- Ông Lê Trường Tùng, Chủ tịch HĐQT Trường ĐH FPT cho rằng, quy định mức vốn đầu tư tối thiểu cho các dự án mở trường ĐH 1.000 tỷ không phải là nhiều. Tuy nhiên, nên áp dụng mức vốn tối thiểu này cho cả các trường đang hoạt động và cả các trường đầu tư mới.
TS Lê Trường Tùng, Chủ tịch HĐQT Trường ĐH FPT. Ảnh: FPT. |
Vốn tối thiểu 1.000 tỷ không phải nhiều
- Phóng viên: Theo dự thảo Nghị định quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục do Bộ Giáo dục Đào tạo vừa công bố, muốn mở trường đại học, các dự án phải có vốn đầu tư tối thiểu là 1.000 tỷ VNĐ. Dự thảo quy định về đầu tư trong nước đối với cơ sở giáo dục ĐH cũng có điều kiện là 1.000 tỷ. Theo ông, việc tăng mức vốn tối thiểu đối với việc mở trường ĐH gấp hơn 3-4 lần so với quy định hiện tại liệu có phải là quá nhiều?
- Ông Lê Trường Tùng: Tôi ủng hộ chủ trương tăng mức đầu tư tối thiểu, vì thành lập và vận hành đại học không phải là một việc nhỏ, lại có ảnh hưởng xã hội sâu rộng. Thiết lập một môi trường học thuật cho thầy và trò, một môi trường sinh hoạt, trải nghiệm, rèn luyện cho cuộc sống sinh viên đòi hỏi không ít tiền.
Với tương quan cung-cầu lệch về bên cung trong giáo dục đại học hiện nay, không còn chỗ cho các trường vận hành đại học theo kiểu “lấy mỡ nó rán nó”, theo kiểu cứ mở trường là có sinh viên như 15-20 năm trước nữa.
Các trường đại học cần có nguồn tài chính để đầu tư đủ về cơ sở vật chất, để phát triển lực lượng cán bộ giảng viên và để vận hành với mức chất lượng chấp nhận được ngay cả khi không tuyển đủ sinh viên, tránh chạy theo số lượng để thu nhiều học phí, tránh giảm chất lượng để giảm chi phí đào tạo và chi phí chăm sóc sinh viên, tránh bí quá làm liều tuyển cả đầu vào không đạt chuẩn.
Xác định vốn tối thiểu bao nhiêu là một việc khó, cao quá thì khó thu hút đầu tư, ít quá thì trường đại học sẽ không đủ tầm, và mức đầu tư cụ thể cho từng trường còn liên quan đến quy mô hoạt động, trường lớn cần đầu tư lớn, trường nhỏ - chẳng hạn chỉ giới hạn mỗi năm tuyển khoảng 1.000 sinh viên – thì chỉ cần đầu tư vừa phải.
Tuy nhiên có thể tính sơ bộ là với quy định hiện hành là 25m2 đất/sinh viên, với quy mô 4 khóa gần 4.000 sinh viên cần 10ha đất. Giả sử được cấp đất không phải trả tiền sử dụng, thì chi phí trả cho việc làm hạ tầng đến chân hàng rào hiện nay khoảng 5 triệu/m2.
Như vậy riêng chi phí để có 10ha đất sạch có hạ tầng đến chân hàng rào đã là 500 tỷ, còn phải chi lớn hơn nữa để xây giảng đường, khu làm việc, hội trường, thư viện, phòng thí nghiệm, khu thể thao, ký túc xá, nhà ăn, bãi xe – như vậy 1.000 tỷ không phải là nhiều...
- Bộ GD-ĐT cho rằng, việc nâng mức vốn tối thiểu là nhằm đảm bảo chất lượng. Theo ông, vốn đầu tư có phải là yếu tố tiên quyết để đảm bảo chất lượng của các cơ sở giáo dục đại học hay không?
- Ngoài vốn đầu tư còn nhiều yếu tố khác nữa cũng quan trọng không kém, như giáo trình, lực lượng giảng viên, quản trị đại học, chất lượng đầu vào… Tuy nhiên không có vốn đủ lớn thì có rất nhiều rủi ro trong hoạt động – và khi có gì xảy ra thì sinh viên, xã hội gánh chịu, với trường thì cùng lắm cụt vốn, giải thể. Theo tôi mức đầu tư là cái dễ xác định, dễ kiểm tra nhất, là bộ lọc đầu tiên để loại bớt các nhà đầu tư giáo dục đại học chưa đủ tầm.
- Việc tăng đầu tư cho trường gấp 3-4 lần như vậy hứa hẹn sẽ cung cấp cho sinh viên chất lượng đào tạo tốt hơn. Tuy nhiên, tăng mức đầu tư thì học phí cũng sẽ tăng theo?
- Với mức đầu tư tối thiểu 1.000 tỷ, chi phí sử dụng vốn (hoặc lợi nhuận kỳ vọng - có thể chia hoặc được dùng tiếp tục để tái đầu tư) ít ra cũng phải 10%, tức 100 tỷ/năm. Giáo dục ĐH nếu khéo làm, thì sẽ có lợi nhuận dôi dư khoảng 20%, nhà nước yêu cầu trích 1/4 lợi nhuận vào quỹ đầu tư phát triển mất rồi, như vậy còn 15%. 15% mà tương đương với 100 tỷ thì doanh thu sẽ là 667 tỷ.
