- Sự tiện ích của mạng xã hội đang làm tha hoá hành vi sống của nhiều người. Hãy biết cảnh giác trước những tác động tiêu cực từ thế giới ảo. Báo chí và sự hợp tác chặn thông tin xấu độc của Facebook, Google, Youtube chỉ đóng góp một phần- chia sẻ của ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông với Góc nhìn thẳng.


Thời gian vừa qua, sự bùng nổ của thông tin trên mạng, đặc biệt là mạng xã hội đã cho chúng ta thấy nổi lên nhiều điểm rất đáng lưu ý.

Có những thông tin đúng đắn, hợp lý được cộng đồng chia sẻ, cảm thông, được cơ quan chức năng trách nhiệm xử lý kịp thời, nhưng bên cạnh đó, có những thông tin lại được chia sẻ một cách quá vội vã, chưa đúng sự thật như vụ việc cháu bé kéo đàn violin ở Hồ Gươm, sau khi lan truyền chóng mặt, người mẹ đã phải lên tiếng xin lỗi trên facebook.

Đáng quan ngại hơn, không ít trường hợp người dùng mạng xã hội chia sẻ những thông tin thất thiệt, bịa đặt, thậm chí cắt ghép không đúng bản chất vấn đề đã gây hoang mang trong đời sống nhân dân, gây thiệt hại cho không ít tổ chức, cá nhân. Thậm chí những thông tin đó đã kéo theo sự "vào cuộc' của một số cơ quan báo chí.

Câu chuyện này được Góc nhìn thẳng đặt ra với ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông.

Mời bạn đọc theo dõi cuộc trò chuyện tại video sau:

Play

Quyền lực mạng xã hội: Ảo tưởng lệch lạc rồi sẽ được nhận ra

Nhà báo Phạm Huyền: Thưa ông, nếu nhìn nhận ngắn gọn về thông tin được chia sẻ trên mạng xã hội thời gian vừa qua, ông nhìn thấy điều gì là cơ bản đáng lưu ý nhất?

Ông Nguyễn Thanh Lâm: Mạng xã hội là một khái niệm rất rộng. Ở Việt Nam, theo thống kê có đến hơn 48 triệu tài khoản Facebook và có hơn 30 triệu người online Facebook thường xuyên mỗi ngày. Đó là chưa kể hoạt động của những mạng xã hội khác.

Tuy nhiên, tôi nhìn thấy ở mạng xã hội hiện nay, mặc dù có rất nhiều điểm tốt nhưng những biểu hiện đáng lo ngại có lẽ vẫn nhiều hơn là những biểu hiện tích cực.

Có lẽ, chúng ta chưa thực sự thích nghi với một môi trường xã hội mà ở đó, mọi người biểu đạt ý kiến một cách hòa bình và xây dựng. Bất cứ một sự khác nhau về quan điểm hoặc bất cứ một thông tin nào đó được đưa lên một cách vội vã thiếu kiểm chứng, lồng vào đó những cảm xúc của người trong cuộc, rất dễ tạo nên một hiệu ứng lây lan. Và ở trên mạng xã hội, nhiều khi lại không có chỗ cho sự phản biện qua lại một cách công bằng, thẳng thắn. Rất nhiều vụ việc có xu hướng vượt ra khỏi tầm kiểm soát của chính những người đưa thông tin ban đầu lên mạng xã hội.

Hoặc ngược lại, cũng có những người nắm bắt được xu hướng, đặc điểm đó của mạng xã hội ở Việt Nam cho nên cố tình tung ra những thông tin mà thật- giả chưa rõ thế nào, rồi lồng vào đó những ý đồ rất rõ ràng.

Trong bối cảnh đó, báo chí nhẽ ra từ vị thế giữ một vai trò độc lâp và chủ động như chức năng của nó vốn phải có thì trong rất nhiều trường hợp bây giờ lại trở nên bị động so với mạng xã hội, thậm chí, lại khuyếch đại những ảnh hưởng tiêu cực của một số vấn đề được tung ra bởi mạng xã hội.

Tôi nghĩ những người sử dụng mạng xã hội ở đâu cũng vậy thôi, nhưng chắc chắn ở Việt Nam chúng ta trong giai đoạn hiện nay và kể cả trong thời gian tới, phải hết sức cảnh giác với những tác động tiêu cực hoặc những cái phản tác dụng của mạng xã hội.

