- "Vũ khí hạt nhân của Triều Tiên chỉ có thể đe dọa một số nước nhất định chứ không đe dọa toàn bộ thế giới", chuyên gia chính trị quốc tế Vũ Đoàn Kết bình luận vụ thử bom H.

Thế giới chấn động khi sáng 6/1, CHDCND Triều Tiên tuyên bố thử thành công bom nhiệt hạch khẳng định vụ thử đánh dấu bước tiến lớn trong chương trình phát triển hạt nhân của mình. Vụ thử bom của Triều Tiên trong những ngày đầu năm mới 2016 có thông điệp gì và thế giới sẽ phải đối phó ra sao?

Ông Vũ Đoàn Kết, Giảng viên Khoa Chính trị quốc tế và ngoại giao, Học viện Ngoại giao đã trao đổi với chuyên mục Góc nhìn thẳng về câu chuyện này.

Xin mời quý vị theo dõi cuộc trao đổi tại clip dưới đây:

Nhà báo Phạm Huyền: Thưa ông, lý do gì khiến CHDCND Triều Tiên tiến hành thử bom nhiệt hạch vào thời điểm này ?

Ông Vũ Đoàn Kết: Điểm lại tình hình quốc tế và khu vực trong 2 năm vừa qua thì dường như Triều Tiên không còn là trung tâm của thời sự quốc tế và khu vực. Trên bình diện quốc tế thì người ta nói nhiều đến Ukraina, đến Crưm, đến Syria, và cuộc chiến chống lại Nhà nước Hồi giáo cực đoan IS hoặc cuộc chiến chống lại khủng bố diễn ra ở châu Âu. Ở bình diện khu vực, chúng ta thấy trong 2 năm vừa qua, Biển Đông là tâm điểm của sự chú ý của khu vực trong khi những câu chuyện trước đây chúng ta luôn nghe đến trong thời sự khu vực là bán đảo Triều Tiên hay Eo biển Đài Loan thì dường như có vẻ chìm lắng hơn.

Đây là một cách mà người Triều Tiên, hay nói đúng hơn là giới lãnh đạo Triều Tiên, lôi kéo dư luận quốc tế, sự chú ý của quốc tế đối với Triều Tiên.

Cách lý giải thứ hai, theo tôi, có lẽ rất thú vị. Nếu như có một cách so sánh, tôi cho rằng, giới lãnh đạo ở Triều Tiên hoặc truyền thông ở Triều Tiên là những nhà đạo diễn và diễn viên rất tài ba trong những câu chuyện rất kịch tính. Chúng ta hãy nhớ lại câu chuyện về hạt nhân của Triều Tiên vào năm 1993, năm 1998 hay năm 2003 khi Triều Tiên tuyên bố rút khỏi Hiệp ước Không phổ biến Vũ khí Hạt nhân. Hay câu chuyện Triều Tiên tiến hành thử vũ khí hạt nhân lần đầu tiên năm 2006, lần thứ hai năm 2009. Tất cả những lần này đều liên quan đến một câu chuyện, đó là mối quan hệ giữa Triều Tiên với Mỹ.

Nếu chúng ta đặt trong hoàn cảnh này thì năm 2015, nước Mỹ đã có được 2 tiến bộ trong việc giải quyết mối quan hệ với những nước mà Mỹ xếp vào diện thù địch với Mỹ. Mỹ đã bình thường hóa quan hệ với Cuba, tiến tới thiết lập đại sứ quán ở hai nước vào năm 2015. Mỹ đã thúc đẩy được đàm phán về chương trình hạt nhân của Iran. Chỉ còn lại Triều Tiên và người Triều Tiên đã lựa chọn thời điểm này.

Và biết đâu, bằng việc đẩy kịch tính câu chuyện hạt nhân ở Triều Tiên lên cao thì Triều Tiên và Mỹ có thể ngồi vào đàm phán và tìm ra lối thoát; tức là có thể cởi bỏ nút thắt về hạt nhân vào năm cuối nhiệm kỳ của ông Obama. Như vậy, sẽ làm đẹp hơn thành tích của ông Obama với tư cách là Tổng thống Mỹ gần đây nhất được giải Nobel Hòa bình.

