Phát triển ngành công nghiệp lọc - hóa dầu là chủ trương đã có từ lâu của Nhà nước ta.Việc đầu tư xây dựng NMLD cho phép chúng ta chế biến dầu thô trong nước, đảm bảo từng bước về an ninh năng lượng, giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn cung cấp xăng dầu từ nước ngoài, góp phần vào sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.

Ngay từ cuối những năm 1970, sau khi có những hợp tác quan trọng với Liên Xô về lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí tại thềm lục địa phía Nam, Chính phủ đã chủ trương hình thành một chiến lược xây dựng ngành công nghiệp lọc - hóa dầu để phục vụ công cuộc phát triển đất nước. Dự án Liên hợp Lọc hóa dầu đầu tiên được hình thành năm 1977 hợp tác với Công ty Beicip của Pháp nghiên cứu thực hiện trên cơ sở nguồn tài trợ từ Quỹ UNICO, dự kiến đặt tại Nghi Sơn - Thanh Hóa với công suất 6 triệu tấn/năm, sản xuất nhiên liệu và một số loại sản phẩm hóa dầu. Năm 1979, dự án đã dừng lại vì gặp khó khăn về nguồn vốn.


Nhà máy lọc dầu Dung Quất đã đi vào hoạt động được hơn 2 năm.

Đầu những năm 1980, theo Hiệp định hợp tác Kinh tế - Khoa học kỹ thuật giữa hai nước Việt Nam và Liên Xô, hai bên đã thống nhất địa điểm xây dựng khu Liên hợp lọc - hóa dầu tại thành Tuy Hạ, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai. Khu Liên hợp lọc - hóa dầu dự kiến được đầu tư xây dựng trong 2 giai đoạn, giai đoạn 1 sẽ xây dựng một nhà máy lọc dầu với một dây chuyền chế biến dầu thô công suất 3 triệu tấn/năm. Giai đoạn 2 dự kiến đầu tư thêm một dây chuyền chế biến dầu thô để nâng công suất lọc dầu lên 6 triệu tấn/năm và hình thành một khu hóa dầu sản xuất chất dẻo, sợi tổng hợp và một dây chuyển sản xuất phân đạm (Urê). Tổng vốn đầu tư cho cả hai giai đoạn vào khoảng 3 tỷ Rúp chuyển nhượng.
 
Năm 1986, Viện Nghiên cứu thiết kế lọc hóa dầu Liên Xô đã hoàn thành việc lập Luận chứng nghiên cứu khả thi. Đầu những năm 1990, việc giải phóng một phần của 3.000 ha mặt bằng và khảo sát địa chất sơ bộ, chuẩn bị các điều kiện phụ trợ để xây dựng khu Liên hợp đã được phía Việt Nam tiến hành. Lúc này, phía Liên Xô cũng đã thực hiện xong thiết kế cơ sở và chuẩn bị các điều kiện đầu tư cho dự án. Tuy nhiên do tình hình chính trị và thể chế của Liên Xô thay đổi nên dự án khu Liên hợp lọc - hóa dầu tại thành Tuy Hạ không tiếp tục triển khai được theo hướng ban đầu.

Năm 1992, Chính phủ chủ trương mời một số đối tác nước ngoài liên doanh đầu tư xây dựng Nhà máy lọc dầu, trong đó có Liên doanh Petrovietnam với Tập đoàn Total (Pháp) cùng CPC (Chinese Petroleum Corp) và CIDC (Chinese Investment Development Corp) là hai công ty của Đài Loan. Trong quá trình chuẩn bị dự án, đã có nhiều ý kiến khác nhau của các bên về địa điểm đặt nhà máy, cụ thể Total đề xuất địa điểm xây dựng NMLD tại Long Sơn, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Tháng 02/1994, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Tổng công ty Dầu khí Việt Nam ( nay là Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam) làm việc với các đối tác nước ngoài gồm Total (Pháp), CPC và CIDC (Đài Loan) lập Báo cáo nghiên cứu khả thi chi tiết Nhà máy lọc dầu số 1 với vị trí dự kiến đặt tại Đầm Môn, vịnh Văn Phong, tỉnh Khánh Hòa.