Nếu tính toàn bộ doanh thu là học phí, và quy mô Bộ GD-ĐT hiện cho phép một trường ĐH tối đa 15 ngàn sinh viên, thì học phí một sinh viên sẽ là 44.4 triệu/năm, tức khoảng 1.000 USD/học kỳ. Tính như vậy để thấy việc tăng mức đầu tư là một vấn đề lớn, ảnh hưởng đến toàn bộ nền giáo dục đại học nước nhà.
Nên áp dụng vốn tối thiểu mới với tất cả các trường
Dự thảo Nghị định quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục theo đó, điều kiện về vốn đầu tư tối thiểu của các dự án đầu tư cơ sở giáo dục ĐH là 1.000 tỷ đồng. Dự thảo này dự kiến thay thế Nghị định 73/2012/NĐ-CP ban hành năm 2012 quy định về hợp tác đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục. Theo quy định tại Nghị định 73, điều kiện vốn tối thiểu của các dự án đầu tư cơ sở giáo dục đại học của các nhà đầu tư nước ngoài là 300 tỷ đồng. Dự thảo quy định về đầu tư trong nước đối với cơ sở giáo dục ĐH cũng có điều kiện là 1.000 tỷ. Theo quy định hiện hành tại Quyết định 64/2013/QĐ-TTg ban hành năm 2013 thì điều kiện thành lập trường ĐH bằng vốn trong nước phải có mức vốn tối thiểu là 250 tỷ đồng. |
- Quy định về vốn tối thiểu sẽ chỉ áp dụng với các dự án đầu tư mới. Vậy có nên áp dụng với tất cả các cơ sở giáo dục ĐH đang hoạt động không, thưa ông?
- Trước đây đã từng có nhiều quy định về vốn đầu tư tối thiểu tuy nhiên hạn chế của các quy định này là chỉ áp dụng cho trường tư mới thành lập, còn với trường công hoặc trường tư đã thành lập rồi thì thôi. Điều này trông thì có vẻ có lý theo quy tắc “bất hồi tố” nhưng thực chất đi ngược lại quan điểm về xây dựng hành lang chất lượng của các cơ quan quản lý nhà nước.
Việc đảm bảo chất lượng cần áp dụng với tất cả các trường đại học - cả trường công trường tư, cả trường nội trường ngoại - chứ không chỉ các trường sắp thành lập. Không làm được điều này là Bộ GD-ĐT không thực hiện được đầy đủ chức năng quản lý nhà nước của mình, thậm chí còn có thể bị dư luận cho rằng điều kiện đưa ra là để hạn chế việc tham gia của các nhà đầu tư mới nhằm bảo vệ lợi ích của nhóm các nhà đầu tư cũ đã có giấy phép hoạt động với mức đầu tư nhỏ trước đây.
Nhà nước thông qua các trường công đang đào tạo 86% sinh viên (theo ngôn ngữ cạnh tranh là ”thống lĩnh thị trường”) – thì không được phép đưa ra quy định có lợi cho nhà đầu tư cũ và cản trở các nhà đầu tư mới tham gia thị trường. Theo Luật Cạnh tranh (điều 13) thì đây là hành vi bị nghiêm cấm.
- Liệu có khả thi khi yêu cầu các trường đang hoạt động tăng vốn không, thưa ông?
- Trước đây trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, Chính phủ đã nâng vốn đầu tư tối thiểu với các ngân hàng thương mại và áp dụng với tất cả các ngân hàng chứ không chỉ các ngân hàng mới thành lập. Việc này đã có tác dụng tốt giúp hệ thống ngân hàng phát triển lành mạnh, bền vững hơn.
Với giáo dục đại học cũng nên như vậy, thực chất là nhà nước thông qua quy định này chuyển tải một thông điệp quan trọng: vì chất lượng nguồn nhân lực, đã làm đại học là làm lớn, nếu không đủ tầm thì các nhà đầu tư - trong đó có cả đầu tư tư nhân, đầu tư từ các tỉnh thành, từ bộ ngành – nên để nguồn lực làm việc khác.
Từ đầu năm 2013, tôi đã kiến nghị Bộ GD-ĐT quy định mức đầu tư tối thiểu của các trường đại học – cả công và tư – lên 500 tỷ theo một lộ trình 3 năm: 200 tỷ vào cuối năm 2013, 300 tỷ vào cuối năm 2014 và 500 tỷ vào cuối năm 2015.
Các trường đại học sẽ phải tìm cách thu hút đầu tư, hoặc sáp nhập, hoặc hạ cấp xuống cao đẳng, hoặc giải thể. Nếu sáp nhập thành công, các trường sau khi sáp nhập sẽ có đủ nguồn lực tài chính, tận dụng được các giấy phép mở ngành, lực lượng giảng viên và quản lý của 2 trường.
Nếu thực hiện chính sách “vốn tối thiểu” từ 2013, đến nay chắc chỉ còn khoảng hơn 100 trường đại học, trong đó khoảng 1/4 là số trường ngoài công lập, và bức tranh giáo dục đại học Việt nam đã có nhiều đổi khác, không còn nhiều trường không đủ tầm như hiện nay.
Năm nay đã là 2017, có thể quy định một lộ trình mới để tăng mức đầu tư với tất các trường đang hoạt động, cả công và tư, cả nội và ngoại: 250 tỷ vào cuối 2017, 500 tỷ vào cuối năm 2018, 750 tỷ vào cuối năm 2019 và 1000 tỷ vào cuối năm 2020. Các trường mới thì áp dụng mức 1.000 tỷ luôn.
Xin cảm ơn ông!
Lê Văn (thực hiện)