Việc các trường đại học rầm rộ đăng thông tin xét tuyển bổ sung, trong đó có những trường hợp “lần đầu tiên trong lịch sử” như Y đa khoa của Trường ĐH Y Hà Nội, khiến các chuyên gia chuyển sinh phải xắn tay áo để giải mã hiện tượng.

“Điểm danh” tác nhân gây ảo

Trên báo Người Lao động, TS Nguyễn Đức Nghĩa chỉ ra “tác nhân gây ảo” của mùa tuyển sinh năm nay. Đó là “Do đặc điểm số lượng thí sinh có điểm thi tổ hợp 3 môn xét tuyển từ 25 trở lên khá ít và giảm khá nhiều so với năm 2015 nên các thí sinh có điểm rất cao chính là “tác nhân gây ảo” cho các trường khi mà khả năng trúng tuyển cả 2 trường của những thí sinh này gần như chắc chắn”.

Ông Đinh Văn Sơn, Hiệu trưởng trường ĐH Thương mại, khi trao đối với báo Dân trí thì trở lại quy chế xét tuyển đại học chính quy năm 2015. Theo ông Sơn, có một thành công rất lớn trong tuyển sinh năm 2015 đã không được đề cập. Đó là: Đối với các trường đại học tỷ lệ ảo rất ít, tỷ lệ thí sinh nhập học của một số trường đạt tới 96 - 97%. Đối với thí sinh, mặc dù thực sự có phần vất vả nhưng bù lại các em đã chọn được đúng trường, đúng ngành theo nhu cầu và phù hợp với điểm xét tuyển của từng em.

{keywords}

Thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia năm 2016 (Ảnh Đinh Quang Tuấn)

“Tới năm 2016, quy chế xét tuyển được điều chỉnh với hai điểm nổi bật. Thứ nhất, thí sinh không được thay đổi nguyện vọng xét tuyển nếu đã đăng ký. Thứ hai, các trường không được cập nhật và công khai tình hình thí sinh đăng ký xét tuyển vào trường.

Với quy định này, tỷ lệ thí sinh ảo rất lớn và phổ biến ở các trường là tất yếu”. Ông Sơn nhận định và giải thích cụ thể rằng “Vì theo quy định, các trường không được công khai tình hình nộp hồ sơ của thí sinh, nên việc chọn trường, chọn ngành của thí sinh được quyết định bởi những căn cứ, những tính toán không đủ mức tin cậy cần thiết. Hệ quả tất yếu là có trường số thí sinh đăng ký rất ít, thậm chí quá thấp so với chỉ tiêu được tuyển. Trong khi đó nhiều trường số thí sinh đăng ký quá nhiều, gấp nhiều lần so với chỉ tiêu được tuyển”.

Theo quan điểm cá nhân của ông Sơn, lẽ ra các trường cần phải cập nhật thông tin một cách thường xuyên, đầy đủ và công khai cho thí sinh. Khi đó các thí sinh sẽ có sự lựa chọn tốt nhất khi đăng ký xét tuyển vào các trường, các ngành học phù hợp với nguyện vọng và kết quả thi THPT của mình. Cùng với đó, các trường đại học sẽ chọn được đúng đối tượng, tỷ lệ thí sinh ảo sẽ không cao.

Trên báo Tuổi trẻ TP.HCM, ông Nguyễn Kim Quang, phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG TP.HCM), cho rằng với cơ chế xét tuyển như năm nay, về nguyên tắc thống kê, khả năng một thí sinh đậu cùng lúc hai trường rất cao.

“Như vậy, xác suất các trường gọi trúng tuyển chỉ 50%, vì thí sinh chọn một trong hai trường. Trên lý thuyết, các trường muốn đủ chỉ tiêu phải gọi thí sinh trúng tuyển đến 200% chỉ tiêu!

Trong khi đó, Bộ GD-ĐT giao cho các trường được quyền gọi thí sinh để đảm bảo chỉ tiêu cần tuyển, nhưng bộ lại liên tục cảnh báo trường nào tuyển vượt chỉ tiêu sẽ bị xử lý kỷ luật, vì thế không trường nào dám gọi thí sinh vượt đến 200%.

