- Trước nhiều câu hỏi về dự kiến điểm chuẩn các trường để đăng ký xét tuyển, Ông Trần Văn Nghĩa, Cục phó Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT) đã có những gợi ý cho các thí sinh.
Sẽ công bố số thí sinh đạt từng mức điểm
Ông Trần Văn Nghĩa, Cục phó Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng (Bộ GD-ĐT) cho rằng để có thể áng chừng được mức điểm chuẩn của các trường đại học qua đó đưa ra những lựa chọn đăng ký xét tuyển hợp lý, các thí sinh cần nghiên cứu phổ điểm. “Tuy nhiên hiện nay phổ điểm mà Bộ GD-ĐT công bố mới chỉ về mặt hình dáng thôi. Bộ sẽ công bố một phổ điểm kỹ hơn là với từng tổ hợp khối thi ở từng mức điểm sẽ có bao nhiêu em.
Ông Trần Văn Nghĩa, Cục phó Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng (Bộ GD-ĐT). Ảnh: Thanh Hùng. |
“Chúng tôi sẽ đề nghị để công bố phổ điểm này của năm nay và năm ngoái để các em có thể so sánh. Các thí sinh có thể so với mức điểm của mình năm nay có tổng số bao nhiêu thí sinh đạt được cùng ở khối thi đấy qua đó áng chừng hơn mức điểm chuẩn khi tham khảo mức điểm chuẩn năm ngoái. Nếu số lượng ngang nhau thì điểm chuẩn nhiều khả năng 2 năm sẽ ngang nhau. Nhưng nếu giả sử năm ngoái 24 điểm nhưng số học sinh năm nay là 40.000, trong khi với mức điểm này số học sinh năm ngoái là chỉ có 30.000 thì có nghĩa rằng điểm năm nay sẽ cao hơn. Và phải xem với số 40.000 thí sinh thì năm ngoái ở mức bao nhiêu điểm để xác định mức điểm chuẩn”, ông Nghĩa nói.
Tuy nhiên, ông Nghĩa cũng cho rằng thông tin nàycũng chỉ mang tính chất tham khảo chứ không thể hoàn toàn chính xác, bởi còn ảnh hưởng nhiều yếu tố như việc chọn ngành và chọn tổ hợp để xét tuyển,…
Theo ông Nghĩa, để tăng cơ hội đỗ đại học, khi đăng ký xét tuyển, thí sinh phải nghĩ tới 3 nhóm ngành/trường mà bản thân có khả năng trúng tuyển cao: “Thứ nhất là những trường mình rất thích và điểm năm ngoái chỉ cao hơn một chút thôi so với năng lực hay mức điểm thi thử của mình. Trường hợp này để khỏi tiếc nuối. Nhóm thứ hai là nhóm gần như là phù hợp hoàn toàn với khả năng của mình. Còn nhóm thứ ba là nhóm trường chắc ăn hơn khi mức điểm thấp hơn một chút so với năng lực của mình. Trường hợp này để phòng trường hợp trong quá trình thi thí sinh làm bài kém hơn ngày thường một tí thì vẫn có thể đỗ”, ông Nghĩa nói.
Xem điểm thi chi tiết từng khối thi. Nguồn dữ liệu: Bộ GD-ĐT. Đồ hoạ: Lê Văn (BẤM VÀO HÌNH ĐỂ XEM CHI TIẾT) |
Ông Nghĩa cho hay việc này sẽ khó áp dung cho các thí sinh thi vào các trường thành viên của ĐH Quốc gia Hà Nội bởi sẽ không có các mức điểm chuẩn để so sánh. Do năm 2015 và 2016, ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức thi bằng bài thi đánh giá năng lực và lấy kết quả đó để xét tuyển vào các trường đại học thành viên.
“Theo tôi quan sát, từ năm 2013 đến nay về cơ bản tương ứng điểm chuẩn của các trường thì trường nào cao vẫn sẽ cao, trường thấp vẫn thấp, chứ không có nhiều sự đột biến. Như vậy các thí sinh có thể so sánh tương quan giữa các trường thành viên của ĐH Quốc gia Hà Nội trong những năm 2013, 2014 với các trường khác. Lúc đó các trường có cùng cách thi như nhau do đó có thể tham khảo được. Còn việc theo mức điểm của năm 2015 và 2016 thì rất khó”.
TS Phạm Mạnh Hà (Phó trưởng khoa Công tác thanh niên, Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam) cũng cho rằng các thí sinh có thể căn cứ phổ điểm để đưa ra quyết định đúng trong việc đăng ký xét tuyển.
“Nhìn vào phổ điểm năm nay tôi thấy rằng khối B điểm trung bình chung cao hơn năm ngoái 3 điểm, khối C là cao hơn là 2 điểm, khối A về cơ bản là giữ nguyên, khôi A1 tăng từ 1,5 đến 2 điểm. Như vậy nếu tính toán để cho chắc ăn thì chúng ta cứ cộng thêm từ mức điểm chuẩn của năm ngoái từ 1,5 đến 2 điểm để có cơ hội trúng tuyển cao”, ông Hà nói.
Ông Trần Văn Nghĩa cho biết, theo quy chế, sau khi có kết quả thi, thí sinh có thể bổ sung thêm nguyện vọng và những nguyện vọng đã đăng ký có thể điều chỉnh lại.
Như vậy, thí sinh có thể chọn ngành bổ sung làm nguyện vọng 1. Tuy nhiên, khi bổ sung thêm nguyện vọng thí sinh không thể thực hiện trực tuyến mà phải làm thủ tục này tại điểm đăng ký dự thi.
“Khi thay đổi nguyện vọng đăng ký các trường, thí sinh có thể bỏ các nguyện vọng đã đăng ký và thay bằng các nguyện vọng khác. Tức là có thể thay đổi hoàn toàn mà không ảnh hưởng đến việc xét tuyển. Ví dụ trước đăng ký 4 nguyện vọng vào 4 trường nào đấy, sau này hoàn toàn có thể được đổi thành 4 trường khác”, ông Nghĩa khẳng định.
Những điều này được chia sẻ tại Ngày hội Tư vấn tuyển sinh 2017 do báo Tuổi trẻ phối hợp với Bộ GD-ĐT tổ chức ngày 8/7.
Thanh Hùng
Xét tuyển đại học: Phổ điểm các khối theo 2 miền
VietNamNet thống kê phổ điểm các khối thi đại học chi tiết theo 2 miền Nam Bắc sẽ giúp thí sinh có cái nhìn sát hơn về mức điểm của mình trong đợt xét tuyển đại học sắp tới. Việc phân chia này căn cứ theo 2 nhóm xét tuyển mà các trường đại học đang thực hiện.