- Với Nghị định 91 của Chính phủ vừa ban hành về đầu tư vốn Nhà nước vào doanh nghiệp, kể từ 1/12 tới, các doanh nghiệp Nhà nước sẽ bị cấm đầu tư hay góp vốn vào 5 lĩnh vực nhạy cảm gồm bất động sản, ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán và quỹ đầu tư. Bên cạnh đó, việc thoái vốn 5 lĩnh vực này ở các Tập đoàn, Tổng công ty đang rất khó khăn.

Góc nhìn thẳng mời TS Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban kinh tế của Quốc hội để tìm hiểu, trao đổi về vấn đề này.

Nhà báo Phạm Huyền: Thưa ông, cùng với việc thoái vốn ngành ngoài tại các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước vừa qua, đến nay, Chính phủ tiếp tục cấm toàn bộ DNNN kinh doanh ở một số lĩnh vực nhạy cảm. Ông nhìn thấy thông điệp lớn nào của Chính phủ qua động thái này?

TS Nguyễn Đức Kiên: Trước hết, chúng ta phải thấy rằng, đây là một động tác triển khai của Chính phủ đối với Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước vào sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Luật này đã được Quốc hội thông qua năm 2014 và có hiệu lực từ 1/7/2015.

Đến ngày hôm nay, Chính phủ mới ban hành Nghị định 91. Căn cứ theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, như vậy đã là chậm so với yêu cầu của Luật. Đây không phải việc lần đầu tiên chúng ta bắt gặp, hay lần đầu tiên mới có chủ trương như thế này. Đây là bước tiếp theo, cụ thể hoá quá trình tái cơ cấu DNNN, một trong 3 nhiệm vụ trọng tâm mà chúng ta triển khai theo từ hội nghị Trung ương IV khóa XI đến nay.

Nhà báo Phạm Huyền: Thưa ông, từ ngày 1/12 tới, Chính phủ mới cấm các DN Nhà nước đầu tư hoặc góp vốn ở 5 lĩnh vực nhạy cảm lĩnh vực ngân hàng, địa ốc, chứng khoán.. trong khi những yếu kém ở khu vực này đã bộc lộ rõ rệt nhiều năm qua. Việc kiểm soát này liệu có là chậm hay không, thưa ông?

TS Nguyễn Đức Kiên: Việc khó khăn của các loại hình doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp Việt Nam trong đó, có các DN thành phần kinh tế khác, DNNN kinh doanh trong các lĩnh vực như chứng khoán, bảo hiểm, ngân hàng, hay kinh doanh bất động sản đều gặp khó khăn. Không chỉ có DNNN như Vinaconex, như Hud, mà chúng ta cũng thấy cả Hoàng Anh Gia Lai, hoặc Quốc Cường, Nam Cường đều khó khăn cả.

Cho nên, khó khăn này là khó khăn chung của cả nền kinh tế nói chung, nó tác động đến từng doanh nghiệp một, chứ không phải chỉ vì là tổ chức DNNN nên nó mới có khó khăn này.

{keywords}

Vinashin chuyển trở lại thành Tổng Công ty Công nghiệp Tàu thuỷ Việt Nam

Còn việc đầu tư hoặc góp vốn, chúng ta đã nói rõ, trong đề án tái cơ cấu các DNNN mà Thủ tướng đã lần lượt phê duyệt đến hết 2014, chúng ta đã quy định các DNNN sẽ tập trung vào các lĩnh vực, ngành chủ chốt. Ví dụ như Vinashin, sau khi đã có phương án cải tổ lại, quy định rõ, Vinashin chuyển trở lại thành Tổng Công ty Công nghiệp Tàu thuỷ Việt Nam với những lĩnh vực liên quan đến đóng tàu cụ thể. Nhiều ngành, lĩnh vực khác cũng có quy định cụ thể việc này.

Lần đầu tiên, việc này được đưa lên ở tầm Nghị định, trước chỉ hay áp dụng ở Quyết định của Thủ tướng hay là các chỉ thị của Thủ tướng về các vấn đề trong đổi mới DNNN. Nhưng lần này, Chính phủ triển khai Luật và có Nghị định này, đó là một bước hoàn thiện vấn đề pháp lý cho DNNN có căn cứ hoạt động.

Nhà báo Phạm Huyền: Thưa ông, có ý kiến nói rằng, Nghị định 91 lần này ra đời có nguyên cớ từ nhiều vụ việc tiêu cực đã xảy ra ở khu vực DNNN như thua lỗ, mất vốn, thậm chí phải xử lý hình sự đối với một số lãnh đạo mà sai phạm chủ yếu liên quan đến việc góp vốn kinh doanh những lĩnh vực "hot", siêu lợi nhuận. Ông suy nghĩ thế nào về điều này?

TS Nguyễn Đức Kiên: Những ai đưa ra ý kiến nhờ có Nghị định mà chúng ta hạn chế được thì đó là ý kiến của những người không hiểu về quá trình xây dựng pháp luật. Nghị định phải dựa trên cơ sở Luật của Quốc hội ban hành. Không chỉ có Nghị định 91, nếu đọc Luật Quản lý và đầu tư, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp thì trong Luật đã quy định, những điều nào thì Chính phủ được phép quy định thành Nghị định, những điều nào Chính phủ phải tổ chức thực hiện.

Đừng quan trọng hoá quá Nghị định 91 lên mà phải đặt trong bối cảnh của Luật quản lý sử dụng vốn Nhà nước.

Nhà báo Phạm Huyền: Thưa ông, có thể hiểu tinh thần của Nghị định 91 này là chỉ cấm các DNNN tham gia các lĩnh vực bất động sản, ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán và quỹ đầu tư hay rộng hơn là tấm triệt để việc kinh doanh ngành ngoài của các DNNN?

TS Nguyễn Đức Kiên: Theo Luật, có 4 ngành nghề và lĩnh vực là DNNN, các ngành nghề khác không bắt buộc phải là DNNN. Luật cũng quy định rõ, chỉ những DN 100% vốn Nhà nước mới được gọi là DNNN. Các DN khác, 99% cũng phải hoạt động theo Luật Doanh nghiệp 2015. Chúng ta đang tạo cơ hội bình đẳng. Đặc biệt, trong quá trình chúng ta đàm phán các hiệp định FTAs, đặc biệt là TPP, đã có một chương có quy định rõ về DNNN.

Cho nên, các phương tiện thông tin đại chúng không nên chụp mũ, cứ DNNN là yếu kém như thế. Như thế không đúng bản chất của kinh tế thị trường.

Xin cảm ơn ông!

VietNamNet