Trong quá trình nghiên cứu tiếp theo, do vẫn có một số quan điểm khác nhau về địa điểm đặt nhà máy nên Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ Xây dựng chủ trì phối hợp với các bộ ngành liên quan trong đó có Tổng Công ty dầu khí Việt Nam tiếp tục nghiên cứu và báo cáo đầy đủ về các yếu tố địa hình địa chất, tính toán toàn diện các mặt lợi ích kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng của các địa điểm dự kiến xây dựng Nhà máy lọc dầu số 1 tại: Nghi Sơn (Thanh Hoá); Hòn La (Quảng Bình);Dung Quất (Quảng Ngãi);Văn Phong (Khánh Hoà); Long Sơn (Vũng Tàu).
 
Ngày 19/9/1994, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã trực tiếp thị sát khu vực vịnh Dung Quất - Quảng Ngãi và chỉ thị cho các bộ, ngành liên quan phối hợp với UBND tỉnh Quảng Ngãi tiếp tục khảo sát và lập quy hoạch Khu Công nghiệp tập trung, NMLD số 1 và Cảng nước sâu Dung Quất (nay là Khu Kinh tế Dung Quất). Sau khi xem xét những kết quả khảo sát khoa học thu được và quy hoạch sơ bộ, ngày 09/11/1994, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định về địa điểm xây dựng Nhà máy lọc dầu số 1 và quy hoạch Khu kinh tế trọng điểm miền Trung, trong đó chính thức chọn Dung Quất - Quảng Ngãi làm địa điểm xây dựng Nhà máy lọc dầu số 1.
 
Việc lập Luận chứng nghiên cứu khả thi chi tiết của dự án được Tổ hợp gồm PetroVietnam, Total, CPC và CIDC tiếp tục thực hiện. Tuy nhiên đến tháng 9/1995, Total xin rút khỏi dự án do không đạt được thỏa thuận về địa điểm đặt nhà máy. Để tiếp tục triển khai dự án, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Tổng công ty dầu khí Việt Nam đã khẩn trương soạn thảo và trình Chính phủ phê duyệt hướng dẫn đầu bài Nhà máy lọc dầu số 1 và mời các đối tác khác thay thế Total tham gia dự án.
 
Ngày 15/02/1996, Tổng công ty Dầu khí Việt Nam và các đối tác nước ngoài là LG (Hàn Quốc), Stone & Webster (Mỹ), Petronas (Malaysia), Conoco (Mỹ), CPC và CIDC (Đài Loan) đã ký tắt thỏa thuận lập Luận chứng khả thi chi tiết Nhà máy lọc dầu số 1. Ngày 05/03/1996, lễ ký chính thức thỏa thuận lập Báo cáo DFS để góp vốn đầu tư Nhà máy lọc dầu số 1 được tiến hành. Tỷ lệ góp vốn của các bên tham gia dự án như sau: Tổng công ty Dầu khí Việt Nam 30%; LG 27%, Stone & Webster 3%, Petronas 15%, Conoco 15%; CPC 9% và CIDC 1%.

Sau khi ký thỏa thuận lập Luận chứng nghiên cứu khả thi chi tiết dự án, tổ hợp bao gồm PetroVietnam và các bên nước ngoài đã khẩn trương triển khai công việc. Trong thời gian từ 15/02/1996 đến 15/8/1996, Luận chứng nghiên cứu khả thi chi tiết đã được thực hiện với sự tham gia của các bên và các Tư vấn kỹ thuật,, Tư vấn Cảng, Tư vấn Tài chính và Tư vấn Luật.
 
Theo hướng dẫn đầu bài được Chính phủ phê duyệt, Nhà máy lọc dầu số 1 sẽ được xây dựng tại Dung Quất, thuộc địa bàn 2 xã Bình Trị và Bình Thuận, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Với hình thức đầu tư liên doanh, nhà máy sẽ chế biến một hỗn hợp 6,5 triệu tấn dầu ngọt và dầu chua/năm; trong đó lượng dầu ngọt Việt Nam là chủ yếu, để cho ra sản phẩm chính là nhiên liệu phục vụ giao thông và công nghiệp.


