- Đề xuất sử dụng thuật ngữ “giá dịch vụ đào tạo” thay cho học phí đối với các dịch vụ đào tạo ở bậc đại học không sử dụng ngân sách nhà nước đang tạo ra sự quan tâm lớn trong dư luận. Vấn đề này thực tế đã chạm vào những nội dung sâu xa hơn đó là triết lý/quan điểm nên xem giáo dục đại học (GD ĐH) là hàng hoá công hay tư.

“Giá dịch vụ” có phải khái niệm mới?

Xin trả lời ngay: Không.

Thực vậy, “giá” và “giá dịch vụ” không phải là khái niệm mới trong tiếng Việt.

Gần đến Tết hàng năm, chúng ta vẫn thường nghe đến cụm từ như “bình ổn giá”; hoặc khi đi mua hàng, khi ta nói “cái này giá bao nhiêu?” cũng là một câu hỏi dễ hiểu trong tiếng Việt.

Ở mặt pháp quy, pháp lệnh về giá đã có từ năm 2002; sau đó đã được phát triển thành Luật giá năm 2012. Đến 2015, tại NĐ 16/2015/NĐ-CP về cơ chế tự chủ đối với đơn vị sự nghiệp công (bao gồm cả giáo dục đại học), vấn đề “giá” cũng đã được đưa vào.

Cụ thể, xin trích khoản a, khoản 1, Điều 9 như sau:

Dịch vụ sự nghiệp công không sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước:

- Đơn vị sự nghiệp công được xác định giá dịch vụ sự nghiệp công theo cơ chế thị trường, được quyết định các khoản thu, mức thu bảo đảm bù đắp chi phí hợp lý, có tích lũy theo quy định của pháp luật đối với từng lĩnh vực;

- Riêng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh và dịch vụ giáo dục, đào tạo tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cơ sở giáo dục, đào tạo của Nhà nước thực hiện theo quy định pháp luật về giá.

Như vậy, “giá” là thuật ngữ để đưa ra dùng để chỉ trường hợp người dùng (ở đây là sinh viên) phải trả toàn bộ chi phí đào tạo (bao gồm giảng dạy, cơ sở vật chất, khấu hao, quản lý …); “giá” khác phí (học phí) ở chỗ, trong trường hợp đóng học phí, sinh viên chỉ phải chi trả một phần chi phí đào tạo, phần còn lại đã có nhà nước hỗ trợ.

Nội dung trên, về cơ bản là tương đối trùng khớp với Dự thảo Luật Giáo dục Đại học (GD ĐH) được trao đổi tại nghị trường Quốc hội mấy hôm nay.

Hay nói cách khác, nhóm soạn thảo Luật GD ĐH chỉ đang cố gắng hợp nhất các nội dung trùng lắp giữa nhiều văn bản pháp quy đang tồn tại song song; nhằm tránh dẫn đến hiểu sai, diễn giải sai trong quá trình thực thi mà thôi.

Mặc dù vậy, người viết cũng thấy hoàn toàn dễ hiểu với phản ứng của dư luận, bởi học phí đã trở thành từ quá quen thuộc với người dân, việc phải dùng thêm một từ mới “giá dịch vụ đào tạo” quả thật không dễ dàng chút nào.

Giáo dục đại học là hàng hoá công hay tư?

Những phân tích ở trên cho thấy suy cho cùng, gọi là “giá dịch vụ đào tạo” hay “học phí” cũng chỉ là vấn đề tên gọi.

Trong phân tích dưới đây, xin tạm chấp nhận định nghĩa về “giá” và “phí” kể trên để bàn về môt nội dung sâu xa hơn, có tác động, ảnh hưởng lâu dài đến toàn bộ xã hội hơn, đó là việc GD ĐH nên được xem là:

(i) hàng hoá công (nhà nước bao cấp hoàn toàn);

(ii) hàng hoá tư (sinh viên trả “giá” hoàn toàn);

hay (iii) hàng hoá một phần công, một phần tư (nhà nước bao cấp một phần, sinh viên trả “phí” một phần).

Thực tiễn GD ĐH ở Việt Nam cho thấy, vẫn tồn tại cả 3 cách nhìn nhận trên từ nhiều năm nay, cụ thể:

• Từ cuối những năm 1980 trở về trước, khi sinh viên đi học hoàn toàn không mất tiền (tức là nhà nước bao cấp toàn phần) cho thấy, ở thời điểm đó, GD ĐH rõ ràng được xem là hàng hoá công 100%.

