- Trong bài phát biểu trước thầy cô giáo và sinh viên Trường ĐH FPT chiều 13/2, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đặt ra rất nhiều câu hỏi lý thú dành cho các bạn sinh viên.

Được Chủ tịch FPT Trương Gia Bình giới thiệu với sinh viên là bài nói chuyện về cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 của Phó Thủ tướng có thể là bài nói chuyện thay đổi tương lai của nhiều sinh viên có mặt hôm nay, tuy nhiên, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã nói rằng, về cuộc cách mạng 4.0, các bạn sinh viên không nên nghe những gì ông nói mà nên tự tìm hiểu lấy.

Ngay sau đó, Phó Thủ tướng đề nghị sinh viên có mặt tại hội trường ngoài trời của FPT cùng hát với ông bài hát "Nối vòng tay lớn". Ông dùng điện thoại tìm lời bài hát rồi hát cùng với sinh viên ở dưới.

Kết thúc bài hát, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, ông từng triệu tập những bộ óc hàng đầu Việt Nam để hỏi một câu hỏi, rằng làm thế nào để khái quát về cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 trong 1 từ, một câu, tuy nhiên, ai cũng nói là quá khó.

Phó Thủ tướng nói ông cũng sẽ không đưa ra đáp án trong hôm nay, tuy nhiên, bài hát mà ông vừa đề nghị các bạn sinh viên hát cùng sẽ cho các bạn sinh viên nhiều gợi ý. 

Theo Phó Thủ tướng, trên thế giới hiện vẫn còn nhiều tranh cãi về khái niệm cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

"Có người nói rằng còn quá sớm để nói về cách mạng công nghiệp 4.0. Tuy nhiên, đa phần những người tích cực thì cho rằng đây là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với đặc trưng là kết nối" - Phó Thủ tướng nói. "Đó là sự kết nối ở mọi tầng lớp, mọi giác độ, sự kết nối không chỉ một tỉnh, một đất nước mà là sự kết nối toàn cầu".

"Cuộc cách mạng ấy đương nhiên là dựa trên công nghệ thông tin, để một người không biết hát như tôi có thể dựa vào chiếc điện thoại này để hát cùng các bạn" - Phó Thủ tướng vừa nói vừa giơ chiếc điện thoại mà ông vừa dùng để xem lời bài hát.

{keywords}
Phó Thủ tướng nêu ví dụ về sự ứng dụng của CNTT với chiếc điện thoại của mình. Ảnh: Lê Văn.

Phó Thủ tướng cũng cho rằng, Việt Nam không hề lỡ nhịp trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ ba - cuộc cách mạng về số hóa - như nhiều người vẫn nói. 

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng đặt vấn đề ngược lại, rằng "nếu nói chúng ta đã tận dụng hết cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 3 chưa thì chắc là chưa". Từ đó, Phó Thủ tướng cho rằng, trước khi chúng ta nghĩ rằng có thể tận dụng cácg mạng công nghiệp lần thứ 4 thì đầu tiên chúng ta phải tận dụng ngay những gì cách mạng công nghệ lần thứ 3 đem lại.

Phó Thủ tướng cho biết, hiện nay, Việt Nam muốn trở thành nước công nghiệp mới, muốn trở thành con rồng của châu Á thì trong 20 năm tới phải tăng trưởng kinh tế ít nhất trên 8%. Trong khi đó, trong mấy năm trở lại đây, kinh tế Việt Nam vẫn phải vật lộn ở mức trên dưới 6%.

"Nếu trừ đi cả mấy năm gần đây thì chúng ta ít nhất phải tăng trưởng 9%. Liệu các bạn sinh viên ngồi đây có dám khát vọng không?" - Phó Thủ tướng đặt câu hỏi. "Các bạn phải thật sự khát vọng và thật mới. Còn nếu cứ bình thường sẽ không làm được" - ông nói thêm.

"Chúng ta có dám làm cách mạng trong học tập, cách mạng trong quản trị đại học, cách mạng trong chính sách CNTT hay không? Nếu câu trả lời là có thì chúng ta hãy nói nhiều về cách mạng công nghiệp lần thứ 4 còn nếu không thì chúng ta chưa nên nói vội" - Phó Thủ tướng nói.