Ngày 6/1/2011, nhà máy lọc dầu Dung Quất chính thức khánh thành
 
Luận chứng nghiên cứu khả thi đã đưa ra 50 phương án đầu tư để xem xét, với chỉ số thu hồi nội tại IRR (Internal Rate of Return) của các phương án từ 8 - 11% và tổng vốn đầu tư khoảng 1,7 đến 1,8 tỷ USD. Luận chứng nghiên cứu chi tiết đã được các bên hoàn thành đúng tiến độ và trình Chính phủ Việt Nam phê duyệt vào tháng 11/1996.

Tuy nhiên, kết quả của Luận chứng nghiên cứu khả thi chi tiết cho thấy dự án - với các thông số theo hướng dẫn của đầu bài - đòi hỏi vốn đầu tư cao, không thỏa mãn hiệu quả kinh tế và tiềm ẩn khó khăn trong việc thu xếp tài chính.

Phía nước ngoài đã đề nghị Chính phủ Việt Nam hỗ trợ bằng cách cho phép dự án được hưởng một số ưu tiên, ưu đãi không nằm trong quy định của hướng dẫn đầu bài như các ưu đãi đặc biệt về thuế, vấn đề bù lỗ cho dự án và cho phép phía nước ngoài tham gia thị trường phân phối sản phẩm. Đề nghị này không được Chính phủ Việt Nam phê chuẩn, vì vậy cuối năm 1996 phía đối tác nước ngoài xin rút khỏi dự án.

Sau khi các đối tác nước ngoài rút khỏi dự án, theo chỉ đạo của Chính phủ, Tổng công ty dầu khí Việt Nam tiếp tục lập Luận chứng nghiên cứu khả thi chi tiết Dự án NMLD số 1 theo phương án Việt Nam tự đầu tư. Luận chứng nghiên cứu khả thi được thực hiện trong thời gian từ tháng 01/1997 đến hết tháng 3/1997 với sự tham gia của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giao thông - Vận tải, Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính, Bộ Khoa học - Công Nghệ & Môi trường, Bộ Quốc phòng, Bộ Công nghiệp, Văn phòng Chính phủ và UBND tỉnh Quảng Ngãi.
 
Được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, để đảm bảo khách quan và độ tin cậy của Luận chứng nghiên cứu khả thi, Tổng công ty dầu khí Việt Nam đã thuê Công ty Foster Wheeler Energy Limited của Anh và UOP (Universal Oil Products) của Hoa Kỳ làm tư vấn trong quá trình xây dựng Luận chứng.
 
Ngày 10/7/1997 Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định 514/QĐ-TTg phê duyệt dự án Nhà máy lọc dầu số 1 - Dung Quất theo hình thức Việt Nam tự đầu tư với công suất chế biến 6,5 triệu tấn dầu thô/năm, tổng vốn đầu tư 1,5 tỷ USD, bao gồm cả chi phí tài chính. Tổng Công ty dầu khí Việt Nam được Chính phủ giao làm Chủ đầu tư của dự án.
Ngay sau khi có Quyết định 514/QĐ-TTg, Tổng công ty dầu khí Việt Nam đã thành lập Ban QLDA NMLD số 1 để thay mặt Chủ đầu tư triển khai dự án. Một số công việc đã được Ban QLDA NMLD số 1 khẩn trương triển khai như thuê tư vấn khảo sát địa hình, địa chất mặt bằng xây dựng nhà máy; lập hồ sơ mời thầu lựa chọn nhà bản quyền công nghệ; tổ chức đấu thầu lựa chọn tư vấn quản lý dự án; thực hiện các công trình xây dựng cơ bản như bến cảng số 1, đường giao thông, chuẩn bị mặt bằng v.v.
 
