- Thủ tục hải quan nhiêu khê, phức tạp và những khoản chi phí lót tay lớn nhỏ luôn khiến doanh nghiệp đau đầu. Những hạn chế và tiêu cực này đã làm giảm năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, làm xấu môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam.

Góc nhìn thẳng mời ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng trao đổi về vấn đề này.

Nhà báo Phạm Huyền: Thưa ông, VCCI và Tổng cục hải quan vừa công bố kết quả khảo sát mức độ hài lòng của doanh nghiệp đối với thủ tục hải quan, trong đó nổi lên một thông điệp dù cải cách nỗ lực song thủ tục vẫn còn nhiêu khê. Là trưởng nhóm nghiên cứu, ông có thể lý giải vì sao lại còn tình trạng này?

Ông Đậu Anh Tuấn: Trước khi nói về vấn đề chị nêu, tôi có thể nói rằng, Tổng Cục Hải quan được xem là một gương sáng trong việc đánh giá lại hiện trạng của mình. Tổng Cục Hải quan và Tổng cục Thuế là hai đơn vị đi đầu trong việc chấp nhận lắng nghe doanh nghiệp đánh giá quá trình hoạt động của mình diễn ra như thế nào.

Đây rõ ràng là một bước tiến rất lớn trong quá trình cải cách thủ tục hành chính của hai cơ quan này. Nếu nhìn vào chuỗi mở cửa của Việt Nam, hiện tại tỷ lệ thương mại trên GDP lên tới 160%. Rõ ràng, ngành hải quan cũng đã đóng góp rất là nhiều trong quá trình này.

Tuy nhiên, trong thời gian vừa rồi, những nỗ lực đó vẫn chưa thực sự đáp ứng được kỳ vọng. Tỷ lệ doanh nghiệp gặp khó khăn, phiền hà trong quá trình thông quan, trong đó có thủ tục hải quan cũng là những điều đã được phản ánh rất nhiều trên các diễn đàn doanh nghiệp. Điều tra vừa rồi của VCCI cũng đã thể hiện phần nào điều này. Chúng tôi cho rằng, ngành hải quan đã biết rõ, nhận rõ điều đấy và mong muốn cải thiện mạnh mẽ trong thời gian tới.

Nhà báo Phạm Huyền: Thưa ông, đáng chú ý nhất trong khảo sát là vẫn còn 28% doanh nghiệp xác nhận phải trả chi phí lót tay cho cán bộ hải quan và 35% doanh nghiệp không trả lời vấn đề này. Theo ông, vì sao tiêu cực này vẫn kéo dài và phải làm sao để giảm triệt để hiện tượng này?

Ông Đậu Anh Tuấn: Đúng là vấn đề về chi phí ngoài quy định, chi phí không chính thức là một vấn đề tương đối phổ biến ở một số ngành, không chỉ riêng hải quan, có thể là ngành thuế, đất đai, cấp phép... Những lĩnh vực thường có quan hệ bất đối xứng trong quan hệ với doanh nghiệp, những ngành mà ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của doanh nghiệp thì tình trạng đó vẫn diễn ra tương đối phổ biến.

Điều tra về thủ tục hải quan vừa rồi cũng có tỷ lệ tương đối lớn, đến 28% doanh nghiệp thừa nhận thường xuyên phải trả chi phí không chính thức. Cũng có một tỷ lệ 35% doanh nghiệp e ngại, chưa cho biết thông tin. Nhưng rõ ràng, những điều tra về chi phí không chính thức thường không phải là điều tra dễ dàng. Thường doanh nghiệp sẽ e ngại, hay là sợ va chạm, sợ hệ quả nên cũng chưa thực sự thẳng thắn. Cho nên, chúng tôi cho rằng, nếu tiến hành một nghiên cứu riêng, với phương pháp riêng về lĩnh vực này, có thể có những con số tôi dự đoan có thể có những con số còn lớn hơn.