Nhà báo Phạm Huyền: Vậy theo ông, với vụ thử bom nhiệt hạch lần này có tác động như thế nào đến tình hình quan hệ quốc tế và an ninh ở Đông Bắc Á nói riêng và trên thế giới nói chung?

Ông Vũ Đoàn Kết: Theo tôi, ảnh hưởng của việc Triều Tiên tuyên bố thử thành công bom nhiệt hạch vào ngày 6/1 năm nay lên tình hình quan hệ quốc tế nói chung là không lớn.

Chương trình hạt nhân của Triều Tiên bắt đầu từ năm 1980 và suốt từ năm 1980 thì câu chuyện thử hạt nhân hay thử tên lửa đạn đạo ở Triều Tiên luôn luôn có những chu kỳ lên và xuống. Triều Tiên rất giỏi trong việc đẩy cao câu chuyện và sau đó tận dụng tình thế căng thẳng đó để có được những lợi ích cao nhất. Điều đó cho thấy câu chuyện đã trở thành gần như thường lệ của Triều Tiên, của ngoại giao Triều Tiên.

Việc một nước như Triều Tiên đạt đến trình độ có thể, tôi nói có thể thôi, sản xuất được bom H, không làm thay đổi nhiều. Nó chỉ thay đổi ở góc độ là từ đây Triều Tiên có thể, nếu như câu chuyện này được kiểm chứng, thì được xếp vào hàng ngũ những nước hàng đầu sở hữu vũ khí hạt nhân.

Nhưng kẻ thù mà Triều Tiên có thể răn đe là ai? Chúng ta xem xét lại trong câu chuyện này nó liên quan đến vế thứ 2 của câu hỏi của chị về an ninh trong khu vực. Dường như vũ khí hạt nhân của Triều Tiên chỉ có thể đe dọa một số nước nhất định chứ không đe dọa toàn bộ thế giới. Tôi lấy ví dụ, việc Triều Tiên có được vũ khí hạt nhân không đồng nghĩa với việc Triều Tiên có thể đe dọa các nước láng giềng hoặc các nước khác, bởi vì vũ khí hạt nhân đòi hỏi phương tiện phóng đẩy được vũ khí này tới mục tiêu tấn công.

Nhìn nhận lại, chúng ta thấy tên lửa tầm xa nhất mà Triều Tiên hiện sở hữu là tên lửa Taepodong 2, với tầm bắn khoảng 6.000km. Và với tầm bắn này thì Triều Tiên mới chỉ có thể tấn công được những mục tiêu ở Alaska, Hawaii, nếu Triều Tiên coi Mỹ là kẻ thù nguy hiểm nhất, kẻ thù lớn nhất của Triều Tiên.

Còn lại nó sẽ ảnh hưởng đến tình hình an ninh trong khu vực, đó là an ninh của Nhật Bản, của Hàn Quốc, và trong chừng mực nào đó là của Trung Quốc và những nước khác trong khu vực. Ở góc độ này, chúng ta thấy đe dọa của Triều Tiên đối với Nhật Bản hay Hàn Quốc cũng như câu chuyện hạt nhân của Triều Tiên lên xuống và nó là thường trực.

Tuy nhiên, nó sẽ có thể tạo ra những chuyển biến mới trong tình hình an ninh khu vực. Thứ nhất, đó là Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ phải nói chuyện nhiều hơn về vấn đề hạt nhân ở Triều Tiên. Thứ hai là sẽ đặt ra kịch bản Hàn Quốc sẽ tăng cường khả năng phòng thủ. Nó gia tăng đến khả năng Hàn Quốc có thể tự trang bị cho mình những khả năng tấn công phủ đầu bằng các phương tiện có thể. Tôi nói chữ có thể ở đây nó hàm nghĩa rất nguy hiểm, ở chỗ chúng ta đều biết Hàn Quốc là nước ở ngưỡng hạt nhân, tức là công nghệ hạt nhân dân sự của Hàn Quốc có thể nhanh chóng chuyển đổi thành hạt nhân quân sự nếu trong trường hợp Hàn Quốc bị đe dọa thì kịch bản Hàn Quốc hạt nhân hóa là có thể diễn ra.