Ngày 08/01/1998, Lễ động thổ xây dựng Nhà máy lọc dầu số 1 đã được tiến hành tại xã Bình Trị, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Nhà máy lọc dầu số 1 là dự án trọng điểm quốc gia, lần đầu tiên thực hiện tại Việt Nam, có yêu cầu về kỹ thuật công nghệ rất hiện đại và phức tạp, vốn đầu tư lớn, vì vậy trong quá trình triển khai dự án, Chính phủ vẫn chủ trương chỉ đạo Tổng Công ty dầu khí Việt Nam tiếp tục tìm kiếm sự hợp tác đầu tư của nước ngoài.
 
Năm 1998, trong lúc PetroVietnam đang triển khai dự án thì cuộc khủng hoảng kinh tế khu vực Châu Á diễn ra nhanh trên diện rộng với những ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến nền kinh tế của một số nước trong khu vực. Việt Nam tuy không bị ảnh hưởng nhiều song khả năng huy động vốn để thực hiện dự án xây dựng NMLD số 1 dự báo sẽ gặp khó khăn. Trước tình hình đó, Chính phủ đã quyết định chọn đối tác nước ngoài để đầu tư thực hiện dự án theo hình thức liên doanh.

Ngày 25/8/1998, Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Liên bang Nga đã ký Hiệp định Liên Chính phủ về việc xây dựng, vận hành Nhà máy lọc dầu số 1 tại Dung Quất. Theo đó, hai Chính phủ thống nhất giao cho Tổng công ty dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) và Liên đoàn kinh tế hải ngoại Nhà nước Liên bang Nga (Zarubezhneft) cùng làm Chủ đầu tư của dự án.

Ngày 19/11/1998, hai phía đã thỏa thuận thành lập Liên doanh xây dựng và vận hành NMLD để trực tiếp thực hiện công tác quản lý xây dựng và vận hành Nhà máy lọc dầu Dung Quất. Thời gian hoạt động của Liên doanh dự kiến là 25 năm.

Ngày 28/12/1998, Công ty Liên doanh Nhà máy lọc dầu Việt - Nga (Vietross) chính thức được thành lập theo Giấy phép đầu tư số 2097/GP-KHĐT của Bộ Kế hoạch và Đầu tư nước CHXHCN Việt Nam.

Theo Quyết định 560/CP-DK ngày 21/6/2001 của Chính phủ, tổng mức đầu tư cho dự án là 1,297 tỷ USD không bao gồm phí tài chính. Trong đó vốn pháp định là 800 triệu USD, chưa tính chi phí lãi vay trong thời gian xây dựng và một số khoản chi phí của chủ đầu tư, chi phí bảo hiểm, chi phí xây dựng cảng, chi phí thuê đất và một số hạng mục chưa đầu tư.

Tỷ lệ góp vốn của hai phía Việt Nam và Liên bang Nga là 50/50. Việc liên doanh với Nga đã giải quyết được hai vấn đề lớn đó là kêu gọi được nguồn vốn đầu tư và huy động được các chuyên gia có kinh nghiệm để thực hiện dự án.

Trong giai đoạn Liên doanh từ 1999 - 2003, dự án NMLD Dung Quất được chia làm 8 gói thầu, trong đó có 7 gói thầu EPC riêng biệt (thiết kế, mua sắm, xây lắp) và 1 gói thầu san lấp mặt bằng nhà máy, bao gồm như sau: Gói thầu EPC số 1 gồm các phân xưởng công nghệ, năng lượng phụ trợ và các hạng mục trong hàng rào nhà máy; Gói thầu EPC số 2 gồm khu bể chứa dầu thô; Gói thầu EPC số 3 gồm hệ thống ống dẫn sản phẩm, khu bể chứa sản phẩm, hệ thống xuất sản phẩm bằng đường biển và đường bộ; Gói thầu EPC số 4 gồm hệ thống nhập dầu thô, phao rót dầu một điểm neo (SPM) và hệ thống ống ngầm dẫn dầu thô đến khu bể chứa dầu thô; Gói thầu EPC số 5A là đê chắn sóng; Gói thầu EPC số 5B là cảng xuất sản phẩm; Gói thầu số 6, san lấp mặt bằng nhà máy; Gói thầu EPC số 7, xây dựng khu nhà hành chính, điều hành.
 