Nhà báo Phạm Huyền: Phải chăng, với với cục diện như vậy nên rất nhiều người đang ảo tưởng vào quyền lực, sức mạnh của chính mình trên mạng xã hội?

Ông Nguyễn Thanh Lâm: Đó chính là một trong những điều làm nên những tác động tiêu cực của mạng xã hội. Ở đó, giữa cái thật cái giả là khó lường và nhiều khi chúng ta cũng có thể ảo tưởng về một quyền lực nào đó khi viết một status có thể có 1000 like hoặc là vài trăm comment.

{keywords}
Ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông chia sẻ với Góc nhìn thẳng về mạng xã hội (ảnh: VietNamNet)

Thực ra, cũng có những người đang sử dụng quyền lực đó vào những việc khác nhau. Thậm chí có người nói rằng, viết một cái status ở trên facebook nhận được những khoản thù lao còn lớn hơn nhiều so với nhuận bút khi viết một bài báo tử tế.

Cho nên, trong bối cảnh như vậy, chuyện người ta ảo tưởng về một dạng quyền lực nào đó ở trên mạng xã hội cũng là lẽ bình thường. Vấn đề là chưa ai nói những cái đó sẽ là mãi mãi, là chưa có ai nói là cái đó đúng cả, và tôi tin rằng, những lệch lạc ở mạng xã hội, rồi dần dần mọi người cũng nhận ra.

Tôi vẫn tin vào tính chất hướng thiện của cộng đồng sử dụng mạng vì cộng đồng sử dụng mạng là chính chúng ta đây.

Nhà báo Phạm Huyền: Thực tế thì, ngay cả việc làm sao đưa thông tin một cách trung thực, đúng bản chất vấn đề đối với những nhà báo chuyên nghiệp còn là điều không dễ dàng, huống hồ đối với phần đông các facebooker, ít kiểm chứng nguồn tin từ cơ quan chức năng, chỉ với một chiếc điện thoại thông minh đã có thể đưa thông tin nhanh chóng, sớm nhất và thậm chí là đưa tin trực tiếp. Vậy, từng là một nhà báo tác nghiệp chuyên môn báo chí trực tiếp và nay làm công tác quản lý, ông suy nghĩ gì về hiện tượng này?

Ông Nguyễn Thanh Lâm: Phải nói khách quan rằng, trên mạng xã hội có rất nhiều người mà trình độ của người ta giỏi hơn các nhà báo nhiều lắm và người ta có nhiều thông tin hơn là các nhà báo tưởng nhiều lắm. Cho nên, có rất nhiều trường hợp một bài báo đưa ra tưởng đã “ngon” rồi đấy, nhưng thực ra đến khi có phản biện trên mạng xã hội thì mới thấy là nó không đơn giản như vậy. Đó là góc độ tích cực của mạng xã hội.

Thế nhưng, về mặt tiêu cực, đúng là có đông đảo người sử dụng mạng xã hội, tuy không có nhiều thông tin nhưng lại thừa quan điểm và thường xuyên quan tâm đến việc bày tỏ quan điểm đó, chính kiến đó, mặc dù chưa tìm hiểu sự việc, thậm chí chưa hiểu vấn đề đang diễn ra là gì.

Thậm chí có những người nhìn thấy một bài viết ở trên mạng xã hội được share, đôi khi chỉ cần nhìn vào cái tít thôi là đã vào comment rồi, đã vào bình luận thể hiện thái độ rồi. Thậm chí, những người đó còn chưa đọc bài.

Tất cả những hành vi đó đã tạo nên hiệu ứng nhiễu thông tin. Tôi nghĩ rằng, các nhà báo phải nghiêm túc hơn, buộc phải là bộ lọc trong mớ thông tin như vậy. Và chính vì thế, trong thời buổi truyền thông xã hội phát triển mạnh ngày này, chúng ta càng cần đến vai trò của báo chí hơn lúc nào hết, bởi bây giờ là lúc người ta cần một nơi để giúp phân biệt được thông tin thật- giả.

Nhà báo Phạm Huyền: Thưa ông, có lẽ đòi hỏi trách nhiệm phải chuẩn chỉnh trong từng chia sẻ của những facebooker quả thật là sẽ khó khăn và đôi khi, họ thường chỉ nhận ra sai lầm khi cơ quan chức năng xử lý. Theo ông, chúng ta nên ứng xử thế nào với việc đưa thông tin lên mạng xã hội của các cá nhân hiện nay?

