- Ngày 29/5, Sở GD-ĐT Hà Nội ra văn bản “tuýt còi” nghiêm cấm tất cả các trường trên địa bàn tuyển sinh đầu cấp trước thời hạn quy định (bao gồm cả trường ngoài công lập) và sẽ xử lý nghiêm khắc các trường hợp vi phạm.

Từ nhiều năm, các trường ngoài công lập (NCL) đã tuyển sinh không theo thời điểm tuyển sinh chung mà Sở GD-ĐT quy định.

Các trường đã hoàn tất việc tuyển sinh lớp 1, thậm chí có trường đã tuyển hết chỉ tiêu lớp 6 từ rất sớm vào cuối tháng 4, đầu tháng 5 đã không còn nhận hồ sơghi danh tuyển sinh. Có trường công khai trên website là “tuyển sinh quanh năm”.

Mỗi trường đều có những lý do riêng, song có một điểm chung được lý giải là vì có những đặc thù riêng, hoạt động theo đặc thù và nếu tổ chức tuyển sinh đúng ngày như Sở quy định thì khó khăn cho nhà trường và phụ huynh.

Ông Nguyễn Văn Hòa (Chủ tịch HĐQT trường Nguyễn Bỉnh Khiêm Hà Nội), một trong những người chứng kiến sự phát triển của hệ thống các trường NCL) đã phân tích về sự phù hợp về thực tiễn hoạt động của các trường NCL từ quy chế tuyển sinh đầu cấp.

Luật thì không, nhưng quy chế cấp địa phương lại cấm

Ông có nhận định gì về sự phù hợp của Quy chế tuyển sinh đầu cấp, cụ thể là quy định về thời gian tuyển sinh mà Sở GD-ĐT Hà Nội ban hành?

Ông Nguyễn Văn Hòa: Phụ huynh cho con học ở trường công lập có mất tiền đóng học phí cao như cho con học ở trường NCL đâu, vậy nên phải “xin” học đúng ngày, đúng giờ được cho phép.

Còn học ở trường NCL là thỏa thuận giữa phụ huynh và nhà trường. 

Các trường này không thể cửa quyền, đòi hỏi phụ huynh phải xếp hàng nộp đơn xin học, phụ huynh bỏ tiền ra thì phải được đòi hỏi nhà trường tiếp đãi tuyển sinh tử tế, có thời gian để họ xem xét các điều kiện học phí, hoạt động giáo dục như thế nào, con họ được chăm sóc bán trú ra sao...

{keywords}
Ông Nguyễn Văn Hòa trong một buổi hoạt động ngoại khóa với học sinh. Ảnh: NVCC

Bắt các trường NCL tuyển sinh đúng thời hạn, tưởng là đang thực hiện “kỷ cương”, song thực chất là một cách quản lý cứng nhắc, không dựa trên thực tế. 

Sự cứng nhắc này không chỉ trong quy định tuyển sinh đâu. 

Về tuyển sinh đầu cấp, theo tôi như vậy chỉ phù hợp với quản lý ở thời bao cấp thôi, không còn phù hợp với một nền kinh tế năng động.

Quy chế và quy định đã đưa ra, chưa xét đến phù hợp hay không, song rõ ràng các trường đều phải thực hiện theo đúng quy chế, quy định. Nếu không, sẽ bị “xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm”. Từ thực tiễn hoạt động của trường NCL, ông có suy nghĩ gì?

- Kinh tế thị trường tự điều chỉnh mọi nhu cầu, điều chỉnh cung - cầu hài hòa hơn. 

Quản lý giáo dục cũng vậy, nếu cứ quan liêu bao cấp thì sẽ kìm hãm sự phát triển. 

Nếu duy ý chí can thiệp quá sâu vào những quy luật tất yếu của kinh tế hay của giáo dục thì cũng đều nhận những bài học buồn.

Nếu nhìn kỹ sẽ thấy bắt buộc các trường NCL phải tuyển sinh đúng hạn đang làm nảy sinh hiện tượng quay trở lại kiểu phát “tem phiếu” và bắt “xếp hàng” như thời bao cấp. 

Theo tôi, đấy là một sự can thiệp quá sâu của duy ý chí của con người, góp phần làm kìm hãm sự phát triển năng động của các cơ sở, tạo ra một bức tranh thừa- thiếu giả tạo.

Quá nhấn mạnh chữ “kỷ cương”, quá nhấn mạnh chữ “nề nếp”, trong khi đó thì kỷ cương, nề nếp đều phải chịu sự chi phối điều chỉnh các quy luật của kinh tế, xã hội, con người can thiệp sâu quá.

Có những quy chế của ngành giáo dục đã trở nên cũ kỹ so với thực tiễn, thực tế phát triển của hệ thống các trường phổ thông NCL. 

Tuy nhiên, các trường NCL vẫn phải làm theo, không làm theo thì bị “xử lý nghiêm khắc".