Ở điểm thay đổi thứ 2, đó là hành động của Nhật Bản. Chúng ta đều biết trong những năm gần đây, việc Trung Quốc gia tăng áp lực ở Biển Đông, ở Biển Hoa Đông, thì Nhật Bản dưới sự cầm quyền của Thủ tướng Abe đã có sự điều chỉnh chính sách, đặc biệt trong việc diễn giải lại Hiến pháp hòa bình, cho phép Nhật Bản tăng cường lực lượng vũ trang của mình.

Nhà báo Phạm Huyền: Triều Tiên đã nhiều lần thử bom hạt nhân và thế giới cũng đã đưa không ít các biện pháp trừng phạt. Tuy nhiên, cho đến nay các biện pháp trừng phạt này dường như không mấy tác động đến quốc gia vốn đã cô lập này. Ông nhận định thế nào về việc thế giới sẽ đối phó với lần thử bom mới nhất này của Triều Tiên?

Ông Vũ Đoàn Kết: Đối phó với vụ thử bom mới đây nhất của Triều Tiên thì có lẽ thế giới cũng chưa chọn được phương án nào khác là trừng phạt. Mặc dù tất cả chúng ta và các cường quốc đều phải thừa nhận rằng trừng phạt không phải là biện pháp tốt nhất.

Nói như vậy không có nghĩa là trừng phạt không nên áp dụng. Việc trừng phạt chắc chắn sẽ được LHQ đưa ra. Chắc chắn các cường quốc sẽ gia tăng trừng phạt đối với Triều Tiên để buộc Triều Tiên có thể ngồi vào bàn đàm phán.  Trừng phạt còn có ý nghĩa khác, đó là trong khi chưa kiểm chứng được khả năng Triều Tiên sở hữu bom H, thì trừng phạt trong chừng mực sẽ hạn chế khả năng Triều Tiên tiếp cận đến công nghệ có thể trang bị cho mình bom H. Không chỉ là tiếp cận tới công nghệ trang bị bom H mà còn tiếp cận được công nghệ có thể đưa chất nổ, đầu đạn hạt nhân lên các phương tiện phóng đẩy để có thể bắn tới các mục tiêu mà họ mong muốn.

Nhưng mặt trái của trừng phạt là người dân Triều Tiên.
Trừng phạt chắc chắn không trừng phạt được giới lãnh đạo Triều Tiên, mà người đầu tiên chịu thiệt hại sẽ chính là người dân.

Nhà báo Phạm Huyền: Nhắc đến tiến trình hòa giải trên bán đảo Triều Tiên, không thể không nhắc tới vai trò của Trung Quốc. Ông đánh giá thế nào về những bước đi của Trung Quốc?

Ông Vũ Đoàn Kết: Về phản ứng của TQ đối với sự kiện này thì chúng ta có thể thấy qua phát ngôn của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngay sau khi vụ việc diễn ra. Phát ngôn này cho thấy TQ rất bất bình với hành động của Triều Tiên.

Quay trở lại vào năm 2006, khi Triều Tiên tiến hành vụ thử hạt nhân Triều Tiên thì phía TQ đã được Triều Tiên thông báo trước 20 phút. Tôi xin mở ngoặc là phía Triều Tiên đã thông báo cho phía Nga trước 2 tiếng trong khi TQ chỉ 20 phút. Mặc dù được thông báo trước 20 phút nhưng người TQ vẫn bất bình. Vì sao? Vì cho đến thời điểm đó, thế giới vẫn hiểu rằng TQ là đồng minh thân cận nhất của Triều Tiên, là nước có đường biên giới sát với Triều Tiên và là nước cung cấp những viện trợ, trợ giúp về kinh tế nhiều nhất cho Triều Tiên.

Trong hoàn cảnh hiện nay câu chuyện đã khác đi rất nhiều. Mối quan hệ nồng ấm giữa Triều Tiên và TQ dường như không còn như những năm 90 hoặc thập niên đầu tiên của thế kỷ này.

Nhưng điều này cho thấy một khía cạnh thú vị khác, đó là nếu như trước đây người ta nói TQ duy trì được một hệ thống đồng minh thân cận của mình trong khu vực, người ta kể đến Triều Tiên, người ta kể đến Myanmar, với những diễn biến trong năm vừa qua ở Myanmar và diễn biến hôm 6/1 vừa rồi ở Triều Tiên thì dường như các đồng minh của TQ không còn đi theo hoặc không còn phục vụ toán tính của TQ nữa.

Xin cảm ơn ông!

VietNamNet