Công ty Liên doanh Vietross đã tiến hành đấu thầu, đàm phán và ký kết và triển khai được 7/8 gói thầu, trừ gói thầu EPC 1 - Gói thầu quan trọng nhất của dự án. Liên doanh cũng đã thu xếp đủ vốn cho dự án từ nguồn tín dụng của hai phía, đồng thời hoàn thành được một số hạng mục xây dựng cơ bản, ổn định cơ sở vật chất, phương tiện và các điều kiện làm việc của CBCNV; thiết lập cơ cấu tổ chức, bộ máy nhân sự, điều hành; ban hành các nội quy, quy trình và quy chế hoạt động v.v.

Trong quá trình Liên doanh Vietross đàm phán hợp đồng EPC 1 với Tổ hợp nhà thầu Technip (Pháp), JGC (Nhật Bản), Tecnicas Reunidas (Tây Ban Nha), có những vấn đề phức tạp nảy sinh khiến cho tiến độ công việc kéo dài. Hai bên trong Liên doanh không đạt được sự đồng thuận đối với một số vấn đề quan trọng như việc thuê tư vấn quản lý dự án, quyết định sử dụng các nhà thầu phụ, các nhà cung cấp thiết bị, phương án phân phối sản phẩm và một số giải pháp hoàn thiện cấu hình công nghệ, nâng cao chất lượng và chủng loại sản phẩm của nhà máy v.v. Do vậy hai bên đã đề nghị Chính phủ hai nước quyết định chấm dứt Liên doanh. Phía Nga chấp thuận phương án rút khỏi dự án để chuyển giao lại toàn bộ quyền lợi và nghĩa vụ của mình trong Liên doanh Vietross sang phía Việt Nam.

Sau khi phía Nga rút khỏi Liên doanh Vietross, dự án xây dựng NMLD Dung Quất trở lại với phương án tự đầu tư. Chính phủ đã giao cho Tổng công ty dầu khí Việt Nam tiếp tục triển khai thực hiện dự án Nhà máy lọc dầu Dung Quất. Ngày 12 tháng 02 năm 2003, Tổng công ty dầu khí Việt Nam đã thành lập Ban QLDA NMLD Dung Quất để triển khai dự án xây dựng NMLD theo phương án Việt Nam tự đầu tư.

Sau khi trở lại hình thức tự đầu tư, Ban QLDA NMLD Dung Quất đã tập trung thực hiện những nhiệm vụ chủ yếu như giải quyết các vấn đề pháp lý của các hợp đồng sau khi chấm dứt Liên doanh, kiện toàn bộ máy tổ chức và ổn định tư tưởng của cán bộ công nhân viên, tiếp tục đàm phán hợp đồng EPC 1; tập trung giải quyết những phát sinh, vướng mắc về kỹ thuật, công nghệ và tài chính của các gói thầu EPC 5A, EPC 5B, EPC 7; lập kế hoạch đào tạo tổng thể và chuẩn bị sản xuất v.v.

Để đảm bảo công tác quản lý, giám sát dự án trong điều kiện ta chưa có kinh nghiệm về xây dựng NMLD, Chính phủ cho phép PetroVietnam ký hợp đồng tư vấn quản lý, giám sát và vận hành chạy thử NMLD Dung Quất. Ngày 24/10/2003, Hợp đồng PMC (Tư vấn quản lý, giám sát, vận hành thử nhà máy) đã được PetroVietnam ký kết với Công ty Stone & Webster (Vương quốc Anh).

Do bổ sung hai phân xưởng công nghệ xử lý LCO bằng Hyđrô và Izome hóa vào cấu hình nhà máy nên thiết kế tổng thể FEED do Tư vấn Foster Wheeler lập trước đây cần phải điều chỉnh và phát triển cho phù hợp. Ngày 18/02/2004, HĐQT Tổng công ty Dầu khí Việt Nam đã phê duyệt Hợp đồng phát triển thiết kế tổng thể (FDC) được ký giữa PetroVietnam và Tổ hợp Nhà thầu Technip.

