĐT có công văn gửi đến trường yêu cầu phối hợp với trung tâm kiểm định đã được Bộ giao thực hiện (Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục - ĐH Đà Nẵng) để hoàn tất việc thẩm định trước ngày 30/6.

Tuy nhiên, theo ông Tiến, Bộ giao Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục ĐH Đà Nẵng kiểm định đúng lúc trường đang kiểm định nội bộ, nên chưa thể thực hiện đánh giá ngoài ngay.

“Ngoài ra, chúng tôi cung đã chọn Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục - ĐHQG Hà Nội rồi và cũng đã có công văn gửi Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục- ĐH Đà Nẵng để thông tin đang tiến hành thẩm định nội bộ, khi nào xong có kết quả rồi thì mới mời thẩm định bên ngoài. Đồng thời cũng đã báo cáo Bộ việc này bằng công văn phản hồi đến Cục Quản lý chất lượng”, ông Tiến nói.

Ông Tiến cho biết, trong công văn gửi Cục Quản lý chất lượng ngày 29/6, trường cũng nói rõ trường đang chuẩn bị tự đánh giá theo tiêu chuẩn, tiêu chí mới của Bộ theo Thông tư 12 bộ mới ban hành trong năm 2017 và sẽ mời tổ chức đánh giá ngoài vào năm 2018 như Bộ quy định.

{keywords}
Công văn Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội gửi Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT) để báo cáo.

Trả lời câu hỏi của VietNamNet rằng tại sao trường không theo sắp xếp của Bộ GD-ĐT mà lại phải chọn Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục -ĐH Quốc gia Hà Nội, ông Tiến lý giải:

“Bộ chỉ định Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục - ĐH Đà Nẵng kiểm định, nhưng theo quy định thì trường có quyền lựa chọn một đơn vị uy tín và chúng tôi tin tưởng là Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục - ĐH quốc gia Hà Nội để công việc thuận lợi hơn. Trung tâm của ĐH Quốc gia Hà Nội là trung tâm lớn, có uy tín và cách đây 10 năm cũng từng thẩm định trường chúng tôi. Ngoài ra, trung tâm này cũng gần hơn thì giúp chúng tôi làm việc được thuận tiện”.

Trước đó, Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT) ra thông báo, đến ngày 30/6/2017 đã có 208 cơ sở giáo dục đại học được thẩm định và xác nhận các điều kiện đảm bảo chất lượng năm 2017, 24 cơ sở khác do đã được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục trước ngày 15/4 nên được miễn thẩm định.

Tuy nhiên, có hai cơ sở giáo dục đại học là Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, Trường ĐH Tôn Đức Thắng không hợp tác để các trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục thực hiện việc thẩm định và xác nhận các điều kiện đảm bảo chất lượng.

4 tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục gồm: Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục - ĐH Quốc gia Hà Nội; Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục - Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam; Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục - ĐH Đà Nẵng và Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục - ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh. Các tổ chức này đã tiến hành công tác thẩm định và xác nhận các điều kiện đảm bảo chất lượng chính (diện tích đất, sàn xây dựng; thư viện, trung tâm học liệu; quy mô sinh viên, đội ngũ giảng viên cơ hữu) đối với các cơ sở giáo dục đại học trong cả nước.

Thanh Hùng

Kiểm định chất lượng giáo dục: Gian nan bước khởi đầu

Kiểm định chất lượng giáo dục: Gian nan bước khởi đầu

Việt Nam bắt đầu triển khai KĐCL năm 2005, dù chậm hơn một chút nhưng không phải là quá trễ. Tuy nhiên, 12 năm mới hoàn thành vòng đầu thì đã tụt hậu.

Hai trường đại học không hợp tác thẩm định các điều kiện đảm bảo chất lượng

Hai trường đại học không hợp tác thẩm định các điều kiện đảm bảo chất lượng

Theo Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT) hiện có 2 cơ sở giáo dục đại học không hợp tác để thẩm định và xác nhận các điều kiện đảm bảo chất lượng.