Tuy vậy, phải nói rằng, qua 3-4 năm vừa rồi, tình trạng này xu hướng này có giảm đi. Điều tra tương tự năm 2012, 2013 đã cho kết quả tương đối tốt lên so với trước.

Chúng tôi cho rằng, việc ứng dụng CNTT, hạn chế sự tiếp xúc giữa cán bộ hải quan và doanh nghiệp, việc đổi mới quy trình là những bước quan trọng để giảm tình trạng này, giảm tình trạng nhũng nhiễu trong thời gian tới.

Nhà báo Phạm Huyền: Vậy ý của ông có phải là, ngoài yếu tố đạo đức con người, đạo đức cán bộ, câu chuyện là bộ thủ tục phải càng ngày càng đơn giản, thì hiện tượng nhũng nhiễu và tiêu cực sẽ bớt đi?

Ông Đậu Anh Tuấn: Có nhiều lý do khiến tình trạng chi trả chi phí ngoài quy định, nhũng nhiễu doanh nghiệp phát sinh. Trước hết là do hệ thống quy định. Chẳng hạn như hiện tại, hệ thống quy định có thể có nhiều cách hiểu biết khác nhau, cán bộ hải quan hay những cán bộ công vụ có thể áp dụng cách này hay áp dụng cách khác thì rõ ràng là cơ hội lớn để tình trạng chung chi có thể diễn ra.

Hay vấn đề về thủ tục hành chính không rõ, cơ chế giám sát chưa được tốt, hay chất lượng cán bộ công chức..., tất cả các yếu tố đó có thể ảnh hưởng dẫn tới việc nhũng nhiễu, hay trả chi phí không chính thức.

Nhà báo Phạm Huyền: Ông có thể tiết lộ một chút trong công tác nghiên cứu của ông, tình trạng chi trả không chính thức ở các nước như thế nào, liệu có nhiều như ở Việt Nam hay không?

Ông Đậu Anh Tuấn: Hiện tại, qua nhiều điều tra, không chỉ ở điều tra này của chúng tôi, môi trường kinh doanh của Việt Nam vẫn bị đánh giá là tương đối kém trong việc chi trả chi phí không chính thức.

Chẳng hạn, một cuộc điều tra năm 2014 của chúng tôi, với 1.500 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, khi hỏi họ điều gì khiến họ đánh giá kém về môi trường kinh doanh ở Việt Nam thì họ trả lời, đó là tình trạng tham nhũng, phải chi trả nhiều chi phí không chính thức, là điểm kém ở môi trường kinh doanh ở Việt Nam dưới con mắt của nhà đầu tư các nước.

Một số chỉ số khác do Ngân hàng Thế giới công bố, hay Diễn đàn kinh tế thế giới công bố, hay Tổ chức minh bạch quốc tế công bố, chỉ số chi phí không chính thức của Việt Nam vẫn là chỉ số được đánh giá kém so với các nước trong khu vực.

Nhà báo Phạm Huyền: Theo ông, với mức độ tiêu cực, nhũng nhiều như kết quả khảo sát vừa qua thì tình trạng doanh nghiệp bị lỡ cơ hội kinh doanh do không chịu lót tay đang ở mức nào?

Ông Đậu Anh Tuấn: Tôi cho rằng, vấn đề chi trả không chính thức, vấn đề nhũng nhiểu rõ ràng ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh của Việt Nam. Với tình trạng phổ biến thì rõ ràng, sẽ tạo bất lợi cho những doanh nghiệp làm ăn đàng hoàng, chân chính. Việc chi trả chi phí không chính thức sẽ hạn chế những nhà đầu tư kinh doanh bài bản, những tập đoàn lớn có kỳ vọng về chất lượng điều hành tốt, họ sẽ ngại đầu tư. Về lâu dài, điều đó sẽ làm môi trường kinh doanh không minh bạch, ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của nền kinh tế!

Xin cảm ơn ông!

VietNamNet