Bên cạnh đó, 4 gói thầu EPC quan trọng nhất trước đây (EPC 1, 2, 3 và 4) đã được tập trung vào một hợp đồng để đàm phán và ký kết với Tổ hợp Nhà thầu Technip, như vậy toàn bộ công tác thiết kế, mua sắm, lắp đặt, chạy thử, chạy nghiệm thu nhà máy đều do Tổ hợp Technip tiến hành đồng bộ, đảm bảo tiến độ và chất lượng của nhà máy, tạo điều kiện thuận lợi cho Chủ đầu tư trong công tác quản lý, giám sát triển khai dự án.
Sau một thời gian tích cực đàm phán, ngày 17/5/2005 Hợp đồng EPC 1+4 đã được ký kết giữa PetroVietnam và Tổ hợp nhà thầu Technip gồm Công ty Technip France (Pháp), Technip Geoproduction (Malaysia), JGC (Nhật Bản), Tecnicas Reunidas (Tây Ban Nha) thực hiện, trong đó Technip France đứng đầu. Ngày 25/6/2005, Hợp đồng EPC 1+4 bắt đầu có hiệu lực.

Ngày 24/8/2005, Hợp đồng EPC 2+3 bao gồm khu bể chứa dầu thô, đường ống dẫn sản phẩm, khu bể chứa và cảng xuất sản phẩm được PetroVietnam ký kết với Tổ hợp nhà thầu Technip.  Ngày 21/9/2005 hợp đồng EPC 2+3 có hiệu lực. Trước đó, ngày 17/6/2005 Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 546/QĐ-TTg về việc điều chỉnh Dự án đầu tư NMLD Dung Quất. Tổng mức đầu tư của dự án theo Quyết định 546/QĐ-TTg là 2,501 tỷ USD chưa bao gồm chi phí tài chính.

Ngày 28/11/2005, Lễ khởi công các gói thầu EPC 1+2+3+4 được Tổ hợp Nhà thầu Technip phối hợp với PetroVietnam tổ chức tại công trường.

Kể từ cuối năm 2005, công tác thiết kế được tiến hành đồng bộ tại 4 trung tâm lớn của Tổ hợp nhà thầu ở Paris (Pháp), Yokohama (Nhật), Madrid (Tây Ban Nha) và Kulalumpua (Malaysia). Việc đặt hàng các hạng mục thiết bị quan trọng, cần có thời gian chế tạo dài ngày cũng đã được tiến hành. Cũng trong thời gian này, việc xử lý mặt bằng nhà máy và khởi công xây dựng các hạng mục phụ trợ, kết cấu hạ tầng phục vụ công tác thi công được Tổ hợp nhà thầu và các nhà thầu phụ tiến hành khẩn trương.

Quá trình thực hiện dự án đã gặp rất nhiều khó khăn, thử thách liên quan đến thiết kế kỹ thuật, thời tiết, điều kiện địa chất, thị trường và nguồn nhân lực. Đây cũng là lần đầu tiên chúng ta xây dựng một nhà máy lọc hóa dầu với công nghệ rất hiện đại, tổng mức đầu tư lớn nhất so với các dự án trọng điểm quốc gia khác. Tuy nhiên, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Trung ương, sự phối hợp chặt chẽ của tỉnh Quảng Ngãi, cộng với những nỗ lực vượt bậc của chủ đầu tư cùng hàng vạn cán bộ, kỹ sư, chuyên gia, công nhân thuộc các nhà thầu trong nước và quốc tế, NMLD Dung Quất đã được xây dựng hoàn thành và đưa vào vận hành đúng tiến độ, cho ra dòng sản phẩm thương mại đầu tiên vào ngày 22/2/2009.

Ngày 30/5/2010, dự án NMLD Dung Quất chính thức được bàn giao từ Tổ hợp Technip sang cho chủ đầu tư, kết thúc giai đoạn xây dựng và vận hành chạy thử và nghiệm thu nhà máy.

Còn tiếp...


  • Trần Thanh Thủy (từ Dung Quất)