Ông Nguyễn Thanh Lâm: Chúng ta thử ngẫm xem trước khi có mạng xã hội, có phải chúng ta không có nơi để biểu đạt ý kiến hay không? Thực ra mạng xã hội làm được gì?

Mạng xã hội kết nối mọi người nhanh chóng trong một khoảnh khắc. Ngay lập tức một ý kiến nào đó đưa lên có thể có nhiều người đọc, một comment nào đó có thể được nhiều người thích… Rồi dần dần, tính tiện ích đó của công nghệ khiến chúng ta có xu hướng biểu đạt ý kiến nhiều hơn với cộng đồng.

Ngày xưa, chúng ta làm gì có suy nghĩ vào mạng để like hay comment một status của ai đó. Còn bây giờ cuộc sống của chúng ta đang có xu hướng vào mạng, bày tỏ thái độ với tất cả mọi vấn đề, trong đó có những vấn đề chẳng quan trọng gì, có cả những vấn đề thậm chí không liên quan gì đến mình.

Mỗi một người sử dụng mạng cũng sẽ thấy rằng, một cách rất tự nhiên, công nghệ đã làm thay đổi hành vi và thay đổi con người, thậm chí thay đổi văn hóa của mình từ lúc nào không biết. Mình từ một người dù không có mạng vẫn sống rất tốt, trở thành một người mà trên mạng hay gọi là “ ngáo face” chẳng hạn. Tự nhiên mình sống mà luôn bị thôi thúc, 5 phút check mạng một lần, 5 phút vào xem facebook một lần, xem có bao nhiêu like hay comment thế nào, rồi tự nhiên phải tỏ một thái độ nào đó!

Ở một chừng mực nào đó, sự dễ dãi và sự tiện ích của công nghệ đang làm tha hóa con người, tha hoá ở hành vi, chứ không phải ở nhận thức. Chúng ta dành quá nhiều thời gian và coi những hành vi đó là thiết yếu trong cuộc sống, trong khi thực ra nó không phải vấn đề thiết yếu. Trong cuộc sống, có bao nhiêu vấn đề khác phải làm.

Tôi vẫn tin tường và lạc quan rằng có rất nhiều người vẫn sống tốt mà không phải ngày nào cũng lên mạng xã hội.

Tôi nghĩ rằng, kể cả mạng xã hội hiện nay đang thịnh hành như vậy nhưng rồi dần dần với sự phát triển của công nghệ, khi chúng ta có trí thông minh nhân tạo, chúng ta có đủ những trợ lý ảo, với internet vạn vật, không ai nói là mạng xã hội này sẽ tồn tại vĩnh viễn.

Mạng xã hội rồi sẽ biến đổi, một là theo công nghệ, hai là theo thói quen của người sử dụng và ba là do những đòi hỏi mà cuộc sống đặt ra cho nó.

Tôi nghĩ rằng những người sử dụng mạng xã hội hiện nay vẫn còn thời gian từ nay cho đến lúc nó không còn là xu hướng nữa để rút ra trải nghiệm của mình.

Tôi chỉ cảnh báo một việc, trước khi có mạng xã hội chúng ta vẫn sống rất tốt, chúng ta vẫn có cách để biểu đạt quan điểm và bây giờ chúng ta có mạng xã hội, chúng ta có những tiện ích nhưng sự dễ dãi và tiện ích đó đang dần làm tha hóa hành vi sống của mỗi con người, theo hướng không phải là thiết yếu, quan trọng. Không phải hành vi nào trên mạng xã hội cũng là hữu ích, cũng mang lại ích lợi cho xã hội.

Đến một lúc nào đó, mỗi người sẽ tự đúc rút kinh nghiệm cho mình, cái này không ai dạy ai được cả.

Chặn thông tin xấu độc: Google, Youtube thực hiện tốt hơn Facebook 

Nhà báo Phạm Huyền: Trở lại với vai trò của cơ quan quản lý, liên quan đến vấn đề này, đầu năm nay, Facebook, Google, Youtube…đã đưa ra cam kết sẵn sàng hợp tác với Việt Nam để kiểm soát, chặn, gỡ bỏ thông tin xấu độc, vi phạm pháp luật. Ông đánh giá và kỳ vọng thế nào về kết quả của sự hợp tác này, góp phần làm lành mạng môi trường thông tin trên mạng xã hội?

