- Đó là câu hỏi mà PGS.TS Nguyễn Kim Sơn – Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội đã đặt ra trong bài phát biểu tại Lễ kỷ niệm 60 năm truyền thống khoa Ngữ văn, ĐH Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội.
PGS.TS Nguyễn Kim Sơn – Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội. Ảnh: Phạm Thành Long |
Là một cựu sinh viên của khoa Ngữ văn, ông Nguyễn Kim Sơn muốn nhấn mạnh thêm “một tinh thần quan trọng nữa của truyền thống, đó là tính nhân văn cao đẹp, sự kết hợp khoa học, lý tính với nghệ thuật, nhân văn với thẩm mỹ trong từng con người nhà giáo và sinh viên, trên từng trang sách, từng bài viết và lời giảng”.
Ông cũng bày tỏ lòng tri ân và tôn kính tới các nhà giáo lão thành của khoa Ngữ văn, đồng thời khẳng định: “Chúng ta tự hào về quá khứ, chúng ta trân trọng những gì đã và đang có và cùng nhau bàn về tương lai”.
PGS. TS Nguyễn Kim Sơn cho rằng khoa Ngữ văn cần phải “vận động và tiến lên để thích ứng với cuộc sống mới”.
“Cần đổi mới về mô hình phát triển và tương lai của Khoa Văn học. Khoa học cơ bản, văn chương và nghệ thuật đang đứng trước thách thức to lớn của thời kinh tế thị trường.
Sinh viên không thể có nhiều việc làm và sống bằng nghề nghiên cứu phê bình văn học, một nghề cần rất ít người và dành cho nhóm tinh hoa, có năng khiếu và đặc biệt đam mê… Vậy sinh viên văn học sẽ làm gì? Đây là câu hỏi lớn dành cho người quản lý từ cấp Khoa tới trường Đại học KHXH&NV”.
Tuy nhiên, ông cũng khẳng định ”dù biến động và đổi mới theo chiều hướng nào, có một điều đặc biệt quan trọng cần phải giữ, nó là cái lõi, cái cốt, cái hồn tủy cho tất cả và cho mọi thời đại. Đó là tinh thần nhân văn, tinh thần thẩm mỹ, sự sáng tạo không ngừng, sự truyền thừa sư đệ, tinh thần học thuật và học phong, niềm kiêu hãnh về vị trí hàng đầu của khoa học nhân văn”.
Dưới đây là nguyên văn bài phát biểu của PGS.TS Nguyễn Kim Sơn:
Kính thưa các cô các thầy giáo lão thành của khoa Ngữ Văn, Đại học Tổng hợp trước đây, nay là khoa Văn học và Ngôn ngữ học!
Kính thưa các vị khách quý từ các bộ ngành, cơ quan Trung ương!
Kính thưa các đồng chí lãnh đạo Trường Đại học KHXH&NV!
Thưa các anh chị đồng nghiệp, các anh chị cựu sinh viên và các em sinh viên thân mến!
Hôm nay là một ngày đặc biệt. Ngày chúng ta trang trọng kỷ niệm 60 năm truyền thống của khoa Ngữ Văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội. Cũng đúng vào ngày Nhà giáo Việt Nam nhiều ý nghĩa, ngày hội ngộ của nhiều thế hệ nhà giáo và sinh viên của Khoa. Thay mặt cho lãnh đạo Đại học Quốc gia Hà Nội và cả tư cách một cựu sinh viên khoa Ngữ Văn, một cán bộ giảng dạy của Khoa, xin được gửi tới tất cả các cô các thầy, các anh chị và các bạn lời chào mừng thắm thiết nhất.
Cách đây 8 ngày, ngày 12 tháng 11 vừa qua, trường Đại học Khoa học Tự nhiên đã tổ chức kỷ niệm 60 năm truyền thống của Đại học Tổng hợp Hà Nội. Rất nhiều điều của truyền thống, của ký ức, của niềm tự hào đã được nói tới. Tôi cũng đã đặc biệt nhấn mạnh tới điều thiêng liêng và đáng tự hào nhất của chúng ta, đó là tinh thần của Đại học Tổng hợp Hà Nội, đó là tinh thần khoa học, tinh thần sáng tạo không ngừng và trách nhiệm xã hội cao cả. Đó là định hướng đại học nghiên cứu, của sự truyền thừa học thuật hướng tới định hình các trường phái. Đó là tiên phong nghiên cứu giải quyết các vấn đề học thuật mới, nóng và khó, là đào tạo nhân lực chất lượng cao và đào tạo tầng lớp trí thức tinh hoa. Và hôm nay, trong buổi lễ kỷ niệm truyền thống của khoa Ngữ Văn, nay là Khoa Văn học và Khoa Ngôn ngữ học, tôi lại muốn nhấn mạnh thêm một tinh thần quan trọng nữa của truyền thống, đó là tính nhân văn cao đẹp, sự kết hợp khoa học, lý tính với nghệ thuật, nhân văn với thẩm mỹ trong từng con người nhà giáo và sinh viên, trên từng trang sách, từng bài viết và lời giảng.
