- Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho rằng, với ma trận đề thi năm nay, sẽ có những thí sinh đạt điểm cao nhưng số đạt điểm tuyệt đối không nhiều, không còn “mưa điểm 10” như trước đây. Do đó, các trường vẫn dễ dàng trong việc sử dụng kết quả để xét tuyển đại học.

VietNamNet có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bùi Văn Ga về kết quả của kỳ thi THPT quốc gia năm nay trong việc xét tuyển vào ĐH, CĐ sắp tới.

{keywords}
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga. Ảnh: Lê Văn.

Phóng viên: Theo nhiều phản ánh của giáo viên và thí sinh thì đề thi năm nay dễ, nhiều khả năng điểm thi sẽ cao. Điều này liệu có gây khó khăn cho các trường đại học trong việc xét tuyển không, thưa ông?

- Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Điểm thi cao hay thấp thì phải đợi khi chấm thi xong, có phổ điểm chúng ta mới khẳng định được. Tuy nhiên, theo quy trình làm đề thi năm nay, các câu hỏi sau khi được chuẩn hóa sẽ được sắp xếp thành các nhóm dễ, trung bình, khó và rất khó. Sau đó hội đồng ra đề thi mới bốc câu hỏi trong từng nhóm đó ra để làm đề thi.

Trong mỗi đề thi, 60% là kiến thức cơ bản phục vụ tốt nghiệp, 40% còn lại là phần nâng cao, phục vụ cho việc phân hóa. Với phần nâng cao này, không phải tất cả các thí sinh đều làm được.

Sẽ có nhóm làm được 25%, nhóm làm được 30% tùy theo trình độ của các em. Chỉ cần làm được thêm 1 câu mức điểm sẽ khác đi, chứ không phải tất cả các em đều làm một mức như nhau. Không phải tất cả cùng được 8 điểm hay 9 điểm.

Với cách lập ma trận đề thi như vậy, năm nay sẽ có thí sinh đạt điểm cao nhưng số thí sinh đạt điểm tuyệt đối sẽ không nhiều như những năm trước, vì đề thi sẽ có những câu rất khó mà chỉ những em thật giỏi mới có thể làm được.

Những người trong ban đề thi đều có kinh nghiệm nhiều năm, khi ra đề họ hoàn toàn dự đoán một câu hỏi đưa ra trong đề thí sinh ở mức độ nào có thể giải được. Do đó, chúng ta có thể yên tâm rằng sẽ không có "mưa điểm 10" như người ta vẫn nói trong những năm trước đây.

Các trường đại học, kể cả các trường tốp trên, sẽ có sự phân loại cần thiết, không phải chỉ tuyển những em 29 điểm mà sẽ có các thí sinh ở mức điểm thấp dần. Như vậy, kết quả thi năm nay vẫn sẽ đảm bảo cho các trường dễ tuyển sinh.

Với 60% đề thi ở mức cơ bản, việc thí sinh đạt điểm 6 sẽ là phổ biến. Điều này có gây lúng túng cho hội đồng điểm sàn khi đưa ra mức điểm sàn năm nay không, thưa ông?

- Phần cơ bản của đề thi, thí sinh nắm vững kiến thức SGK lớp 12 là làm được, không cần phải học thêm, không phải luyện thi. Yêu cầu tốt nghiệp cũng chỉ như vậy. Vì thế, học bình thường có thể làm được 5-6 điểm. Còn những thí sinh học tốt hơn thì mới có thể làm được phần nâng cao.

Về vấn đề điểm sàn, sau khi có kết quả chấm thi thì hội đồng điểm sàn mới họp và quyết định. Hội đồng sẽ dựa vào phổ điểm để đưa ra mức điểm sàn phù hợp.

Tất nhiên, điểm sàn sẽ không thể quá cao, cũng không thể quá thấp. Bởi về nguyên tắc, chất lượng học sinh không thể thay đổi đột ngột được. Năm trước điểm sàn là 15 mà năm nay tăng lên 18 là rất khó. Hoặc năm trước 15 điểm, năm nay chỉ đưa ra mức 13 điểm là điều cũng khó xảy ra.

