- Trở thành giáo viên dạy toán, tiểu học hoặc giáo viên An ninh Quốc phòng vẫn “có giá” đối với các thí sinh năm nay.
- Tại sao 12,75 điểm lại trúng tuyển ngành sư phạm?
- "Đừng để trường sư phạm tuyển sinh bằng mọi giá"
- "Điểm chuẩn cao thì trường sư phạm lấy đâu sinh viên mà dạy”
- Bao giờ điểm chuẩn sư phạm được như công an, quân đội?
Những ngành hấp dẫn
Trong số các ngành đào tạo đại học sư phạm năm nay, Sư phạm Toán dạy bằng tiếng Anh của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội dẫn đầu điểm chuẩn – với mức 27.75.
Nhìn tổng thể, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội vẫn dẫn đầu với mức chuẩn đạt từ 18 điểm trở lên; ở một số ngành tăng từ 1 – 2 điểm so với năm 2016.
Tại Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, mức điểm chuẩn cao năm nay là 26,25 đối với ngành Sư phạm Toán học. Các ngành sư phạm khác dao động từ 17,75 đến 26,25 điểm.
Trường ĐH Sư phạm – ĐH Đà Nẵng cũng có mức điểm chuẩn cao nhất là 24,25 điểm. Phần lớn các ngành đào tạo hệ sư phạm như GD Mầm non, GD Tiểu học, GD Chính trị hay các ngành như Sư phạm Toán, Tin, Lý, Hóa, Sinh, Ngữ văn… đều có mức điểm trên 21.
Chỉ có các ngành đào tạo cử nhân của trường có mức điểm từ mức điểm sàn là 15,5 đến mức 18,25 điểm. Cũng có ngành như cử nhân Địa lý tự nhiên chuyên ngành Địa lý - Tài nguyên - Môi trường có mức điểm lên tới 24 điểm.
Ở một trường sư phạm địa phương như ĐH Sư phạm Huế, mặc dù mức điểm trúng tuyển của trường năm nay khá thấp, song ở một số ngành “hot” như GD Tiểu học, Giáo dục Chính trị, GD Quốc phòng An ninh,… mức điểm vẫn trên 20 điểm. Như ngành GD Tiểu học có mức điểm chuẩn lên tới 23 điểm (thang 30 điểm).
Những trường như ĐH Sư phạm Hà Nội 2 cũng đã có một mùa tuyển sinh “khá hài lòng” với mức điểm chuẩn không chênh lệch so với năm ngoái.
Điểm chuẩn các trường sư phạm vẫn giữ mức ổn định, thậm chí tăng nhẹ so với năm ngoái. Ảnh: Lê Văn. |
PGS.TS. Nguyễn Quang Huy, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 cho biết sức hấp dẫn của các trường sư phạm đối với thí sinh không phải không có, nhưng chủ yếu tập trung vào một số ngành như Sư phạm Toán, Sư phạm Toán dạy bằng tiếng Anh, Giáo dục Tiểu học, Giáo dục Mầm non... Các ngành này thu hút số lượng thí sinh đăng ký rất lớn, điểm chuẩn vẫn đạt mức cao và phải chấp nhận cạnh tranh.
Thống kê của Trường ĐH Sư phạm - ĐH Thái Nguyên cho thấy, trong danh sách trúng tuyển số thí sinh đạt mức 15.5 điểm chỉ chiểm tỷ lệ 1,16% tổng số trúng tuyển.
GS.TS Phạm Hồng Quang, hiệu trưởng của trường này cho hay, trong số 1.211 thí sinh trúng tuyển, số từ 20 điểm trở lên chiếm tỷ lệ 66,64%. Nếu tính theo lũy kế, có 81,42% thí sinh trúng tuyển đạt từ 19 điểm trở lên.
Vì vậy, theo ông Quang, thực tế điểm trúng tuyển của các trường sư phạm không thấp hơn so với các năm trước đây.
Bao giờ sư phạm được như công an, quân đội?
Mặc dù mức điểm chuẩn ở các trường sư phạm lớn nói chung không thấp, thậm chí cao hơn năm 2016, nhưng ở một số trường sư phạm địa phương và một số ngành sư phạm không phải thời thượng, mức điểm chuẩn trúng tuyển năm nay đúng là thấp hơn năm ngoái.
Lý giải hiện tượng này, PGS.TS. Nguyễn Quang Huy, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 cho rằng, điểm chuẩn đầu vào không cao không chỉ là câu chuyện riêng của các trường sư phạm, một số trường thuộc khối kinh tế, tài chính cũng ở trong bối cảnh tương tự.
Bên cạnh đó, ông Huy phân tích thêm: "Chuẩn đầu vào đương nhiên là thước đo mức độ thu hút của các trường đại học, song đây cũng không phải là nhân tố duy nhất quyết định chất lượng giáo dục đại học".
