- Trong cuộc gặp gỡ báo chí vào trưa ngày 23/7, ông Mai Văn Trinh – Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT) cho biết, bài thi trắc nghiệm đã bị xoá và ảnh bài thi trắc nghiệm để xuất ra dữ liệu gửi về Bộ GD-ĐT để chấm là giống nhau. Vì vậy, tính chất sự việc khá phức tạp.

{keywords}
Ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT trả lời báo chí về kết quả rà soát ban đầu ở tỉnh Sơn La trưa ngày 23/7. Ảnh: Đoàn Bổng

Phóng viên: Ông đánh giá như thế nào về mức độ nghiêm trọng của những sai phạm  của kỳ thi THPT quốc gia 2018 ở Sơn La?

Ông Mai Văn Trinh: Cơ quan điều tra xác định bước đầu cho thấy có dấu hiệu vi phạm quy chế thi, nhất là ở khâu chấm thi, cụ thể là có dấu hiệu sửa bài thi môn trắc nghiệm của một số thí sinh.

Tuy nhiên, bằng các biện pháp nghiệp vụ cho thấy bài thi trắc nghiệm đã bị xoá và ảnh bài thi trắc nghiệm để xuất ra dữ liệu gửi về Bộ GD-ĐT để chấm bài là hoàn toàn giống nhau. Vì vậy, tính chất sự việc là rất nghiêm trọng và phức tạp.

Phóng viên: Thưa ông, tại sao tổ công tác mới chỉ chấm thẩm định lại 110 bài thi môn Ngữ văn trong khi nghi vấn điểm thi bất thường chủ yếu ở bài thi các môn trắc nghiệm?

Ông Mai Văn Trinh: Vì file ảnh quét lưu lại để chấm đang phù hợp với phiếu trả lời trắc nghiệm. Đó là lý do chúng tôi chưa đủ cơ sở chấm thẩm định lại bài thi trắc nghiệm. Bài thi nào có dấu hiệu nghi vấn bất thường thì bằng các biện pháp nghiệp vụ, chúng tôi có thể phát hiện được điều đó. Như thế cũng là một sự nỗ lực rất lớn. Hiện tại, Bộ Công an và các đơn vị chức năng đang nỗ lực điều tra làm rõ.

Theo dư luận phản ánh, nhiều thí sinh đạt điểm cao bất thường của tỉnh Sơn La là con cháu của các quan chức lãnh đạo tỉnh, huyện. Tổ công tác có thể chia sẻ thêm về thông tin này?

Ông Mai Văn Trinh: Quan điểm chỉ đạo của Bộ trưởng và của chúng tôi khi triển khai xác minh, rà soát là không quan tâm thí sinh đó thuộc đối tượng nào: là cán bộ nghĩa vụ, chiến sĩ hay con lãnh đạo. Chúng tôi làm việc theo quan điểm ứng xử như nhau với mọi thí sinh. Nền tảng để chúng tôi xử lý là quy chế thi.

Với tình trạng sai phạm như ở Hà Giang và Sơn La, chất lượng các thí sinh được xét tuyển vào các trường đại học sẽ bị dư luận đặt nghi vấn. Bộ GD-ĐT có cho rằng các trường đại học nên kiểm tra lại năng lực của các thí sinh trước khi nhận vào trường?

Ông Mai Văn Trinh: Trên tinh thần tuyển sinh tự chủ đã trao cho các trường, các trường có quyền đề xuất phương án xét tuyển lại thí sinh của mình. Chúng tôi sẵn sàng xem xét.

Clip: Ông Mai Văn Trinh: "Tính chất sự việc là phức tạp"

Phóng viên: Theo phản ánh của học sinh và phụ huynh, ở một số hội đồng thi có diễn ra tình trạng vi phạm quy chế thi: Ném bài từ ngoài vào, sử dụng điện thoại trong phòng thi… Với những trường hợp này, tổ công tác sẽ kiểm tra và xử lý như thế nào?

Ông Mai Văn Trinh: Tất cả những trường hợp vi phạm khi đã đủ chứng cứ, sẽ xử lý theo quy chế. Đầu tiên là phải có chứng cứ. Nếu ở mức độ phức tạp hơn, căn cứ vào tình hình cụ thể để xử lý theo các quy định của pháp luật hiện hành. Còn khi chưa có chứng cứ đầy đủ, Bộ GD-ĐT và các cơ quan liên quan có trách nhiệm điều tra, xác minh.  

Phóng viên: 2 thanh tra của Bộ GD-ĐT trong khâu chấm thi ở tỉnh Sơn La có chức năng và trách nhiệm như thế nào trong những sai phạm này?

Ông Tống Duy Hiến, Phó Chánh thanh tra Bộ GD-ĐT: Bộ có cử 2 cộng tác viên thanh tra của Trường ĐH Xây dựng lên thanh tra khâu chấm thi ở Sơn La. Nhiệm vụ của 2 thanh tra này là thực hiện thanh tra chấm thi cả ở bài thi tự luận và trắc nghiệm. Thực hiện nhiệm vụ thanh tra trực tiếp là đồng chí thanh tra Sở GD-ĐT. Chúng tôi đã yêu cầu 2 thanh tra này thực hiện giải trình quá trình làm nhiệm vụ của mình, tuy nhiên chưa phát hiện thấy những dấu hiệu sai phạm.