Đây thật sự là thách đố đối với các trường trong kỳ tuyển sinh năm nay. Do đó, tình trạng thí sinh nhập học không đủ chỉ tiêu khá phổ biến ở các trường là chuyện bình thường”.

Còn ông Hứa Minh Tuấn, phó hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính - marketing, thì đề cập tới việc năm nay các trường không có dữ liệu thí sinh xét tuyển qua hình thức học bạ. “Chính việc này làm số thí sinh ảo tăng lên”.

Cũng theo ông Tuấn, “Bộ GD-ĐT công bố dữ liệu điểm thi chung của thí sinh cả nước. Trong khi thực tế cho thấy số thí sinh các tỉnh phía Bắc có điểm cao hơn phía Nam. Chính điều này đã tạo ra tình trạng ảo cho các trường phía Nam”.

Dự báo xét tuyển đợt 2 sẽ "ảo" nhiều

Báo Người Lao động cũng đưa ra nhận định của một chuyên gia giáo dục là hệ thống đăng ký xét tuyển online của Bộ GD-ĐT thực ra không có tác dụng gì ngoài việc đưa ra con số tại thời điểm chốt cơ sở dữ liệu để các trường tải dữ liệu về xét tuyển. Dữ liệu này cho thấy đã có 396.496 thí sinh đăng ký vào 602.747 lượt trường. Như vậy, có khoảng 75% thí sinh đăng ký xét tuyển cùng lúc vào 2 trường trong đợt 1.

Theo chuyên gia này, “lẽ ra phần mềm này phải làm nhiệm vụ lọc để chống thí sinh “ảo”, nghĩa là khi thí sinh đã trúng tuyển ở nguyện vọng này thì hệ thống phải xóa dữ liệu ở những nguyện vọng còn lại. Để làm việc này, ngay từ đầu, Bộ GD-ĐT phải đưa ra 4 nguyện vọng ưu tiên là 1-2-3-4. Phần mềm xét tuyển hiện tại của bộ chỉ đưa ra dữ liệu thí sinh xét tuyển vào từng trường rồi để từng trường phải tự xét nên hậu quả là “ảo” quá lớn”.

{keywords}

“Tới đây, ở nguyện vọng bổ sung thí sinh được đăng ký tới 3 trường thì còn “ảo” lớn hơn nữa” – vị chuyên gia này nói.

Còn ông Đinh Văn Sơn cho rằng lẽ ra Bộ cho phép các trường được cập nhật và công khai hoá thường xuyên thông tin về tình hình thí sinh đăng ký xét tuyển của trường theo từng ngành và chuyên ngành đào tạo. Chắc chắn tỷ lệ ảo sẽ không cao như thực tế hiện nay.

“Theo tôi, nếu không có sự điều chỉnh phù hợp thì tỷ lệ ảo đợt 2 sẽ cao hơn rất nhiều so với đợt 1 vì mỗi thí sinh được đăng ký xét tuyển vào 3 trường, mỗi trường 2 nguyện vọng. Về lý thuyết tỷ lệ ảo sẽ khoảng 70% thậm chí có thể tới 100% tuỳ theo từng trường, từng ngành và chuyên ngành đào tạo”.

Ông Sơn cũng lưu ý việc giảm điểm chuẩn cần phải cân nhắc thật cẩn trọng bởi hệ luỵ có thể xảy ra. “Giả thiết khi các trường hạ điểm chuẩn thì các thí sinh đăng ký xét tuyển đợt 2 sẽ có nhiều cơ hội hơn trong việc chọn trường, chọn ngành học. Nhưng chúng ta sẽ xử lý thế nào đối với các thí sinh trúng tuyển nguyện vọng 2 (của đợt 1), nếu các em muốn thay đổi nguyện vọng khi điểm chuẩn thay đổi.

Công bằng cần đặt ra, khi hạ điểm chuẩn ở đợt 2 đối với thí sinh ở cả 2 đợt xét tuyển. Bức xúc của phụ huynh, thí sinh có thể lại phát sinh từ việc hạ điểm chuẩn”.

Ngân Anh (tổng hợp)