- Cuộc tranh luận về ý tưởng thi trắc nghiệm môn Toán trong kỳ thi THPT quốc gia 2017 đang diễn ra sôi nổi. Thấy nhiều người còn băn khoăn về việc này, kể cả những “đại gia toán", tôi có mấy ý kiến để cùng nhau bàn luận.

Ở Việt Nam, thi Tú tài (tốt nghiệp THPT) bằng trắc nghiệm (TN) tất cả các môn (Toán, Lý Hóa, Triết, Công dân, Sử Địa, Tiếng Anh, Tiếng Pháp, Vạn vật) đã tổ chức được một lần (Tú tài IBM năm 1974 ở miền Nam). Tôi là người đã học và thi năm đó.

Trong bài viết này, tôi chia sẻ một vài kinh nghiệm trong vai trò người học và thi năm 1974 cùng một vài nhận định khác.

Các kỳ thi Tú tài trước năm 1974, Bộ Giáo dục đã cho thi một số môn khác bằng trắc nghiệm (Sử địa, Ngoại ngữ…) để đánh động dần trong xã hội.

Lúc ấy, chương trình và cách dạy học ở trường không mấy thay đổi, thỉnh thoảng giáo viên cho làm bài kiểm tra TN để học sinh quen dần với cách làm bài thi. Tuy vậy, sách tham khảo luyện thi TN khá phong phú, có những tài liệu được viết và in ấn công phu.

{keywords}

Thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia năm 2016 (Ảnh Đinh Quang Tuấn)

Về môn Toán, học sinh khi ôn luyện đã gặp nhiều câu hỏi kiểm tra lý thuyết, kiểm tra lý luận rất hay. Lý luận không vững là mắc bẫy ngay, nhất là khi xoáy vào các trường hợp đặc biệt, trường hợp riêng. Học sinh nào lơ mơ lý thuyết thì thấy phương án nào cũng đúng, không biết chọn cái gì.

Thêm nữa, nếu gia công các phương án trả lời, sẽ đo lường tốt trình độ học sinh. Chẳng hạn trong một câu hỏi, nếu học sinh quên điều kiện thì sẽ chọn A, nhớ nhầm công thức sẽ chọn C, nắm tốt kiến thức mới chọn đúng là B.

Nếu thi vấn đáp, thi tự luận thì giám khảo có thể châm chước với những thiếu sót nhỏ, nhưng trắc nghiệm thì sai thẳng thừng.

Do vậy, học sinh phải cẩn thận, chú ý từng chi tiết trong các định nghĩa, định lý, công thức và phải phán đoán nhanh... Nếu đề thi làm tốt thì hoàn toàn có thể kiểm tra cách lập luận logic, cách trình bày lời giải... chứ không phải như mọi người e ngại.

Như thế, thi TN thì việc quan trọng nhất là ra đề thi rồi tổ chức thi (còn chấm thi thì quá ổn rồi). Phải có phần kiểm tra lý thuyết, lý luận, phần tính toán. Nếu thí sinh dùng máy tính để tính toán nhanh thì cũng chẳng sao, điều này giúp cho thí sinh sử dụng tốt máy tính (do vậy cần chú ý tỉ lệ câu lý thuyết/ câu tính toán thích hợp), thí sinh phải hiểu được nội dung câu hỏi mới tính toán được.

{keywords}

Thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia năm 2016 (Ảnh Đinh Quang Tuấn)

Thông thường, làm đề TN theo quy trình sau: Nghiên cứu kiến thức, kỹ năng, yêu cầu của môn học sau đó định tỉ lệ phù hợp. Soạn đề thi xong thì cho học sinh thi thử rồi thống kê kết quả (dùng các phần mềm xử lý thống kê), từ đó đánh giá độ tin cậy của đề thi. Sau khi chỉnh sửa, có thể cho học sinh thi lại lần nữa để hạn chế những câu hỏi kém chất lượng.

Một yếu tổ khiến người ta nghi ngờ kết quả TN đó là học sinh có thể đoán mò hoặc đánh bừa một phương án. Để hạn chế, có thể tăng 5 phương án: A, B, C, D, E (Tú tài IBM năm 1974 dùng 5 phương án).

Ngoài ra, quy trình chấm điểm thực hiện theo phương pháp thống kê/ lượng giá chuyển từ raw scores sang convert scores (như thi TOEFL), quy định chẳng hạn điểm từ 0 - 2 điểm thì tương đương điểm 0, trừ điểm các câu sai..., cũng phần nào hạn chế được việc học sinh chăm vào may rủi...

Hình thức thi nào cũng có ưu và khuyết. Mấy năm nay môn toán dùng thang điểm 10/10 nhưng thật ra là thang 40/40 (chấm điểm phân đến 0,25).

Thông thường, học sinh làm đáp số đúng, lý luận có thiếu chính xác, người chấm vẫn cho điểm tối đa.

Đôi khi một số yếu tố chứng minh trong bài hình học, học sinh nói (mà không lập luận chi tiết) giám khảo cũng đồng thuận, không bắt bẻ...

Chưa kể việc ra đề thi câu số 10 là đánh đố học sinh, câu này cũng như câu dễ (số 1) không có giá trị về mặt đánh giá vì không phân loại được học sinh. Ai may mắn hoặc trúng tủ mới làm trọn vẹn câu 10.

Không rõ mấy năm qua Bộ GD-ĐT đã chuẩn bị ngân hàng đề thi môn toán như thế nào? Bộ nên giới thiệu vài đề thi mẫu để giáo viên và học sinh yên tâm (nếu đã chuẩn bị tốt rồi).

Nếu chưa thì phải hết sức tích cực xây dựng ngân hàng đề nếu muốn thi TN môn Toán vào năm 2017.

  • Nguyễn Hoàng (ĐH Huế)