- Nói với Góc nhìn thẳng, bà Trịnh Thị Thuỷ, Thứ trưởng Bộ Văn hoá Thể thao và du lịch nhấn mạnh không tiếp tục cấp phép mới các lễ hội chọi trâu, bởi đằng sau lễ hội là cá cược, thương mại hoá, hình ảnh bạo lực...


Một con trâu đi thi đấu đã bất ngờ quay lại húc chết người chủ của mình, đó là tai nạn đau lòng vừa diễn ra hôm 1/7, trong vòng đấu loại của Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn, Hải Phòng. Ngay sau đó, lễ hội đã bị tạm dừng để làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn.

Dù đây là một tai nạn hy hữu chưa từng xảy ra ở các lễ hội chọi trâu nhưng do tính chất nghiêm trọng của vụ tai nạn, không ít ý kiến trong cộng đồng đã đặt vấn đề không nên tổ chức một lễ hội như vậy. Những lễ hội có nghi thức cúng tế, hiến sinh bạo lực thì cần được loại bỏ.

Chuyên mục Góc nhìn thẳng của báo VietNamNet kỳ này tìm câu trả lời cụ thể từ Thứ trưởng Bộ Văn hoá Thể thao và du lịch, bà Trịnh Thị Thuỷ.

Theo dõi cuộc trò chuyện tại video sau:

Nhà báo Phạm Huyền: Thưa bà, là người trực tiếp đến kiểm tra, bà có nhận thấy những điểm bất thường đáng lưu ý nào từ vụ tai nạn ở lễ hội chọi trâu Đồ Sơn?

Bà Trịnh Thị Thuỷ: Ngay sau khi có cái vụ tai nạn hi hữu đó xảy ra, ở Bộ trưởng đã chỉ đạo tôi cùng đoàn công tác của bộ xuống làm việc với chính quyền địa phương để nắm tình hình và thăm hỏi gia đình.

Qua kiểm tra thực tế và khi chúng tôi đặt ra những câu hỏi đối với những cái tình huống bất trắc có thể xảy ra trong lễ hội, ví dụ như tình huống đáng tiếc vừa rồi hoặc là cái tình huống trâu sẽ phá rào để leo lên khu vực khán giả, hay như một số cái tình huống nguy hiểm khác nữa, chính quyền địa phương đã có những cái lúng túng nhất định trong việc phòng ngừa, lường trước những cái tình huống bất trắc.

Con trâu chọi đã húc chủ của mình đến ba lần. Nếu như chúng ta đã có cái phương án phòng ngừa và đã chủ động đề phòng những tình huống bất trắc thì có thể nó sẽ khác đi. Có thể ngay từ lần húc đầu tiên, chúng ta kịp thời có phản ứng thì sự việc đã không nghiêm trọng đến như vậy.

Cái bất thường, sự chủ động ứng phó, bao quát tình hình, đặc biệt là việc đảm bảo an toàn cho cái người tham gia lễ hội và du khách hàng cùng có nhiều vấn đề phải xem xét lại.

Nhà báo Phạm Huyền: Thưa bà, trong những ngày vừa qua, không ít những ý kiến trong cộng đồng cho rằng những lễ hội như lễ hội chọi trâu Đồ Sơn thường có những hiện tượng tiêu cực như hiện tượng cờ bạc phát sinh... với tâm lý ăn thua. Nhiều người nghi ngại rằng những con trâu đã bị tiêm thuốc kích thích trước khi vào trận đấu. Bộ đã nắm được vấn đề này ra sao?

Bà Trịnh Thị Thuỷ: Cho đến giờ phút này, từ báo cáo của chính quyền địa phương ,cũng chưa có khẳng định chắc chắn rằng là đã có việc sử dụng với chất kích thích cho trâu chọi. Chúng ta phải có mẫu xét nghiệm bởi những cơ quan có chức năng chuyên môn thì mới có thể đưa ra kết luận cuối cùng được.

Đối với những hoạt động tổ chức lễ hội như vậy, trong những năm vừa rồi, chúng tôi đã khuyến cáo các địa phương, yêu cầu các địa phương không tiếp tục phục dựng hay cấp phép mới các loại hình lễ hội chọi trâu hay hội chọi trâu ở các địa phương. Ngay trong năm 2015 và 2016 vừa qua, các địa phương đã cơ bản thực hiện nghiêm chi đạo của Bộ về việc không cấp phép mới hay tổ chức phục dựng nữa.

{keywords}
Bà Trịnh Thị Thuỷ, Thứ trưởng Bộ Văn hoá Thể thao và du lịch 

Bởi vì, chúng tôi thấy rằng qua dư luận, công tác đảm bảo an ninh, chuẩn bị, tổ chức đối với loại hình lễ hội này có nhiều vấn đề đặt ra lắm.

Đằng sau lễ hội là những hiện tượng thương mại hóa, ví dụ trâu chọi hay không chọi, xung quanh sân chọi trâu là la liệt các cửa hàng bán thịt trâu chọi với giá rất cao. Đằng sau đó là có những biểu hiện lén lút của cá cược...

Trong mấy năm vừa rồi, bộ đã rất quyết liệt trong việc xử lý đối với loại hình lễ hội như vậy, cũng như những nghi thức phản cảm, bạo lực như lễ hội chém lớn ở Bắc Ninh, đập đầu trâu ở Phú Thọ, treo cổ trâu ở Yên Bái chẳng hạn. Đến nay, đầu năm 2017, nhiều lễ hội đã bỏ những tập tục không còn phù hợp nữa.