Ông Nguyễn Thanh Lâm: Về vấn đề quản lý và hạn chế những tác động tiêu cực của mạng xã hội, trong đó, có một phần công việc phải ngăn chặn, loại bỏ những thông tin xấu độc, tin giả, tin thất thiệt, tin xúc phạm danh dự tổ chức cá nhân, vi phạm các quy định khác của pháp luật, phải nói rằng, công tác này đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt từ lãnh đạo cao cấp nhất của Chính phủ. 

Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo rất quyết liệt việc này đối với các bộ ngành liên quan, trong đó, đặc biệt có Bộ Thông tin và Truyền thông. Lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông đã rất quan tâm chỉ đạo công tác này.

Cho nên, thời gian vừa qua, công tác phòng chống những thông tin xấu độc, tiêu cực... từ mạng xã hội của các đơn vị chức năng như Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử, Cục An toàn thông tin, Cục Viễn thông, Thanh tra Bộ Thông tin và truyền thông... đã có những kết quả đáng ghi nhận, được báo chí phản ánh. 

Nói riêng về hợp tác của các nền tảng cung cấp nội dung thông tin công cộng xuyên biên giới như Google, Youtube, Facebook... trong việc chặn thông tin xấu độc, có vi phạm..., cho đến nay, tôi đánh giá sự hợp tác của Google và Youtube đối với những yêu cầu của cơ quan nhà nước Việt Nam đã ở mức khá tốt, thậm chí có lúc rất tốt. Bởi vì, họ hiểu tại sao chúng ta lại đề nghị họ làm những việc đó. Và những việc đó cũng đúng với những quan điểm, nguyên tắc của họ trong việc cần tạo ra một môi trường mạng lành mạnh, tối ưu hóa, lành mạnh hóa trải nghiệm của người sử dụng mạng.

Đối với Facebook, sự phối hợp bước đầu với Facebook cũng đã có, nhưng chúng tôi nghĩ, các bên vẫn cần thời gian để trao đổi, thuyết phục nhau, thậm chí có lúc sẽ phải đấu tranh. Hiện nay, Facebook vẫn có sự khác biệt trong việc phối hợp với các cơ quan của Việt Nam, như quan điểm cần phải ngăn chặn những thông tin gì, như thế nào.... Sự khác biệt đó đối với các cơ quan quản lý nhà nước của ta vẫn còn khá lớn.

Thực ra sự khác biệt là điều bình thường. Nhưng điều chúng tôi thấy rõ vừa qua là, trong cùng một loại việc, sự phối hợp của Youtube tốt hơn Facebook. Đối với Facebook, chúng tôi mất nhiều thời gian thuyết phục hơn, có những thông tin sai phạm, xấu độc..., Youtube đã hạ, đã chặn rồi nhưng Facebook lại không làm.

Ví dụ có những clip xấu độc của cùng những tài khoản, cùng những account, cùng những trang mà thực tế, đưa những tin không đúng sự thật, không có kiểm chứng nhằm mục đích gây rối xã hội của chúng ta.., khi Google phát hiện, họ ngăn chặn tương đối triệt để. Họ không chỉ chặn những clip đó, họ chặn cả việc chia sẻ doanh thu của những chủ tài khoản phát tán clip đó trên mạng.

Nhưng cùng một sự việc như vậy, khi những chủ thể bị chặn trên Youtube lại quay ra lập những fanpage ở trên Facebook thì để tiếp tục áp chế tài chặn những fanpage đó ở trên Facebook, chúng tôi mất nhiều thời gian, sức lực hơn để thuyết phục Facebook hợp tác.

Tôi hy vọng rằng trong thời gian tới câu chuyện quản lý trên mạng xã hội này sẽ có những bước tiến mới do các bên sẽ hiểu nhau hơn.

Ngoài ra, chúng ta cũng cần phải tiến hành các giải pháp khác đồng bộ khác. Làm sao để các công ty cung cấp nền tảng mạng xã hội toàn cầu hiểu rằng, khi đến Việt Nam, một quốc gia có một bề dày lịch sử văn hóa, với chế độ chính trị khác với họ, họ phải có sự lựa chọn phù hợp, tôn trọng quyền tự quyết và chủ quyền của quốc gia trong không gian mạng, tôn trọng và tuân thủ những khuyến cáo của nhà chức trách ở Việt Nam.