Chất lượng học sinh thay đổi theo từng bước. Vì vậy, ngưỡng tuyển vào đại học cũng không thể thay đổi quá xa so với những năm trước đây được.

{keywords}
Năm nay sẽ không còn tình trạng mưa điểm 10 như các năm trước. Ảnh: Thanh Hùng.

Theo quy chế, năm nay, sau khi biết kết quả thí sinh có quyền thay đổi nguyện vọng. Với kết quả thi có thể cao hơn các năm trước, liệu có xảy ra tình trạng nhiều thí sinh sẽ thay đổi nguyện vọng?

- Về việc điều chỉnh nguyện vọng sau khi có kết quả thi THPT quốc gia, những em nào đăng ký chuẩn thì không cần điều chỉnh nữa. Chẳng hạn trước đây các em dự đoán mình được 20 điểm thì các em sẽ đăng ký 1 vài nguyện vọng trên 20 điểm, 1 vài nguyện vọng 20 điểm và 1 vài nguyện vọng dưới 20 điểm.

Khi có điểm thi, nếu các em được 20 hoặc 20,5, thậm chí là 19,5 thì các em không nên điều chỉnh, vì năm nay nguyên tắc xét tuyển là theo điểm chứ không phải theo nguyện vọng.

Thí sinh đăng ký nguyện vọng 10 nhưng điểm cao hơn thí sinh đăng ký nguyện vọng 1 thì vẫn trúng tuyển. Vì thế, thí sinh không cần phải điều chỉnh nguyện vọng nếu điểm của các em không quá lệch so với dự kiến. Còn nếu như dự kiến 20 điểm nhưng lại đạt tới 27 điểm, hoặc chỉ được 15 điểm thôi, thì phải điều chỉnh nguyện vọng để khả năng trúng tuyển cao hơn.

Sau khi có điểm thi, Bộ cũng sẽ công bố phổ điểm để thí sinh biết. Nếu phổ điểm lệch về phía phải, điểm trung bình trước đây là 5, năm nay tăng lên 6 thì các em phải nhích thêm một điểm. Điểm trung bình trước đây là 4, năm nay là 4 thì các em nên điều chỉnh lùi 1 điểm.

Vì vậy, sau khi có kết quả thi các em nên bình tĩnh phân tích chứ không nên thấy bạn khác điều chỉnh thì mình cũng điều chỉnh.

Với quy trình xét tuyển đại học như năm nay, các trường và thí sinh sẽ cần phải lưu ý điều gì, thưa ông?

- Bộ đã hoàn thiện hệ thống phần mềm giúp cho các trường trong công tác xét tuyển. Đặc biệt, các trường đã tự động thành lập các nhóm để lọc ảo.

Hiện đã hình thành 2 nhóm lớn là nhóm phía Bắc với 57 trường và nhóm phía Nam hơn 70 trường. Mỗi nhóm có chiến lược khác nhau để loại trừ thí sinh ảo.

Theo yêu cầu của họ, Bộ cũng điều chỉnh phần mềm lọc ảo phục vụ cho nhóm phía Bắc, nhóm phía Nam. Trong suốt tháng qua, cả hai nhóm đã chạy thử hệ thống phần mềm này với cơ sở dữ liệu giả định.

Khi có kết quả rồi, các trường sẽ chạy phần mềm để xác định được danh sách thí sinh trúng tuyển vào trường mình.

Điểm cần lưu ý là năm nay thí sinh đăng ký với số lượng nguyện vọng không giới hạn, cho nên những trường không vào nhóm sẽ gặp khó khăn khi xác định ngưỡng điểm trúng tuyển phù hợp.

Bởi vì, không vào nhóm thì không biết thí sinh trúng tuyển vào trường mình còn trúng tuyển vào trường khác nữa hay không. Còn khi vào nhóm, số thí sinh trúng tuyển nhiều nguyện vọng sẽ được lọc bớt, chỉ lấy theo nguyện vọng cao nhất. Qua một vài lần lọc như vậy, việc quyết định điểm chuẩn vào các trường sẽ phù hợp hơn.

Xin cảm ông về cuộc trao đổi!

Lê Văn (thực hiện)