– Dù đang giữ chức Trưởng phòng Quản lý chất thải rắn của Sở Tài nguyên – Môi trường (TN-MT) TP.HCM nhưng ông Nguyễn Trung Việt lại có cổ phần trị giá hơn 27 tỉ đồng trong một doanh nghiệp thuộc lĩnh vực ông quản lý.

>> Chuyện lạ:cấp phép cho nhà máy "ma"?
>> Ai đứng sau vụ cấp phép cho nhà máy "ma"?

Theo tài liệu PV VietNamNet thu thập được, tính đến thời điểm tháng 9/2010, ông Nguyễn Trung Việt có 2.730 cổ phần (1 cổ phần trị giá 1 triệu đồng) trong Công ty Cổ phần Môi trường (CPMT) Việt Úc.

Mối quan hệ “dắt dây”

Công ty CP MT Việt Úc có vốn điều lệ 70 tỉ đồng, trụ sở tại số 22 Trần Thiện Chánh, phường 12, Q.10, nhà máy đặt tại KCN Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, TP.HCM . Đây là một trong những đơn vị hành nghề thu gom và xử lý chất thải nguy hại tại (CTNH) có qui mô lớn tại TP.HCM.

Bà Nguyễn Thị Phương Loan, Giám đốc Công ty CPMT Việt Úc trước đây hiện là chủ sở hữu Công ty TNHH MTV Hà Lan, đơn vị vừa được Sở TN - MT cấp phép thành lập nhà máy “ma” mà VietNamNet đang đề cập. 


Ông Nguyễn Trung Việt, cán bộ Sở TN - MT là một trong 3 cổ đông sáng lập công ty CPMT Việt Úc, bà Nguyễn Thị Phương Loan, giám đốc công ty CP MT Việt Úc trước đây giờ là chủ sở hữu công ty TNHH MTV Hà Lan, đơn vị vừa được sở TN-MT cấp phép thành lập nhà máy "ma".

Giám đốc Công ty TNHH MTV Hà Lan hiện nay - ông Nguyễn Hồng Quang, trước đây là Phó giám đốc công ty CP MT Việt Úc.

Mối quan hệ giữa ông Nguyễn Trung Việt với những người đang điều hành Công ty TNHH Hà Lan hiện nay khiến cho những đơn vị đang hoạt động trong lĩnh vực vận chuyển - xử lý CTNH ở TP.HCM không thể không đặt câu hỏi về động cơ cấp phép tốc hành của Sở TN - MT cho đơn vị này.

Ép doanh nghiệp?

Như VietNamNet đã phản ánh, ngay sau khi được Sở TN-MT cấp phép hành nghề thu gom - xử lý CTNH, Công ty TNHH MTV Hà Lan đã gửi hàng loạt hợp đồng mời chào các doanh nghiệp chuyển giao chất thải cho mình xử lý, dù nhà máy của đơn vị này chỉ là xưởng xử lý dầu cặn…

“Nhiều người biết mối quan hệ của ông Việt, cán bộ Sở TN-MT với người của công ty Hà Lan nên không thể không e ngại. Tuy nhiên, công ty tôi do làm ăn với doanh nghiệp nước ngoài, các qui định về môi trường rất nghiêm ngặt nên không thể giao chất thải cho một nhà máy đang có những vấn đề như thế được”, chủ một doanh nghiệp nói.

Chúng tôi liên hệ với những doanh nghiệp đã ký hợp đồng chuyển giao CTNH cho công ty TNHH Hà Lan để tìm về việc có hay không chuyện bị “ép” ký hợp đồng? Song, các đơn vị này đều từ chối trả lời vì lý do “tế nhị”.

Tuy nhiên, với những đơn vị đang hành nghề vận chuyển – xử lý CTNH ở TP.HCM, sự ưu ái của Sở TN - MT trong việc Sở này cấp phép cho Công ty TNHH MTV Hà Lan đã tạo ra sự canh tranh không công bằng trong lĩnh vực này.


Một hồ sơ đăng ký gia hạn - điều chỉnh giấy phép vận chuyển CTNH, sau khi được Sở TN - MT cấp phép, bà Loan được doanh nghiệp trả khoảng 40 triệu đồng.

“Chúng tôi đã có giấy phép vận chuyển CTNH, chỉ xin Sở TN - MT cấp phép gia hạn nhưng mất mấy tháng rời ròng rã vẫn chưa xong. Trong khi đó, công ty Hà Lan mới vừa thành lập đã được cấp phép ngay. Việc gia hạn giấy phép chậm khiến công ty chúng tôi có nguy cơ bị cắt hết hợp đồng làm ăn …”, chủ một doanh nghiệp (xin giấu tên) phản ánh.

Qua tìm hiểu, chúng tôi phát hiện, ngoài sở hữu công ty TNHH MTV Hà Lan, với tư cách Giám đốc Trung tâm nghiên cứu ứng dụng về công nghệ và quản lý môi trường, bà Nguyễn Thị Phương Loan còn nhận làm hồ sơ đăng ký hành nghề vận chuyển CTNH cho các doanh nghiệp ở TP.HCM.

Một hồ sơ đăng ký gia hạn - điều chỉnh giấy phép vận chuyển CTNH, sau khi được Sở TN - MT cấp phép, bà Loan được doanh nghiệp trả khoảng 40 triệu đồng.

Trung Thanh – Nhật Tân – Ngân Thùy