Ông Phạm Hồng Quang lý giải: Nhìn vào thực tế của các ngành công an, quân đội… thì thấy chính "đầu ra" quyết định đến chuẩn đầu vào, chưa kể quá trình học tập, sinh viên được bao cấp 100%.
Các trường sư phạm lớn đã được kiểm định chất lượng (theo 10 tiêu chuẩn và 61 tiêu chí), trong đó 7 trường đã đạt chuẩn kiểm định chất lượng quốc gia. Tuy nhiên, người học cũng ít để ý đến những điều kiện này.
Ông Quang cho hay, việc làm sau tốt nghiệp là yếu tố quyết định mạnh mẽ đến nhu cầu chọn trường, nhưng chất lượng tuyển chọn (đầu vào) cùng với các yêu cầu đặc thù của từng ngành có ý nghĩa quan trọng.
Ông Phạm Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm UB Văn hóa giáo dục, Thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Quốc hội. Ảnh: Lê Anh Dũng. |
Chia sẻ quan điểm này, ông Phạm Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, thiếu niên, nhi đồng của Quốc hội cho rằng, các trường công an, quân đội có đầu ra rất ổn định được bố trí công việc, với thu nhập cao hơn mức lương công chức thông thường và các điều kiện làm việc khác khá ổn định. Bên cạnh đó, cánh cửa vào các trường này rất hẹp, chỉ tiêu rất ít.
“Điều kiện công việc ổn định, mức lương tốt là những chính sách chúng ta cần lưu ý để khi áp dụng với các trường sư phạm làm sao có thể cải thiện được tình trạng như hiện nay” – ông Thắng nói.
Ông Quang thì cho rằng, giải pháp trong tương lai cho các trường sư phạm là cần chiến lược tuyển sinh với yêu cầu cao về năng lực, gồm chuẩn tối thiểu ít nhất phải mức khá so với mặt bằng chung cả nước và sát hạch năng khiếu cho tất cả các ngành.
Bên cạnh đó, rất cần sự đầu tư của nhà nước về đầu ra cho sư phạm thông qua việc giảm mạnh số lượng hàng trăm cơ sở đào tạo giáo viên và đầu tư thật tốt điều kiện học tập cho sinh viên sư phạm.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ GD Đại học, Bộ GD-ĐT cho rằng, việc chọn trường nào là quyền của thí sinh, không phải đưa ra mức điểm sàn cao là người có điểm cao sẽ vào học mà các phải có chính sách để thu hút người học.
“Ngành sư phạm có chính sách ưu đãi nghề, ưu đãi thâm niên… nhưng có lẽ không đủ mạnh để cạnh tranh với các ngành khác. Ở các trường công an và quân đội, trúng ĐH là vào biên chế của ngành nên sức hút cao. Do đó, khác nhau là chính sách chứ không phải là điểm sàn cao. Để ngành sư phạm thu hút, chúng ta cần có thay đổi đồng bộ các chính sách không chỉ cho sinh viên các trường sư phạm mà cả các giáo viên” – bà Phụng khẳng định.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Quang Huy nhận định: “Hiện nay, việc quy hoạch, tái cấu trúc lại mạng lưới các trường sư phạm, rà soát nhu cầu nhân lực giáo viên theo vùng miền, khối ngành, việc ban hành chương trình giáo dục phổ thông tổng thể và chương trình môn học, vấn đề cơ cấu lại trường, lớp gắn với những đòi hỏi mới cùng với những chính sách ưu tiên cho ngành giáo dục sẽ là những động lực và áp lực cho các trường sư phạm và ngành giáo dục trong tương lai buộc phải phát triển tốt hơn".
Hà Phương
"Em rất xúc động về nghề giáo"
Đậu Vĩnh Phương Uyên (quê Nghệ An), giải Ba kỳ thi học sinh giỏi quốc gia môn Ngữ văn, được tuyển thẳng vào Trường ĐH Sư phạm Hà Nội đã gửi thư tới thầy hiệu phó của trường:
“Thực ra, trước khi đưa ra quyết định này, em đã đắn đo rất nhiều. Đi theo ngành học nào rồi cũng sẽ gặp lắm khó khăn nhưng ngành sư phạm thì em biết sẽ càng khó khăn hơn nữa. Em cũng đọc rất nhiều bài báo nói về vấn đề khó xin được việc làm sau khi tốt nghiệp. Việc phải gắn bó với một môn học, phạm trù trong suốt hành trình lập nghiệp sau này cũng là điều khiến em suy nghĩ bởi bản tính thích sự năng động và muốn trải nghiệm nhiều điều.
Em quyết lựa chọn con đường này vì động lực rất lớn từ người ba của mình. Trước đây ba em cũng là một giáo viên dạy văn và em thực sự bị thuyết phục trước những điều mà ba có với nghề....Em cảm thấy ở nghề dạy học, có một thứ tình cảm gì đó thật thiêng liêng mà những nghề khác không có được".