May mắn được vào học tập khóa 30 (khoảng giữa của 60 năm này), tôi cũng may mắn có những trải nghiệm trực tiếp về truyền thống Khoa Ngữ Văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội trước đây và Khoa Văn học trường Đại học KHXH&NV sau này.
Những tên tuổi của những thầy cô đã hạc giá vân du về Tây Phương cực lạc mà chúng ta cần trân trọng tưởng nhớ tới như: Cao Xuân Huy, Đào Duy Anh, Đặng Thai Mai, Hoàng Xuân Nhị, Nguyễn Văn Khỏa, Trần Đình Hượu, Nguyễn Tài Cẩn, Đỗ Đức Hiểu, Phan Cự Đệ, Bùi Duy Tân, Lê Đức Niệm, Trần Thuyết, Đinh Trọng Thanh… và nhiều tên tuổi khác.
Chúng ta cũng cùng bày tỏ lòng tri ân và tôn kính đối với những nhà giáo lão thành hiện đang là chỗ dựa tinh thần và niềm tự hào của chúng ta như: Đặng Thị Hạnh, Lê Hồng Sâm, Hoàng Thị Châu, Nguyễn Kim Đính, Hà Minh Đức, Đoàn Thiện Thuật, Hoàng Trọng Phiến, Lê Huy Tiêu, Nguyễn Trường Lịch, Đinh Văn Đức…
Chúng ta tự hào về quá khứ, chúng ta trân trọng những gì đã và đang có và cùng nhau bàn về tương lai.
Trước ngày diễn ra kỷ niệm này, tôi đã có một cuộc trao đổi nhỏ với lãnh đạo Khoa Văn học về việc làm thủ tục đề nghị tặng huân huy chương nhân 60 năm truyền thống của Khoa. Sau hồi cân nhắc Ban chủ nhiệm Khoa báo lại là thôi không làm hồ sơ đề nghị vì thấy trong mấy năm qua chưa có thành tựu gì thật đột xuất, chưa công bố quốc tế nhiều, chưa có đề tài, chương trình khoa học lớn. Có lẽ đây cũng là đặc điểm của khoa Ngữ Văn: Thực chất, thẳng thắn và nhiều cảm xúc trong hoạt động điều hành.
Thế gian vô thường, mọi thứ luôn biến đổi. Sự hoài niệm về Khoa Ngữ Văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội trước đây rất cần được tôn trọng và coi đó là một giá trị mà Đại học Tổng hợp đã tạo ra trong quá khứ. Nhưng mọi thứ vẫn phải vận động và tiến lên. Khoa Văn học ngày nay, cần tiếp tục thay đổi và thích ứng với cuộc sống mới. Cần đổi mới về mô hình phát triển và tương lai của Khoa Văn học. Khoa học cơ bản, văn chương và nghệ thuật đang đứng trước thách thức to lớn của thời kinh tế thị trường.
Sinh viên không thể có nhiều việc làm và sống bằng nghề nghiên cứu phê bình văn học, một nghề cần rất ít người và dành cho nhóm tinh hoa, có năng khiếu và đặc biệt đam mê. Mô hình giảng dạy nghiên cứu lý luận và phê bình văn học chuyên biệt như vậy chỉ còn tồn tại ở vài ba quốc gia trên thế giới. Việc giảng dạy ở Khoa Văn học cần theo thông lệ quốc tế, nó thiên về thỏa mãn nhu cầu phát triển tinh thần và năng lực, phẩm chất thẩm mỹ và nghệ thuật cá nhân hơn là một nghề để hành nghề như nhiều nghề khác… Cần phải tạo cho sinh viên môt nghề xác định… Ai không yêu quý Khoa Ngữ Văn Đại học Tổng hợp Hà Nội, ai không mong muốn Khoa cứ mãi như hôm nay là không có trái tim. Nhưng sự nhận thức lý tính buộc chúng ta phải cùng nhau cân nhắc và tính toán đổi mới Khoa Văn học. Trong một thời gian dài, sinh viên học Khoa Ngữ Văn ra trường một phần làm báo, làm văn hóa, xuất bản, giảng dạy văn học và một số nghề khác. Tuy nhiên hiện nay, việc đào tạo phóng viên, các khoa Báo chí đã đào tạo ra số lượng rất lớn, số lượng giáo viên văn học cũng đã vượt quá nhu cầu ở mọi cấp… Vậy sinh viên văn học sẽ làm gì? Đây là câu hỏi lớn dành cho người quản lý từ cấp Khoa tới trường Đại học KHXH&NV. Số lượng người làm công tác lý luận phê bình văn học nghệ thuật chắc chắn cần số lượng rất ít. Đào tạo hàng năm cần thu hẹp số lượng sinh viên, nhưng cần giỏi và thực sự yêu nghề. Xã hội càng phát triển, số người sau khi thành danh trong các lĩnh vực khác, hoặc một sớm nào đó chợt thấy ham mê yêu thích văn chương nghệ thuật mà đi học cho thỏa nguyện bình sinh sẽ ngày càng nhiều. Xã hội càng phát triển, xu hướng này sẽ càng mạnh. Cần có phương án đào tạo đáp ứng nhu cầu này của xã hội. Định hướng đào tạo bồi dưỡng năng khiếu sáng tác và biên tập văn học nghệ thuật cần đẩy mạnh hơn. Nên tham khảo mô hình tổ chức đào tạo ngành này theo thông lệ thế giới. Rất rất ít các trường đại học tại các khu vực Âu Mỹ có riêng khoa nghiên cứu văn học. Nó là một phần trong Science of Art, phát triển theo định hướng văn hóa học và nghệ thuật học, cho đa dạng đối tượng học tập là hướng cần cân nhắc để điều chỉnh định hướng chiến lược, điều chỉnh và xây dựng các chương trình đào tạo mới, điều chỉnh định hướng chuyên môn.
