Mới đây, UBND huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa đã ra thông báo về việc dừng không ký lại hợp đồng lao động khiến gần 400 giáo viên đang công tác tại nhiều trường học trên địa bàn như “ngồi trên đống lửa”. Trong đó, nhiều giáo viên đã có thâm niên cống hiến cho ngành giáo dục hơn 10 năm.

Ngày 27/6, Huyện ủy Vĩnh Lộc (Thanh Hóa) ra Thông báo số 139 thống nhất: Dừng không ký lại hợp đồng lao động đối với các trường hợp đã hết hạn hợp đồng đang làm việc tại các cơ quan, đơn vị, trường học trên địa bàn huyện cho đến khi có chủ trương chính thức của tỉnh.

Đồng thời, giao UBND huyện tổ chức hội nghị quán triệt kế hoạch số 14-KH/TU ngày 7/4/2016 của Ban thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa cho các đối tượng: Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, trường học và lao động hợp đồng hiện đang làm việc tại các cơ quan, đơn vị, trường học trên địa bàn huyện (trừ các đơn vị ngành dọc đóng trên địa bàn); xây dựng cơ chế cụ thể để hỗ trợ người lao động hợp đồng ở các cơ quan, đơn vị, trường học trong thời gian tìm công việc mới theo quy định của pháp luật.

{keywords}

Các giáo viên hợp đồng tại huyện Vĩnh Lộc (Thanh Hóa) như "ngồi trên đống lửa".

Cũng trong ngày 27/6, UBND huyện Vĩnh Lộc có công văn số 770/UBND-NV về việc xin ý kiến hướng giải quyết số hợp đồng lao động tại cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện Vĩnh Lộc gửi Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa.

Theo trình bày của UBND huyện Vĩnh Lộc thì địa phương này đã tiến hành rà soát số lượng lao động hợp đồng đến ngày 20/6/2016 tại các cơ quan đơn vị trên địa bàn huyện. Theo đó, hợp đồng lao động tại cơ quan UBND huyện hiện tại có 30 người; hợp đồng lao động tại các đơn vị sự nghiệp trực thuộc là 13 người.

Riêng hợp đồng giáo viên, nhân viên tại các trường học hiện tại là 376 người. Trong đó, khối Mầm non 153 người (hợp đồng huyện ký 44 người, trường ký 109 người); khối Tiểu học 92 người (huyện ký 90 người, trường ký 2 người); khối THCS 128 người (huyện ký 124 người, trường ký 4 người); Trung tâm GDTX 3 người là giáo viên.

Đối với các trường hợp trên thì hình thức hợp đồng là có thời hạn với mức lương chi trả theo trình độ đào tạo. Trong đó cao nhất là 1,7 triệu đồng và thấp nhất là 1,5 triệu đồng, đóng Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế theo mức lương tối thiểu. Nguồn kinh phí chi trả từ ngân sách huyện.

Theo thông báo thì toàn bộ số hợp đồng trên đều hết hạn từ ngày 30/6/2016. UBND huyện Vĩnh Lộc xin ý kiến hướng giải quyết số hợp đồng lao động tại cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện của Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa.

Đến ngày 28/6, UBND huyện Vĩnh Lộc có Thông báo số 98/TB-UBND về việc dừng không ký lại hợp đồng lao động.

Trong công văn này đề cập, thực hiện Công văn số 7369/UBND-THKH ngày 27/7/2015 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa về việc tạm dừng tuyển dụng, tiếp nhận công chức, hợp đồng lao động và bổ nhiệm chức danh phó trưởng phòng, ban, đơn vị trực thuộc sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND cấp huyện; Kế hoạch số 14-KH/TU ngày 7/4/2016 của Ban thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa về thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và Thông báo số 139 của Huyện ủy.

{keywords}

Mặc dù nhiều giáo viên đã có hàng chục năm cống hiến cho ngành giáo dục, nhưng kết quả vẫn chỉ là con số không

UBND huyện Vĩnh Lộc thông báo dừng không ký hợp đồng lao động đối với các trường hợp hết hạn hợp đồng đang làm việc tại các Phòng chuyên môn, các đơn vị sự nghiệp, các trường học thuộc UBND huyện quản lý, UBND các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Vĩnh Lộc.

Qua tìm hiểu được biết, phần lớn giáo viên đã có nhiều năm cống hiến cho sự nghiệp giáo dục của địa phương. Việc UBND huyện Vĩnh Lộc ra Thông báo dừng không ký lại hợp đồng lao động đối với các trường hợp hết hạn hợp đồng lao động đã gây ra tâm lý hoang mang lo lắng cho các giáo viên.

Trong số đó, có những giáo viên đã có thâm niên đứng trên bục giảng hàng chục năm. Nhiều giáo viên đã có tuổi nên vấn đề đi tìm việc làm khác đối với họ là cả một vấn đề. Qua chia sẻ của giáo viên thì việc UBND huyện không ký tiếp hợp đồng lao động không chỉ khiến họ cảm thấy hoang mang, lo lắng mà còn ảnh hưởng đến cuộc sống trước mắt của các giáo viên.

Đặc biệt, có nhiều trường hợp cả hai vợ chồng cùng làm giáo viên hợp đồng bị dừng gây ra những khó khăn cho cuộc sống gia đình sau này. Điển hình như trường hợp của anh Trịnh Hồng Thước (47 tuổi) - giáo viên Trường THCS xã Vĩnh Phúc, khi cả hai vợ chồng anh đều không được ký tiếp hợp đồng lao động. “Tuổi trẻ của chúng tôi đã hi sinh cho nghề. Chúng tôi yêu nghề nên mới gắn bó với nghề. Giờ nói chúng tôi chuyển nghề là không thể vì đã có tuổi rồi...”, anh Thước chia sẻ.

(Theo Duy Tuyên/ Dân Trí)