Nhà báo Phạm Huyền: Nhìn rộng ra, việc cho các con vật vốn được coi là bạn với con người bị ép phải chọi nhau rồi tất cả lại bị đem ra giết thịt, cúng tế... trong các lễ hội có thể nói là tàn bạo. Theo bà, những nghi thức lễ hội mang tính sát sinh, hiến tế... như vậy liệu có còn phù hợp với mục đích giáo dục văn hoá, với truyền thống nhân văn, nhân ái của dân tộc Việt Nam, liệu có phù hợp giá trị chuẩn mực của lối sống văn minh ngày nay?

Bà Trịnh Thị Thuỷ: Đúng là những nghi thức, tập tục gắn với hiến tế, hiến sinh đang có nhiều ý kiến rất khác nhau trong dư luân. Có người cho rằng cần phải tôn trọng cộng đồng vì đó là giá trị văn hóa riêng của họ, chúng ta không nên can thiệp cũng không nên phán xét.

Về phía góc độ quản lý Nhà nước của Bộ, chúng tôi cho rằng, cuộc sống đã có nhiều thay đổi. Giá trị văn hóa truyền thống nhân văn của người Việt chúng ta luôn hướng đến chân thiện mỹ, đối với động vật luôn có sự yêu thương. Ngày nay, không gian văn hóa, môi trường tổ chức lễ hội đã khác rồi. 

Ví dụ, chỉ cần một video clip tung lên mạng những nghi thức phản cảm, hệ luỵ là cả thế giới xem và sẽ băn khoăn không hiểu sao bây giờ Việt Nam vẫn còn duy trì những tập tục như thời trung cổ như vậy? Họ sẽ có những băn khoăn như vậy.

Do vậy, chúng tôi hướng tới xây dựng các văn bản quy phạm mang tính bao quát, hạn chế được những tập tục, hành vi phản cảm trong lễ hội. Gần đây nhất là Thông tư 15 của Bộ, quy định không tổ chức các lễ hội, hoặc không phục dựng các lễ hội có hoạt động phản cảm như đâm chém bạo lực.

Chúng ta cần bảo tồn phát huy giá trị văn hóa truyền thống của lễ hội nhưng đồng thời chúng ta cũng phải hạn chế, loại bỏ dần đi những tập quán, tập tục, hành vi ứng xử trong lễ hội không còn phù hợp nữa.

Nhà báo Phạm Huyền: Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn, Hải Phòng đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và vì là di sản văn hóa nên có ý kiến cho rằng, sẽ khó bỏ. Chỉ có vấn đề là phải tổ chức ra sao cho an toàn. Bà có ý kiến như thế nào về điều này?

Bà Trịnh Thị Thuỷ: Trong những năm gần đây, việc quan tâm đến cái lễ hội chọi trâu Đồ Sơn, chúng ta đang nặng về phần hội, còn phần lễ, phần nghi thức, phần hồn của di sản ít được đề cập đến. Ở đây, việc tổ chức đang nặng và quá chú trọng phần hội.

Ví dụ, đưa hội chọi trâu vào sân vận động là không đúng với hồ sơ di sản cũng như không đúng với truyền thống văn hóa của cộng đồng cư dân ven biển ở đó.

Trước đây, người ta có văn hoá ứng xử hỗ trợ cho các chủ trâu để họ mua trâu, chăm sóc trâu. Bây giờ thì hình như ngược lại. Chính các chủ trâu lại phải nộp tiền cho ban tổ chức. Tôi nghe dư luận nói vậy. Vậy thì, một khi đã phải bỏ tiền ra, người ta sẽ ăn thua, sẽ làm thế nào để con trâu trở nên hung hãn hơn, sừng làm nhọt để nhanh chóng hạ gục đối thủ... Tất cả những điều này đã làm méo mó đi, làm sai lệnh đi giá trị vốn có của lễ hội chọi trậu.

Nếu chúng ta biết khai thác, chú trọng tính nhân văn, tính giáo dục của phần lễ thì chắc chắn, phần hội, chúng ta cũng sẽ có cách ứng xử phù hợp hơn.

Nhà báo Phạm Huyền: Thưa bà, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Đồ Sơn, thành phố Hải Phòng cho rằng, dù vụ tai nạn hi hữu đáng tiếc xảy ra nhưng vẫn đang muốn xin được tiếp tục tổ chức lễ hội này vậy. Bà có ý kiến như thế nào?

Bà Trịnh Thị Thuỷ: Chúng tôi cũng đã có quan điểm rõ ràng. Lễ hội tổ chức là để đáp ứng đời sống văn hóa và sinh hoạt tín ngưỡng tâm linh lành mạnh của cộng đồng. Tổ chức như thế nào thì tổ chức, nhưng nguyên tắc tối thượng và yêu cầu tối thượng là phải đảm bảo về mặt an ninh an toàn, đặc biệt là đối với tính mạng con người. Một khi, chúng ta đã để xảy ra những sự cố như vậy, tức là chưa có phương án phòng ngừa, ứng phó kịp thời, những điều kiện cơ sở vật chất để đảm bảo an ninh an toàn thì chúng tôi đề nghị dừng tổ chức lễ hội này năm 2017.

Nhà báo Phạm Huyền: Cảm ơn bà đã trả lời báo điện tử VietNamNet !

VietNamNet

Thực hiện: Phạm Huyền

Video: Đức Yên, Huy Phúc, Bạt Tuấn

email: gocnhinthang@vietnamnet.vn