• Từ những năm 1990 cho đến gần đây, khi sinh viên bắt đầu phải đóng học phí, thì GD ĐH đã trở thành dịch vụ nửa công; nửa tư (tính trung bình hiện nay, học phí đại học công khoảng 6-10 triệu/năm/sinh viên; nhà nước đầu tư thêm khoảng 4-6 triệu/năm/sinh viên). Mặc dù vậy, vẫn có một số chương trình (như sư phạm chả hạn), sinh viên vẫn không phải đóng học phí; như vậy, một số nội dung nhất định vẫn được xem là hàng hoá công.

• Cũng từ những năm 1990, chúng ta còn có hệ thống GD ĐH dân lập (ngày nay là tư thục); và từ năm 2014, chúng ta cũng có khoảng hơn 20 trường tự chủ tài chính theo Nghị quyết 77/2014/NQ-CP, mà tại đó, sinh viên phải “đóng phí hoàn toàn” (“đóng phí hoàn toàn” – trong ngoặc kép, hàm ý, mặc dù gọi là “phí” nhưng cần hiểu nó là “giá” theo định nghĩa ở trên).

Thủ tướng: Không để tự chủ đại học "gây rối loạn"

Thủ tướng: Không để tự chủ đại học "gây rối loạn"

Tại phiên họp đầu tiên của Hội đồng Quốc gia giáo dục và nguồn nhân lực của Chính phủ diễn ra ngày 29/5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đồng tình với các ý kiến cho rằng "tự chủ đại học" đang được triển khai rất tốt, nhưng cũng lưu ý bước đi, cách làm phải hết sức chặt chẽ, tốt hơn để không gây rối loạn, nhảy từ cực này sang cực kia.

Trong trường hợp này, GD ĐH được xem là hàng hoá tư. Thực tiễn trên đây gắn liền với một giai đoạn bùng nổ của GD ĐH Việt Nam, chuyển dịch từ GD ĐH dành cho số ít đầu những năm 1990 (khi số lượng sinh viên trong cả nước chỉ vài trăm nghìn, tỷ lệ thanh niên đi học ĐH dưới 15%) sang GD ĐH dành cho số đông ở thời điểm hiện nay (số lượng sinh viên trong cả nước khoảng 2 triệu, tỷ lệ thanh niên đi học ĐH khoảng 30%).

Trong quá trình đó, việc dịch chuyển quan niệm, coi GD ĐH là dịch vụ công hoàn toàn sang một phần công – một phần tư hoặc tư hoàn toàn (và chỉ giữ một số rất nhỏ là công hoàn toàn, ví dụ như ngành sư phạm) là xu hướng không thể đảo ngược mà cả thế giới (dù muốn hay không muốn, chủ động hay không chủ động) buộc/đành phải chấp nhận.

Trong quá trình chuyển dịch kể trên, có một nội dung khác biệt cơ bản giữa thực tiễn GD ĐH Việt Nam và thế giới, đó là: trên thế giới, nếu đã coi GD ĐH là dịch vụ tư hoàn toàn thì đơn vị cung cấp dịch vụ GD ĐH tư đó là cũng là ĐH tư (tại đó sinh viên sẽ trả “giá” hoàn toàn).

Tại Việt Nam, nhiệm vụ này san sẻ giữa các ĐH tư và một số ĐH công (ví dụ như hơn 20 ĐH tự chủ tại chính theo Nghị quyết 77/NQ-CP).

Sự khác biệt kể trên cũng chính là nguồn cơn tạo ra cuộc tranh cãi về thuật ngữ “giá dịch vụ đào tạo” hay “học giá” trong các “đơn vị dịch vụ sự nghiệp công không sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước” .

Vài lời giải thích và kiến giải, hy vọng sẽ góp phần giúp bạn đọc thêm thông tin về câu chuyện khá phức tạp về mặt ngôn ngữ, khái niệm nhưng lại cũng rất khô khan này. Người viết cũng xin chúc các nhà làm luật, các ĐBQH có được quyết định đúng đắn để tìm ra giải đáp cho vấn đề khó khăn này.

Phạm Hiệp

***************

Tác giả là nhà nghiên cứu giáo dục, một trong những chủ đề nghiên cứu của ông là các xu hướng thương mại hoá trong GD ĐH tại Việt Nam và trên thế giới. Bài viết thể hiện quan điểm, suy nghĩ của tác giả.

 

Bộ Giáo dục giải thích chuyển học phí thành "giá dịch vụ đào tạo"

Bộ Giáo dục giải thích chuyển học phí thành "giá dịch vụ đào tạo"

Theo bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD-ĐT) thì ý kiến của cơ quan thẩm tra chủ yếu là về sử dụng thuật ngữ, không phải vấn đề quan điểm điều chỉnh pháp luật.

Không gọi ‘học phí’ thành giá dịch vụ đào tạo

Không gọi ‘học phí’ thành giá dịch vụ đào tạo

Cơ quan thẩm tra dự thảo luật không nhất trí việc thay thuật ngữ "học phí" bằng giá dịch vụ đào tạo.