Tôi đã đọc lại tất cả các văn bản Luật Giáo dục, Điều lệ, Quy chế hoạt động của các trường NCL... không thấy có nội dung cấm các trường NCL tuyển sinh chủ động cả.

 Luật thì không cấm, nhưng bên dưới Luật thì các quy chế của cấp quản lý địa phương lại cấm như thế.

"Cuộc chạy đua giả tạo trong giáo dục"

Bất hợp lý ông trao đổi ở trên có thể lý giải như thế nào?

- Tôi xin đặt câu hỏi thế này: Trường công lập này tốt, trường công lập kia không tốt, trường chất lượng cao với trường không chất lượng cao, trường điểm với không là trường điểm, trường chuyên, lớp chọn... là từ đâu tạo ra? Sự chênh lệch ấy từ đâu mà có?

Sự “phân biệt” như vậy, “chênh lệch” như vậy đang tạo ra một sự chạy đua không cần thiết “giả tạo” trong giáo dục

Tôi muốn nhấn mạnh là mới đây Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nói: Nhà nước không phải Nhà nước quản lý mà là Nhà nước kiến tạo. 

Tôi hiểu ý đó là Nhà nước không phải đứng ra quản lý, để “tuýt còi”, để bắt mọi người phải đi theo đường này, đường kia, mà phải tạo dựng sự phát triển cho doanh nghiệp, cho các cơ sở giáo dục, cho các nhà trường...

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã chỉ ra Nhà nước quản lý phải “rải thảm” nhưng dưới đừng có “rải đinh”.

Vậy Chính phủ thì nói “rải thảm”, Luật Giáo dục đã “rải thảm” cho các trường NCL, nhưng theo tôi, cấm các trường NCL tuyển sinh trực tiếp trước 1/7 lại là “rải đinh”.

Trong khi giáo dục NCL phải hoạt động theo đặc thù và theo cơ chế khác với giáo dục CL thì mới tồn tại và phát triển được, quản lý giáo dục có xem xét đến định hướng rất thúc đẩy phát triển như vậy?

Theo ông, sự quản lý các trường phổ thông NCL những năm qua cho thấy điều gì đáng quan tâm?

- Hiện nay trong chỉ đạo, tôi cảm giác giáo dục NCL đang bị “bỏ qua”. 

Các trường NCL có 5 cái “tự lo”: Tự tuyển sinh; Tự lo cơ sở vật chất; Tự lo tài chính; Tự lo về đội ngũ (cán bộ, giáo viên, nhân viên); Tự lo về chất lượng giáo dục.

5 cái “tự lo” ấy mà không đáp ứng được thì dân sẽ bỏ đi, không học trường NCL. 

Các trường NCL đang phải chịu những thách thức rất lớn, phải tự chịu trách nhiệm rất lớn về hoạt động của nhà trường.

Tôi xin nói thẳng là hiện nay vài trăm trường NCL nhưng chỉ đếm trên đầu ngón tay những trường “mạnh”, phát triển được và tuyển được HS dễ dàng nhờ uy tín đã được nhà trường tự xây dựng lên. 

Các trường NCL tuyển được HS, lý do lớn nhất chính là kiểu cách làm ăn năng động, phục vụ yêu cầu giáo dục của dân, chứ không “há miệng chờ sung rụng” được đâu.

Những quy định đang trái với Luật Giáo dục, đang đi ngược với Thông tư về hoạt động của các trường NCL thì cần phải xem xét lại. 

Ví dụ, trong Thông tư hoạt động của các trường NCL nêu rõ: Các trường NCL phải hoạt động giáo dục theo quy định chung với các trường CL, nhưng các trường NCL được bổ sung thêm 4 tuần dạy và học so với các trường CL cùng cấp học, nhằm nâng cao đầu vào và bảo đảm chất lượng đầu ra.

Tuy nhiên, quy định là các trường không được dạy và học trước 1/8. Vậy thì quy định cho phép trường NCL được bổ sung thêm 4 tuần dạy và học thì 4 tuần này được bổ sung vào thời gian nào, khi mà lại quy định tất cả các trường đều phải dạy và học từ 1/8 và kết thúc năm học cũng vào cuối tháng 5?

So sánh thực tế quản lý tuyển sinh ở giáo dục phổ thông của các nước trên thế giới, ông thấy có điều gì đáng suy ngẫm?

- Tôi đã đi hơn 10 nước trên thế giới xem hoạt động tuyển sinh của họ rồi.

Ở nước ngoài, các trường họ tuyển sinh quanh năm, chứ không có quy định cứng nhắc là chỉ được tuyển sinh vào một thời điểm cố định. 

Người học có nhu cầu học thì nhà trường tuyển sinh.

Theo tôi, đã đến lúc cần phải xem xét vấn đề tự chủ cho các trường học một cách nghiêm túc.

Không chỉ các trường NCL cần tự chủ mà các trường công lập cũng cần tự chủ. 

Có như vậy thì mới làm phong phú được hoạt động của nhà trường, nhất là nâng cao được chất lượng giáo dục.

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

  • Nguyễn Thực (Thực hiện)