Nhưng dù biến động và đổi mới theo chiều hướng nào, có một điều đặc biệt quan trọng cần phải giữ, nó là cái lõi, cái cốt, cái hồn tủy cho tất cả và cho mọi thời đại. Đó là tinh thần nhân văn, tinh thần thẩm mỹ, sự sáng tạo không ngừng, sự truyền thừa sư đệ, tinh thần học thuật và học phong, niềm kiêu hãnh về vị trí hàng đầu của khoa học nhân văn.
Đối với ngành Hán Nôm. Đây là ngành đặc biệt, độc đáo, đặc biệt hệ trọng với văn hóa và tinh thần nhân văn của dân tộc. Sứ mệnh truyền thừa văn hóa đã đặt ra ngay từ khi thành lập ngành và vai trò ngày càng trở nên quan trọng trong hiện tại và tương lai. Ngành này không cần đào tạo nhiều, nhưng cần chuyên sâu và cần những người yêu nghề, tâm huyết với sự nghiệp. Sự phát triển của ngành cũng nhiều thăng trầm. Tuy nhiên chưa bao giờ ngành được đầu tư đặc biệt tương xứng với vị trí mà nó cần được đối đãi. Tôi nói điều này không phải vì bản thân mình trưởng thành từ ngành Hán Nôm, mà giá trị tự thân và đòi hỏi của văn hóa và học thuật của dân tộc đòi hỏi dữ dội phải như vậy. Một khoa độc lập, hoặc một viện vừa đào tạo vừa nghiên cứu trong trường Đại học KHXH&NV được đầu tư đặc biệt là điều dứt khoát phải quan tâm và triển khai trong thời gian sắp tới. Đại học Quốc gia Hà Nội hiện có chủ trương ưu tiên giữ vững vị trí hàng đầu của những ngành đang có lợi thế và ưu tiên đầu tư những ngành có vị trí đặc biệt lợi thế trong gây dựng uy tín thương hiệu và cạnh tranh. Ngành Hán Nôm hai lần đáng được nằm trong số đó. Lãnh đạo trường Đại học KHXH&NV cần đặc biệt chú ý tới điều này để chỉ đạo (những chuyên ngành như Khảo cổ học, Hán Nôm, cần có ưu tiên đặc biệt…)
Trong thời gian sắp tới, Khoa Văn học cần đặc biệt quan tâm đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học. Truyền thống lớn của Khoa Ngữ Văn Đại học Tổng hợp Hà Nội là truyền thống học thuật, là tiên phong trong nghiên cứu khoa học, tìm tòi sáng tạo và tạo ra những sản phẩm nghiên cứu khoa học và đào tạo căn bản, chắc chắn, chất lượng cao. Cần có những chương trình, đề tài nghiên cứu quy mô lớn, giải quyết các vấn đề lớn của lĩnh vực chuyên môn này, chỉ có như vậy mới vực dậy được tinh thần học thuật, mới rèn được lực lượng cán bộ, mới có cơ hy vọng xây dựng các khuynh hướng, trường phái trong học thuật, điều đã từng manh nha trong các giai đoạn trước đây. Với lực lượng cán bộ trẻ trưởng thành khá nhanh và giàu năng lực như hiện nay, nếu thế hệ trước khích lệ và định hướng, lãnh đạo Khoa biết tổ chức nghiên cứu, thì một Khoa hùng mạnh là tương lai không xa.
Lãnh đạo trường Đại học KHXH&NV cần quan tâm đúng và hiệu quả, có những chỉ đạo mạnh mẽ, hỗ trợ kịp thời để Khoa vượt qua những thách thức, tiếp tục phát triển và khẳng định vị thế hàng đầu trong cả nước và từng bước khẳng định vị thế quốc tế.
Trên đây là mấy lời phát biểu mang tính “Tự sự kỳ tâm”, nhân dịp buổi lễ quan trọng này. Kính chúc các thầy các cô và các đồng nghiệp ngày 20.11 thật vui vẻ và tràn đầy hạnh phúc từ nghề nghiệp và từ cuộc sống. Chúc tất cả các vị khác quý và các bạn sinh viên dồi dào sức khỏe, hạnh phúc và bình yên.
Xin trân trọng cảm ơn!
- Nguyễn Thảo