Phóng viên: Gian lận thi cử diễn ra đồng loạt ở một số tỉnh thành liệu có phải là một dấu hiệu cho thấy Bộ GD-ĐT nên xem xét lại việc giao kỳ thi cho các địa phương?

Ông Mai Văn Trinh: Đây là những điều bất thường nhưng không mang tính chất đại diện cho toàn bộ kỳ thi. Những hình ảnh rất xấu xí này ảnh hưởng đến nỗ lực tổ chức kỳ thi của Bộ GD-ĐT và các tỉnh thành. Dù có những bất thường ở một số địa phương nhưng kết quả và thành công đã đạt được của kỳ thi là đáng ghi nhận.

Không nên đặt vấn đề xem xét lại kỳ thi này. Những sai phạm sẽ là bài học cần thiết để việc tổ chức các kỳ thi cần phải hoàn thiện hơn.

Những kỳ thi tới đây, chúng tôi sẽ điều chỉnh cụ thể để giảm thiểu sai phạm. Cha ông ta có câu “Bàn tay có ngón dài ngón ngắn”. Chúng ta phải đánh giá sự việc này trên quan điểm công bằng. Sự sai phạm của Hà Giang, Sơn La không thể là đại diện của 63  tỉnh thành. Và không thể vì thế mà chùn bước trên con đường đổi mới.

Clip: Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La: "Chúng tôi tôn trọng kết quả của đoàn công tác"

Ông Phạm Văn Thủy, Phó chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban chỉ đạo kỳ thi THPT quốc gia 2018 tỉnh Sơn La cho biết, quan điểm của ban lãnh đạo tỉnh là cầu thị và minh bạch. “Chúng tôi tôn trọng kết quả của tổ công tác”.

Về trách nhiệm của địa phương, ông khẳng định, ban chỉ đạo điều hành thi của Sơn La đã làm việc theo đúng quy định, quy trình hướng dẫn của Bộ, từ phân công, phân việc đến trách nhiệm từ Sở ngành, cá nhân đều làm rất tốt.

Còn về sai phạm, trước hết, tỉnh sẽ chỉ đạo Sở GD-ĐT và các ban ngành liên quan phải giải quyết triệt để những kết luận của đoàn công tác với tinh thần cầu thị và không bao che. "Lỗi đến đâu chúng tôi sửa đến đó. Khuyết điểm thì phải xử lý. Lãnh đạo tỉnh sẽ xử lý sai phạm một cách quyết liệt trong vấn đề này"

Clip: Thông tin với báo chí kết quả rà soát điểm thi bất thường ở Sơn La

 

5 cán bộ liên quan

- Ông Trần Xuân Yến, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Sơn La, Ủy viên Ban Chỉ đạo thi, Phó Chủ tịch Hội đồng thi, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chấm thi, Tổ trưởng Tổ chấm thi trắc nghiệm;

- Bà Nguyễn Thị Hồng Nga, Chuyên viên phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng, Sở GD-ĐT Sơn La, Thư ký Ban chỉ đạo Uỷ viên Tổ chấm thi trắc nghiệm;

- Bà Cầm Thị Bun Sọn, Phó Trưởng phòng Chính trị Tư tưởng, ủy viên tổ chấm thi trắc nghiệm;

- Ông Đặng Hữu Thủy, Phó Hiệu trưởng trường THPT Tô Hiệu, Ủy viên Tổ chấm trắc nghiệm ;

- Ông Lò Văn Huynh, Phó Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục, Sở GD-ĐT Sơn La, ủy viên ban Chỉ đạo, Ủy viên Hội đồng thi, Trưởng ban Thư ký.

6 sai phạm

1 Sao dữ liệu ảnh bài thi trắc nghiệm đã quét ra đĩa CD không đúng thẩm quyền và tự ý đem ra khỏi khu vực bảo quản bài thi, chưa biết đem đi đâu và ai cho phép.

2. Tổ chức quản lý khu vực chấm thi trắc nghiệm lỏng lẻo, không đúng quy định: phòng lưu giữ bài thi, tài liệu thi không có niêm phong; khóa phòng lưu giữ bài thi, tài liệu thi không đúng quy định; các thùng đựng Phiếu trả lời trắc nghiệm niêm phong không đúng quy định.

3. Quy trình nghiệp vụ chấm thi trắc nghiệm không đúng quy định.

4. Máy tính dùng chấm thi không được niêm phong; tại thời điểm kiểm tra, máy tính này đang được sử dụng bình thường tại phòng làm việc của chuyên viên Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng, Sở GD-ĐT Sơn La.

5. Một số phiếu trả lời trắc nghiệm của các thí sinh có dấu hiệu bị sửa chữa.

6. Việc bàn giao bài thi giữa các Điểm thi với Hội đồng thi Sở GD-ĐT, việc bảo quản bài thi trắc nghiệm tại Hội đồng thi, việc bàn giao bài thi giữa Ban thư ký với Ban làm phách không đảm bảo quy định.

 

Xem toàn bộ buổi gặp gỡ báo chí trưa 23/7 tại trụ sở Sở GD-ĐT Sơn La

 

Nguyễn Thảo - Đình Hiếu - Đoàn Bổng