Tôi hy vọng việc đó sẽ được tiến hành tốt hơn trong thời gian tới với sự vào cuộc rất đồng bộ của các cơ quan quản lý, của cả xã hội và trong đó là truyền thông chính thống cũng như truyền thông xã hội nói chung đóng một vai trò rất quan trọng.

Chúng tôi rất mong là trên báo chí và trên truyền thông xã hội, mọi người hiểu được sự cần thiết của công tác này. Không phải nhìn theo cách nâng quan điểm, nhìn soi mói một cách thiếu thiện chí, dưới góc độ chính trị, cho rằng chúng ta hạn chế quyền tự do ngôn luận, tự do thông tin của người dân trên mạng xã hội. Hoàn toàn không phải như vậy.

Nhưng có một sự khác nhau rất lớn giữa việc biểu đạt chính kiến một cách hòa bình, có văn hóa, có trật tự với việc biểu đạt theo kiểu suy diễn, suy đoán, đặc biệt là những sự chụp mũ vấn đề nào đó, làm rối loạn tình hình.

Chúng ta đã thấy có bài học, khi cả xã hội "lên đồng" về một thông tin được đưa ra không đúng sự thật sẽ tạo ra hệ lụy vô cùng nguy hiểm, có thể ảnh hưởng đến an toàn tính mạng. Thế nên mới có câu chuyện, bỗng cả một đám người “lên đồng”, xông vào đánh oan một người phụ nữ vì tưởng là người đó buôn bán trẻ con, nhưng thực ra không phải. Cuối cùng, không ai chịu trách nhiệm cho việc đánh oan đó.

Những vấn đề đó cho thấy, mạng xã hội có những tác động tiêu cực cần phải tỉnh táo nhận thức rõ. Chúng ta cũng thấy có những thông tin được phát tán nhân chuyện nọ, chuyện kia, chẳng hạn như chuyện lợi dụng tự do tín ngưỡng tôn giáo để kêu gọi biểu tình trái pháp luật, xuyên tạc những chính sách chủ trương và những việc mà Đảng và Nhà nước đang làm ở vấn đề xử lý sự cố môi trường biển miền Trung chẳng hạn… Đó là những hành vi không chấp nhận được trên mạng xã hội, vi phạm pháp luật Việt Nam. Tôi nghĩ về lâu dài, cộng đồng cũng không ai chấp nhận những hành vi đó ở trên mạng.

Cho nên, chúng ta cần phải cùng nhau, đẩy nhanh được việc nâng cao nhận thức chung về vấn đề này, cùng nhau tìm ra được giải pháp chứ không phải ngồi đó mà chờ mọi việc tự nhiên tốt lên.

VietNamNet

Thực hiện: Phạm Huyền

Video: Bạt Tuấn- Duy Tiến

email: gocnhinthang@vietnamnet.vn

Quyền lực mềm trong thế giới mạng

Quyền lực mềm trong thế giới mạng

Chưa khi nào quyền lực mềm được thể hiện và cảm nhận rõ nhất như thời điểm này – khi mạng xã hội nở rộ.

Quyền được “quên” và thói quen “ném đá”

Quyền được “quên” và thói quen “ném đá”

Thế giới ảo đang ngày một đóng vai trò đáng kể cũng như ảnh hưởng quan trọng lên đời sống thực và những con người thực và điều này không hẳn lúc nào cũng tốt.

Giấy phép chơi đàn và chuyện ‘thiêu thân’ thế giới ảo

Giấy phép chơi đàn và chuyện ‘thiêu thân’ thế giới ảo

Những thông tin ta nhận được phản chiếu qua những tấm gương đa chiều. Chúng sẽ không hoàn thiện nếu thiếu sự tư duy của chủ thể, khiến nhiều cá thể đang tự biến mình thành thiêu thân của internet. 

Mạng xã hội, quyền lực và trò chơi

Mạng xã hội, quyền lực và trò chơi

Quyền lực đó không hề ảo, bởi thực tế một phó chủ tịch phường ở Văn Miếu phải mất chức, một bà mẹ phải xin lỗi cộng đồng bởi bênh con thái quá, trước áp lực truyền thông từ mạng xã hội.