"Làm sao chúng ta phát triển công nghệ thông tin phục vụ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 khi thế giới đã tắt mạng 2G rồi thì chúng ta mới bắt đầu khai trương 4G trong khi mạng 3G tốc độ vẫn rất chậm và chất lượng còn thấp".

"Làm sao chúng ta nói về cách mạng công nghiệp 4.0 khi chính sách thuế, tài chính, doanh nghiệp vẫn chưa tạo điều kiện để phát triển một xã hội thông tin".

"Làm sao chúng ta tận dụng được cơ hội của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 khi các chính sách về dịch vụ công nghệ thông tin vẫn còn nhiều vướng mắc khiến những người trẻ sáng tạo phải đầu tư sang Singapore mà không đầu tư ở Việt Nam?"

"Làm sao tận dụng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 khi các kỹ sư công nghệ thông tin tốt nghiệp vào làm việc cho các tập đoàn đa quốc gia như FPT phải đào tạo lại trong 1 năm".

"Làm sao chúng ta tận dụng được cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 khi từng trường vẫn đứng riêng, từng người vẫn đứng riêng mà không thấy được hết ước mơ, ý nghĩa của kết nối, thấy được trách nhiệm của một công dân Việt Nam và của một công dân toàn cầu".

Cuối cùng, Phó Thủ tướng nói rằng, ông chỉ có một mong muốn nhỏ là các bạn sinh viên Trường ĐH FPT nói riêng và sinh viên nói chung ý thức được rằng, đất nước sẽ không thể bước lên đài vinh quang nếu sinh viên không dám ước mơ để khơi dậy mọi sự sáng tạo, mọi giá trị riêng của mình.

"Để làm được điều này các bạn phải thật sự khát vọng cháy bỏng. Đất nước này không ai giúp chúng ta phát triển bằng chính chúng ta" - Phó Thủ tướng nói.

Cũng trong buổi làm việc của đoàn đại biểu chính phủ chiều nay, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đã trao bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho Trường ĐH FPT vì những thành tích trong đổi mới chương trình, phương pháp đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ tổ quốc.

Trường ĐH FPT sẽ là "đầu tàu" về đào tạo nhân lực chất lượng cao về CNTT

Phát biểu tại buổi làm việc với lãnh đạo Trường ĐH FPT, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chúc mừng và đánh giá cao thành tích của trường trong 10 năm khởi đầu.

{keywords}

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đánh giá chương trình, giáo trình cũng như việc tổ chức giảng dạy của Trường ĐH FPT có thể coi là tốp đầu trong số các trường ĐH ở Việt Nam hiện nay. Ông cũng đánh giá cao điều kiện và cơ sở vật chất của trường cũng như ngành đào tạo CNTT của Trường ĐH FPT.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng cho biết, Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt đề án tăng cường sử dụng CNTT trong đó tăng cường đào tạo nguồn nhân lực về CNTT. Do đó, ông mong muốn Trường ĐH FPT sẽ là chủ lực trong việc thực hiện nhiệm vụ này. "Không chỉ là đào tạo nhân lực thông thường mà là đào tạo nhân lực chất lượng cao để tạo ra cú hích kéo theo một số trường khác".

Ông Nhạ cũng khuyến cáo Trường ĐH FPT đầu tư nhiều hơn nữa vào việc nghiên cứu khoa học để nghiên cứu khoa học không thua quá xa so với đào tạo. "Một trường ĐH phải có nghiên cứu khoa học thực sự" - ông Nhạ khẳng định.

Bên cạnh đó, ông Nhạ cũng mong muốn Trường ĐH FPT tiếp tục phát triển mạnh việc ứng dụng CNTT trong đào tạo ngành công nghệ. "Tôi mông muốn Trường ĐH FPT sẽ là một trong địa chỉ đào tạo từ xa về công nghệ thôgn tin. Nhiều SV ngồi đây có thể ngồi nghe được bài giảng của GS ĐH Stanford mà không phải sang tận nơi" - Bộ trưởng Nhạ nói.

Lê Văn